Hồi ký Berlioz (6)

11/09/2017

(Tiếp theo)

 

Chương 6

Được thầy Lesueur nhận làm học trò – Lòng tốt của thầy – Ca đoàn Hoàng gia

Trong quá trình tranh luận gay gắt với cha thì tôi đã bắt đầu sáng tác. Cùng các tác phẩm khác tôi có viết một cantate cho dàn nhạc lớn dựa trên thơ của Millevoye (bài Con ngựa Arập[1]). Một học trò của Lesueur tên là Gerono mà tôi thường gặp tại thư viện nhạc viện đã gợi ý cho tôi về khả năng được nhận vào lớp sáng tác của thầy mình và đề nghị giới thiệu tôi với ông. Tôi vui sướng chấp nhận lời đề nghị này và vào một buổi sáng tôi trình lên Lesueur tổng phổ bản cantate của tôi cùng một bản canon ba bè mà tôi tin là cần đưa cho ông để phụ trợ trong dịp trọng thể này. Lesueur tốt bụng đã đọc chăm chú hai tác phẩm đầu tay chưa hoàn thiện của tôi và khi trả chúng lại ông bảo: “Có nhiều nhiệt huyết và kịch tính trong đó đấy song cậu vẫn chưa biết cách viết đâu. Hòa âm của cậu sai nhiều lỗi đến mức chỉ ra cho cậu thấy cũng vô ích thôi. Gerono sẽ vui lòng giúp cậu làm quen với các nguyên tắc hòa âm của chúng tôi, và ngay khi cậu đủ hiểu biết để có thể theo học thì tôi sẽ sẵn lòng nhận cậu làm học trò”.  

Gerono kính cẩn nhận nhiệm vụ được thầy Lesueur giao phó. Trong vài tuần lễ cậu ấy giải thích rõ ràng cho tôi hiểu toàn bộ hệ thống mà người thầy này lấy làm nền tảng cho lý thuyết sáng tác và chuỗi các hòa âm; hệ thống được vay mượn từ Rameau và những mộng tưởng của ông về tính vang của dây thanh[2]. Từ cách dẫn giải của Gerono về các nguyên tắc này, ngay lập tức tôi nhận ra rằng phải mặc nhiên thừa nhận giá trị của chúng mà không được bàn cãi và rằng trong trường của Lesueur người ta vẫn tiếp tục một kiểu tôn giáo mà ai cũng phải phục tùng một cách mù quáng. Cuối cùng với uy lực như thế của tấm gương tôi cũng có được một niềm tin chân thành vào học thuyết này và Lesueur kết nạp tôi vào đám đệ tử ưa thích của mình, coi tôi là một trong các tín đồ nhiệt thành nhất của học thuyết.

Tôi không bao giờ có thể quên ơn con người tuyệt vời và đáng kính này, người đã chăm chút những bước đi đầu tiên của tôi trên đường sự nghiệp với một lòng khoan dung đến thế và người mà cho tới tận cuối đời đã tỏ ra trìu mến thực sự với tôi. Song tôi đã lãng phí biết bao thời gian học các lý thuyết cổ lỗ của ông để rồi khi đem chúng vào thực hành thì phải gạt bỏ chúng đi và bắt tay học lại từ đầu! Lúc này đây mắt tôi bất giác nhìn sang hướng khác và bắt gặp một trong những tổng phổ của ông. Thế là lòng tôi trào dâng một cảm xúc giống như cảm xúc mà ta có khi nhìn bức chân dung của một người bạn nay không còn nữa. Tôi đã từng khâm phục biết bao các vở oratorio nhỏ hình thành nên vốn tiết mục của thầy Lesueur tại Ca đoàn Hoàng gia, và tôi đã nuối tiếc xiết bao khi thấy lòng khâm phục này bị phai nhạt. Ngoài ra khi so sánh hiện tại với thời kỳ thường đi nghe chúng vào chủ nhật hàng tuần tại cung điện Tuileries, tôi thấy mình thật già nua, thật mỏi mệt và thật khốn khổ vì những ảo tưởng. Biết bao nghệ sĩ nổi tiếng mà tôi quen biết tại các buổi lễ trọng của nghệ thuật tôn giáo đó hiện không còn nữa! Bao nhiêu người khác đã rơi vào quên lãng, điều còn tồi tệ hơn cả cái chết! Biết bao biến động, biết bao nỗ lực, biết bao khắc khoải kể từ hồi ấy!... Đó là những tháng ngày của nhiệt huyết lớn lao, của đam mê âm nhạc mãnh liệt, của những giấc mộng giữa ban ngày, của những niềm vui bất tận không thể diễn tả!...

Khi tôi đến dàn nhạc của Ca đoàn Hoàng gia, Lesueur thường tranh thủ vài phút trước giờ diễn để thông báo với tôi chủ đề của tác phẩm mà người ta sẽ diễn, thuyết trình và giải thích về bố cục và các ý chính của ông. Quả thật, việc hiểu biết về chủ đề mà nhà soạn nhạc xử lý không vô ích bởi vì hiếm khi đó chỉ là phần lời của bản messe. Lesueur viết một số lượng lớn messe song ông đặc biệt yêu thích và dễ dàng phổ nhạc các chương thú vị của Kinh Cựu Ước như các câu chuyện về Noémi, Rachel, Ruth và Booz, Débora... vv... Ông đã phủ lên chúng những sắc màu cổ xưa, đôi khi còn thật đến nỗi người nghe quên đi sự nghèo nàn của nền tảng âm nhạc, sự cố tình bắt chước phong cách kịch tính kiểu Ý lỗi thời trong các aria, các duo và trio cùng phần phối khí thô sơ và kém cỏi của ông. Toàn bộ thi ca (có lẽ ngoại trừ bài thơ của Mac-Pherson mà người ta vẫn khăng khăng cho là của Ossian) chắc chắn không sánh bằng Kinh Thánh trong việc phát triển năng lực đặc biệt của Lesueur. Vào thời gian đó tôi đã chia sẻ được với thầy sở thích này và phương Đông - với sự bình yên của những sa mạc bỏng cháy, vẻ uy nghiêm của những tàn tích mênh mông, những ký ức lịch sử, những chuyện ngụ ngôn của nó - là cái đích trên đường chân trời thi ca mà trí tưởng tượng của tôi ưa cất cánh bay tới nhất.

Sau buổi lễ, ngay ở phần kết Ite missa est đức vua (Charles X) đã lui gót trong âm thanh lố bịch của một chiếc trống lớn và ống tiêu chơi một điệu fanfare truyền thống ở nhịp năm, thứ âm nhạc chỉ đáng sinh ra ở thời trung cổ, thi thoảng thầy dẫn tôi đi dạo đường dài. Đó là những ngày đầy những lời khuyên nhủ quý giá và tâm sự thú vị. Để khuyến khích tôi, thầy Lesueur kể một loạt chuyện về thời trẻ của mình, những công việc đầu tiên trên cương vị chỉ huy hợp xướng ở Dijon, chuyện gia nhập Ca đoàn nhà thờ, cuộc thi giành vị trí giám đốc trường dạy thánh ca của nhà thờ Đức Bà, sự thù hằn của Méhul[3] đối với thầy, sự khinh rẻ mà thầy phải chịu đựng từ những kẻ tầm thường ở Nhạc viện, những âm mưu chống lại vở opéra Sào huyệt[4] của thầy, hành động hào hiệp của Cherubini trong dịp đó[5], tình bạn của thầy với Païsiello – người tiền nhiệm của thầy tại Ca đoàn Hoàng gia, những đãi ngộ hậu hĩnh mà Napoléon ban cho tác giả của Những người hát rong[6], những phát biểu mang tính lịch sử của vĩ nhân về vở opéra này.

Thầy tôi cũng kể về những khó khăn bất tận để vở opéra đầu tay của mình được biểu diễn, những lo âu e sợ trước buổi công diễn lần đầu tiên, cảm giác buồn bã và trống rỗng kỳ quặc của thầy sau thành công của nó, nhu cầu được thử vận may thêm một lần nữa tại nhà hát, vở opéra Télémaque của thầy được viết trong ba tháng, vẻ đẹp kiêu sa của nữ ca sĩ Scio khi vào vai nữ thần săn bắn Diana cùng sự bùng nổ dữ dội của nàng lúc nhập vai Calypso.

Sau đó chúng tôi sẽ thảo luận bởi thầy cho phép tôi thảo luận với thầy khi chỉ có hai người và có lần tôi đã đi xa hơn giới hạn được phép. Lý thuyết của thầy về bè trầm cơ bản và những ý tưởng của thầy về việc chuyển giọng luôn là đề tài cho các cuộc tranh luận. Khi không nói về âm nhạc nữa thì thầy lại sẵn sàng khơi ra các đề tài tôn giáo hay triết học và tới đây thì chúng tôi lại càng thường xuyên bất đồng. Song cũng có những điều xác thực mà chúng tôi tìm được tiếng nói chung như Gluck, Virgile, Napoléon, những người mà chúng tôi cùng có thiện cảm mãnh liệt như nhau. Sau những cuộc trò chuyện thân mật kéo dài bên bờ sông Seine hoặc dưới bóng mát của cung điện Tuileries, thầy thường bỏ mặc tôi để một mình trầm tư mặc tưởng hằng giờ đồng hồ, điều đã trở thành nhu cầu thiết yếu với thầy.

(Còn nữa)

 


[1] Le Cheval arabe.

[2] Cái mà ông gọi là vật thể phát âm, như những dây thanh là những vật thể duy nhất âm vang trong vũ trụ; hay đúng hơn là như lý thuyết về sự ngân rung của chúng có thể áp dụng cho sự âm vang của mọi vật thể phát âm. (DC)

[3] Étienne Nicolas Méhul (1763 – 1817): nhà soạn nhạc người Pháp, tác giả opéra quan trọng nhất ở Pháp trong thời Cách mạng.

[4] La Caverne: opéra ba màn của Le Sueur, công diễn lần đầu ngày 16/02/1793.

[5] Cherubini đã thay thế vị trí của người nhắc vở đã vắng mặt trong ba buổi diễn đầu tiên. (DC)

[6] Ossian ou Les bardes (Ossian hay Những người hát rong): vở opéra nổi tiếng của Jean-François Le Sueur (1760 - 1837) rất được Napoléon ưa thích và nhờ nó mà tác giả được thưởng huân chương Bắc đẩu bội tinh. (DC)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...