Liên hoan Âm nhạc Khu vực Tây Bắc 2016
Liên hoan Âm nhạc Khu vực Tây Bắc 2016 diễn ra từ ngày 3 đến 5 tháng 11 năm 2016 tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội Văn học Nghệ thuật, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hòa Bình tổ chức. Liên hoan càng có ý nghĩa đúng vào dịp tỉnh Hòa Bình đang khẩn trương với công tác chuẩn bị tổ chức Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh (1886 – 2016) và 25 tái lập tỉnh Hòa Bình (1991 – 2016), Lễ hội Chiêng Mường tỉnh Hòa Bình lần thứ 2 năm 2016. Liên hoan âm nhạc Tây Bắc cũng là một hoạt động nghệ thuật lớn góp phần thiết thực vào Lễ kỷ niệm.
Dự Liên hoan có: Ông Nguyễn Văn Chương - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; Ông Nguyễn Văn Toàn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình; Ông Bùi Ngọc Lâm - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Hòa Bình; Nhà thơ Lê Va - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hòa Bình; NSND Chu Thúy Quỳnh – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam…
Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan; Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan; NSND, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Trưởng ban Tổ chức Liên hoan; Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Phó Trưởng Ban tổ chức; Nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Ủy viên ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam; các nhạc sĩ lão thành: GS.nhạc sĩ Chu Minh; TS.nhạc sĩ Doãn Nho, các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội; cùng hơn 150 các nhạc sĩ, nghệ sĩ của 13 tỉnh, thành: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Giang, Hưng Yên, Hội Âm nhạc Hà Nội và Hội Âm nhạc TP. Đà Nẵng.
Hội đồng Nghệ thuật là các nhạc sĩ tên tuổi có trình độ chuyên môn: NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng; Nhạc sĩ Vũ Duy Cương - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Ủy viên; NGND Trương Văn Sơn – Chi hội trưởng Chi hội NSVN Hòa Bình - Ủy viên.
Có 40 tác phẩm của các nhạc sĩ trong khu vực và các đơn vị tham gia giao lưu được trình diễn trong hai ngày, trong đó có 34 tác phẩm dự thi của 11 Chi hội Nhạc sĩ. Hội đồng Nghệ thuật đã làm việc khách quan, công tâm, chọn được những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải thưởng tại Lễ Bế mạc Liên hoan tối 5 tháng 11 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hòa Bình:
12 giải A:
1. Tác phẩm “Xao xuyến Tam Đường”, nhạc: Thành Chung (Chi hội NSVN tỉnh Lai Châu), lời thơ: Minh Cừ, biểu diễn: tốp nữ
2. Tác phẩm “Hãy là khăn đội, hãy là thắt lưng”, sáng tác: Đinh Tiến Bình (Chi hội NSVN tỉnh Hà Giang), biểu diễn: song ca nam nữ Đinh Ngọc Tuấn – Đinh Thị Ngọc Bích.
3. Tác phẩm “Hát quốc ca trên đảo Trường Sa”, sáng tác: Vũ Văn Viết (Chi hội NSVN tỉnh Phú Thọ), biểu diễn: tốp ca nam.
4. Tác phẩm “Ký họa Mù Cang Chải”, sáng tác: Ngọc Bái (Chi hội NSVN tỉnh Yên Bái), biểu diễn: Mạnh Tín.
5. Tác phẩm “Bóng cây Chu Đồng”, nhạc: Đinh Thanh Lượng (Chi hội NSVN tỉnh Hòa Bình), thơ: Đinh Đăng Lượng, biểu diễn: sinh viên Trường Cao đảng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc.
6. Tác phẩm “Hợp xướng Acappella choir – Quê hương đất Mường”, nhạc: Văn Hạnh (Chi hội NSVN tỉnh Hòa Bình), lời: Văn Hạnh – Vương Anh, biểu diễn: NSƯT Phan Dương cùng hợp xướng sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc.
7. Tác phẩm “Tiếng chuông chùa trên đảo Trường Sa, sáng tác: Lê Xuân Thủy (Chi hội NSVN tỉnh Vĩnh Phúc), biểu diễn: tốp ca nam.
8. Tác phẩm “Độc tấu violon – Lung linh sông Hàn”, sáng tác: Xuân Minh (Chi hội NSVN tỉnh Đà Nẵng), biểu diễn: Danh Thắng.
9. Tác phẩm “Nỗi đau của rừng”, sáng tác và biểu diễn: Trịnh Mạnh Hùng (Chi hội NSVN tỉnh Đà Nẵng).
10. Tác phẩm “Về với em quê hương điệu hát Nôm”, sáng tác: Vũ Đình Trọng (Chi hội NSVN tỉnh Lào Cai), biểu diễn: tam ca nữ.
11. Tác phẩm “Áo Cóm yêu thương”, sáng tác: Huy Thông (Chi hội NSVN tỉnh Điện Biên), biểu diễn: tốp ca nam nữ.
12. Tác phẩm “Về Thành Bản Phủ”, sáng tác: Thanh Sơn (Chi hội NSVN tỉnh Điện Biên), biểu diễn: Thu Liễu.
14 Giải B:
1. Tác phẩm “Tiếng Mường ta”, nhạc: Đinh Tùng Bách (Chi hội NSVN tỉnh Hòa Bình), thơ: Bùi Quý Vương, biểu diễn: Tú Anh cùng tốp nữ Đoàn nghệ thuật các dân tộc Hòa Bình.
2. Tác phẩm “Hòa bình tay trong tay”, sáng tác: Ngọc Dũng (Chi hội NSVN tỉnh Hòa Bình), biểu diễn: tốp nam.
3. Tác phẩm “Trái tim Sin Suối Hồ”, sáng tác: Trần Long (Chi hội NSVN tỉnh Lai Châu), biểu diễn: Ngọc Ký.
4. Tác phẩm “Tiếng Sáo Mẫu Tử”, sáng tác: Minh Cừ (Chi hội NSVN tỉnh Lai Châu), biểu diễn: A Chua.
5. Tác phẩm “Hương chè Pìn Hò Trà mến yêu”, sáng tác và biểu diễn: Ngô Sỹ Tùng (Chi hội NSVN tỉnh Hà Giang).
6. Tác phẩm “Cỏ xanh trên Căng Nghĩa Lộ”, sáng tác: Kim Phụng (Chi hội NSVN tỉnh Yên Bái), thơ: Thu Phong, biểu diễn: Thành Tín.
7. Tác phẩm “Lời Chiêng”, nhạc: Đình Chiến (Chi hội NSVN tỉnh Hòa Bình), thơ: Bùi Thiên Văn, biểu diễn: Sỹ Duy.
8. Tác phẩm “Tương Tư Huế”, sáng tác: Nguyễn Duy Khoái (Chi hội NSVN tỉnh Đà Nẵng), biểu diễn: Hồng Vân.
9. Tác phẩm “Mẹ và em”, nhạc: Dương Đức (Chi hội NSVN tỉnh Hưng Yên), lời thơ: Xuân Dương, biểu diễn: Vũ Xuân Đức.
10. Tác phẩm “Bến đợi”, sáng tác: Nguyễn Minh Quý (Chi hội NSVN tỉnh Sơn La), biểu diễn: Hồng Luyến.
11. Tác phẩm “Người Đàn bà núi:, nhạc: Tự Đức (Chi hội NSVN tỉnh Lào Cai), phỏng thơ: Đỗ Ngọc Ngân, biểu diễn: Khánh Huyền.
12. Tác phẩm “Xuống chợ cướp vợ mùa yêu”, sáng tác: Mạnh Cường (Chi hội NSVN tỉnh Điện Biên), biểu diễn: tốp nam.
13. Tác phẩm “Phố Hiến một tình yêu”, sáng tác: Mạnh Tuấn (Chi hội NSVN tỉnh Hưng Yên), biểu diễn: Vũ Xuân Đức.
14. Tác phẩm “Người thổi sáo trên đèo Sơn La”, sáng tác: Nguyễn Xuân Dũng (Chi hội NSVN tỉnh Sơn La), biểu diễn: Phạm Thị Xuân Thủy.
NSND Phạm Ngọc Khôi – Chủ tịch Hội đồng thẩm định, đã có những nhận xét đánh giá về chất lượng các tác phẩm tham dự Liên hoan:
“Nhìn chung Liên hoan lần này của chúng ta đã có nhiều thành công hơn về sự tìm tòi trong ngôn ngữ âm nhạc. Các đề tài sáng tác của các nhạc sĩ rất đa dạng, phong phú, bám sát cuộc sống và công cuộc đổi mới của đất nước. Có những sự đầu tư tốt về xây dựng tác phẩm, như thể loại hợp xướng, khí nhạc của các đoàn Hòa Bình, Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các tác phẩm dành cho đơn ca, song ca, tam ca và tập thể có rất nhiều những thành công. Nhiều tác giả đã lấy chất liệu dân gian làm nền tảng để xây dựng tác phẩm, mang nhiều màu sắc của các dân tộc anh em như: H’Mông, Thái, Mường… đưa các tác phẩm gắn liền với đời sống, với chất lượng rất tốt.
Những tác phẩm đã để lại nhiều ấn tượng tốt như: “Quê hương đất Mường”, “Bóng cây Chu Đồng” của đoàn Hòa Bình; “Áo Cóm yêu thương” , “Về Thành Bản Phủ” của đoàn Điện Biên; “Xao xuyến Tam Đường” của đoàn Lai Châu; “Hãy là khăn đội, hãy là thắt lưng” của đoàn Hà Giang; “Hát quốc ca trên đảo Trường Sa” của đoàn Phú Thọ; “Ký họa Mù Cang Chải” của đoàn Yên Bái; “Lung linh sông Hàn”, “Nỗi đau của rừng” của đoàn Đà Nẵng; “Tiếng chuông chùa trên đảo Trường Sa” của đoàn Vĩnh Phúc; “Về với em quê hương điệu hát Nôm” của đoàn Lào Cai…
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định cũng lưu ý, các nhạc sĩ, các đoàn nên đầu tư và sáng tạo hơn trong phần phối khí, tránh lạm dụng tiết tấu, kỹ xảo điện tử… gây cảm giác bị khô cứng trong biểu hiện tác phẩm.
Các nhạc sĩ phổ thơ đã có những sáng tạo chủ động đi tìm những hình tượng âm nhạc để khắc họa cho tác phẩm của mình mang một diện mạo mới. Nó khẳng định sự kết hợp giữa nhạc và thơ là một mối quan hệ máu thịt.
Xin một lần nữa được chia sẻ với tất cả những đơn vị của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu âm nhạc, các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã đến với Liên hoan và góp phần vào sự thành công chung.
Thay mặt Hội đồng thẩm định, xin chúc các nhạc sĩ, nghệ sĩ sức khỏe - sáng tạo – sáng tạo hơn nữa, thành công hơn nữa, để những Liên hoan sau trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều tác phẩm chất lượng cao hơn nữa, để khẳng định chúng ta xây dựng thành công nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
Tại Lễ Bế mạc Liên hoan, Ban tổ chức đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Âm nhạc” cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, vì đã có công đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc:
1. Ông Nguyễn Văn Chương - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.
2. Ông Nguyễn Văn Toàn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình.
3. Ông Bùi Ngọc Lâm - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình.
4. Nhà thơ Lê Va - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hòa Bình.
5. NGND - nhạc sĩ Trương Văn Sơn - Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hòa Bình.
Và tặng Bằng khen cho Khoa Thanh nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, đã đóng góp có hiệu quả tại Liên hoan Âm nhạc khu vực Tây Bắc 2016.
Ngoài các chương trình nghệ thuật phong phú, hấp dẫn, trong khuôn khổ của Liên hoan Âm nhạc khu vực Tây Bắc 2016 còn có chương trình tham quan Nhà máy Thủy điện Sông Đà các nhạc sĩ, nghệ sĩ.
Cuộc Hội thảo với chủ đề “Âm nhạc khu vực Tây Bắc giữ gìn và phát huy những giá trị Âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Bắc”, với các bản tham luận: “Âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” của Bùi Văn Hộ (Hòa Bình); “Phát huy và giữ gìn những cung bậc Tây Bắc” của Phan Thu Bích (Đà Nẵng); “Âm nhạc dân gian Tây Bắc” của Trần Anh Đức (Sơn La)… đề cập đến những vấn đề: Bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống, làm thế nào để bảo tồn bản sắc; việc truyền bá âm nhạc dân gian; giáo dục âm nhạc trong nhà trường; khai thác chất liệu dân gian trong sáng tác,… Các ý kiến của: TS. Nhạc sĩ Doãn Nho; NSND Chu Thúy Quỳnh; nhà thơ Lê Va; nhạc sĩ Phùng Chiến (Lào Cai); nhạc sĩ Ngô Sỹ Tùng (Hà Giang)… trao đổi về kinh nghiệm sáng tác thiết thực, sâu sắc.
Phát biểu tại Liên hoan, PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có những nhận xét: “Liên hoan Âm nhạc Khu vực Tây Bắc năm 2016, được tổ chức tại thành phố Hòa Bình - vùng đất giầu truyền thống lịch sử Cách mạng, một địa danh nổi tiếng với nền văn hóa đặc sắc và mến khách. Đây là sự gặp gỡ giao lưu giữa các nhạc sĩ, nghệ sĩ của các Chi hội nhạc sĩ Việt Nam, các Hội Âm nhạc, có sự trao đổi giữa các vùng miền là một nét mới. Mục đích là để giới thiệu những tác phẩm âm nhạc mới viết, mới sáng tác của các nhạc sĩ trong thời gian vừa qua, giới thiệu các gương mặt trẻ, các giọng hát hay, là nhân tố quyết định cho hoạt động nghề nghiệp hôm nay và trong tương lai. Đây còn là dịp để các nhạc sĩ cả nước được đến với thành phố Hòa Bình – vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, vùng đất thơ và nhạc sẽ gợi lên nhiều cảm xúc trong giới nhạc sĩ trong những tác phẩm của mình. Đây cũng là dịp để giới lý luận âm nhạc một lần nữa chiêm nghiệm những giá trị âm nhạc truyền thống của các tỉnh Tây Bắc… và hướng tới sự phát triển âm nhạc mới theo hướng từ dân tộc truyền thống đi lên hiện đại”.
Xem chùm ảnh tại đây: Liên hoan Âm nhạc khu vực Tây Bắc: chùm ảnh 1