Hội nghị và Festival Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á – Thái Bình Dương (ACL) lần thứ 33: Âm nhạc gắn kết tình hữu nghị
NSUT Bùi Lệ Chi và Dàn nhạc Giao hưởng Philippines biểu diễn Đối thoại của Đỗ Hồng Quân
NSUT Bùi Lệ Chi với các nghệ sĩ
Các nhạc sĩ Kalimullin (Tatarstan - Nga) và Đỗ Hồng Quân
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân giữa các đồng nghiệp
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và NSUT Bùi Lệ Chi
Hội nghị và Festival Âm nhạc Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á – Thái Bình Dương (ACL) lần thứ 33, diễn ra tại thủ đô Manila và thành phố Batangas, Philippines từ ngày 6-11/11/2015 với chủ đề: Likha-Likas: Cấu hình lại một không gian âm nhạc, Thiên nhiên và Huyền thoại.
Đây là sự kiện âm nhạc đặc biệt được tổ chức hàng năm và đại hội hai năm một lần, luân phiên tại các nước thành viên dưới sự bảo trợ của ACL, là dịp để các nhà soạn nhạc tài năng châu Á - Thái Bình Dương với các nền văn hóa khác nhau tụ họp lại để trình bày các tác phẩm âm nhạc mới sáng tác, trao đổi kinh nghiệm và xây dựng tình đoàn kết.
PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng NSƯT Bùi Lệ Chi (Trưởng bộ môn Đàn bầu - Khoa Nhạc cụ truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đại diện cho Việt Nam đã tham dự sự kiện âm nhạc này.
Các nhà soạn nhạc, nghệ sĩ đến từ 15 nước thành viên ACL: Úc, Hồng Kồng, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc, và các nhạc sĩ, nghệ sĩ khách mời đến từ Lào, Campuchia, Tatarstan…
Đêm 8/11, tại phòng hòa nhạc lớn của Trung tâm Văn hóa Philippines đã có buổi hòa nhạc giao hưởng đặc biệt, các tác phẩm nhạc giao hưởng xuất sắc đại diện cho 9 quốc gia đã được thực hiện: “Approaching Vinece” của Eve Duncan (Úc); “Đối thoại” của Đỗ Hồng Quân (Việt Nam); “Intermezzo” của Wang Qiang (Trung Quôc); “Tris-Megi-Stus” của Alon Nechushtan (Israel); “A Shining of Firmament” của Isao Matsushita (Nhật Bản); “The 108 Passions” của Yoonbok Suk (Hàn Quốc); “Serenade” của Junyi Chow (Malaysia); “The Corner of the war” của Alissa Liu (New Zealand) và “Pulso” của Jimuel Dave Dagta (Philippines).
Tác phẩm “Đối thoại” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân do NSƯT Bùi Lệ Chi biểu diễn đàn bầu cùng với dàn nhạc Giao hưởng Philippines đã được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt và các đồng nghiệp đánh giá cao tại Festival.
Tại chương trình Hòa nhạc truyền thống, NSƯT Bùi Lệ Chi với cây đàn bầu đã trình bày 4 tác phẩm âm nhạc dân gian truyền thống của Việt Nam: “Hát ru Bắc Bộ”; “Hát ru Nam Bộ”; “Hành Văn Huế” và “Vì miền Nam” của nhạc sĩ Huy Thục.
Festival Âm nhạc với 9 chương trình: Hòa nhạc Hợp xướng và Lễ khai mạc; Ca khúc nghệ thuật - Nhạc trẻ - Âm nhạc điện tử; Cuộc thi các nhà soạn nhạc trẻ châu Á – Thái Bình Dương; Hòa nhạc Dàn nhạc Giao hưởng; Hòa nhạc truyền thống; Hòa nhạc thính phòng 1; Ban nhạc giao hưởng; Hòa nhạc thính phòng 2; Chương trình hòa nhạc tổng hợp và Lễ bế mạc. Một cuộc Hội thảo với 12 bài tham luận, và các ý kiến đóng góp của các nhà soạn nhạc, nhà lý luận phê bình và đào tạo âm nhạc liên quan đến âm nhạc như: Thiên nhiên, lịch sử, những câu chuyện; Môi trường và cộng đồng; Tác phẩm âm nhạc; Sáng tác và công nghệ… và các hội thảo liên kết âm nhạc mới, diễn đàn và hoạt động thăm quan khác.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ tổ chức Festival Âm nhạc Mới “Á - Âu" lần thứ II tại Việt Nam và Festival - Hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 34 vào tháng 10 năm 2016 tại thủ đô Hà Nội và thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Kế hoạch tiếp theo sẽ là Hông Kong (2017), Đài Loan (2018)…
*
* *
Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á (ACL) là tổ chức âm nhạc đương đại sôi động nhất hoạt động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày nay. Nó được thành lập vào năm 1973 do các nhà soạn nhạc hàng đầu đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc. Mục tiêu chính là thúc đẩy, bảo tồn, phát triển các nền văn hóa âm nhạc của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc; đẩy mạnh lợi ích của nhà soạn nhạc, được công nhận tác quyền của họ trong luật pháp quốc gia và quốc tế. Hội nghị - Festival ACL là sự kiện hoành tráng được tổ chức trung bình 18 tháng một lần, và được tổ chức bởi các thành viên chính thức dưới sự bảo trợ của ACL.
Đại hội đầu tiên thành lập Hiệp hội của các nhà soạn nhạc châu Á được tổ chức tại Hồng Kông từ ngày 12-14 tháng 4 năm 1973, nhà soạn nhạc Hồng Kông Lin Sheng-shih (1915 – 1991) được bầu làm Chủ tịch đầu tiên. Từ đó đến nay đã có 33 lần Hội nghị - Festival được tổ chức luân phiên ở các nước thành viên, thiết lập nền tảng cho một tổ chức Âm nhạc hưng thịnh, gắn kết hơn của tình hữu nghị là một trong những đặc điểm nhân văn của Festival.
Các chương trình Hòa nhạc của ACL độc đáo ở chỗ khuyến khích các buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và cũng khuyến khích các buổi biểu diễn của nghệ thuật âm nhạc đương đại, trong đó sử dụng cả công cụ và những ảnh hưởng của phương Tây và châu Á - Thái Bình Dương. Những buổi hòa nhạc là nguồn tài nguyên vô giá để trải qua sự phát triển của loại hình âm nhạc mới và các biểu thức. Các buổi dạ tiệc, tham quan đã trở thành một phần không thể thiếu của Festival, phản ánh những phong tục truyền thống hiếu khách của người phương Đông. Đặc biệt, đối với các tổ chức âm nhạc các nước thành viên việc tham dự các Festival ACL giúp thúc đẩy sự phát triển sáng tác âm nhạc cũng như các nhóm biểu diễn chuyên nghiệp.