Lời tưởng biệt nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo

02/12/2015

Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo (mà chúng ta quen gọi là Nguyễn Thiện Đạo) đã từ giã cõi đời, thọ 76 tuổi. Sáng nay 28 tháng 11 năm 2015 (nhằm ngày 17 tháng 10 năm Ất Mùi), chúng ta đến tư gia của ông thắp hương tưởng niệm và cùng nhau tưởng nhớ tới Ông, ghi nhận những đóng góp của ông cho đất nước Việt Nam cũng như cho nền âm nhạc đương đại thế giới. Xin ông nhận lấy Lời tưởng biệt này như lời tri ân chân thành nhất đến anh linh của ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo có một tiểu sử khá đặc biệt. Ông là con trai của một nhà tình báo quân đội. Vào năm 1953, khi cuộc chiến tranh chống Pháp sắp bước đến hồi kết, cha ông tiên lượng được rằng mình còn phải tiếp tục công việc phụng sự cách mạng lâu dài. Ông đã gửi con trai mình sang du học tại Pháp qua một người bạn. Từ năm 13 tuổi Nguyễn Thiên Đạo đã trở thành học sinh trường nội trú dành cho những trẻ mồ côi trong thế chiến thứ II. Nhờ những năm tháng này, trong sự nghiệp âm nhạc của mình, Nguyễn Thiên Đạo đã viết được một thanh xướng kịch “Những đứa trẻ làng I-Zê” xuất sắc.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Thiên Đạo thi vào Nhạc viện Paris năm 1963. Một cơ may đến với ông là khi ấy, do sinh viên Pháp đấu tranh chống lại lối giáo dục âm nhạc cũ, Nguyễn Thiên Đạo đã được nhạc sĩ Olivier Messian – chủ soái trường phái Tiên phong (avant-garde) - nhận làm học trò. Học ở Pháp nhưng lòng vẫn hướng về tổ quốc nên Nguyễn Thiên Đạo đã viết tác phẩm tốt nghiệp của mình mang tên “Thành đồng tổ quốc”. Tác phẩm đã đoạt giải nhất cho sáng tác của Nhạc viện Paris 1968. Từ thành công này, ông viết tiếp “Tuyến lửa”. Tác phẩm đã được trình diễn tại festival de Royal. Và từ đó, ông liên tiếp đưa ra những sáng tạo âm nhạc mới mẻ. Ông được ví như một chiến sĩ đặc công đánh chiếm những đỉnh cao âm nhạc thế giới thế kỷ XX.

Ngay trong những năm tháng chiến tranh, Nguyễn Thiên Đạo thường xuyên gửi tác phẩm của mình tới Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sau ngày thống nhất, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã mời ông về Hà Nội trình diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tác phẩm “Phù Đổng”. Bằng tài năng và tình yêu Tổ Quốc, Ông đã phối khí và chỉ huy Hợp xướng cùng Dàn nhạc giao hưởng “Du kích sông Thao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong đêm diễn đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1975. Năm 1982, ông được ghi danh trong từ điển “Le petit Larousse”. Năm 1983 ông nhận giải thưởng André Caplet của Viện Hàn lâm Pháp. Năm 1984, ông được trao tặng huân chương Chevalisdes Aretdes Lettres. Năm 1995, ông được mời về nước dàn dựng và trình diễn tác phẩm “Hòa tấu 95”. Cũng năm đó, ông lại được ghi danh trong từ điển “Le petit Robert”.

Sáng tạo gần 100 tác phẩm cho khí nhạc, opera, ballet để dàn dựng ở Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Brazil…, nhưng Nguyễn Thiên Đạo luôn hướng về Tổ quốc. Từ năm 1995 đến nay, suốt 20 năm liên tục, Nguyễn Thiên Đạo đã để lại một dấu ấn sâu đậm về sáng tạo âm nhạc cũng như giảng dạy âm nhạc trong bạn bè, đồng nghiệp và những người mến mộ âm nhạc. Ông đã có ý định về định cư ở Việt Nam trong những năm tháng cuối đời và đã có một tư gia riêng, nơi hôm nay chúng ta đến để tưởng biệt ông bên hồ Hoàn Cầu, quận Ba Đình – mảnh đất thiêng liêng mà ông luôn quí trọng yêu mến lúc sinh thời.

Là một nhạc sĩ tầm cỡ thế giới, nhưng trong cuộc sống thường ngày, Nguyễn Thiên Đạo luôn mang một cốt cách bình dân, dễ gần gũi và chan hòa cùng bè bạn và đồng nghiệp. Vài tháng trước khi từ giã cõi đời, Nguyễn Thiên Đạo đã viết một cuốn văn xuôi đầy chất dã sử về dòng họ của mình. Cuốn sách “Sống lửa” đã được Nhà xuất bản Hội nhà Văn ấn hành. Nguyễn Thiên Đạo luôn luôn khát khao sáng tạo nhiều nữa, cống hiến nhiều nữa cho dân tộc, mặc cho những gì ông làm được đã thật đáng trân trọng. Nhưng khát khao vẫn chỉ là khát khao. Định mệnh vẫn là định mệnh. Ông đã đi về cõi xa xăm vào một ngày cuối thu đầy buồn thương. Xin cùng các đồng nghiệp, bạn bè, người mến mộ âm nhạc nghiêng mình tưởng niệm trước anh linh ông.

Thay mặt Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới bà Quả phụ Nguyễn Thiên Đạo, các tổ chức, đoàn thể... trước sự ra đi của một tài năng lớn âm nhạc. Đây là một tổn thất, mất mát không gì bù đắp nổi đối với gia đình, đồng nghiệp và bạn bè của nhạc sĩ.

Giới âm nhạc Việt Nam đã mất đi một nhà soạn nhạc và một người thầy âm nhạc. Những tác phẩm âm nhạc thấm đẫm hồn dân tộc của ông sẽ còn mãi trong tình cảm trân trọng của đồng nghiệp và trong lòng công chúng yêu nhạc.

Xin vĩnh biệt ông!

CHỦ TỊCH HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM

PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...