Lỗi hẹn với đêm nhạc của thầy

31/01/2021

NSND Trung Kiên là một trong những ca sĩ thuộc thế hệ vàng cống hiến cho nền thanh nhạc nước nhà vào những năm đầu thập niên 1960 của thế kỷ trước, cùng lớp với các thầy Quý Dương, Trần Hiếu, Kiều Hưng…

NSND Trung Kiên

Với thầy, nước Nga là nơi ghi dấu bao hồi ức đẹp đẽ. Thầy có kể rằng, thời gian ở nước Nga, việc học tập và sinh hoạt tuân theo kỷ luật gắt gao nên những sinh viên Việt Nam như thầy rèn cho mình được nhiều đức tính tốt. Rời nước Nga, thầy về nước, đi vào chiến trường, biểu diễn rất nhiều nơi và cất cao tiếng hát trên sóng phát thanh. Thầy từng nói, biểu diễn trong cảnh bom đạn và không có các phương tiện hỗ trợ, nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc được hát, được biểu diễn cho bộ đội giữa bom rơi đạn lửa, khó lòng đong đếm.

Sẽ không nói quá khi khẳng định rằng thầy Trung Kiên là người đóng góp công sức rất lớn trong việc xây dựng nền nghệ thuật thanh nhạc của Việt Nam. Chính thầy là người xây dựng bộ giáo trình cho hệ trung cấp, hệ đại học, thậm chí hệ cao học đầu tiên trong nước. Hiện nay, nhiều trường đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp vẫn đang sử dụng bộ giáo trình này. Phần lớn giáo trình của khoa Thanh nhạc đều do thầy dịch và biên soạn dựa từ những giáo trình, sách vở của Nga, Italy… Trong đó, có những tài liệu viết lại phù hợp với người Việt Nam. 

Thầy không chỉ là người truyền cảm hứng mà còn là người cha. Tôi thật may mắn, khi học đại học là theo thầy Trần Hiếu, sau đó học các bậc cao hơn là theo học thầy Trung Kiên. Thầy không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn giỏi về tâm lý. Bằng kinh nghiệm của một người biểu diễn, một người được đào tạo bài bản và bản năng của một người thầy, thầy đánh giá năng lực của người học rất giỏi, bởi thế những học trò của thầy đều là những người có vị trí trong nền âm nhạc nước nhà.

Thầy sở hữu một giọng nam cao hiếm có, nhưng thầy cũng dạy cả giọng nữ cao, thậm chí cả giọng nam trầm. Thầy có biệt tài trong việc đào tạo giọng nữ cao Soprano với những học trò như Lan Anh, Anh Thơ, Tân Nhàn, Phương Nga... Tôi là giọng nam trầm, nhưng thầy vẫn tìm ra nhiều phương pháp để giúp khai thác, phát huy triệt để giọng trầm. Theo đuổi, tâm huyết với việc đào tạo, với thầy, dạy học là cách để trả ơn cuộc đời song cũng là công việc mà thầy say đắm. Sau khi về hưu, dù sức khỏe giảm sút nhưng thầy vẫn đi dạy. Kể cả sau khi bị bệnh nặng, thầy cũng vẫn dạy học, cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho nền âm nhạc Việt Nam.

Có nhiều người cũng hỏi rằng, điều gì thầy mong muốn, tâm huyết mà chưa làm được không? Thực lòng, với gia tài âm nhạc đồ sộ, với những học trò đều đã trưởng thành, có lẽ điều tiếc nuối nhất là thầy đã lỗi hẹn với đêm nhạc riêng duy nhất của chính mình. Đáng lẽ ra, đêm 16-1 vừa rồi, các học trò sẽ cùng nhau thực hiện một đêm nhạc tri ân thầy. Mọi việc đã được chuẩn bị kỹ càng, ánh sáng, ban nhạc, ca sĩ… và ngay cả bài hát thầy sẽ hát mở màn cho đêm diễn ấy cũng được tính đến. Song trước ngày diễn ra đêm tri ân đặc biệt vài hôm thì thầy đột quỵ. Khi thầy vào viện cấp cứu, tôi cố gắng động viên thầy cố gắng vượt qua, khỏe mạnh để hát trong đêm nhạc riêng của mình, giọng thầy yếu, nói thều thào nhưng vẫn gật đầu. Sau đó, thầy lịm dần…

Thầy đã đi xa, điều tiếc nuối nhất là chúng tôi vẫn chưa tổ chức được một đêm nhạc tri ân thầy. Vĩnh biệt thầy, người thầy đáng kính của rất nhiều những người thầy… 

TS-NSND ĐỖ QUỐC HƯNG - Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

(Nguồn: https://www.sggp.org.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...