Kể chuyện xưa bằng âm nhạc

13/04/2017

“Cậu và hành khất” là vở diễn mới nhất mà Nhà hát múa rối Thăng Long trình làng trong năm nay. Điểm độc đáo của vở diễn là hoàn toàn không có câu chuyện, không có diễn xuất, cũng không có con rối. Thay vào đó, âm nhạc kể lại những câu chuyện của Hà Nội xưa.

“Cậu và hành khất” do Giám đốc Nhà hát, NSND, đạo diễn Nguyễn Hoàng Tuấn thực hiện. Dàn dựng âm nhạc là NSƯT Nguyễn Mạnh Tiến, trình diễn là dàn nhạc của Nhà hát với các nghệ sĩ Vũ Thị Loan, Đào Lan Anh, Phạm Đình Dũng, Nguyễn Trần Hậu, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trần Diệu Hương, Nguyễn Thị Huyền Trang, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Thanh Hùng…

Bối cảnh vở diễn là Hà Nội cổ xưa, dưới ánh đèn đêm, bác xe kéo ngả xe bên vỉa hè, lắng nghe tiếng phách, tiếng đàn, tiếng hát từ trong nhà hát cô đầu, bên kia hè phố là cha con ông hành khất buồn bã hát vài câu xẩm bâng quơ. Cứ thế, âm nhạc dẫn dắt người xem đi từ câu chuyện này qua câu chuyện khác, khi kể bằng tiếng đàn đáy, lúc là tiếng tiêu, tiếng sáo song hành cùng đàn tam thập lục, lúc lại là âm thanh rộn rã tươi tắn, sôi động của cả dàn nhạc.

Đây là vở diễn được xây dựng để đi dự Liên hoan Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017, diễn ra tại Thanh Hóa, vào cuối tháng này.

Đây cũng là lần đầu tiên Nhà hát múa rối Thăng Long giới thiệu một vở diễn hoàn toàn bằng âm nhạc, với người trình diễn được coi là các diễn viên âm nhạc, như lời NSND Quốc Chiêm nói trong buổi giới thiệu vở diễn của Nhà hát.

Hội đồng nghệ thuật đánh giá vở diễn bao gồm NSND Quốc Chiêm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, NSƯT Minh Nhật, Trưởng phòng quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Nguyễn Văn Trực. Các nghệ sĩ đã có những ý kiến thiết thực cho những người thực hiện vở diễn trước thềm cuộc thi.

Về mặt dàn dựng, các nghệ sĩ đều cho rằng đây là một vở diễn được dàn dựng công phu, với hiệu ứng cả từ phía ánh sáng, âm thanh và kỹ thuật. Bố cục vở diễn khá dày, chặt chẽ và có yếu tố mới lạ. Tuy nhiên, ánh sáng lại là một điểm yếu của vở diễn, khi phần lớn ánh sáng đều được rọi từ phía trên xuống, khiến người biểu diễn bị tối mặt, có những người bị “hai hốc mắt đen sì” – lời của NSƯT Minh Nhật. Ông Nguyễn Văn Trực cho rằng, mặc dù có ánh sáng phụ trợ nhưng tổng thể sân khấu vẫn tối. “Tất nhiên mô tả câu chuyện diễn ra buổi tối ở phố cô đầu, nhưng cũng cần có những đoạn ánh sáng bừng lên để dẫn vào tiết mục độc tấu” – ông Trực nói.

Về mặt nội dung, các nghệ sĩ cũng chung ý kiến rằng vở diễn còn thiếu một sợi dây kết nối mạch chuyện, khiến khán giả gặp khó khăn khi liên kết các phần biểu diễn với nhau. Âm nhạc được trình diễn rất tốt nhưng thiếu điểm nhấn và sự tập trung vào một cao trào nào đó, khiến vở diễn còn bị dàn trải. Điều quan trọng nhất là vở diễn nêu lên sự kết hợp độc đáo giữa hát xẩm và ca trù, nhưng mới chỉ được một đoạn ngắn lúc đầu, sau này không thấy nhắc lại như một điểm nhấn thực sự.

Về mặt trình diễn, các nghệ sĩ cùng cho rằng những màn độc tấu của vở diễn chưa đem lại sự lôi cuốn, thu hút cho khán giả. NSƯT Nhật Minh cho rằng, màn song tấu sáo và hai cây đàn tam thập lục không hấp dẫn. “Nếu đi thi thì dàn nhạc ổn chứ độc tấu không ổn” – NSƯT Nhật Minh nói. Còn ông Nguyễn Văn Trực cho rằng, vở diễn mới tập trung vào hoà tấu cho dàn nhạc chứ chưa nhấn vào nghệ sĩ: “Tôi cho rằng còn thiếu sự tập trung. Có một vài đoạn nhưng đất diễn chưa đủ”. Cũng như vậy, NSND Quốc Chiêm cho rằng phần độc tấu đàn thập lục, đàn đáy, sáo rất tốt, nhưng nếu để đi thi thì cần phải xem lại, phải yêu cầu thêm.

Các nghệ sĩ cũng góp ý chi tiết cho những phần trang trí sân khấu, đạo cụ, diễn xuất của diễn viên, thậm chí đưa ra những tham khảo theo hiểu biết của mình để vở diễn đạt yêu cầu cao hơn.

“Trình làng” một vở diễn mới toanh không phải là thế mạnh của mình, nhưng các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Thăng Long đều háo hức và tự tin trước thềm cuộc thi. Đoạt giải là điều ai cũng mong muốn, nhưng mong mỏi lớn hơn cả là sẽ có thêm một món ăn tinh thần mới cho khán giả trong số các chương trình biểu diễn của Nhà hát.

(Nguồn: http://www.nhandan.org.vn)

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.