Hướng tới Liên hoan Âm nhạc Á - Âu: nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam
Tác phẩm tham dự Festival: "Cửu Long dậy sóng"
Thể loại: Symphony No 9 (extract)
Tiểu sử tóm tắt:
Nguyễn Văn Nam sinh ngày 14/7/1936 tại xã Vĩnh Kim – huyện Châu Thành – tỉnh Tiền Giang. Năm 1954, từ người lính theo đường bộ đội, ông tập kết ra Bắc. Năm 1959, ông trúng tuyển vào trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Năm 1966, ông được Nhà nước cử sang học chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Léningrad, nay là Nhạc viện Saint - Péterbourg (CHLB Nga).
- Năm 1973, ông tốt nghiệp Đại học (thủ khoa) với Bản giao hưởng số 1 mang tên “Tặng đồng bào miền Nam anh dũng”.
- Năm 1976, ông hoàn thành luận án tiến sĩ ngành sáng tác với tác phẩm: “Giao hưởng số 3 – “Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh”. Tác phẩm đã được công diễn thành công tại Đại hội âm nhạc mùa xuân Léningrad lần thứ 12 năm 1976. Sau đó, tác phẩm được dàn dựng thành Kịch múa “Việt Nam của tôi” công diễn tại Cung điện Kremlin - Maxcơva vào năm 1979.
- Năm 1981, với công trình “Những nét cơ bản của âm nhạc truyền thống Việt Nam”, ông đã nhận thêm bằng tiến sĩ lý luận âm nhạc.
- Năm 2001, ông được mời sang Mỹ tham gia Hội thảo: "Sự kết hợp âm nhạc truyền thống và âm nhạc hàn lâm hiện đại trong sáng tạo tác phẩm mới". Đồng thời, ông cũng có tác phẩm tham gia buổi hòa nhạc tại Chicago – Mỹ.
- Hiện nay, ông tham gia công tác giảng dạy bậc Cao học chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ông là: Hội viên Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh; Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội Nhạc sĩ CHLB Nga.
*Những tác phẩm ông viết đã biểu diễn thành công trong và ngoài nước (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ba Lan, Anh…):
Giao hưởng:
-Giao hưởng số 1 “Tặng đồng bào miền Nam anh dũng”: (1972),
- Giao hưởng số 2 “Uống nước nhớ nguồn” (1974 – Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam),
- Giao hưởng số 3 “Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh” (1975),
- Giao hưởng số 4 “Giao hưởng Ađưks” (1986),
- Giao hưởng số 5 “Mẹ Việt Nam” (1994),
- Giao hưởng số 6 “Sài Gòn 300 năm” (1998),
- Giao hưởng số 7 “Chuyện nàng Kiều” (2000),
- Giao hưởng số 8 “Đất nước quê hương tôi” (2003
Các thể loại giao hưởng khác:
- “Tổ khúc bài ca chim Đrao” (1971),
- “Giao hưởng thơ Poème symphonique” (1982),
- Tổ khúc giao hưởng tiếng sáo I (1986 – Phổ thơ từ Nhật ký trong tù của Bác Hồ bằng tiếng Nga)
- Tổ khúc tiếng sáo II (2004 – Phổ thơ từ Nhật ký trong tù bằng tiếng Việt),
- Fantaisie Tưởng nhớ (1994) do Tổng chính Cục chính trị đề nghị, Kịch múa Việt Nam của tôi (1979) - lần đầu tiên được biểu diễn tại hội trường Cung điện Kremlin (Matxcơva), Kịch múa Huyền thoại mẹ (1995)…
Hợp xướng:
- Oratorio Hòa Bình cho các dân tộc (1976),
- Oratorio Hát cho đồng bào tôi nghe (1995),
- Cantate Bức tranh phương Bắc (1982),
- Liên khúc thác nước Tcheghem (1987),
- Liên khúc mùa xuân - Hợp xướng không phần đệm (1994).
Nhạc thính phòng:
- Biển đêm cho violoncelle và piano (1962),
- Rủ nhau đi gánh lúa vàng cho piano (1964),
- Sonatine Trỗi dậy cho violon và piano (1964),
- Sonate cho piano (1970),
- Liên khúc cây trúc xinh cho violon và piano (1969),
- Ngũ tấu dây và piano (1970),
- Liên khúc Hoa mận trắng (1973 – thất tấu 7 nhạc cụ),
- Tứ tấu dây (1973), Tứ tấu hỗn hợp (1982 – giọng nữ cao, sáo, clarinetto và arpe),
- Tổ khúc con cò trắng (gồm 10 tiểu phẩm độc tấu piano - 1984),
- Khúc nhạc chiều cho vn và piano (1990)…
Giải thưởng:
- Giải thưởng cho thơ giao hưởng “Tưởng nhớ” do Bộ trưởng Bộ quốc phòng ký năm 1994.
- Giải thưởng cho giao hưởng số 8 “Quê hương đất nước tôi” UBND TP.HCM ký năm 2005.
- Giải thưởng Nhà nước do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký ngày 8/2/2007 qua các tác phẩm: Giao hưởng số 3 – “Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh”, Tổ khúc giao hưởng “Tiếng sáo 1”, Thơ giao hưởng “Tưởng Nhớ”, Giao hưởng số 5 “Mẹ Việt Nam”, Giao hưởng số 6: “Sài Gòn 300 năm”.
- Giải thưởng cho giao hưởng “Nhật ký trong tù” do Ban chấp hành TW Đảng ký 2009.
- Giải thưởng cho độc tấu sáo và dàn nhạc “Miền đất thiêng” do Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký năm 2012.
Giới thiệu tác phẩm: Giao hưởng số 9 – CỬU LONG DẬY SÓNG
Tác giả sáng tác trong thời gian vừa dạy học vừa sáng tác. Chủ đề, nội dung tác phẩm tác giả lại tiếp tục viết về quê hương. Sông Cửu Long đã có hàng ngàn năm lịch sử. Đó là con sông dài nhất phương Đông, từ bao đời nay đã cần mẫn mang phù sa bồi đắp tạo nên vùng đất màu mỡ ở Đông Nam Á nói chung và ở miền Tây Nam nước ta nói riêng. Dòng sông ấy đã đóng góp một tiềm lực về con người, kinh tế, văn hóa, lịch sử… cho đất nước. Đồng bằng sông Cửu Long là con đẻ của dòng sông mà chính nó mang tên. Từ xa xưa, đồng bằng sông Cửu Long đã có người sinh sống ở một số nơi. Tuy nhiên tạo nên bộ mặt trù phú và tươi đẹp như hiện nay, chủ yếu là do công sức, mồ hôi, nước mắt của người dân Nam bộ trong khoảng 300 năm trở lại đây. Với những bước chân không mỏi, một tay nắm chặt chuôi gươm giữ gìn bờ cõi, một tay cầm cuốc vỡ hoang, ông cha ta đã biến những cánh đồng hoang vu, vắng vẻ bóng người thành những cánh đồng, vườn cây bạc ngàn giàu tiềm năng như ngày nay. Xuất phát từ cảm xúc sâu sắc về vùng đất trung kiên bất khuất, về mảnh đất cội nguồn – nơi chôn nhau cắt rốn, tác giả đã viết giao hưởng số 9 có tên “Cửu Long dậy sóng” gồm bốn chương. Ngoài ra ở mỗi chương, tác giả đều có đặt tiêu đề cho từng chương.
Chương I: Dòng sông tuổi nhỏ - (Andante non troppo). Mở màn tác phẩm, giọng nam cao cất lời ca thấm thiết mà tác giả đã trích phổ từ bài thơ “Dòng sông tuổi nhỏ” của nhà thơ Lê Anh Xuân: Dòng sông tuổi nhỏ. Mấy nhịp cầu ngang. Mẹ dắt ta sang. Giữa mùa nước rong mênh mông. Nước ròng mẹ đi xúc cá.Ta đi theo mẹ.Chân lúng trong phù sa. Dòng sông tuổi nhỏ. Sóng lao xao. Ôi! Những chiếc thuyền mo cau. Đã chở tuổi thơ ra biển cả…
Chương II: Bức tranh thiên nhiên (Allegretto – Scherzando).
Chương III: Đêm trăng Tháp Mười ( Largo – Poco rubato).
Chương IV: Cửu Long cuộn sóng dâng trào (Moderato – Pesante. Allegro non troppo). Chương này có đại hợp xướng 4 giọng: Cửu Long cuộn sóng dâng trào. Ngàn năm nước vẫn xuôi ra biển cả. Chở phù sa đầy ấp chín dòng sông. Cho vườn cây bốn mùa trĩu quả. Cho đồng lúa rực rỡ vàng tươi. Ôi! Chín nhánh sông yêu. Đã tạc ghi sử xanh hiển hách… (lời N.V.Nam)