Mauro Giuliani với cây đàn Guitar

23/01/2015

Khi đề cập tới âm nhạc cổ điển TK XVIII người ta thường nhắc tới các nhạc sĩ C.W. Gluck, W.A. Moda, L.V. Beethoven... với các thể loại âm nhạc kinh điển như nhạc kịch, giao hưởng, nhạc thính phòng, hợp xướng, ca khúc. Bên cạnh các nhạc sĩ nổi tiếng, còn có nhiều nghệ sĩ đã lĩnh hội được những thành tựu chung của âm nhạc cổ điển Viên và biết thổi vào cây đàn guitar một sức sống mới, tạo tiền đề cho sự thể hiện phong phú về khả năng của nhạc cụ. Mauro Giuliani chính là một trong số nghệ sĩ đó.

Mauro Giuliani sinh 27-7-1781 tại Bisceglie. Học guitar, cello, flute, nhưng ông đã chọn và gắn bó cả cuộc đời nghệ sĩ với cây guitar. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu thực hiện những cuộc biểu diễn, đầu tiên là ở Ý, sau đó đến Pháp.

Năm 1806, ông biểu diễn và giảng dạy guitar tại Viên, Áo. Tại đây, với tài biểu diễn guitar, ông được so sánh ngang với các nghệ sĩ hàng đầu của Viên như I.Hummel, J.Haydn… Bên cạnh đó, ông cũng đào tạo được những học trò xuất sắc như F.Horecki , Ya.N. Bobrovitra…

Năm 1819, M.Giuliani trở về Roma và có những buổi biểu diễn cùng với Rossini, Paganini. Những thành công rực rỡ của ông trong các buổi hòa nhạc cho guitar và dàn nhạc, đã chứng minh cây đàn guitar có vị trí bình đẳng như các nhạc cụ cello, violin, piano trên cả lĩnh vực độc tấu và hòa tấu. Có lần nghe M.Giuliani biểu diễn, Beethoven đã từng thốt lên: guitar với M.Giuliani là một dàn nhạc nhỏ.

Số lượng tác phẩm của ông xuất hiện ở Viên khoảng 300 bản, bao gồm: 3 concerto cho guitar và dàn nhạc, sonat, biến tấu, scherzo, divertissement, etude, những thể loại dành cho nhạc cụ đương thời của các nhạc sĩ Viên. Ngoài ra ông còn viết phương pháp học guitar.

Năm 1821, M.Giuliani trở lại Italy và định cư ở Rome. Trong sự nghiệp, ông đã lưu diễn nhiều nơi trên thế giới như Đức, Ba Lan, Nga và Anh… Ông mất ngày 8-5-1829 tại Naples.

Sống ở nửa sau TK XVIII và nửa đầu TK XIX, M.Giuliani vừa kế thừa những thành tựu âm nhạc của trường phái cổ điển Viên, vừa chuẩn bị những bước đi đầu tiên cho sự chuyển mình của cây đàn guitar để khẳng định tính bác học chuyên nghiệp của nhạc cụ này tại châu Âu. Đây chính là nền tảng vô cùng quan trọng giúp người nghệ sĩ có sự sáng tạo, phát triển những đặc trưng vô cùng phong phú ẩn chứa ở cây đàn. Những phẩm chất đó đã đưa guitar trở thành một trong những nhạc cụ có tầm phổ biến rộng rãi và có tính chuyên nghiệp bác học trên toàn thế giới.

Trong các sáng tác, M.Giuliani đã thể hiện rõ sự lĩnh hội những đặc trưng của âm nhạc cổ điển Viên. Phần lớn tác phẩm của ông được viết ở dạng chủ điệu, cấu trúc cân đối, hài hòa, khi trình bày thì giai điệu luôn được tôn trọng, phân câu rõ ràng, giai điệu thường liền bậc, ít có những quãng nhảy như âm nhạc thời kỳ đầu của phong cách cổ điển Viên. Tuy nhiên, sự nghiêm khắc này không làm ảnh hưởng đến nội dung tư tưởng và tính biểu cảm của giai điệu. Trên cây đàn guitar, yếu tố tiếp xúc trực tiếp giữa ngón tay và dây đàn là một thế mạnh rất quan trọng, tạo nên sự biến hóa phong phú về mọi mặt khi thể hiện tác phẩm. Do đó, khi biểu diễn tác phẩm của ông, ở mỗi người, với những đặc điểm tự nhiên (độ dài ngắn, khỏe yếu, sự mẫn cảm của bàn tay), tri thức, cá tính, tâm hồn…. đã tạo nên chất lượng âm thanh riêng. Hay, thậm chí cùng một người với những lần biểu diễn khác nhau cũng tạo nên sự khác biệt trong cách thể hiện tác phẩm. Rõ ràng, sự tiếp xúc trực tiếp giữa ngón gảy và dây đàn có thể khắc họa rõ những thay đổi, nét cá tính trong mỗi người chơi, thậm chí những thay đổi nhỏ nhất diễn ra ngay trong lúc đang trình diễn tác phẩm. Qua các tác phẩm của ông, người chơi thấy rõ điểm độc đáo của sự dung hòa giữa cái chặt chẽ, nghiêm khắc, bác học, khuôn mẫu cổ điển với sự phong phú, đa dạng về màu sắc và khả năng biểu cảm.

M.Giuliani vừa là nhạc sĩ sáng tác, vừa là nghệ sĩ biểu diễn guitar nổi tiếng thế giới. Với sự am hiểu tinh thông về cây đàn, ông đã kết hợp, phát triển nhuần nhuyễn giữa những chuẩn mực mang tính bác học, triết lý nghiêm khắc trong thành tựu rực rỡ của âm nhạc cổ điển với khả năng thể hiện phong phú (nhưng chưa được khai thác nhiều) để tạo thành thế mạnh của nhạc cụ. Đó cũng chính là một trong những yếu tố giúp guitar khẳng định tính bác học chuyên nghiệp, và có được vị trí trong những nhạc cụ hàng đầu của thời kỳ này.

Khác với sự đa dạng về giọng điệu sử dụng trong các sáng tác cho nhạc cụ khác như piano, violon…, tác phẩm của M.Giuliani chỉ tập trung chủ yếu vào các điệu thức C-dur, D-dur, G-dur, A-dur, E-dur. Đây là các giọng phù hợp để khai thác tốt giai điệu, hòa âm, và tính năng của cây đàn guitar. Bên cạnh đó cũng có lúc sử dụng những điệu thức thứ song song của các giọng trên, nhưng rất ít so với các giọng trưởng. Nội dung các tác phẩm thường thể hiện tư tưởng lạc quan, tin vào chiến thắng như đại đa số nhạc sĩ của thời kỳ này. Điều đó được thể hiện rõ nét ở phần kết của các tác phẩm, sự chuyển động giai điệu ngày càng mạnh mẽ dần lên và thường kết thúc bằng các hợp âm trưởng ở các cao độ khác nhau, tạo cảm giác rộng lớn, hoành tráng và đầy niềm tin.

Về mặt hòa âm, ông thường chú trọng tới các quãng, sử dụng nhiều kỹ thuật chạy hợp âm liên tục. Với việc góp mặt đầy đủ của các âm 1, 3, 5 trong hợp âm tạo nên sự chuyển động âm thanh luôn tròn đầy, giai điệu thường đặt trên phông nền đa dạng của hòa âm, được phát triển và giải quyết theo phong cách cổ điển mẫu mực.

Về kỹ thuật, M.Giuliani thường xuyên khai thác 12 phím trên cần đàn với các kỹ thuật luyến, stacato, chạy câu, chạy móc giật, có lúc chạy móc tam (dạng tốc độ rất nhanh và phức tạp đối với người chơi đàn guitar). Tempo chủ yếu của thời kỳ này là Allegro cũng được ông đưa vào hầu hết các tác phẩm, để khẳng định trình độ chơi guitar đã đạt đến mặt bằng chung về kỹ thuật so với các nhạc cụ hàng đầu khác. Bên cạnh việc áp dụng các thành tựu âm nhạc cổ điển, M.Giuliani còn có nhiều ứng dụng linh hoạt trong tác phẩm trên cơ sở giữ được những nguyên tắc nghiêm khắc, bác học, mẫu mực mà vẫn khai thác hiệu quả tính năng nhạc cụ. Có thể nói, đây là những bước đầu tiên đặt nền móng cho thời kỳ tiếp theo, mà ở đó, tính năng cây đàn được khai thác mạnh mẽ, phục vụ cho nội dung tư tưởng, nội tâm phức tạp cũng như ngôn ngữ của chủ nghĩa âm nhạc lãng mạn.

Trong các tác phẩm âm nhạc của trường phái cổ điển, cách phát triển, giải quyết hòa âm đều phải dựa trên những quy luật chặt chẽ, nghiêm khắc, đặc biệt là hợp âm kết cuối cùng của các tác phẩm đều phải về hợp âm giọng chủ ở dạng nguyên gốc (T). Tuy nhiên, trong nhiều tác phẩm, điển hình là Sonate brillant (op.15), M.Giuliani lại sử dụng kết bằng hợp âm chủ đảo 1 (T6). Hiệu quả thực tế của việc kết T6 trên đàn guitar trong trường hợp này vẫn tạo cho người nghe cái kết bình ổn như là về hợp âm nguyên gốc, thậm chí còn hơn thế, bởi do tận dụng được âm thanh cả 6 dây đàn, nên hòa âm có độ dày, trầm, tròn, tạo cảm giác hoành tráng. Để về kết T6, ông đã thêm vào trước đó 2 lần hợp âm T (đô trưởng) tạo cho người nghe có cảm giác về hợp âm chủ bình ổn, rồi mới kết bằng hợp âm T6. Bên cạnh đó, cách kết này, M.Giuliani áp dụng với gam đô trưởng càng thể hiện sự am hiểu ông về cây đàn cũng như về lý thuyết âm nhạc, đồng thời là dấu ấn thể hiện mong muốn tự do, đề cao tính năng riêng biệt của nhạc cụ, giải phóng khỏi quy tắc khắt khe của trường phái cổ điển, hướng đến một giai đoạn mới với những thành tựu rực rỡ trong sự phát triển của guitar.

TK XVIII, hình thức lớn nhất, đủ khả năng thể hiện nội tâm tư tưởng phức tạp, tính triết lý chính là giao hưởng đã được J. Haydn sáng tạo nên, còn W.A. Mozart mới là người có công lớn trong việc xây dựng thể loại nhạc concerto. Concerto có những nét giống giao hưởng. Xét về mặt ý tưởng, concerto thường không nặng tính triết lý như giao hưởng, nó thường đề cao khả năng diễn tấu của nhạc cụ solo. Trong concerto thường có các cơ hội cho nghệ sĩ solo thể hiện tài năng diễn tấu với những trường đoạn yêu cầu kỹ thuật cao. Hiện nay, concerto được biểu diễn và ưa thích trên toàn thế giới.

M.Giuliani viết 3 concerto: Concerto in A-dur (op.30), Deuxième grand concerto (Op.36), Troisième grand concerto (op.70). Concerto in A-dur (op.30) là một trong những tác phẩm đầu tiên viết ở hình thức concerto trong lịch sử guitar. Đây là tác phẩm được những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đưa vào chương trình biểu diễn của mình, và được công chúng đón nhận nồng nhiệt cho đến ngày nay. Tuy là tác phẩm sáng tác đầu tiên ở hình thức này, nhưng đã hàm chứa tất cả kỹ thuật hai tay mà trong những sáng tác sau này của ông đều có. Độ khó kỹ thuật hòa với đường nét giai điệu giàu cảm xúc, lúc hoành tráng, lúc mượt mà, trôi chảy, lôi cuốn người nghe, và cũng cuốn hút chính những nghệ sĩ biểu diễn guitar. Tác phẩm gồm 3 chương:

Chương I Allegro maestoso viết ở giọng A-dur có âm hưởng rộng rãi, tràn đầy, chủ đề được trình bày bằng dàn nhạc và sau đó, guitar đáp lời. Lối viết phát triển như vậy sẽ xuất hiện rất nhiều trong các bản concerto viết cho guitar được sáng tác sau này. Ngay trong chương I, đã có hai đoạn cả dàn nhạc nghỉ để guitar phô diễn kỹ thuật (cadenza).

Chương II Andantino (siciliana) gồm phần đầu e-moll tạo cảm giác buồn miên man, nhưng vẫn mang tính nhịp điệu. Đoạn sau chuyển sang G-dur đem lại cảm giác sáng sủa và có niềm tin, ly điệu một chút qua B-dur rồi lại về G-dur. Phần sau chuyển sang và kết ở giọng E-dur với ý nghĩ những nỗi buồn rồi sẽ qua đi, niềm vui lạc quan lại đến, đồng thời cũng là sự chuẩn bị theo phong cách cổ điển cho chương III.

Chương III Allegretto (polonaise) trở về A-dur. Đây là chương nhạc viết dựa trên điệu nhảy Polonaise của Balan, giai điệu rộn ràng, đôi lúc mạnh mẽ. Giữa bài có ly điệu qua a-moll, có thể coi đây là chiếc cầu nối đưa âm nhạc trở về giọng điệu ưa dùng là C-dur. Kết cuối cùng mang âm hưởng hoành tráng với giọng A-dur.

Ngoài việc sáng tác các tác phẩm, M.Giuliani còn viết cuốn Phương pháp học guitar. Đây là cuốn sách có tầm quan trọng trong việc nghiên cứu, đưa ra phương pháp phát triển các kỹ năng chơi đàn bài bản, có trình tự phát triển hợp lý, thâu tóm và đúc kết thành các khúc nhạc ngắn với những thành tựu về kỹ thuật kế thừa từ các thế kỷ trước cũng như tất cả sáng tạo của chính tác giả trong cả sự nghiệp gắn bó với cây đàn. Mọi chi tiết về kỹ thuật dù nhỏ nhất trong cuốn sách, cũng thấy ở đó cả một kho tàng kinh nghiệm về guitar mà tác giả để lại. Bố cục sách gồm 4 phần:

Phần 1: Luyện bàn tay phải. Phần này được bắt đầu bằng việc chơi hợp âm C-dur, nhịp 4/4 (chẵn), với 4 nhịp là 4 chùm móc tam (lẻ), luôn được bắt đầu từ ngón cái. Cách sử dụng ngón được chỉ dẫn bằng ky hiệu rất rõ ràng, chi tiết và theo trình tự từ dễ đến khó. Sử dụng tăng dần về số ngón gảy, nhịp, tiết tấu, cách kết hợp các ngón. Cách khởi đầu này rất phù hợp với thể chất cũng như tâm sinh lý chung của người châu Âu. Giọng C-dur bao gồm tất cả âm tự nhiên tạo nên sự dễ dàng cho người bắt đầu học. Nhịp 4/4 chẵn nên rất mạch lạc, cân đối trong xây dựng các khúc luyện tập, phù hợp với tư duy khoa học, duy lý của người phương Tây. Nhưng lại được kết hợp sử dụng móc tam, giúp cho trọng tâm lực gảy không dồn về một ngón nhất định nào. Qua quá trình tập luyện dài, người chơi sẽ có được sự mạnh mẽ, phối hợp đồng đều giữa các ngón bàn tay phải. Việc bắt đầu từ ngón cái giúp bàn tay có được sự cân bằng tự nhiên vốn có. Có chỉ dẫn chi tiết để đảm bảo rằng, người chơi sẽ phát triển chính xác theo phương pháp mà tác giả đã nghiên cứu để phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp.

Phần 2: Luyện bàn tay trái. Tác giả chủ yếu phát triển bằng việc chơi các quãng theo sự tăng dần từ quãng 3, quãng 6, quãng 8, đến quãng 10 trên các giọng từ không đến 3 dấu hóa là C-dur, G-dur, D-dur, A-dur. Đây là các giọng thường dùng nhất trên cần đàn guitar, khai thác tốt nhất về mặt hòa âm, là những giọng điệu mà sẽ xuất hiện trong hầu hết tác phẩm viết cho guitar của M.Giuliani. Về mặt luyện ngón, các giọng điệu này bao gồm gần như toàn bộ vị trí trên 12 phím đàn, đảm bảo cho người chơi kiểm soát tốt cần đàn. Khoảng cách quãng tăng dần, đồng nghĩa với việc độ dãn giữa các ngón tay sẽ được rộng hơn, giúp thực hiện được những thế bấm khó, cũng như tăng cường sự dẻo dai cho tay trái.

Phần 3: Tập kết hợp 2 bàn tay với sự đa dạng về kỹ thuật. Kỹ thuật chạy thay đổi liên hoàn giữa các ngón, xen kẽ sử dụng 1 ngón chơi 2 nốt. Đây là cách đảo lại trật tự ngón chạy để phù hợp hơn với sự lên xuống các nốt nhạc trên vị trí các dây, và cách chơi này vẫn mang hơi hướng từ những thế kỷ trước. Kỹ thuật kiểm soát độ ngân của nốt nhạc bằng tay phải, trên đàn guitar, kỹ thuật này quan trọng vì thường xuyên có những âm thanh của dây buông, hoặc cộng hưởng ngân vang bất ngờ, ảnh hưởng đến độ sạch của giai điệu, chức năng hòa âm, ý đồ của tác giả, nên phải kiểm soát, làm chủ được. Sau đó kỹ thuật luyến được sử dụng chủ yếu với nốt hoa mỹ, trille cũng được tác giả đề cập tới.

Phần 4: Những bài tập mang tính giai điệu. Bước đầu kết hợp các kỹ thuật đã được luyện ở phần trước, mỗi bài chỉ có độ dài ngắn khoảng 1 trang.

Có thể khẳng định rằng, M.Giuliani là một trong những đại diện xuất sắc của guitar cổ điển châu Âu TK XVIII. Thành công của những buổi biểu diễn trên khắp châu Âu trong vai trò độc tấu hoặc kết hợp với những người bạn là nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn đương thời như N. Paganini, Rossini đã giúp việc phổ biến nhạc cụ guitar đến với công chúng. Dựa trên nền âm nhạc cổ điển, sáng tác nên một khối lượng đồ sộ đóng góp cho kho tàng tác phẩm guitar thế giới, mà trong đó nổi bật nhất phải kể đến là những concert và bản sonat - hai thể loại cho đến nay vẫn mang trong mình những chuẩn mực, sự bác học chuyên nghiệp về hình thức và là đỉnh cao trong lĩnh vực sáng tác cho nhạc cụ. M.Giuliani là người có đóng góp mọi mặt cho nền âm nhạc guitar, từ biểu diễn, sáng tác, giảng dạy và nghiên cứu. Về đào tạo, không chỉ thành công trong việc xây dựng nên lớp nghệ sĩ guitar kế cận xuất sắc, mà ông còn viết thành công cuốn Phương pháp học guitar, cô đọng lại những thành tựu của các thế kỷ trước, kết hợp với sáng tạo cá nhân để tạo nên một trình tự phát triển kỹ thuật chơi đàn bài bản, toàn diện, không khó tập luyện nhưng rất hiệu quả.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013

 

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...