Lời tri âm cho một tri kỷ
Từ lúc tôi còn ở bên Pháp, khoảng năm 1964, tôi đã nhận được nhiều cuộn băng ghi âm những buổi hội họp đờn ca tài tử tại nhà cố BS. Phạm Kim Tương, trong đó nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo biểu diễn nhiều bài bản trên đờn tranh, đã đem đến cho tôi những cảm xúc khó quên.
Từ đó, tôi bắt đầu liên hệ qua thư từ với nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo để tỏ lòng mến phục ngón đàn của ông mà theo tôi khó có tiếng đàn nào sánh kịp.
Ảnh PetroTimes
Mãi đến năm 1972, khi GS. Nguyễn Đình Hòa – Trưởng khoa Việt học Đại học Carbondale (Southern Illinois - Hoa Kỳ) có ý muốn mời tôi sang giảng về âm nhạc truyền thống Việt Nam trong vòng sáu tháng. Vì công việc của tôi tại Pháp không cho phép tôi vắng mặt trong thời gian quá lâu nên tôi chỉ nhận sang giảng dạy trong vòng hai tháng. GS. Nguyễn Đình Hòa sau khi tham khảo ý kiến nhiều nơi đã cho tôi biết rằng Ban quản trị ĐH Carbondale sẽ chánh thức viết thư mời nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo, nhạc sĩ Phạm Duy và tôi sang Mỹ để thuyết trình và giảng dạy về môn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tôi lãnh phần giảng dạy về lịch sử và lý thuyết về ngôn ngữ của âm nhạc Việt Nam (hai tháng); nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo lãnh phần giảng dạy về nghệ thuật biểu diễn và cách truyền nghề âm nhạc truyền thống Việt Nam, đặc biệt là cách đờn ca tài tử theo miền Nam, đồng thời dạy kỹ thuật đóng đàn Việt Nam (sáu tháng); nhạc sĩ Phạm Duy thuyết giảng về dân ca Việt Nam, những sáng tác mới được gọi chung là “tân nhạc Việt Nam”.
Nhờ đó, tôi có dịp biết rõ thêm tài nghệ của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo: là một nghệ sĩ trong truyền thống đờn ca tài tử miền Nam biết đàn từ thuở lên bảy, đã từng thâu thanh cho nhiều dĩa hát Việt Nam và Pháp, biết sử dụng tất cả các nhạc khí chánh trong đờn ca tài tử, có ngón đàn điêu luyện, gân guốc và sâu sắc, đặc biệt là đờn tranh và đờn kìm (đờn nguyệt). Đã từng hòa đờn cùng các danh cầm, biết rõ lai lịch và tài nghệ của hầu hết nhạc sĩ, nhạc sư trong cả miền Nam. Nhờ có năng khiếu và tâm hồn cởi mở, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo đã tìm tòi học hỏi cách sử dụng đàn phương Tây như mandoline, guitar, violon, kể cả piano.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có rất nhiều học trò trong và ngoài nước, ông có một phương pháp sư phạm rất đặc biệt, đã từng nghĩ ra cách ký âm rất tinh vi cho những nhạc khí Việt Nam theo phong cách “tablature” phối hợp với cách truyền khẩu, truyền ngón của dân tộc Việt Nam. Ông lại còn nghĩ ra cách dạy hàm thụ qua thư từ hoặc trực tiếp trên máy vi tính, nên đến ngày nay tuy tuổi đã cao, mà còn rất nhiều môn sinh ở hải ngoại theo dõi. Trong nhiều năm lúc thiếu thời ông đã từng là giảng viên cho Trường Quốc gia Âm nhạc.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo không phải chỉ có ngón đàn điêu luyện, mà đôi tay còn tạo ra được những nhạc khí hoàn hảo, có vẻ đẹp bề ngoài, đặc biệt nhứt là âm thanh vang đều từ dây trầm đến dây bổng. Ông lại là người đầu tiên sáng chế cây đờn tranh 17 dây, tiếp tục sau này có những cây đờn 19 dây, 21 dây, gần đây có cây 25 dây. Đàn của ông đóng rất được ưa chuộng, mặc dầu giá thành có cao hơn những cây đàn thường nhưng người trong nghề vẫn tìm mua. Trong giới nhà nghề cụm từ “đờn tranh Vĩnh Bảo” rất thông dụng như bên phương Tây nói đến đàn violon Stradivarous. Một chuyên gia về thanh học - cố GS. Emile Leipp có lần nghiên cứu về cây đờn tranh của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, sau khi xem xét bên trong, nhìn cầu đờn và mặt đờn phải ngạc nhiên khi biết rằng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có được những sáng kiến rất phù hợp với nguyên tắc thanh học (acoustique).
GS.NS Vĩnh Bảo và GS.TS Trần Văn Khê. Ảnh Vĩnh Nguyên
Sau nhiều năm kinh nghiệm về cách biểu diễn, giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam theo phong cách đờn ca tài tử, ông lại còn để tâm nghiên cứu về lịch sử âm nhạc, quan điểm thẩm mỹ và vị trí của âm nhạc trong xã hội. Những nghiên cứu này đã giúp cho ông làm cố vấn đắc lực cho những thí sinh soạn luận án tiến sĩ bên Pháp và bên Mỹ.
Trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo chiếm một địa vị vô cùng quan trọng: chưa có một nhạc sĩ nào gắn bó với nghệ thuật đờn ca tài tử trên 90 năm như ông, chưa có một nhạc sư nào có nhiều học trò trong và ngoài nước bằng ông (cách truyền dạy của ông rất đa dạng: truyền khẩu, truyền ngón, hàm thụ qua thư từ, máy vi tính), chưa có một nhạc sư nào vừa có tài đờn hay lại vừa đóng đàn khéo nên trong tâm tôi luôn luôn mến phục ông như một người “văn võ toàn tài”. Ông rất xứng đáng nhận được giải thưởng “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Nghe nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và GS Trần Văn Khê hòa đờn.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là một trong những giáo sư được mời giảng dạy trong những năm đầu khi Trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ Sài Gòn mới thành lập (1955). Ông đã góp phần đào tạo thế hệ nhạc sĩ kế thừa mà những người học trò năm ấy nay đã là những vị giáo sư uy tín như: NGƯT. Nguyễn Văn Đời, NGƯT. Phạm Thúy Hoan… Với khả năng biểu diễn cũng như thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông còn được mời làm giáo sư, diễn giả ở Mỹ, Nhật…
Gần trọn cuộc đời sống với âm nhạc dân tộc, những đóng góp của nhạc sư Vĩnh Bảo đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng:
- Năm 2002, giải thưởng Đào Tấn.
- Năm 2006, được vinh danh “quốc gia chi bảo” (cùng bốn nhạc sĩ các nước khác), tại Hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới lần thứ 51 tổ chức ở Honolulu, Mỹ.
- Năm 2008, được Tổng thống Pháp tặng huy chương Officier des Arts et des Lettres - phần thưởng cao quý của nước Pháp dành cho những nghệ sĩ có cống hiến to lớn cho nghệ thuật và văn chương.
- Năm 2014, nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. |