Mặt hồ dậy sóng

18/07/2014

Nhìn vào lịch sử văn hóa nước ta, thập niên 30 của thế kỷ XX đáng coi như một cột mộc quan trọng trong quá trình phát triển. Sau khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, văn hóa, văn nghệ từng bước chuyển biến từ mô hình truyền thống sang hiện đại với sự du nhập, xuất hiện hàng loạt hiện tượng nghệ thuật mới, từ thơ ca, tiểu thuyết, tân nhạc, kịch nói, phê bình cho đến cải lương, phim ảnh, hoạt động giải trí… mà công lao đóng góp to lớn đáng trao cho “bà đỡ” Báo chí. Báo chí ra đời từ nửa cuối thế kỷ XIX, tờ báo Gia Định đầu tiên được ghi nhận vào ngày 15 tháng 4 năm 1865. Đến đầu thế kỷ XX, hoạt động báo chí đạt tới giai đoạn trưởng thành với sự phát triển đa dạng, xuất hiện nhiều tên tuổi như: tạp chí Đông Dương, Nam Phong, báo Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh Tân văn, Phan Yên, Phụ nữ tân văn, Hữu Thanh, Phong hóa, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ Bảy, Thực nghiệp dân báo… Cùng với chữ quốc ngữ, báo chí đã tạo ra cuộc cách mạng làm lay chuyển xã hội, tại các đô thị lớn trở thành kênh chuyển tải được đại bộ phận tầng lớp trí thức, thị dân đón nhận trong vai trò truyền bá văn hóa.

Văn nghệ trên báo chí bản thân không tự giới hạn mình trong bất kỳ phạm vi hay thể loại nào mà luôn hướng tới những giá trị mang tính thời đại. Dù đối tượng phản ánh khác nhau, song cách thức thể hiện luôn được nhìn nhận qua lăng kính, quan điểm, tư tưởng… mới. Văn học, nghệ thuật gắn với báo chí không đi sâu vào lối “tầm chương trích cú”, cũng không theo hướng “hồi cố” nhằm thỏa chí tiêu dao mà vươn tới hòa nhịp với hơi thở cuộc sống. Mảng văn nghệ này quan tâm đến những gì đang diễn ra, sống động, cuốn hút sự quan tâm. Nếu hình dung như một mặt hồ, thì ở đó, văn nghệ không chìm đắm xuống lòng sâu mà nổi lên trên bề mặt và luôn dậy sóng. Có những con sóng kéo dài dai dẳng, bước sóng lan tỏa sang nhiều lĩnh vực, như cuộc đấu tranh giữa hai luồng tư tưởng Nghệ thuật vị nhân sinh và Nghệ thuật vị nghệ thuật của Hải Triều và Hoài Thanh. Cơn sóng ấy dù đã đi vào sự tĩnh lặng, nhưng dư âm còn mãi trên trang giấy, ẩn sâu dưới lòng lịch sử.

Phê bình vốn là một ngành khoa học, với sự tham gia của hoạt động báo chí đã ngả sang một lối riêng đi vào Phê bình báo chí (journalistic reviem). Báo chí những năm 30 thế kỷ XX thực sự đã tạo nên một cú hích văn hóa có hiệu ứng sâu rộng, không chỉ góp phần tích cực vào việc du nhập, sáng tạo nhiều hiện tượng văn nghệ mới mà còn làm hình thành thói quen hưởng thụ, tiếp cận theo lối sống thị dân, từ đó hình thành bầu không khí tự do học thuật, tư tưởng… Nhìn lại chặng đường đã đi qua, lịch sử báo chí nói chung và mảng văn nghệ nói riêng không khỏi xảy ra những bước quanh co, dùng dằng ảnh hưởng bởi bối cảnh xã hội. Giữa hai cuộc chiến tranh và thời kỳ bao cấp có thể ví như khoảng lặng dài trong hoạt động báo chí văn nghệ. Mọi diễn biến trong địa hạt sáng tác, lý luận, biểu diễn, phê bình… đều bình yên và ít thay đổi. Bầu trời chưa im tiếng súng đã biến hàng loạt vấn đề trở nên nhạt nhòa. Mâu thuẫn nổi lên hàng đầu là công cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước. Những diễn biến bên trong hoạt động văn nghệ chuyển hóa thành mạch nước ngầm, lặng lẽ chảy âm thầm.

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), trước tác động của nền kinh tế kế hoạch, bao cấp, hoạt động văn nghệ báo chí cũng không thoát khỏi ảnh hưởng, từ bao cấp vật chất đến tư tưởng. Báo chí trở thành công cụ tuyên truyền, dưới lăng kính phản ánh hiện thực, nhưng lại có khuynh hướng ngày càng xa rời hiện thực. Vòng kiềm tỏa của lý thuyết Xã hội học Mác xít thêm một chiều kích khác tác động, gây ảnh hưởng đến văn nghệ khiến cho nhiều dạng thức bị chiếu rọi bởi quan điểm “mâu thuẫn”, văn hóa truyền thống rơi vào lãng quên, không ít giá trị bị thờ ơ, xói mòn... Bất kỳ học thuyết xã hội nào cũng không tránh khỏi hạn chế mang tính lịch sử. Song, xuất phát từ nhiều nguyên do, triết học Mác ở nước ta mang một bản sắc riêng, được đẩy lên thành đỉnh cao thời đại, thậm chí chính thức, chính thống hóa, từ đó trở thành hệ ý thức chung. Hệ quả đó đã dẫn nhiều người cầm bút đi từ trạng thái suy tôn, tự tôn đến duy ý chí, chủ quan một chiều … Không ít “cây đa cây đề” bị sập bẫy ý thức hệ, tạo ra nhiều sản phẩm dựa trên tiền đề có trước. Do bị phong tỏa, chiếm cứ bởi tư duy mâu thuẫn, “phản ánh hiện thực”, nhiều đối tượng phản ánh không tránh khỏi phiến diện, đơn sắc, nghèo nàn, chưa tiếp cận được với sự phong phú, chuyển biến nhanh chóng trong đời sống và tư tưởng. Giai đoạn này, nền lý luận, phê bình văn nghệ hoàn toàn xa rời hiện thực và thế giới. Thế kỷ XX ghi nhận cứ trung bình 5 năm lại có một học thuyết mới ra đời. Với thực trạng dừng bước trước thời gian cách nay hàng trăm năm của học thuyết xã hội học Mác xít, địa hạt văn nghệ đã gánh chịu hậu quả chậm tiến so với những gì đang xảy ra. Ngay cả địa hạt văn học vốn đi đầu trong việc tiếp thu học thuyết mới cũng không thoát khỏi tình trạng lạc hậu về tư tưởng, lý thuyết, thẩm mỹ... Khoảng lặng thời hậu chiến đã tạo ra bản thể đơn sắc trong hoạt động báo chí. Người viết giới hạn trong phạm vi những đối tượng được bao cấp để hành nghề, một mặt phản ánh tính chất chuyên nghiệp, mặt khác cũng làm hạn chế điểm nhìn, góc nhìn và việc thâu tóm những hiện tượng đa dạng của đời sống. Nó cho thấy nhiều vấn đề bị né tránh, bỏ quên… Tình trạng suy cả về lý thuyết lẫn thẩm mỹ đã biến mảnh đất màu mỡ của văn nghệ bị hoang hóa, bạc màu… Hiển nhiên văn nghệ vẫn có những chuyển biến tự thân, âm thầm, nhưng nổi lên trên diễn đàn báo chí phảng phất hình ảnh một mặt hồ lặng gió, ít sóng.

Bước vào thời kỳ Đổi mới, giai đoạn đầu báo chí văn nghệ đã từng bước có những chuyển biến theo sát những thay đổi chính trị. Đây chính là thời điểm mà tiếng nói của sự phản tư, phản tỉnh bắt đầu được cất lên. Bên ngoài đời sống, một nền văn nghệ đang chuyển mình báo trước những gì sắp xảy ra. Sự đổi mới khởi đi từ lĩnh vực sáng tác, hoạt động biểu diễn với hàng loạt hiện tượng nghệ thuật được “thay da đổi thịt”, tăng thêm sức sống, cách thức thể hiện đa dạng, gần gũi đời sống, như kịch nói, truyện ngắn, nhạc Pop, Rock, âm nhạc truyền thống cải biên, ca khúc đại chúng… Báo chí nói chung từ sau năm 1986 đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, từ số lượng đến cấu trúc, tư duy làm báo… đặc biệt, có nhiều tờ báo đã chuyển từ mô hình bao cấp sang hướng kinh doanh, xây dựng khả năng tương tác với độc giả và đời sống. Tiếp sức bởi luồng gió Đổi mới (1986), cộng hưởng với tiến trình phẳng hóa Thế giới nhờ công nghệ, báo chí văn nghệ nước ta đã tiến những bước dài theo xu hướng “vươn ra biển lớn”. Bên cạnh mảng báo giấy, bắt đầu từ năm 2002 ghi nhận sự ra đời của báo điện tử, báo mạng. Trên môi trường này dựng lên một không gian rộng mở, đa dạng thu hút sự quan tâm cũng như khả năng tác động. Đứng trước thực trạng rộng mở của xa lộ thông tin, báo chí văn nghệ đặt ra nhiều thách thức mới. Thách thức không chỉ đến từ chính yêu cầu bao quát, thâu tóm đời sống, mà còn nằm trong bối cảnh khai phóng, rộng mở của cánh cửa thế giới mênh mông. Con người bị choáng ngợp trước viễn cảnh thực tại, mỗi cá nhân trở thành ốc đảo cô liêu vừa xô dạt bởi làn sóng thời đại, vừa không thể tách khỏi tính lệ thuộc để làm nên sự tương tác. Xét về bản chất, báo văn nghệ không giống như báo tin dừng lại ở chức năng cung cấp dịch vụ thông tin, vô tính… mà vươn tới những thay đổi sâu sắc diễn ra trong sinh hoạt văn nghệ. Báo tin có thể dễ dàng rơi vào lãng quên sau sự kiện, còn báo chí văn nghệ có xu hướng ở lại trên tờ báo, trở thành ký ức thời gian, thậm chí làm nên lịch sử. Điều đó càng đặt cho những người cầm bút ở mảng văn nghệ nhiều thách thức khắc nghiệt. Trước thực trạng hiện nay, không ít người làm báo xa đà vào sự kiện, lóa mắt trước thông tin nóng, gay cấn… nhằm tạo ra hiệu ứng ảo, giả tạo, không nằm ngoài mục tiêu lợi nhuận. Người làm báo không chuyên về mảng văn nghệ chưa thoát khỏi góc nhìn cơ giới, giống như ống kính Camera lướt qua sự kiện, hiện tượng, thiếu khả năng quan sát, thẩm thấu, nhìn xuyên qua đối tượng nhằm định hướng độc giả. Báo chí tuy đã phát triển vượt bậc về số lượng, nhưng thiếu người viết có năng lực chuyên môn, nắm bắt một cách vững vàng cơ sở lý luận và một bản lĩnh mang cá tính sáng tạo mạnh mẽ. Không thiếu loại hình báo “lá cải” tập hợp bài viết một cách vội vàng, thiếu suy xét, tư duy hời hợt, nội dung nhợt nhạt, thiếu hẳn đặc tính “di truyền” cần bảo lưu trên loại hình báo chí văn nghệ là cá tính sáng tạo. Báo chí văn nghệ có thể thay đổi về nội dung, đối tượng, nhưng không thể làm biến dạng bản chất của nó (sáng tạo). Bản chất ấy giúp cho người viết duy trì công năng và tinh thần khám phá những chân trời vô tận. Phê bình báo chí sở dĩ có khả năng đứng độc lập trước lý luận cũng nhờ bản lĩnh, phong cách riêng này. Người viết có thể xuất thân từ lý luận, nhưng để đến với lãnh địa phê bình văn nghệ không thể thiếu cá tính, phong cách riêng, bên cạnh món tư trang kiến văn tổng hợp trang bị suốt trong quá trình hành nghề. Nói cách khác, văn nghệ báo chí quan tâm đến cách thức thể hiện, tính đa dạng và tinh thần sáng tạo. Bởi, báo chí văn nghệ sản sinh từ sự đa dạng của đời sống và tác động vào đời sống cũng bằng chính sự đa dạng.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...