Mãi bên nhau những tháng ngày
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và vợ là PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết là hiện thân của tình yêu, niềm tin và hi vọng. Tình yêu đầu đời trong sáng và giản dị của ông bà trải dài theo biến cố của lịch sử, của gia đình gặp không ít khó khăn nhưng rồi vượt qua tất cả, ông bà đã thắp lên một ngọn lửa ấm áp đầy yêu thương.
Ngọn lửa ấy đã biến tình yêu trở thành sức mạnh để người nhạc sĩ tài hoa thăng hoa sáng tác những ca khúc có sức sống lâu bền trong lòng công chúng nhiều thế hệ, còn vợ ông là tác giả và đồng tác giả của 34 cuốn sách về Tâm lý học, Giáo dục Mầm non, Giáo dục cái đẹp trong gia đình.
Trong căn phòng khách ở khu tập thể Vạn Bảo, giữa tứ bề là sách, nhạc sĩ Phạm Tuyên năm nay đã 87 tuổi, dáng vẻ vẫn nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm, nhắc đến người vợ thân yêu PGS - TS Nguyễn Ánh Tuyết.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và vợ PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết.
Ông bảo: “Nhà tôi mất năm 2009, đến nay đã gần 7 năm rồi. Trước khi nhà tôi mất hai năm, ngày nào tôi cũng thấy nhà tôi ngồi vào bàn máy tính viết gì đó rất say sưa. Lúc đầu tôi không biết đâu, cứ tưởng đang chấm đề tài khoa học nào đó của những học sinh làm luận án, sau đó tôi mới biết do một lần tôi hỏi nhà tôi: “Đang viết gì mà lạ thế?”. Nhà tôi bảo: “Em đang viết hồi kí về chúng ta anh ạ”. Sau khi hoàn thành cuốn hồi kí in tại Nhà Xuất bản Tri thức, nhà tôi mất trước khi cuốn sách in xong vài tháng.
Nhạc sĩ tặng cuốn sách cho tôi. Cuốn sách có tên: “Chúng tôi đã sống như thế”. Ở trang cuối cuốn sách có ghi: “sách không bán”. Ông mở cuốn sách ra rồi xúc động đọc cho tôi nghe lời mở đầu mà vợ ông đã viết: “Có quá nhiều kỉ niệm với biết bao biến cố sóng gió thăng trầm của cuộc đời, giờ đây như một bộ phim dài nhiều tập lần lượt hiện lên màn hình của chiếc máy vi tính với bàn tay gõ phím, đẩy chuột của một bà lão hơn bảy mươi tuổi. Thời gian trôi thật quá nhanh, chẳng ai có thể níu kéo lại được, mà cũng chẳng cần níu kéo lại làm gì, vì nó đã để lại biết bao ấn tượng vui sướng và đau buồn, thành công và cả thất bại. Nhưng bao trùm lên tất cả là lòng tự hào và niềm hạnh phúc, bởi hơn bảy chục năm qua chúng tôi đã sống hết mình về cuộc đời này”.
Bìa sách của PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết.
Rồi, những câu chuyện xưa cứ hiện về trong ông và trong cả tôi. Cuối năm 1953, khi tròn 17 tuổi cô bé Tuyết được cử đi học ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh – Trung Quốc). Cô không ngờ ở chuyến đi học này cô vô tình đã gặp tình yêu đầu đời và người đàn ông ấy sau này là chồng cô, người đã sát cánh đi suốt cả chặng đường với cô. Lúc đó, một nền giáo dục toàn diện được thực hiện ở Khu học xá, ngoài việc học chuyên môn, hay những bộ môn khoa học, học sinh còn được học những bộ môn nghệ thuật và thể dục thể thao. Sau giờ học, các học sinh đều được tập thể thao hay văn nghệ dưới sự hướng dẫn của giáo viên văn-thể-mỹ Việt Nam.
Người phụ trách văn-thể-mỹ là nhạc sĩ Phạm Tuyên. Nhạc sĩ Phạm Tuyên lúc này là một chàng trai 23 tuổi và là giáo viên dạy nhạc, dạy văn. Những bản nhạc giao hưởng nổi tiếng của thế giới của Bach, Mozart, Beethoven, Tchaikovsky… được thầy giáo trẻ cho học sinh nghe và phân tích, ngoài ra thầy giáo trẻ cũng sưu tầm nhiều bài hát của Việt Nam và dịch nhiều bài hát trên thế giới.
Thầy giáo âm nhạc tài hoa Phạm Tuyên trong những giờ trên lớp luôn được các học sinh yêu mến và anh cũng thầm yêu mến một người. Nhưng người anh yêu lại là một cô gái còn rất trẻ nên có hành động khá kì quặc. Cô bé đã vô cùng bất ngờ và hoang mang nên đã mang chuyện ấy ra để báo cáo với thầy chủ nhiệm.
Số là, Tuyết chỉ coi thầy giáo Phạm Tuyên là một người thầy đáng kính trọng, người anh lớn. Một lần nhận được tin của một học sinh lớp 6 nhắn với cô bé Tuyết: “Anh Tuyên nhắn chị lên để gặp anh dạy cho chị bài hát mới”. Cô bé Tuyết lên ngay nhà giáo viên, được thầy dạy cho bài hát mới. Học thuộc bài hát xong trước khi ra về, thầy giáo trẻ đưa cho cô bé một cuốn nhật kí và nói: “Tuyết cứ xem đi rồi cho anh biết ý kiến”.
Cô bé Tuyết ngây thơ nghĩ: “Hay quá, đây là lần đầu tiên mình được đọc nhật ký của một anh cán bộ, không biết anh viết cái gì đây?”. Hồi hộp quá, cô bé mở cuốn nhật kí thì thấy trang nào cũng có tên Tuyết trong đó. Thầy giáo trẻ thì hồi hộp không kém vì không biết cô bé sẽ đón nhận thế nào? Còn Tuyết thì rủ một người bạn thân cùng đọc nhật ký của thầy giáo. Người bạn đọc xong cuốn nhật kí nói: “Anh Tuyên yêu mày tha thiết quá, mày nghĩ thế nào?”. Cô bé run lên bảo: “Tao sợ quá, chẳng biết làm thế nào cả”.
Lúc đó, Nội quy của khu học xá là: “Trong khi còn học không ai được phép yêu đương”. Cầm cuốn sổ nhật kí, đêm đó cô bé không sao ngủ được, nghĩ ngợi vẩn vơ, sáng hôm sau cô đem cuốn nhật kí của thầy dạy nhạc đến đưa cho thầy chủ nhiệm để “báo cáo” sự việc.
Đọc xong cuốn nhật ký, nào ngờ thầy chủ nhiệm nói: “Anh Tuyên yêu em với tình cảm rất chân thành, anh Tuyên là người vừa tốt vừa giỏi lại vừa đẹp trai, theo anh thì em nên nhận lời”. Cô bé vừa sợ, vừa mừng, tình cảm hỗn độn đan xen. Cô bảo: “Em sẽ không gặp anh Tuyên nữa đâu”.
Nếu ai đó đã nói tài sản lớn nhất của con người đó là Trí tuệ và sự hiểu
biết thì quả thực họ là đôi vợ chồng giàu có nhất thế gian.
Nhưng những ngày không gặp quả thật là những ngày dài và nhớ vô cùng. Một hôm cô bé rón rén đến phòng thầy dạy nhạc thì thấy anh nằm sốt li bì. Anh bảo cô bé: “Thầy giáo chủ nhiệm của em đã nói hết với anh về sự ngạc nhiên và nỗi lo của em. Anh rất hiểu, nhưng anh yêu em vô cùng, cứ nán mãi bây giờ mới bộc lộ, em có giận anh không?” Cô bé ngượng nghịu trả lời: “Không! Nhưng em muốn anh coi em như một đứa em gái thôi”. Anh đánh trống lảng bảo: “Thôi, bây giờ em phải ôn thi tốt nghiệp, hãy tập trung học cho tốt, còn chuyện này gác lại đã, để mặc anh”.
Nhưng phải đến cuốn nhật kí thứ hai của thầy giáo trẻ thì cô bé mới thật sự xốn xang. Đó là ngày sắp ra trường, các học sinh sẽ chuẩn bị về nước. Thầy giáo trẻ quá sốt ruột chờ tình yêu đáp lại của cô bé, trong khi cô bé chỉ mong ngày mong đêm được trở về quê hương để dạy học. Chính vì vậy anh đã đặt tên cho người anh yêu là “Tuyết tim đá”. Cũng thật may cho thầy giáo trẻ là Tuyết tim đá “bị” giữ lại nhà trường để đào tạo thành hạt giống đỏ. Vậy là họ lại càng có nhiều thời gian ở bên nhau hơn.
Tình yêu bắt đầu nảy nở, đơm hoa kết trái. Những ngày vui bên nhau chưa được bao lâu thì thầy giáo trẻ có một linh cảm, anh đã viết cho người con gái anh yêu về hoàn cảnh gia đình anh. Anh có linh cảm cuộc tình duyên của anh sẽ gặp trở ngại vì “chủ nghĩa lý lịch” đang rất nặng nề. Sau khi biết cô bé Tuyết yêu Phạm Tuyên cả gia đình cô bé và những người bạn chiến đấu cùng ba mẹ cô bé phản đối rất quyết liệt. Mọi người đều cho rằng con của một gia đình cách mạng không thể lấy con của một quan lại phong kiến. Mọi người đều bắt cô bé cắt đứt với chàng nhạc sĩ trẻ.
Cô bé vừa gặp người mình yêu là òa khóc, không nói được câu nào. Linh cảm anh hiểu được là vì chuyện gì. Cả hai người liên tục gửi thư về nhà để thuyết phục gia đình và mọi người để kể về tình yêu chân chính và hứa hẹn sẽ sống xứng đáng với công nuôi dưỡng của Đảng, của cách mạng. Thật may mắn, ông Võ Thuần Nho, em của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người biết rất rõ hoàn cảnh của chàng trai trẻ Phạm Tuyên. Cả hai vợ chồng ông bà Võ Thuần Nho đều đứng ra bảo vệ hạnh phúc cho đôi trẻ Phạm Tuyên và Ánh Tuyết, họ cũng đã thuyết phục gia đình Ánh Tuyết đồng ý Phạm Tuyên. Nhiều người có tiếng nói nên đã thuyết phục được gia đình Ánh Tuyết và đồng ý chàng rể Phạm Tuyên.
Cả hai làm đám cưới và trong suốt chặng đường sau này hơn nửa thế kỷ họ đã ở bên nhau và đã sống đúng với lời hứa danh dự trong thư gửi cho gia đình ngày đấy. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác những ca khúc ở nhiều mảng đề tài khác nhau và ở đề tài nào ông cũng có đóng góp lớn và những ca khúc sống mãi trong lòng công chúng nhiều thế hệ. Có một điều đặc biệt trong tập ca khúc tuổi thơ những bài hát như: “Cô và mẹ”, “Bà còng đi chợ”, “Cánh én tuổi thơ”, “Cả tuần đều ngoan”, “Chiếc đèn ông sao”… tôi vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng của người bạn đời của ông, một nhà khoa học nổi tiếng, từng làm chủ nhiệm đầu tiên Khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội.
Trong những ngày nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ca khúc cho thiếu nhi cũng là lúc giáo viên trẻ, vợ ông đạp xe bao nhiêu cây số đi tìm hiểu tâm lý trẻ thơ để chuẩn bị đề tài nghiên cứu: “Đặc trưng tâm lý của trẻ em làm thơ”, sau này bà còn có nhiều công trình nghiên cứu về tâm lý học trẻ em, là khoa học giáo dục mầm non.
Nhiều ý tưởng khoa học của bà đã giúp ông hiểu thêm về thế giới tâm hồn trẻ để viết nên những bài hát phù hợp với từng độ tuổi của các cháu. Hai vợ chồng không có của nả gì ngoài của để dành là hai cô con gái và những sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên và những công trình nghiên cứu của bà, đã được in thành sách. Nếu ai đó đã nói tài sản lớn nhất của con người đó là Trí tuệ và sự hiểu biết thì quả thực họ là đôi vợ chồng giàu có nhất thế gian.
Trong cuốn hồi kí của mình bà đã nhớ chi tiết tỉ mỉ cặn kẽ những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời đó là ngày tỏ tình đầu tiên, ngày nhận lời đầu tiên, và những hoàn cảnh sáng tác những ca khúc của chồng. Những kỉ niệm đầy màu sắc sống động ẩn hiện trên câu chữ ùa về trên trang giấy, bà chia sẻ cùng chồng nỗi buồn gia cảnh của chồng và sự thành công trong sự nghiệp của cả hai vợ chồng.
Trong cuốn hồi kí bà đã bộc bạch: “Nếu tôi được coi là điểm tựa của nhạc sĩ Phạm Tuyên thì chính anh ấy cũng là điểm tựa của tôi. Chúng tôi đã tựa vào nhau để sống và làm việc. Quả thật đây là điểm tựa vững chắc cho cả hai cuộc đời…”. Còn nhạc sĩ Phạm Tuyên, hình ảnh người vợ thân thương, cô bé Tuyết khi xưa hồi học ở Khu học xá Nam Ninh hay sau này khi đã đã trở thành vợ chồng hai người đã cùng nhau chăm lo cho tổ ấm đơn sơ, giản dị mà vô cùng nồng đượm tất cả hiện ra như mới hôm qua.
Ngày đó, hai vợ chồng ở trong những căn nhà nhỏ thậm chí chỉ rộng chưa đầy 20m² nhưng bao giờ cũng ngăn nắp, sạch sẽ và luôn luôn có hoa tươi. Trong những năm tháng đi thực tế, có khi đi cả vào những nơi đang có tuyến lửa ác liệt, ông vẫn vững tâm đi và viết vì ở nhà luôn có hậu phương vững chắc, đó là người vợ biết lo toan và hai cô con gái thương yêu.
Sau mỗi chuyến đi công tác về, vợ là người đầu tiên được nghe và hát những bài hát của ông mới sáng tác. Nhạc sĩ luôn coi vợ là người thẩm định đáng tin cậy nhất, bởi những lời nhận xét của vợ phần lớn phù hợp với nhận định sau này của đông đảo công chúng. Những bài hát vợ ông thích đều là những ca khúc được phổ biến rộng rãi và có sức sống bền lâu với thời gian.
Cũng giống như vợ, ông không bao giờ quên những năm tháng trong chiến tranh năm 1972, B52 rải thảm Hà Nội, khu nhà của hai vợ chồng đã bị bom ném sập rồi họ phải dắt díu nhau đi ở một ngôi nhà nhỏ khác ở phố Quán Sứ. Hay những năm đất nước còn trong khó khăn đói khổ, thời kì bao cấp sống bằng tem phiếu, họ đã sống cùng nhau ra sao. Và đến sau này thời kì đất nước đổi mới, hai vợ chồng đã cùng nhau hạnh phúc đón chào mùa xuân mới. Những kỉ niệm cứ ăm ắp ùa về, hiện lên rõ ràng, sinh động.
Bàn làm việc của ông kê bên hành lang nhỏ nhìn ra khoảng không rộng lớn. Trên bàn làm việc, ông đặt tấm ảnh vợ mình. Hằng ngày ông vẫn ngồi đây để đọc, để viết và mỗi khi ông ngước lên, đối diện là tấm ảnh nhỏ của PGS- TS Nguyễn Ánh Tuyết nhìn chồng. Vợ ông vẫn ở đây với ông, hằng ngày bầu bạn, như là chưa từng có sự ra đi.
(Nguồn: http://antg.cand.com.vn)