Hồi ký Berlioz (7)

12/09/2017

(Tiếp theo)

Chương 7

Vở opéra đầu tay – Thầy Andrieux – Bản messe đầu tay – Ngài Chateaubriand

Vài tháng sau khi được nhận vào lớp dạy tư của thầy Lesueur (khi còn chưa là sinh viên chính thức tại Nhạc viện) tôi quyết định viết một vở opéra. Vì vẫn chuyên cần theo lớp văn học của thầy Andrieux nên tôi nghĩ nhiều đến ông già hóm hỉnh này và nảy sinh ý tưởng độc đáo là nhờ thầy viết hộ libretto. Tôi không nhớ lời lẽ mình đã viết trong thư đề nghị thầy, nhưng dưới đây là thư trả lời.

Chào anh,
Thư của anh khiến tôi hết sức thích thú. Nhiệt huyết dành cho môn nghệ thuật cao đẹp đó mà anh thể hiện sẽ đảm bảo cho thành công của anh. Tôi cầu chúc cho anh điều đó với tất cả tấm lòng và tôi mong có thể giúp anh đạt được. Song công việc mà anh đề nghị không phù hợp với người ở tuổi tôi; ý tưởng và nghiên cứu của tôi nằm ở hướng khác kia. Anh sẽ tưởng tôi là một kẻ quê mùa nếu biết rằng đã nhiều năm nay tôi không đặt chân đến nhà hát Opéra lẫn nhà hát Feydeau. Tôi đã sáu mươi tư tuổi rồi và ý muốn viết những ca từ yêu đương sẽ khiến tôi phát ốm. Còn về âm nhạc thì tôi hầu như chỉ còn nghĩ đến các bản Requiem. Rất tiếc là anh không ra đời sớm hơn ba mươi hay bốn mươi năm, hoặc là tôi ra đời muộn hơn. Nếu thế thì chúng ta đã có thể cộng tác với nhau. Xin hãy chấp nhận lời xin lỗi hết sức thành thực của tôi và xin gửi tới anh lời chào trìu mến.

Andrieux
Ngày 17 tháng 6 năm 1823.

Thầy Andrieux đã rất tốt khi tự mình đem lá thư đến cho tôi. Thầy trò chuyện với tôi hồi lâu và lúc chia tay thầy bảo: “À, thời trẻ tôi cũng là người yêu nhạc đấy. Tôi rất hâm mộ Piccinni[1] và cả Gluck nữa”.

Chán nản vì thất bại đầu tiên bên một nhà văn danh tiếng, tôi đã nhũn nhặn cầu viện Gerono người tự cho mình có chút tài thi ca. Tôi đề nghị cậu ấy (cứ ngạc nhiên trước sự chân thành của tôi đi) viết libretto cho tôi dựa trên vở kịch đồng quê Estelle của Florian. Cậu ấy tiến hành rồi tôi soạn nhạc cho tác phẩm của cậu ấy. May mắn là chưa ai từng nghe trích đoạn nào từ vở opéra do kỉ niệm ở Meylan thôi thúc này. Những kỉ niệm lực bất tòng tâm! Bởi vì tổng phổ tôi viết buồn cười ngang với, nếu không muốn nói là còn buồn cười hơn libretto của Gerono.

Sau tác phẩm về một đóa hồng này tôi viết tiếp một hoạt cảnh nặng nề u ám hoàn toàn trái ngược, được vay mượn từ vở kịch Beverley hay con bạc[2] của Saurin. Tôi thật sự say mê trích đoạn âm nhạc viết cho giọng bass cùng dàn nhạc này và tôi những muốn nghe ca sĩ Dérivis hát nó bằng tài năng mà tôi thấy là rất phù hợp. Cái khó là phải tìm ra một dịp thuận lợi để tổ chức biểu diễn. Tôi nghĩ là mình đã tìm được khi trông thấy một thông báo ở Nhà hát Pháp về buổi biểu diễn gây quỹ cho Talma[3] có sự tham gia của Athalie cùng dàn hợp xướng Gossec. Vì có dàn hợp xướng nên tôi đoán là cũng sẽ có một dàn nhạc đệm. Hoạt cảnh của tôi lại là một tác phẩm dễ biểu diễn và nếu Talma muốn giới thiệu nó trong chương trình của mình thì Dérivis sẽ không từ chối hát nó. Thế là tôi đến nhà Talma! Nhưng chỉ mới nghĩ đến việc nói chuyện mặt đối mặt với nam diễn viên bi kịch nổi tiếng sắm vai Néron là tôi đã hết sức luống cuống. Trên đường tới nhà ông ấy tim tôi đập loạn xạ như báo hiệu điềm dữ. Vừa tới cổng nhà là tôi đã bắt đầu run rẩy; tôi dừng lại trên ngưỡng cửa mà phân vân, lưỡng lự. Mình có dám tiến lên chăng? Hay là từ bỏ kế hoạch của mình? Hai lần tôi đã giơ tay nắm lấy dây chuông thì cũng hai lần tôi lại hạ tay xuống... mặt tôi đỏ bừng... tai tôi ù đi... mắt tôi hoa lên... Rốt cuộc tính rụt rè đã chiến thắng, tôi từ bỏ mọi hi vọng và quay đi, hay đúng hơn là cắm đầu cắm cổ chạy trốn.

Ai sẽ hiểu được chứ? Lúc ấy tôi chỉ là một anh chàng nhiệt tình mới từ quê ra tỉnh.

Sau đó ít lâu ông Masson, trưởng ca đoàn nhà thờ Saint-Roch, đề nghị tôi viết một bản messe trọng thể mà ông ấy nói là sẽ cho biểu diễn trong nhà thờ này vào dịp lễ thánh bảo hộ trẻ em, một ngày hội của bọn trẻ trong đội hợp xướng. Chúng tôi cần tới một trăm nhạc công được tuyển chọn vào dàn nhạc và một đội hợp xướng còn đông người hơn thế. Tất cả các bè sẽ luyện tập trong vòng một tháng. Tôi sẽ không phải trả chi phí cho việc chép nhạc vì việc này sẽ được các trẻ em trong đội hợp xướng nhà thờ Saint-Roch làm thiện nguyện và cẩn thận...vv... Thế là tôi hết sức hăng hái soạn bản messe này mà phong cách của nó, với cách phối màu mất cân bằng và tùy tiện, chỉ là một dạng mô phỏng vụng về phong cách của Lesueur. Như phần lớn các ông thầy, người thầy này khi xem xét tổng phổ  tôi viết cũng tán thưởng tất cả các đoạn mà trong đó phong cách của thầy được sao chép một cách trung thành nhất.

Vừa viết xong tôi trao ngay bản thảo tận tay ông Masson và ông giao lại cho các em học trò của mình sao chép và luyện tập. Ông luôn miệng cam đoan với tôi rằng buổi biểu diễn sẽ rất long trọng và tuyệt vời. Chúng tôi chỉ còn thiếu một nhạc trưởng khéo léo nữa thôi, mà cả ông ấy lẫn tôi đều không quen chỉ huy các tác phẩm quy mô lớn đòi hỏi nhiều nhạc cụ và giọng hát thế này. Lúc ấy Valentino là chỉ huy của dàn nhạc nhà hát Opéra và cũng đang hi vọng được bổ nhiệm làm chỉ huy Ca đoàn Hoàng gia. Chắc chắn là ông ấy sẽ không từ chối thầy tôi vì thầy đang là giám đốc ca đoàn này[4]. Quả nhiên một lá thư từ thầy Lesueur mà tôi mang đến đã thuyết phục được ông hứa sẽ cộng tác mặc dù ông vẫn nghi ngờ nhân lực mà chúng tôi có thể chuẩn bị.

Ngày tổng duyệt đã tới[5] và các ca sĩ, nhạc công trình diễn tác phẩm quy mô lớn của chúng tôi cùng tập hợp lại. Chúng tôi có cả thảy 20 ca sĩ trong đó gồm 15 ténor và 5 bass; 12 trẻ em, 9 violon, 1 viola, 1 haubois, 1 cor và 1 basson. Ta hãy hình dung nỗi thất vọng và hổ thẹn của tôi khi bày ra trước Valentino, vị nhạc trưởng nổi tiếng của một trong những dàn nhạc hàng đầu thế giới, một đám ca công tạp nham như vậy!... “Xin hãy yên tâm, ông Masson luôn miệng nói, buổi biểu diễn ngày mai sẽ không thiếu một ai. Ta cứ tổng duyệt đi!”. Với vẻ cam chịu Valentino ra hiệu bắt đầu. Song một lát sau ông phải dừng lại vì có vô số lỗi chép sai trong các phân phổ mà từng người một chỉ ra. Tại đây người ta quên viết các dấu giáng và dấu thăng bên khóa nhạc, chỗ khác thì lại thiếu mười dấu lặng, cách một đoạn nữa thì người ta bỏ sót đến 30 ô nhịp. Đấy là những nhầm lẫn mà chúng tôi đã không tự mình nhận ra. Tôi có cảm giác như đang chịu cực hình dưới địa ngục. Rốt cuộc chúng tôi đành thông báo hủy bỏ buổi biểu diễn lần này và phải rất lâu nữa ước mơ mà tôi ấp ủ mới được hiện thực hóa bằng một dàn nhạc lớn.

Ít ra thì bài học đó đã không vô ích. Chút ít mà tôi nghe được từ tác phẩm không may của mình cũng đủ để tôi phát hiện ra những lỗi sai nổi bật nhất của nó. Tôi mau chóng sửa chữa triệt để các đoạn mà Valentino phản ánh lại với tôi lúc ông hứa rằng sẽ không bỏ rơi tôi khi đến dịp phục thù. Tôi đã viết lại hầu như toàn bộ bản messe này. Nhưng trong khi tôi làm việc đó thì cha mẹ tôi, hay tin về thất bại này, đã không bỏ lỡ dịp hùng hổ kéo bè kéo cánh công kích kịch liệt thiên hướng mà tôi tự nhận và chế nhạo những hi vọng của tôi. Ấy là cặn trong chén đắng của tôi. Tôi đã lẳng lặng nuốt vào và gan lì tiếp tục.

Khi tổng phổ đã hoàn thành tôi lên kế hoạch tự chép nhạc. Kinh nghiệm đau thương dạy tôi rằng không được dựa dẫm vào người khác, mà tôi lại không có tiền để trả cho những người chép nhạc chuyên nghiệp. Tôi tự mình sao chép thành hai bản, ba bản, bốn bản.... Sau khoảng ba tháng việc đó mới hoàn thành. Song đến lúc ấy tôi lại mắc cạn cùng bản messe của mình giống như Robinson Crusoe mắc cạn cùng chiếc thuyền lớn của anh ta mà không thể nào hạ thủy được. Tôi hoàn toàn thiếu phương tiện để tổ chức biểu diễn. Dựa vào lực lượng nghệ sĩ của ông Masson thêm một lần nữa sẽ là quá khờ khạo; bản thân tôi lại chẳng quen biết nghệ sĩ nào để có thể tự mời các nghệ sĩ biểu diễn mình cần; chạy đi tìm sự giúp đỡ của các nghệ sĩ Ca đoàn Hoàng gia vốn được thầy tôi bảo hộ thì rõ ràng là không thể được[6]. Lúc ấy anh bạn Humbert Ferrand của tôi, chút nữa tôi sẽ kể về anh ấy, nảy ra ý tưởng táo bạo là tôi sẽ viết thư gửi ngài Chateaubriand[7], như gửi người duy nhất có thể hiểu và chấp nhận một yêu cầu như vậy, hỏi vay 1200 franc để tổ chức biểu diễn bản messe của mình. Thư trả lời của Chateaubriand như sau:

Paris, ngày 31 tháng 12 năm 1824

Anh hỏi vay của tôi 1200 franc nhưng tôi không có, thưa anh. Nếu có thì tôi đã gửi anh rồi. Tôi cũng chẳng có cách nào để giúp anh phục vụ chính quyền[8]. Tôi hết sức cảm thông với những khó khăn của anh. Tôi yêu nghệ thuật và tôn trọng các nghệ sĩ nhưng những thử thách mà người tài năng gặp phải sẽ làm nên chiến thắng của người ấy và ngày thành công sẽ đền bù cho mọi điều mà người ấy đã phải chịu đựng.

Xin hãy nhận lấy lời xin lỗi rất thành thực của tôi!

Chateaubriand

(Còn nữa)

 


[1] Niccolò Piccinni (1728 – 1800): nhà soạn nhạc người Ý, tác giả opéra nổi tiếng lúc sinh thời.

[2] Một phóng tác của Edward Moore dựa trên vở Beverley ou le Joueur của Benard Saurin đã được phục dựng tại nhà hát Odéon vào tháng 3/1823. (DC)

[3] François Joseph Talma (1763 – 1826): nam diễn viên bi kịch người Pháp.

[4] Giám đốc chỉ giám sát tổ chức biểu diễn tác phẩm của mình chứ không tự mình chỉ huy. (DC)

[5] Ngày 27/12/1824. (DC)

[6] Lúc ấy tôi không hiểu tại sao. Dĩ nhiên nếu Lesueur  huy động toàn bộ Ca đoàn Hoàng gia tới nhà thờ Saint-Roch hay nơi nào khác để biểu diễn tác phẩm của một học trò của mình thì sẽ được dang tay đón nhận. Nhưng chắc chẳn là ông sợ rằng các bạn học của tôi sẽ lần lượt đòi hưởng đặc ân tương tự, mà đấy là chuyện rõ ràng không thể được. (HB – chú thích của Hector Berlioz)

[7] François-René de Chateaubriand (1768 – 1848): nhà văn và chính trị gia người Pháp. Ông được coi là người sáng lập dòng văn chương Lãng mạn Pháp.

[8] Tôi cũng đã xin Chateaubriand tiến cử tôi với chính quyền thời đó. (HB)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...