Lan man một vài suy nghĩ về nghề sáng tác

23/02/2017

  • Mỗi lần muốn viết đều cảm thấy mình như không biết gì cả, quá khứ (kiến thức đã thu thập được) hoàn toàn không giúp được gì.
  • Mỗi lần muốn viết đều cảm thấy như húc đầu vào đá vậy, như bịt mắt mà phải tìm đường đi.
  • Nó như Trò Chơi mà chỉ có được khi Trời Cho, nếu cảm hứng (trời cho) không đến thì cũng chẳng có gì xảy ra hết.

Luôn luôn là như vậy, rồi trong cái sự bất lực triền miên ấy, lại tìm để chơi và nghe tác phẩm của các tác giả đã có những sáng tạo mới lạ, mong tìm được câu trả lời cho câu hỏi mà mình đã biết rằng không bao giờ có câu trả lời.

Và, cũng như bao lần, hôm nay lại nghe Stravinsky và không ngờ ông ta lại có một bản Sonata cho piano như vậy: Piano Sonata in F-Sharp Minor.

Sau khi ông chết (1971) người ta mới tìm ra bản Sonata này, Bản thân tác giả cũng nghĩ rằng nó đã bị mất và viết trong hồi ký rằng “mất là may mắn” vì nó giống Beethoven giai đoạn cuối, tuy vậy ta nghe thấy cả Chopin và thời lãng mạn cũng ảnh hưởng rất rõ ở đây.

Bản Sonata này, cùng với bản Symphony No 1 Es dur là những tác phẩm viết trong thời gian ông học với Rimsky – Korsakov.

Bản Symphony No1 của ông có người còn coi như Bản giao hưởng số 7 của Tchaikovsky vì nó đã hội tụ được tất cả tinh hoa của thời kỳ cuối lãng mạn.

Qua hai bản Sonata và Symphony, sáng tác đầu tay này của Stravinsky, ta thấy ông đã nắm thuần thục tất cả các kỹ thuật sáng tác của thời kỳ trước ông, ông có thể trở thành một Tchaikovsky thứ hai, nhưng ông đã không như vậy (khác với Rakhmaninoff thì vẫn như nối dài thêm thời kỳ cổ điển – lãng mạn cho tới đầu TK 20).
Ông đã đi tìm những con đường mới, đã thử viết ở tất cả các trường phái hiện đại và trở thành khuôn mặt tiêu biểu nhất của TK 20.

Bài học của tôi rút ra từ ông là: hãy học thật tốt, thật vững tất cả những tinh hoa của người đi trước, sau đó quên những kỹ thuật đó đi và tìm cái riêng của mình… tuy có thể mình sẽ không tìm ra được những cái gì to tát, vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng niềm khao khát cháy bỏng thì mình có. Ít nhất là như vậy.

(Ngày Hà nội trở gió mùa)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...