Hồi ký Berlioz (5)

31/08/2017

(Tiếp theo)

Chương 5

Một năm học y khoa – Giáo sư Amussat – Một buổi biểu diễn opéra – Thư viện ở Nhạc viện – Sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của âm nhạc – Cha không chịu để tôi theo nghề này -  Những bàn cãi trong gia đình

Khi mới đến Paris năm 1822[1] cùng anh bạn đồng môn A. Robert[2], tôi miệt mài hết sức với những bài học liên quan đến đến nghề nghiệp mà tôi tự buộc mình vào và giữ được lời hứa với cha lúc ra đi. Thế nhưng tôi đã phải chịu một thử thách khá khó khăn vào một buổi sáng nọ khi anh Robert báo với tôi rằng anh đã mua một đối tượng (tử thi) và lần đầu tiên dẫn tôi đến phòng phẫu thuật của bệnh viện Pitié. Khi trông thấy cái nhà xác khủng khiếp đó, với các chi người bị cắt rời, các bộ mặt người rúm ró, các sọ người bị mổ mở, vũng máu lầy lội dưới bước chân chúng tôi, cái mùi tệ hại xông lên, đàn chim sẻ giành nhau các mẩu phổi vụn, lũ chuột trong xó nhà gặm nhấm các đốt sống còn rỉ máu, lòng tôi ngập tràn một nỗi hãi hùng đến mức tôi nhảy phắt qua cửa sổ của phòng phẫu thuật và ba chân bốn cẳng chạy hộc tốc về nhà cứ như thể có thần chết và bầy đoàn khủng khiếp đang thúc gót. Cú sốc do ấn tượng đầu tiên này gây ra kéo dài suốt hai mươi tư giờ và tôi không muốn nghe nói thêm về giải phẫu học, về phẫu tích tử thi hay về y khoa nữa. Tôi nghiền ngẫm hàng ngàn cách thức điên rồ để thoát khỏi cái tiền đồ mà tôi có nguy cơ lâm vào.

Robert đã phí phạm tài hùng biện để đấu tranh với nỗi ghê sợ của tôi và để chứng minh cho tôi thấy sự phi lí trong các kế hoạch tôi vạch ra. Ấy thế mà anh đã thành công trong việc khiến tôi đem mình ra trải nghiệm thử thách đến lần thứ hai. Tôi đồng ý theo anh đến bệnh viện một lần nữa và chúng tôi cùng bước vào nhà xác. Lạ lùng sao! Lần này khi trông thấy những thứ mà ngay từ lần đầu đã gây cho tôi một ấn tượng rất rùng rợn, tôi vẫn hoàn toàn bình tĩnh, hoàn toàn không cảm thấy gì ngoài một nỗi chán ghét lạnh lùng; tôi đã làm quen được với cảnh tượng này như một sinh viên y khoa dày dạn; thế là xong. Lúc đến nơi tôi còn thích thú dò dẫm lá phổi mở hé của một xác chết tội nghiệp để cung cấp khẩu phần phèo phổi cho những cư dân có cánh lưu trú tại nơi chốn hay ho đó. Anh Robert vừa cười vừa nói: “Tốt quá! Em đã nhân đạo hơn rồi đấy!” và anh đọc hai câu của Racine:

“Với lũ chim nhỏ em cho chúng thức ăn
Và khắp thiên nhiên lòng nhân từ trải rộng.”[3]

Để trả miếng, tôi ném một khúc xương bả vai vào một con chuột to tướng đang nhìn mình với vẻ đói khát.

Vậy là tôi lại tiếp tục học môn giải phẫu, nếu không phải với niềm thích thú thì ít ra cũng với sự nhẫn nhục kiên cường. Những thiện cảm sâu kín cũng đã gắn bó tôi với thầy Amussat, người bộc lộ một niềm đam mê dành cho môn khoa học này cũng mãnh liệt ngang với niềm đam mê tôi dành cho âm nhạc. Đấy là một nghệ sĩ giải phẫu. Là một nhà cách tân táo bạo trong phẫu thuật, tên tuổi của thầy ngày nay đã nổi tiếng khắp châu Âu; những phát minh của thầy khiến giới hàn lâm vừa ngợi khen vừa hằn thù ganh ghét. Thầy phải làm cả ngày lẫn đêm mới hết việc. Và mặc dù mệt lử vì những nhọc nhằn của một cuộc sống như thế nhưng con người mơ mộng u sầu này vẫn tiếp tục các nghiên cứu táo bạo và kiên trì con đường nguy hiểm của mình. Thái độ của thầy là thái độ của một con người tài năng. Tôi gặp thầy thường xuyên và rất yêu mến thầy.

Môn học của các thầy Thénard và Gay-Lussac cũng mau chóng được đưa vào giảng dạy tại Vườn bách thảo, một thầy dạy hóa học, một thầy dạy vật lý.  Lớp văn học mà ở đó thầy Andrieux biết cách lôi cuốn cử tọa bằng vẻ ngây thơ tinh nghịch đã bù đắp cho tôi rất nhiều; khi theo dõi những bài học đó tôi thấy có một sức hấp dẫn mãnh liệt và ngày càng quan tâm thích thú. Tôi đang trên đường trở thành một sinh viên như các sinh viên khác được dự tính sẽ bổ sung vào danh sách các bác sĩ tồi tệ và tai hại thì một buổi tối kia tôi tới nhà hát Opéra. Người ta diễn vở Các nàng Danaïdes của Salieri. Vẻ tráng lệ và rạng rỡ của cảnh trí, độ âm vang lớn lao của dàn nhạc và dàn hợp xướng, tài năng diễn xuất thống thiết của nữ ca sĩ Branchu, giọng hát lạ lùng của cô, chất xù xì hùng vĩ của nam ca sĩ giọng bass Dérivis; aria của nhân vật Hypermnestre mà tôi thấy là Salieri đã bắt chước mọi đặc trưng của phong cách Gluck, theo như một trích đoạn opéra Orphée mà tôi tìm thấy trong thư viện của cha; và cuối cùng là sự huyên náo đến choáng váng và âm nhạc của vũ điệu khoái lạc một cách u sầu, được Spontini thêm vào tổng phổ của ông già đồng hương, đã đưa tôi vào một trạng thái xáo động và phấn hứng tới mức không thể diễn tả nổi. Tôi giống như một chàng trai trẻ có trong người mọi bản năng thủy thủ nhưng mới chỉ trông thấy những con thuyền nhỏ ở những hồ nước trên núi quê mình, bỗng đột nhiên thấy mình được mang tới một con tàu lớn ba boong trên biển cả. Cái đêm sau buổi biểu diễn đó tôi hầu như không ngủ và bài học giải phẫu sáng hôm sau phải hứng chịu cơn buồn ngủ của tôi. Tôi vừa hát khúc aria của Danaüs “Hãy tận hưởng số phận may mắn” vừa cưa xẻ hộp sọ đối tượng của tôi. Và khi Robert, phát sốt ruột khi nghe tôi ngân nga giai điệu hợp xướng “Đậu xuống ngực nàng Amphitrite” thay vì đọc chương sách của Bichat nói về các mô thần kinh, liền hét lên: “Để ý vào việc của mình nào! Chúng ta chẳng làm được gì cả! Sau ba ngày đối tượng sẽ hư hỏng mất!... Giá của nó là 18 franc đấy... Thế nên phải biết điều chứ!”. Tôi đáp lại bằng khúc tụng ca Némésis “Vị thần khát máu!”[4] và con dao mổ tuột khỏi tay Robert.

Vào tuần lễ tiếp theo tôi quay trở lại nhà hát Opéra, lần này tôi tham dự buổi biểu diễn vở opéra Stratonice của Méhul và vở ballet Nina mà phần âm nhạc do Persuis sáng tác và chuyển soạn. Tôi thích nhất khúc ouverture của vở Stratonice, tiếp theo là aria của Séleucus “Hãy trút bỏ hết mọi nỗi buồn” và đoạn hợp ca của bốn nhân vật. Song về tổng thể thì tôi thấy tác phẩm này hơi lạnh lẽo. Ngược lại vở ballet khiến tôi rất hài lòng và xúc động một cách sâu sắc khi nghe Vogt, một nghệ sĩ kèn cor Anh, trong điệu bộ ngao ngán của nhân vật tiểu thư Bigottini, chơi một giai điệu thánh ca mà các cô bạn của em gái tôi đã hát ở tu viện Ursulines vào ngày lễ ban thánh thể đầu tiên của tôi. Đó là khúc romance “Khi người yêu dấu trở về”. Một khán giả ngồi cạnh, người đang lẩm nhẩm lời hát, nói cho tôi biết tên vở opéra và tên tác giả mà Persuis đã vay mượn. Và tôi hiểu ra rằng tác phẩm nguyên gốc là Nina của D’Aleyrac. Tôi cho là dù nữ ca sĩ vào vai Nina[5] xuất sắc đến mấy đi chăng nữa thì cũng rất khó có thể diễn tả giai điệu này tự nhiên và xúc động như nhạc cụ của Vogt đã thể hiện và tăng thêm kịch tính bằng tài nghệ không lời.

Mặc dù có những lần mất tập trung tương tự hay đã trải qua hàng giờ buổi tối nghiền ngẫm về mẫu thuẫn đáng buồn giữa nghĩa vụ học tập và thiên hướng của bản thân thì tôi vẫn tiếp tục kiểu sống giằng co này thêm một thời gian nữa, không có ích nhiều cho sự nghiệp y khoa và cũng không thể mở rộng phạm vi hiểu biết hạn chế của tôi về âm nhạc. Tôi đã hứa thì phải giữ lời. Nhưng khi biết rằng thư viện của nhạc viện, với vô vàn bản tổng phổ, mở cửa cho công chúng thì tôi không thể cưỡng lại ao ước tới đó nghiên cứu các tác phẩm của Gluck. Đó là các tác phẩm mà tôi đã dành cho một niềm đam mê bản năng và lúc này người ta không trình diễn tại nhà hát Opéra. Một khi được chấp nhận tại điện thờ này thì tôi không ra khỏi đó nữa. Đấy là một phát súng ân huệ dành cho y khoa. Tôi cương quyết bỏ rơi phòng phẫu thuật.

Đầu óc mải mê với âm nhạc đến mức tôi chểnh mảng cả môn thực nghiệm điện học dù môn này có sức hấp dẫn lớn và tôi rất ngưỡng mộ thầy Gay-Lussac. Tôi đọc đi đọc lại các tổng phổ của Gluck, tôi sao chép chúng và học thuộc lòng. Chúng khiến tôi mất ngủ, quên ăn quên uống. Tôi mê sảng vì chúng. Và một ngày kia, sau một hồi sốt ruột chờ đợi, rốt cuộc tôi đã có thể nghe trình diễn Iphigénie en Tauride[6]. Lúc ra khỏi nhà hát Opéra tôi thề sẽ trở thành nhạc sĩ bất chấp sự phản đối của ông bà cha mẹ, cô dì chú bác và bạn bè. Tôi cũng đã dám viết thư cho cha mà không trì hoãn thêm nữa để khiến ông hiểu ra rằng thiên hướng của tôi đang khẩn thiết kêu gào và không sao cưỡng lại được, để cầu xin ông đừng ngăn cản một cách vô ích. Ông đáp lại bằng những lý giải thân tình, kết luận rằng chẳng bao lâu nữa tôi sẽ nhận ra sự điên rồ trong quyết định của mình và từ bỏ mục tiêu đầy ảo tưởng để quay về với sự nghiệp vẻ vang đã được vạch sẵn. Song cha tôi đã lầm. Còn lâu tôi mới quy phục quan điểm của ông mà cứ khăng khăng giữ quan điểm của mình. Từ lúc đó chúng tôi trao đổi thư từ thường xuyên. Thư từ phía cha thì ngày càng khô khan và mang tính đe dọa còn thư từ phía tôi thì luôn say sưa nồng nhiệt hơn. Rốt cuộc không ai còn kiềm chế được và cơn thịnh nộ lên tới cực điểm.

(Còn nữa)

 


[1] Berlioz nhầm lẫn, thực tế là năm 1821. Hai người trọ tại số 104 phố Saint-Jacques ở khu Latin. (DC)

[3] Hai câu trích từ vở kịch Athalie của Jean Racine. (DC)

[4] Đây là các trích đoạn trong vở opéra Les Danaïdes (Các nàng Danaide) của Salieri.

[5] Madame Dugazon. (DC)

[6] Iphigénie ở Tauride (tên tiếng Anh: Iphigenia in Tauris), vở opéra 4 màn của Christoph Willibald Gluck.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...