Huyền thoại piano Glenn Gould
Nghệ sĩ piano người Canada Glenn Herbert Gould (1932 - 1982) là một trong những pianist lừng danh nhất t.k. XX, một người chơi nhạc J.S. Bach không có đối thủ.
Ông là con một trong gia đình mà cha mẹ đều là nhạc sĩ. Ông ngoại của ông là anh em họ với nhà soạn nhạc Na Uy Edvard Grieg (1843 - 1907). Mẹ ông quyết tâm đào tạo con trai thành pianist nên đã cho ông nghe nhạc từ khi ông còn nằm trong bụng mẹ. Ông có thính giác tuyệt đối từ năm lên 3 và học đọc nốt nhạc trước khi học chữ. Khi còn nhỏ cho đến năm lên 8 ông học piano từ mẹ mình. Sau đó ông vào học tại Nhạc viện Hoàng gia Toronto. Thày dạy piano của ông là nghệ sĩ Canada-Chile Antonio Alberto García Guerrero, người sau này được cả thế giới biết đến vì đã là thày của Glenn Gould. Năm 12 tuổi ông đoạt giải nhất cuộc thi piano Kiwanis Music, cuộc thi piano duy nhất trong đời mà ông tham gia. Năm 14 tuổi Gould tốt nghiệp với điểm cao nhất trong lịch sử nhạc viện tại Canada. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục theo học Guerrero. Năm 19 tuổi, ông quyết định trở thành nghệ sĩ biểu diễn độc lập, bất chấp sự phản đối của thày và mẹ.
Repertoire của Glenn Gould trải từ các nhà soạn nhạc tiền Baroque, tới Bach, Mozart, Haydn, Beethoven, Brahms, và cả các nhà soạn nhạc t.k. XX như Arnold Schoenberg và Richard Strauss. Tuy nhiên Gould tránh xa hầu hết các nhà soạn nhạc Lãng mạn, kể cả Chopin, Liszt, Schumann, và Debussy. Gould nói Chopin làm ông chán ngán. Theo ông Chopin là một nhà soạn các tiểu phẩm, nhưng bất lực với kiến trúc của các tác phẩm lớn. Khi còn là sinh viên nhạc viện, Gould bị bắt học 3 etudes Op. 10, 2 bài valse và 1 impromptu cung Fa thăng trưởng của Chopin. Sau này ông chỉ thu âm Chopin một lần vào năm 1970, chơi Sonata cung Si thứ Op. 58.
Chuyên gia âm nhạc William Stain Newman (1912 - 2000) chia cách chơi piano thành 4 cơ chế cơ bản là chơi bằng ngón tay hoạt động 1) từ khớp tiếp nối với bàn tay, hoặc 2) cùng bàn tay từ cổ tay, hoặc 3) cẳng tay từ khuỷu tay, hoặc 4) cánh tay bắt đầu từ vai. Khi ngồi trên ghế thì chỉ ngồi phần nửa trước của ghế. Ngồi quá thấp cản trở hoạt động của ngón tay vì phải nâng cao cổ tay và khớp ngón tay. Ngồi quá cao cản trở hoạt động của bàn tay vì phải hạ cổ tay và khuỷu tay xuống.
Glenn Gould đã thách thức tất cả các giáo lý piano nói trên. Ông đã phát triển một kỹ thuật piano bất khả thi với tất cả những người khác. Ông ngồi rất thấp, sụt hẳn xuống một cái ghế có lưng dựa cố định do bố ông làm cho, chứ không bao giờ dùng ghế piano tiêu chuẩn có thể chỉnh được độ cao. Đi đâu biểu diễn ông cũng mang theo cái ghế đó. Với thế ngồi quái đản như vậy, ông đã phát triển một kỹ thuật chạy ngón thuần túy tới mức hoàn hảo, các ngón chạy rất nhanh, độc lập, rõ ràng, tạo thành phong cách không luyến (non-legato hay detaché) đặc biệt của ông, và ông rất ít dùng pedal. Kỹ thuật của Gould tạo nên một tiếng đàn tuyệt vời mà chỉ riêng ông mới có. Gould từng nói tiếng đàn là thứ duy nhất đáng được bàn tới.
Gould có trí nhớ tư duy và nhớ bằng ngón tay vào hạng huyền thoại. Ông thường đọc tổng phổ, tập từng nhịp trong trí nhớ mà không sờ vào đàn piano. Chỉ sau khi đã thuộc trong trí nhớ, ông mới ngồi vào đàn và tập bằng tay, thường là khoảng nửa tháng tới một tháng trước buổi công diễn. Đó là một thiên phú mà chỉ mình ông có. Nhờ khả năng này, Gould vẫn có thể chơi một nhạc phẩm mà ông đã thôi tập nhiều năm. Năm 1970, khi Gould 38 tuổi, pianist kiệt xuất người Ý Arturo Michelangeli, trong tour diễn tại Canada, đã không thể tiếp tục diễn để thu hình Concerto No 5 (Emperor) của Beethoven tại Toronto. Gould nhận được một cú điện thoại vào tối thứ Năm hỏi liệu ông có thể chơi thay thế Michelangeli vào sáng hôm sau, thứ Sáu, cùng dàn nhạc giao hưởng Toronto dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Karel Ancerl theo chương trình đã lên từ trước được không. Gould đã nhận lời và đêm đó ông đã tập lại concerto ông từng diễn lần cuối cùng 4 năm về trước. Sáng hôm sau tại studio, trước TV camera, Gould đã chơi thuộc lòng toàn bộ concerto số 5 của Beethoven, không cần nhìn bản nhạc. Chương trình này đã được phát sóng trên truyền hình Toronto vào ngày thứ Bảy 12.9.1970 (Xem video bên dưới).
Glenn Gould chơi concerto No 5 của Beethoven cùng dàn nhạc giao hưởng Toronto (Toronto TV 12.9.1970).
Gould coi công diễn là thứ lỗi thời, giống như cuộc thi trong đó đại đa số công chúng không đồng cảm với nghệ sĩ, chỉ đến để bắt lỗi hoặc xăm xoi xem nghệ sĩ có đáp ứng được sự mong đợi của công chúng không. Ông nói: "Tại các buổi công diễn tôi cảm thấy mình bị hạ thấp như một anh kép hát." Ông từ bỏ công diễn ngày 10.4.1964, và tập trung vào thu âm. Con số các thu âm của Gould bán được tính đến năm 1982 là 1,250,000 bản. Tới năm 2000 chỉ riêng tái bản lần 2 thu âm của Gould chơi Goldberg variations của J.S Bach đã bán được hơn 2 triệu bản. Ngày 3.12.1967 khi bác sĩ phẫu thuật Christiaan Barnard tiến hành ca ghép tim thành công lần đầu tiên trên thế giới tại bệnh viện Cape Town, thu âm Gould chơi Goldberg variations được phát thanh trong phòng mổ. Một thu âm khác của Gould chơi Bach được gửi lên phi thuyền Voyager I của NASA để thông báo cho những nền văn minh ở các hành tinh khác về những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại.
Ngày 27.9.1982, hai ngày sau sinh nhật lần thứ 50 của mình, Gould bị tai biến mạch máu não, liệt nửa trái cơ thể. Gould được đưa vào bệnh viện Toronto. Đến ngày 4.10 não của ông bắt đầu bại. Theo yêu cầu của cha ông, bệnh viện đã tháo bỏ hệ thống duy trì sự sống. Ngày 15.10.1982 hơn ba ngàn người đã đưa tang Glenn Gould. Ông được an táng tại nghĩa trang Mount Pleasant ở Toronto. Bia mộ của ông là một phiến đá bẹt ngang mặt đất, trên khắc vẻn vẹn “Glenn Gould, 1932 – 1982” kèm 9 nốt nhạc mở đầu Aria trong Goldberg variations của J.S. Bach.
Ba thập niên đã trôi qua kể từ ngày Glenn Gould từ giã thế giới này song sức hút từ tiếng đàn của ông vẫn không vì thế mà suy giảm.
Mộ Glenn Gould
Glenn Gould chơi và giải thích nghệ thuật fugue của J.S. Bach