Khánh Ly, tình đã ngỡ quên đi…
Nhưng người bỗng lại về, đó là câu của một khán giả mượn lời bài hát của Trịnh Công Sơn để nói, khi bà biết hơn 3 năm nhà sản xuất mới “lo” xong cho chuyến về hát tại Việt Nam của Khánh Ly…
1/ Yêu nghệ thuật thì đừng đi muộn
Ngày 9.05.2014, 8 giờ kém 15, trên con đường chạy tới cổng sân Hội nghị quốc gia Mỹ Đình những “nhà” cung cấp vé chợ đen vẫn hối hả chạy đi chạy lại “phục vụ” những người hâm mộ nhưng kiếm vé muộn màng. Từng đoàn xe taxi và xe con loại “xịn” chạy nối đuôi đưa khách vào tận sảnh. Lực lượng bảo vệ tỏ ra chuyên nghiệp hơn mọi lần ngay từ ứng xử đầu tiên với mọi người. Bên trong, tầng hai đã kín, tầng một còn chừng 1/3 chỗ trống mặc dù đã sát giờ diễn. Quá 5 phút, rồi 10 phút, tiếng vỗ tay thúc giục nổi lên ba bốn lần chứng tỏ sự chờ đợi lên tới đỉnh điểm. Tuy nhiên, có lẽ không nên trách ban tổ chức vì họ nấn ná cho nhưng người đến muộn. Khi kín khán phòng, sau ít phút giới thiệu về êkip thực hiện, nhân vật chính với tà áo dài trắng bước ra trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của gần 4 ngàn người. Nhiều nghệ sĩ hải ngoại trở về Việt Nam tâm sự rằng họ mong muốn diễn ở Hà Nội bởi sự nồng hậu này của khán giả.
2/ Nhạc Trịnh- giọng Khánh Ly huyền thoại một thời
Ngay từ câu hát đầu tiên cất lên, cả khán phòng như òa ra. Sự vỡ òa của nỗi chờ đợi, không chỉ của hôm nay mà của gần bốn mươi năm kể từ những ngày người Hà Nội nghe Khánh Ly qua những chiếc băng cối, do những người yêu nhạc lặn lội mang từ Sài Gòn ra.
Tiếp theo đó, người nghe như lạc vào “ tình trong cơn ngủ mê” của nhạc sĩ họ Trịnh với giọng hát gần như huyền thoại, Khánh Ly với các: “Tình xa”, “Tình nhớ”, “Tình sầu”…
Không mượn đến MC như mọi show diễn khác, Khánh Ly nhẹ nhàng, mê hoặc vừa dẫn dắt đêm diễn bằng những chuyện tình, chuyện đời, chuyện căn cớ mỗi bài sáng tác của nhạc sĩ họ Trịnh, vừa hát. Từ “tình” sang đến “nhớ”, đến “thương”, đến “ru đời”, đến “chia tay” và “gọi tên nhau”. Khánh Ly kể, Trịnh Công Sơn viết về những gì ông nhìn, ông nghe, ông nghĩ một cách rất tự nhiên, lời cứ thế mà hiển hiện trong nhạc.
Từ “Biển nhớ”, “Một cõi đi về”, “Để gió cuốn đi” đến “Như cánh vạc bay”, “Hạ trắng”, “Tuổi đá buồn”… Bà kể, người ta hỏi bà thích bài nào nhất trong nhạc Trịnh, bà đã trả lời, bài nào của ông bà cũng thích, nhưng “Hạ trắng” là thích lắm lắm.
Và với một giọng xúc động, bà bảo cũng như mọi nghệ sĩ âm nhạc, cuộc sống chính là được hát: “ tôi thích hát từ hồi còn nhỏ, cho đến bây giờ và mai sau, hát rồi chết luôn cũng được nhất là ngày hôm nay.”. Bà nói thêm “… nghệ sĩ chúng tôi hát không phải vì tiền, mà vì yêu hát, thích hát, cần được hát”. Câu chuyện dẫn từ bài hát này sang bài khác với cái duyên của người từng trải, hiểu đời, hiểu người và hiểu mình.
Với sự xuất hiện của Quang Thành hay Hà Anh Tuấn, Khánh Ly nói, bà yêu và trân quý tuổi trẻ, người trẻ, vì bà không có tuổi trẻ… Bà nhìn thấy ở họ tài năng và tình người trong nghệ thuật mà họ thể hiện trong cả những chuyến từ thiện mà họ cùng làm. Với sự xuất hiện của Thái Châu, Tuấn Ngọc, Khánh Ly dành cho họ những lời trân trọng và ngược lại, họ cũng nói về bà với những câu chuyện đồng nghiệp từ thuở Khánh Ly còn mới vào nghề với biệt danh “nữ hoàng chân đất”…
Xen giữa chương trình, Hà Anh Tuấn, hát “Áo anh sứt chỉ đường tà” (Phạm Duy- Hữu Loan), Thái Châu hát “Về đây nghe em” của A Khuê rồi cùng Khánh Ly song ca “Niệm khúc cuối”, sau đó Tuấn Ngọc hát “Áo lụa Hà Đông” (Ngô Thụy Miên- thơ Nguyên Sa)… Khánh Ly nghẹn ngào “cảm ơn những người đã góp mặt hôm nay với tôi. 60 năm kể từ ngày rời Hà Nội tôi chưa bao giờ hình dung, cũng không thể ngờ có ngày hôm nay, ở đây, và hát… Tôi hát, mọi người hát, tôi tin mọi người đều như tôi, ngoài những bản tình ca còn yêu những ca khúc da vàng. Ở đó, có tình yêu, có tình người, có phố phường, tổ quốc, quê hương, người hát cũng như người nghe càng hát càng nghe càng them tự hào mình là người Việt. Tôi xin cầu cho mọi người Việt bình an trong thế giới này…”.
“Xin cho tôi xin vạn lần rồi…”. Bà nhắc đến Trịnh Công Sơn da diết: “Giờ này ông đang đi vắng, đi xa… tôi tin rằng ở đâu đó ông đang nghe chúng ta. Và tôi nghĩ rằng, ông đã giao cho tôi hát những bài hát này… Tôi xin là giọt nước mắt của hạnh phúc, hôm nay ”.
Nhà tổ chức đẳng cấp?
Trong đêm diễn, những thước phim từ quá khứ được chiếu lên, có một Trịnh Công Sơn ôm đàn hát. Khánh Ly nói: “Các bạn hỏi tôi ai là người hát nhạc Trịnh hay nhất? Tôi xin trả lời Trịnh Công Sơn hát hay nhất nhạc của ông”. Có những thước phim về người Nhật thích nhạc Trịnh và Khánh Ly đến Nhật khi còn trẻ hát cho người Nhật nghe về “Diễm xưa”, “Quỳnh hương”. Có những thước phim về “Sơn ca 7”. Và người nghe hôm nay có thể so sánh: vẫn cái giọng hát không biểu lộ kỹ thuật mà tràn đầy cảm xúc, lúc trầm, lúc bổng, hơi khàn, nhưng rõ lời, tròn tiếng, mỗi một câu nhạc là một niềm chất chứa, một day dứt, xót xa... nên, dù không còn được như những ngày sung sức, vẫn là một Khánh Ly giàu sức thuyết phục.
Chương trình cuốn hút đến mức thời gian trôi lúc nào không biết. Không chỉ là giọng hát Khánh Ly với nhạc Trịnh của một thời, của ký ức. Chương trình đưa vào đó một “cấu trúc nghệ thuật âm nhạc” mới, lạ mà không thấy gượng. Đêm nay, Khánh Ly không là hát với cây ghi ta gỗ mà với ban nhạc của Hoài Sa. Người nghe thấy dịu dàng tiếng đàn giây hay tiếng saxophone quấn quýt, hay những hòa âm tinh tế, bay bổng của dàn vocal bên cạnh giọng ca của nhân vật chính.
Nghe Khánh Ly hát, người ta thấy câu “thày già con hát trẻ” không đúng trong trường hợp này. Khánh Ly càng có tuổi càng duyên, nhất là khi bà nói những điều chỉ có bà mới nghĩ ra được: “Sự có mặt của tôi hôm nay đã làm khổ mọi người đến mức này. Nhà tổ chức khổ, ban nhạc khổ, người đi nghe cũng khổ… Vâng, đôi khi tình yêu là gánh nặng cuộc đời. Tôi yêu mọi người, tôi về đây hát, mọi người yêu tôi đến đây nghe. Tình yêu ấy… làm tôi… căng quá…Nhưng… cuối cùng thì nghệ thuật đã thắng, nghệ thuật đem tình yêu đến với chúng ta…”. Khán giả không chỉ vỗ tay khi Khánh Ly hát mà vỗ tay cả những lần bà tự sự như vậy. Gần những phút chia tay đêm diễn, sau khi hát “Hà Nội mùa thu”, Khánh Ly nói tha thiết: “Chẳng biết một mai ta sẽ thế nào? Vì thế, xin: “ Hãy yêu nhau đi ”.
Đêm đã khuya lắm, nhưng còn rất nhiều người vẫn không muốn rời khán phòng. Ca sĩ Thu Phương, từ hàng ghế khán giả đã lên tặng hoa Khánh Ly vào phút chót. Bó hoa đó có thể thay cho ngàn tấm lòng khán giả đêm Khánh Ly này. Khán giả, lúc này mới cùng nhau hỏi đến ai là nhà tổ chức, mà khéo đến vậy. Có ai đó thành thạo nói rằng, họ là những người rất chuyên nghiệp: từ nhà sản xuất Vietvision với Đỗ Minh Hoàng đến các NS Hoài Sa, Hồ Hoài Anh, đạo diễn Phạm Hoàng Nam… Không chỉ sản xuất những chương trình có chất lượng cao mà họ còn nghiêm túc thực hiện quyền tác giả với tất cả các nghệ sĩ có tác phẩm trong chương trình của họ.