Hồi ký Berlioz (4)
(Tiếp theo)
Chương 4
Các bài học âm nhạc đầu tiên do cha dạy – Các sáng tác đầu tay – Các bài tập xương cốt học – Nỗi chán ghét nghề y – Đi Paris
Khi tôi nói ở phía trên rằng âm nhạc đã hiển lộ trước tôi cùng lúc với tình yêu ở tuổi mười hai thì đấy là tác phẩm mà tôi được giao để đọc. Vì trước thời gian đó tôi đã biết xướng âm và chơi hai nhạc cụ. Cha vẫn dạy vỡ lòng âm nhạc cho tôi.
Sự tình cờ đã khiến tôi tìm thấy một cây flageolet[1] dưới đáy một ngăn kéo mà tôi lục lọi. Tôi muốn sử dụng nó ngay nên mày mò tìm cách chơi lại một giai điệu phổ thông của Marlborough nhưng không thành.
Quá khó chịu vì những tiếng sáo huýt, cha đã tới yêu cầu tôi để cho ông nghỉ ngơi cho đến khi ông có thời gian rảnh sẽ dạy tôi cách bấm ngón nhạc cụ thành giai điệu và cách biểu diễn khúc héroïque mà tôi lựa chọn. Quả nhiên cha đã dạy tôi không quá khó khăn và sau hai ngày tôi đã tự mình làm chủ được giai điệu của Marlborough để thết đãi cả gia đình.
Ta đã thấy là tôi rất có năng khiếu về các nhạc cụ hơi rồi phải không nhỉ?... (một nhà viết tiểu sử bẩm sinh không thể không rút ra phép quy nạp tài tình này...) Điều này đã khiến cha nảy ra ý muốn dạy tôi đọc bản nhạc. Ông giải thích cho tôi các quy tắc đầu tiên của nghệ thuật này, bằng cách cho tôi một ý niệm rõ ràng về mối liên hệ giữa các dấu ký âm và chức năng mà chúng đảm nhiệm. Chẳng bao lâu sau cha đặt một cây flûte vào giữa hai bàn tay tôi và bằng phương pháp Devienne[2], như đối với cây flageolet, chịu khó chỉ cho tôi thấy cơ chế vận hành của nó. Tôi đã làm việc hăng say như thế và chỉ sau bẩy đến tám tháng là tôi đạt được một năng lực kha khá trên cây flûte. Thế là với mong muốn phát triển các năng khiếu mà tôi đã thể hiện, cha thuyết phục một vài gia đình khá giả ở Côte cùng hợp sức với ông để mời đến từ Lyon một thầy dạy nhạc. Kế hoạch này đã thành công. Một nhạc công violon bè hai của Nhà hát Célestins, người ngoài ra còn chơi clarinette, đã đồng ý tới định cư ở thành phố nhỏ quê mùa của chúng tôi và giáo dục âm nhạc cho cư dân với điều kiện có một số lượng học trò bảo đảm và một khoản lương cố định cho vị trí chỉ huy ban quân nhạc của lực lượng vệ binh. Thầy tên là Imbert.[3] Thầy dạy tôi hai bài mỗi ngày; tôi sở hữu một giọng soprano đẹp và mau chóng trở thành một trợ giảng gan dạ, một ca sĩ khá dễ thương và tôi chơi flûte các bản concerto phức tạp nhất của Drouet. Con trai của thầy tôi, một cậu lớn tuổi hơn tôi một chút và chơi kèn co rất khéo, đối với tôi rất thân tình. Một buổi sáng cậu ấy tới gặp tôi khi tôi sắp sửa đi Meylan. Cậu ấy bảo: “Cậu đi mà không chào tạm biệt tớ sao được! Chúng ta ôm hôn nhau nào, có lẽ tớ sẽ không còn được gặp cậu nữa...” Tôi vẫn còn ngạc nhiên trước vẻ lạ lùng của cậu bạn và cung cách trịnh trọng mà với nó cậu đã rời xa tôi. Nhưng niềm vui vô biên vì sắp được gặp lại Meylan cùng Stella montis[4] rạng rỡ đã khiến tôi mau chóng quên khuấy cậu ấy. Tin tức nhận được lúc quay về mới buồn làm sao! Cùng ngày tôi đi Meylan, Imbert con, lợi dụng sự vắng mặt nhất thời của cha, đã treo cổ trong nhà mình. Người ta chẳng bao giờ hiểu được nguyên do của vụ tự tử này.
Giữa những cuốn sách cũ tôi tìm thấy một cuốn chuyên luận về hòa âm của Rameau được Alembert bình luận và giản lược. Tôi đã trải qua nhiều đêm đọc những lý thuyết mù mờ này mà không thể hiểu được ý nghĩa của chúng. Quả nhiên cần phải là bậc thầy về khoa học hòa âm và nghiên cứu nhiều vấn đề vật lý thực nghiệm mà toàn bộ hệ thống dựa vào thì mới có thể hiểu được điều mà tác giả muốn diễn đạt. Vậy nên đấy là sách chuyên luận về hòa âm chỉ dành cho những người thông hiểu sử dụng. Thế nhưng tôi vẫn muốn soạn nhạc. Tôi chuyển soạn các song tấu, tam tấu và tứ tấu mà không có khả năng tìm ra các hòa âm cũng như một bè trầm có ý nghĩa thường thấy. Nhưng nhờ cố gắng nghe các tứ tấu của Pleyel được các nhạc công nghiệp dư của chúng tôi biểu diễn vào chủ nhật và nhờ cuốn chuyên luận về hòa âm của Catel mà tôi đã tự kiếm được thì rốt cuộc, và theo một cách đột ngột thế nào đó, tôi cũng hiểu được bí mật của cấu tạo và chuỗi các hòa âm. Tôi mau chóng viết một lục tấu hỗn tạp dựa trên các chủ đề Ý mà tôi có được từ một tập nhạc. Hòa âm có vẻ cũng tàm tạm. Bạo dạn nhờ bước đi đầu tiên này, tôi đã dám nhận sáng tác một ngũ tấu cho flûte, hai violon, viola và cello mà chúng tôi, ba nhạc công nghiệp dư, thầy tôi và tôi đã cùng biểu diễn.
Đó là một thắng lợi. Cha tôi không xuất hiện theo đề nghị của những người vỗ tay. Hai tháng sau tôi sáng tác một bản ngũ tấu mới. Cha muốn nghe bè flûte trước khi để tôi tiến hành công diễn, theo thông lệ của các nhạc công nghiệp dư tỉnh lẻ, những người tưởng rằng có khả năng đánh giá một tứ tấu theo bè violon một. Tôi chơi cho cha nghe và khi tới một câu nhạc nào đó cha thốt lên: “Hay quá! Đây mới đúng là âm nhạc.” Nhưng bản ngũ tấu này, chứa nhiều tham vọng hơn bản đầu tiên, cũng khó hơn rất nhiều. Các nhạc công nghiệp dư của chúng tôi không thể biểu diễn được một cách tàm tạm. Nhất là viola và cello cứ bì bõm mạnh ai nấy tấu.
Đến giai đoạn này tôi được mười hai tuổi rưỡi. Ta thấy là các nhà viết tiểu sử, cả người viết gần đây, khi viết rằng cho tới hai mươi tuổi tôi không biết các nốt nhạc đã phạm sai lầm một cách kỳ lạ.
Tôi đã đốt hai bản ngũ tấu vài năm sau khi viết chúng nhưng kỳ cục là khi soạn tác phẩm đầu tiên cho dàn nhạc ở Paris sau này thì câu nhạc được cha tôi khen ngợi trong bản ngũ tấu thử nghiệm thứ hai đã trở lại trong đầu tôi và được thu nạp. Đấy là một khúc nhạc ở giọng La giáng được bè violon một đảm nhiệm, sau phần mở đầu một chút ở tốc độ allegro của bản ouverture Những thẩm phán tự do.
Sau cái kết cục buồn thảm và không thể lý giải của cậu con trai, thầy Imbert tội nghiệp quay trở lại Lyon và tôi cho là thầy qua đời ở đó. Tại Côte gần như ngay lập tức có một người kế nhiệm tên là Dorant. Nhạc sư này, người vùng Alsace thành phố Colmar, gần như chơi được mọi loại nhạc cụ và đặc biệt xuất sắc với kèn clarinette, cello, violon và guitare. Thầy dạy guitare cho em gái lớn của tôi, em có một giọng hát tốt song hoàn toàn không được trời phú cho năng khiếu âm nhạc. Thế nhưng em vẫn yêu thích âm nhạc dù chưa bao giờ có thể đọc và hiểu được bản nhạc dù chỉ là một khúc romance. Tôi đã giúp em trong các bài học và qua đó cũng muốn tự mình học luôn. Cho tới khi thầy Dorant với tính chính trực và độc đáo nghệ sĩ đã đột nhiên tới nói với cha tôi: “Thưa ngài, tôi không thể tiếp tục dạy guitare cho con trai ngài nữa!” “Sao vậy ạ? Thầy thấy nó thiếu tác phong gì hay nó tỏ ra lười nhác tới độ khiến thầy thất vọng về nó?” “Chẳng phải chuyện nào trong số đó mà là một chuyện rất nực cười: nó còn giỏi hơn cả tôi.”
Vậy là tôi đã vượt mặt thầy trên ba nhạc cụ oai vệ và vô song: flageolet, flûte và guitare! Ai mà dám không đánh giá đúng, trong sự lựa chọn sáng suốt này, sự thôi thúc tự nhiên đã đẩy tôi đến với các hiệu quả lớn lao hơn của dàn nhạc và âm nhạc của Michel Ange!!... Flûte, guitare và flageolet!!! Tôi chưa bao giờ tinh thông cách chơi các nhạc cụ khác song với mấy nhạc cụ này thì tôi đã tỏ ra giỏi giang đáng nể. À không, hãy còn, tôi cũng biết chơi cả trống nữa.
Cha không muốn để tôi học piano. Nếu không thế thì có thể tôi đã trở thành một nghệ sĩ piano đáng gờm như bốn vạn người khác. Còn lâu mới muốn để tôi làm nghệ sĩ, chắc chắn là cha sợ rằng đàn piano sẽ khiến tôi đam mê quá mãnh liệt và lôi tôi dấn sâu vào âm nhạc hơn mức mà cha mong muốn. Tôi thường xuyên bỏ lỡ dịp thực hành nhạc cụ này dù nó có ích cho tôi trong nhiều trường hợp. Nhưng nếu tôi coi trọng số lượng đáng sợ các tác phẩm xoàng xĩnh có thể dễ dàng sinh ra hàng ngày, các tác phẩm xoàng xĩnh đáng hổ thẹn mà hầu hết các tác giả của chúng không thể viết ra nếu bị tước mất chiếc kính vạn hoa âm nhạc của mình và chỉ còn giấy và bút cho việc đó, thì tôi không thể hàm ơn sự tình cờ đã khiến tôi thấy cần thiết phải trở thành nhà soạn nhạc một cách lặng lẽ và tự do, bằng cách bảo vệ mình trước sự thống trị của các thói quen ngón tay, rất nguy hiểm cho tư duy, cũng như trước sự quyến rũ mà tiếng vang của những thứ tầm thường luôn ít nhiều tác động lên nhà soạn nhạc. Đúng là vô số người hâm mộ khi biết điều này đã tỏ ra hối tiếc cho tôi một cách ngược đời; những tôi chẳng mấy bận tâm.
Các thử nghiệm sáng tác tuổi niên thiếu của tôi đã mang dấu ấn một nỗi sầu muộn sâu sắc. Hầu như tất cả các giai điệu tôi viết đều ở giọng thứ. Tôi cảm thấy có những thiếu sót không thể nào tránh khỏi. Một tấm màng đen đã che phủ tư duy của tôi; mối tình thơ mộng của tôi ở Meylan đã bao bọc lấy chúng. Trong trạng thái tâm hồn này, không ngừng đọc Estelle và Némorin của Florian, có thể là tôi đã kết thúc bằng việc đưa vào âm nhạc một vài trong số nhiều romance có trong vở kịch đồng quê này mà lời ca nhạt nhòa khi ấy với tôi lại có vẻ êm ái. Tôi vẫn không quên được.
Trong số những tác phẩm tôi viết có một tác phẩm hết sức buồn bã dựa theo những lời bày tỏ nỗi thất vọng của bản thân khi phải rời xa khu rừng và những nơi chốn được những bước chân tôn kính, được những con mắt sáng soi[5] cùng đôi giày ống nhỏ màu hồng của người đẹp tàn nhẫn. Ngày hôm nay bài thơ nhạt nhòa này bỗng trở lại trong trí nhớ của tôi cùng với một mặt trời mùa xuân, ở Luân Đôn, nơi tôi bị giày vò bởi những lo lắng nặng nề, bởi một nỗi khắc khoải chết người, bởi một cơn giận dữ cố nén lại vì vẫn còn thấy đây đó những chướng ngại nực cười đến thế...
“Thế là tôi sắp rời xa mãi mãi
Xứ sở êm đềm, bạn hiền dịu của tôi,
Cuộc đời sắp lôi tôi rời xa chúng
Trong nước mắt và nỗi tiếc thương!
Tôi thấy nước sông kia trong vắt
Phản chiếu nét quyến rũ ngọt ngào,
Ngừng trôi đi hỡi dòng chảy xiết,
Tôi sắp phải rời xa các người.”
Còn phần giai điệu của romance này, bị tôi đốt như bản lục tấu và ngũ tấu trước khi đi Paris, đã hiện diện một cách khiêm nhường trong suy nghĩ của tôi khi tôi tiến hành viết Giao hưởng Ảo tưởng vào năm 1829. Với tôi nó có vẻ thích hợp để thể hiện nỗi buồn trĩu nặng của một con tim trẻ trung bắt đầu bị giằn vặt bởi một mối tình vô vọng, và tôi thu nạp giai điệu này. Đấy chính là giai điệu do bè violon thứ nhất hát lên ở đầu khúc largo trong chương một tác phẩm này, chương nhạc có tiêu đề: ƯỚC MƠ, KHÁT VỌNG; tôi đã không thay đổi chút nào.
Nhưng trong khi có các toan tính âm nhạc khác nhau này, giữa các bài tập đọc, các bài tập địa lý, các khát vọng tín ngưỡng cùng các đợt bình yên và bão táp đan xen trong mối tình đầu, thì đã đến cái lúc tôi phải chuẩn bị theo đuổi một nghề nghiệp. Cha dự định cho tôi theo nghề của ông mà không nghĩ ra cái nghề nào hay hơn và từ lâu cha đã để tôi đoán được ý đồ của ông.
Khi có dịp tôi đã bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này một cách hùng hồn song cha không hề tán thành quan điểm của tôi. Không dựa theo sự tính toán chính xác những gì mình phải đối mặt, tôi chỉ linh cảm rằng đời mình không phải để trôi qua bên các giường bệnh, trong các bệnh viện và phòng giải phẫu. Chẳng dám thú nhận về nghề nghiệp mình mơ ước, nhưng dường như tôi biết chắc chắn rằng không có sức mạnh nào có thể buộc tôi phải trở thành bác sĩ. Cuộc đời của Gluck và của Haydn mà tôi đọc vào giai đoạn này trong Biographie universelle[6] khiến tôi lay động cực độ. Vinh quang mới tươi đẹp làm sao! Tôi tự nhủ vậy khi nghĩ về nghề nghiệp của hai con người nổi tiếng đó. Nghệ thuật mới đẹp đẽ làm sao! Những người canh tác vĩ đại đó mới hạnh phúc làm sao! Vả lại, một sự kiện tình cờ và có vẻ rất tầm thường đã khai sáng cho đầu óc nhạy cảm của tôi và khiến tôi thoáng thấy từ xa vô vàn chân trời âm nhạc lạ lùng và kỳ vĩ.
Tôi chưa bao giờ trông thấy một bản tổng phổ lớn. Các tác phẩm âm nhạc mà tôi từng biết chỉ gồm các bản xướng âm được đệm bằng một bè trầm số hóa, các bản độc tấu flûte hay các trích đoạn opéra với phần đệm piano. Thế rồi một ngày kia, một tờ giấy kẻ hai mươi tư khuông nhạc tình cờ rơi vào tay tôi. Khi nhìn thấy số lượng lớn các dòng kẻ này, tôi mau chóng hiểu ra rằng có biết bao nhiêu là cách phối hợp nhạc cụ và giọng hát mà một bàn tay tài hoa có thể tạo ra và tôi thốt lên: “Dàn nhạc mà người ta có thể viết ra mới tuyệt làm sao!” Kể từ khoảnh khắc đó những xao động âm nhạc trong đầu óc tôi không ngừng lớn mạnh và tôi càng thêm chán ghét nghề y. Song tôi quá sợ cha mẹ đến nỗi không hề dám thú nhận những suy nghĩ táo bạo của mình khi cha tôi viện đến cả âm nhạc để làm một cuộc chính biến nhằm diệt trừ cái mà ông gọi là những ác cảm kiểu trẻ con của tôi và buộc tôi bắt đầu học nghề y.
Để tôi làm quen ngay lập tức với những đối tượng mà chẳng bao lâu nữa sẽ luôn hiện diện trước mắt, cha bày trong phòng mình một cuốn sách kếch xù để mở, cuốn Chuyên luận xương cốt học của Munro, chứa những hình ảnh kích cỡ như thật các bộ phận của bộ xương người được mô phỏng một cách tỉ mỉ. Ông nói: “Đây là cuốn sách mà con sắp phải học. Cha không cho là con sẽ khăng khăng giữ những nghĩ thù địch với nghề y. Chúng vừa vô lý vừa không có cơ sở nào hết. Mặt khác, nếu con hứa với cha sẽ học hành nghiêm túc môn xương cốt học thì cha sẽ phái người tới Lyon mua về cho con một cây flûte tuyệt đẹp có tất cả các khóa bấm kiểu mới.” Nhạc cụ này từ lâu đã là niềm mơ ước của tôi. Còn biết trả lời thế nào? Vẻ trang trọng của đề nghị, sự kính trọng trộn lẫn với nỗi e sợ mà cha dù rất mực nhân từ đã gây ra cho tôi và sức mạnh của sự cám dỗ rốt cuộc đã làm tôi rối trí. Tôi để buột ra một tiếng vâng yếu ớt rồi trở về phòng mình nằm vật ra giường với một nỗi buồn trĩu nặng.
Trở thành bác sĩ! Học ngành giải phẫu! Khám nghiệm tử thi! Tham gia các cuộc giải phẫu kinh khủng! Thay vì dâng hiến thể xác và linh hồn cho âm nhạc, nghệ thuật cao cả mà tôi đã bắt đầu nhận ra tầm vóc vĩ đại! Rời bỏ thiên đường để ở lại nơi buồn thảm nhất của thế gian! Đổi các thiên thần bất tử của thi ca và tình yêu cùng những khúc hát đầy cảm hứng để lấy những cô y tá khó tính, những gã trợ lý kinh khủng của phòng phẫu thuật, những xác chết gớm ghiếc, những tiếng kêu kêu khóc của bệnh nhân, những tiếng rên rỉ và tiếng khò khè hấp hối!
Ôi, không! Với tôi tất cả những điều đó dường như đảo ngược hoàn toàn trật tự tự nhiên của đời tôi, rất quái gở và không thể xảy ra được. Thế mà nó lại xảy ra.
Các bài tập xương cốt học khiến tôi bắt đầu gần gũi với một người anh họ (A. Robert, ngày nay đã thành một bác sĩ ưu tú của Paris) người mà cha tôi nhận làm học trò cùng thời gian với tôi. Không may là anh Robert chơi violon rất khá (anh là một thành viên biểu diễn các bản ngũ tấu của tôi) và trong quá trình học tập chúng tôi dành thời gian bên nhau cho âm nhạc còn nhiều hơn cho giải phẫu học. Song nhờ miệt mài tự học tại nhà nên việc đó không cản trở anh ấy luôn tỏ ra hiểu biết hơn tôi. Do đó mà tôi bị cha khiển trách nghiêm khắc và đôi lần cha còn nổi cơn thịnh nộ.
Tuy vậy, phần nhờ nỗ lực phần vì bị ép buộc mà tôi cũng tạm hoàn thành việc học toàn bộ những kiến thức giải phẫu học mà cha dạy chỉ bằng những mẫu vật chuẩn bị sẵn (bộ xương người). Vào năm mười chín tuổi, được bạn đồng môn khích lệ, tôi quyết tâm học y lên cấp cao hơn. Và với dự định đó tôi đã cùng người anh họ đi Paris.[7]
Đến đây thì tôi xin tạm dừng chốc lát trước khi thuật lại cuộc sống của tôi ở Paris cùng những tranh đấu kiên trì mà tôi khởi sự ngay khi tới nơi và chưa bao giờ ngừng để chống lại những tư tưởng, những con người và đối tượng nhất định. Độc giả hẳn sẽ cho phép tôi được xả hơi.
Ngoài ra, hôm nay (ngày 10 tháng 4 năm 1848) đang xảy ra cuộc biểu tình của hai trăm ngàn người theo phong trào Hiến chương Anh. Có lẽ chỉ vài giờ nữa thôi nước Anh sẽ bị nhận chìm như phần còn lại của châu Âu và tôi cũng chẳng còn ngay cả nơi nương náu này nữa. Tôi sẽ ra ngoài kia xem nên quyết định ra sao.
(8 giờ tối). Thế ra những người theo phong trào Hiến chương Anh vẫn là những nhà cách mạng dễ tính. Mọi sự đã trôi qua một cách tốt đẹp. Những khẩu đại bác, những diễn giả quyền năng, những nhà lý luận cao siêu mà các luận cứ lôi cuốn và thấm thía đến thế đối với quần chúng đang ở trên khán đài. Họ cũng chẳng cần phải sử dụng lời nói, chỉ sự hiện diện của họ cũng đủ thuyết phục mọi người rằng một cuộc cách mạng bây giờ là không hợp thời và những người theo phong trào Hiến chương Anh đã giải tán một cách hết sức trật tự.
Ôi những con người gan dạ! Các bạn am hiểu việc nổi dậy cũng như những người Ý am hiểu việc viết giao hưởng. Chắc chắn là những người Ailen cũng vậy và O’Connell[8] rất có lý khi luôn huấn thị họ rằng: “Khuấy động đi! Khuấy động đi! Nhưng đừng có mà hành động!”
(12 tháng Bảy) Suốt ba tháng vừa qua tôi đã không thể tiếp tục viết hồi ký. Giờ đây tôi sắp sửa quay về xứ sở bất hạnh mà sau tất cả những chuyện xảy ra vẫn được gọi là nước Pháp. Tôi sẽ xem bằng cách nào mà một nghệ sĩ có thể sống ở đó hay còn bao lâu nữa anh ta sẽ chết ở đó, giữa những đổ nát mà ở bên dưới đóa hoa nghệ thuật bị xóa sổ và chôn vùi. Farewell England !...[9]
(Nước Pháp, 16 tháng Bảy năm 1848). Tôi trở về rồi đây! Paris đã hoàn tất việc chôn cất những người chết. Gạch đá lát đường được lấy làm chướng ngại vật đã trở về vị trí của chúng nơi mà có thể ngày mai chúng sẽ lại bị cậy lên. Vừa về tới nơi tôi đã chạy đến ngoại ô Saint-Antoine. Cảnh tượng mới khủng khiếp làm sao! Những gì còn sót lại mới gớm ghiếc làm sao! Ngay cả tượng thần Tự do ngự trên đỉnh cột Bastille cũng bị một viên đạn xuyên qua thân mình. Cây cối bị đốn hạ và cắt cụt, nhà cửa sắp sửa đổ sụp, quảng trường, đường phố, đê kè dường như hãy còn rung chuyển bởi những tiếng gầm gào chết chóc!... Tất cả các nhà hát bị đóng cửa! Mọi nghệ sĩ suy sụp, mọi giáo viên thất nghiệp, mọi học trò bỏ trốn; các nghệ sĩ piano tội nghiệp chơi những bản sonata tại nơi công cộng, các họa sĩ lịch sử quét dọn đường phố; các kiến trúc sư trộn vữa trên các công trường xây dựng... Quốc hội vừa mới bỏ phiếu với một tỉ lệ đủ lớn để thông qua việc cho mở lại các nhà hát và phát một khoản trợ cấp nhỏ cho những nghệ sĩ kém may mắn nhất. Trợ cấp cũng không đủ, nhất là cho các nhạc công. Có những nhạc công bè violon một của nhà hát Opéra mà lương không đến 900 franc một năm. Họ đã sống rất vất vả cho đến hôm nay bằng cách dạy nhạc.[10] Khó mà có thể cho rằng họ đã tiết kiệm được những khoản lớn. Học trò của họ đã ra đi, những con người bất hạnh ấy hiện nay ra sao? Người ta không trục xuất họ dù rằng nhiều người trong số họ chỉ còn cơ may sống được ở Mỹ, Ấn Độ hay Sidney. Việc trục xuất là quá tốn kém với chính phủ, cần phải có công trạng thì mới được trục xuất, mà mọi nghệ sĩ chúng tôi đều từng chống lại những người nổi dậy và leo lên tấn công những chướng ngại vật...
Trong cái mớ hỗn độn khủng khiếp giữa công bằng và bất công, giữa cái thiện và cái ác, giữa cái đúng và cái sai, khi nghe một tiếng nói mà phần lớn lời lẽ bị lệch lạc khỏi ý nghĩa thông thường của chúng thì thử hỏi làm sao mà người ta không phát điên hoàn toàn được?...
Ta sẽ tiếp tục với cuốn tự truyện của tôi. Tôi chẳng có việc gì tốt hơn để làm. Việc nghiền ngẫm quá khứ dù sao cũng giúp cho tâm trí tôi thoát khỏi hiện thực này.
(Còn nữa)
[1] Một loại sáo dọc kiểu cổ.
[2] François Devienne (1759 – 1803): nhà soạn nhạc người Pháp và giáo viên dạy flûte tại Nhạc viện Paris.
[3] Hợp đồng đầu tiên với Imbert được ký ngày 20/05/1817 khi Berlioz 13 tuổi. (DC)
[4] Tiếng Ý trong nguyên bản, nghĩa là “ngôi sao núi”.
[5] Nguyên văn: “honorés par les pas, éclairés par les yeux”. Trích từ truyện ngụ ngôn Đôi chim bồ câu của La Fontaine.
[6] Tiểu sử toàn tập
[7] Đầu tháng 11 năm 1821. Giấy thông hành của Berlioz được đóng dấu vào ngày 26/10 tại La Côte Saint-André, trước sinh nhật lần thứ 18 của Berlioz vài tuần. (DC)
[8] Daniel O'Connell (1775 – 1847): lãnh tụ chính trị người Ailen
[9] Tiếng Anh trong nguyên bản, nghĩa là: “Vĩnh biệt nước Anh!”
[10] Theo lời kể của nhạc trưởng và nghệ sĩ piano Charles Hallé (1819 – 1895) trong cuốn Cuộc đời và thư từ của Sir Charles Hallé: “Ở Paris phần lớn thu nhập cố định của nhạc công là từ việc dạy học... Nhưng từ sau Cách mạng, học trò biến mất cả và vào cuối tuần tôi chỉ còn lại mỗi một học trò người Anh.” Vậy là do Cách mạng 1848 mà Berlioz phải rời Paris tới định cư tại Anh. (DC)