Lắng đọng đêm nhạc “Tình yêu Hà Nội”
Đêm 14 tháng 11 năm 2015, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức chương trình nghệ thuật mang tên “Tình yêu Hà Nội”, giới thiệu tác phẩm âm nhạc của ba nhạc sĩ gạo cội: Nguyễn Cường, Trường Ngọc Ninh, Phó Đức Phương. Đây là chương trình âm nhạc với chủ đề Tình yêu Hà Nội lần thứ 8, tôn vinh các nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội. Đặc biệt, là những nhạc sĩ sáng tác về Hà Nội. Chương trình là dịp để các nhạc sĩ tri ân mảnh đất nơi họ đã sinh ra và cho họ sự nghiệp rạng rỡ.
Các nghệ sĩ, ca sĩ tham gia đêm nhạc đã cùng vẽ nên một bức tranh âm nhạc đầy cảm xúc về Hà Nội, khán giả đã cảm nhận được gần như trọn vẹn gia tài ca khúc đồ sộ của cả ba nhạc sĩ:
Nhạc sĩ Nguyễn Cường với “Hò biển” do Dàn Hợp xướng Hà Nội Harmonic trình bày; “Hoa loa kèn đã nở rồi”, “Vẫn mãi là tuổi thơ tôi Hà Nội” do ca sĩ Minh Quân trình bày; “Gặp gió sông Hồng” do ca sĩ Vũ Thắng Lợi trình bày; “Khoảng lặng chiều 30” do ca sĩ Đào Bắc trình bày; “Tổ quốc ta cờ bay” do ca sĩ Tùng Dương trình bày.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương với “Không thể và có thể”, “Bài ca thần chim lạc” do ca sĩ Minh Thu trình bày; “Chảy đi sông ơi”, “Khúc hát phiêu ly” do ca sĩ Tùng Dương trình bày; “Nao nao Thác Bà” do nhóm M4U trình bày; “Trên đỉnh Phù Vân” do ca sĩ Mỹ Linh trình bày.
Ca sĩ Minh Thu
Nhóm M4U
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh với “Cửa ô nhịp phố” do ca sĩ Mạc Thủy trình bày; “Lời ru một mình” – (thơ: Lê Cảnh Nhạc) do ca sĩ Nhật Thủy trình bày; “Lời ru chia đôi”, “Xuống chợ” do ca sĩ Tùng Dương trình bày; “Hạt mưa mùa xuân”, “Biển khát” do ca sĩ Mỹ Linh trình bày…
Ca sĩ Mạc Thủy
Ca sĩ Nhật Thủy
Ca sĩ Tùng Dương
Ca sĩ Mỹ Linh
Ba màu sắc, cá tính âm nhạc khác biệt của Nguyễn Cường, Trương Ngọc Ninh và Phó Đức Phương được sắp xếp xen kẽ tạo nên một bức tranh nghệ thuật hài hòa về thủ đô cũng như mọi miền đất của Tổ quốc, nơi các nhạc sĩ đã đi qua. Khán giả được thưởng thức những tác phẩm âm nhạc đậm chất dân gian, dữ dội, mạnh mẽ với các sáng tác của Phó Đức Phương, nét dịu dàng, thanh lịch từ Trương Ngọc Ninh và sự chân thành, dung dị của Nguyễn Cường.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ: “Với mỗi chủ đề, tôi thường viết hai tác phẩm như cặp phạm trù âm - dương, một ca khúc mang tính mở, hướng ra ngoài và một ca khúc lắng đọng ở bên trong. Người nghe sẽ thấy điều đó với ca khúc “Vẫn mãi là tuổi thơ tôi Hà Nội” và “Gặp gió sông Hồng” trong chương trình này. Riêng về Hà Nội, tôi đã viết từ năm 1972 với đủ các màu sắc, có thể làm hẳn một chương trình riêng. Hà Nội đẹp nhất vào chiều 30 Tết, khi mà người dân tứ xứ về quê hết, đường vắng lặng, các gia đình ở Hà Nội thì chuẩn bị nén nhang cho bữa cơm tất niên. Tôi sinh ra là vậy, nên tình yêu đó là hiện hữu, không cần lý giải, lý do, cứ đi xa là nhớ và yêu Hà Nội hơn. Ngoài ra, lần đầu tôi chính thức giới thiệu ca khúc “Tổ quốc ta cờ bay”. Ca khúc này ra đời khi tôi có dịp đi tới ba vùng đất là Cà Mau, đảo Nam Yết và đỉnh Lũng Cú, cảm giác được ôm lá cờ Tổ quốc đó là một điều rất vĩ đại. Một nguồn cảm xúc lạ lùng tự nhiên cứ trào dâng lên khi tôi được nhìn thấy toàn bộ đất nước mình từ trên cao, nơi cho ta khát khao với chân trời, soi mặt xuống dòng sông, vững lòng một Trường Sơn vững chãi và trẻ mãi một tâm hồn đại dương. Tôi rất tự hào về quê hương mình như thế”.
Phó Đức Phương, Nguyễn Cường và Trương Ngọc Ninh có một sự hòa quyện say đắm, có cùng một tình yêu Hà Nội, nên những sáng tác của cả ba đều gắn liền với mảnh đất, con người nơi đây. Cùng chơi với nhau trong suốt nửa thế kỷ, và có một tâm thế chung trong âm nhạc là yêu âm nhạc dân gian hiện đại nên cả ba nhạc sĩ đều hiểu nhau. Họ có những giây phút chia sẻ xúc động và hóm hỉnh trên sân khấu, và hứa với khán giả: Chúng tôi cần sáng tác về thủ đô Hà Nội hay hơn nữa, Hà Nội đã cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc, những kỷ niệm. Hà Nội cũng chính là thủ đô có nhiều bài hát hay nhất.