Hồi ký Berlioz (2)
(Tiếp theo)
II. Cha tôi – Giáo dục văn chương – Đam mê xê dịch – Virgile – Rung động thi ca đầu đời
Cha tôi (Louis Berlioz) là bác sĩ. Đánh giá công trạng của ông không phải là việc của tôi. Tôi chỉ có thể nói rằng ông đã gây được sự tin cậy lớn lao không riêng ở thành phố nhỏ của chúng tôi mà còn ở các thành phố lân cận. Ông làm việc không ngưng nghỉ, tin tưởng rằng lương tâm chính trực là điều bắt buộc khi tham gia thực hành một nghệ thuật khó khăn và nguy hiểm như nghề y, và rằng trong phạm vi sức lực của mình cần phải dành toàn bộ thời gian để rèn luyện bởi vì tính mạng của đồng loại có thể phụ thuộc vào sự sơ suất của một người. Ông luôn làm vẻ vang cho các trọng trách của mình bằng việc thực hiện chúng theo cách thức vô tư nhất, làm từ thiện cho người nghèo và nông dân hơn là buộc phải làm để mưu sinh. Năm 1810 hiệp hội y khoa Montpellier mở cuộc thi về một vấn đề mới mẻ và quan trọng của nghệ thuật chữa trị, cha tôi đã viết một cuốn hồi ký về đề tài này và giành được giải thưởng. Tôi phải nói thêm rằng cuốn sách của ông được xuất bản tại Paris và nhiều thầy thuốc nổi tiếng đã vay mượn từ ông các ý tưởng mà chẳng bao giờ viện dẫn nguồn gốc. Điều này khiến người cha ngây thơ của tôi ngạc nhiên đến mức chỉ biết thốt lên: “Có hề chi nếu chân lý chiến thắng!” Ông đã thôi hành nghề từ lâu, sức khỏe của ông không còn cho phép. Giờ đây ông giành hết thời gian cho việc đọc sách và trầm tư mặc tưởng.
Ông được trời phú cho một tinh thần tự do. Điều đó có nghĩa là ông không có bất cứ một định kiến xã hội, chính trị cũng như tôn giáo nào. Tuy nhiên ông đã hứa dứt khoát với mẹ tôi rằng sẽ không hề toan tính làm tôi thay đổi các tín ngưỡng mà theo bà là cần thiết để cứu rỗi tôi, tới mức mà tôi nhớ là ông đã nhiều lần bắt tôi đọc thuộc lòng giáo lý cơ đốc. Nỗ lực một cách trung thực và nghiêm túc hoặc với sự thờ ơ về triết lý là việc mà tôi phải thừa nhận rằng tôi không thể làm được khi quan tâm đến con trai mình. Từ lâu nay cha tôi bị một chứng bệnh dạ dày không sao chữa khỏi, căn bệnh đã khiến ông suýt chết cả trăm lần. Ông hầu như không ăn uống gì được. Hiện tại chỉ có sử dụng thuốc phiện liên tục và ngày càng tăng liều mới làm hồi sinh sức lực đã cạn kiệt của ông. Mấy năm trước, chán chường vì những cơn đau ghê gớm mà ông cảm thấy, ông đã nuốt cùng một lúc ba mươi hai hạt thuốc phiện. Về sau khi kể lại với tôi sự việc ông bảo: “Nhưng cha thú nhận với con rằng đấy không phải là để chữa bệnh.” Liều độc dược kinh khủng đó thay vì giết chết ông thì lại gần như làm tiêu tan ngay lập tức những đau đớn và khiến ông khỏe lại trong chốc lát.
Khi tôi lên mười cha đưa tôi vào một trường dòng nhỏ ở La Côte để bắt đầu học tiếng Latin. Chẳng bao lâu sau cha lại lôi tôi ra khỏi đó, kiên quyết tự mình thực hiện việc giáo dục tôi.
Người cha tội nghiệp, với lòng nhẫn nại không biết mệt mỏi, với sự chăm chút tỉ mỉ và thông minh, còn là người thầy dạy tôi các ngôn ngữ, văn chương, lịch sử, địa lý và cả âm nhạc nữa! Như ta sẽ thấy ngay bây giờ.
Một nhiệm vụ như thế, được thực hiện theo cách như thế, chứng tỏ rằng trong một người đàn ông có biết bao nhiêu là âu yếm dành cho cậu con trai! và rằng có rất ít ông bố có thể làm được việc đó! Tuy vậy tôi không dám tin rằng sự giáo dục ở nhà này cũng có ích lợi ngang với sự giáo dục ở trường về một số mặt. Những đứa trẻ vẫn chỉ liên hệ quẩn quanh với cha mẹ, gia nhân và các trẻ bạn được chọn lựa như thế sẽ không hề được làm quen đúng lúc với sự tiếp xúc thô bạo của xã hội khắc nghiệt; thế giới và cuộc đời thực sự hãy còn là những cuốn sách đóng kín với chúng; và tôi biết chắc chắn rằng về phương diện đó mình vẫn là một đứa trẻ ngờ nghệch và vụng về cho tới tận tuổi hai lăm.
Hoàn toàn chỉ yêu cầu ở tôi một công việc rất vừa phải, cha có thể chẳng bao giờ khơi gợi được cho tôi một sở thích thực sự đối với các bài học cổ điển. Việc buộc phải học thuộc lòng mỗi ngày vài câu thơ của Horace và Virgile là khiến tôi khó chịu nhất. Tôi ghi nhớ những câu thơ đẹp đẽ này hết sức khó khăn và đó là một sự tra tấn đầu óc thực sự. Các ý nghĩ của tôi tẩu tán tứ phương, nôn nóng rời bỏ con đường đã được vạch ra cho chúng. Tôi cũng trải qua hàng tiếng đồng hồ trước bản đồ thế giới, miệt mài nghiên cứu các cấu tạo phức tạp hình thành nên những hòn đảo, những mũi và eo biển Nam cùng quần đảo Ấn Độ Dương; ngẫm nghĩ về sự tạo lập của các miền đất xa xôi, về thảm thực vật của chúng, về các cư dân của chúng, về khí hậu của chúng và nảy sinh một khao khát mãnh liệt được tới thăm chúng. Đó là biểu hiện của niềm đam mê tôi dành cho các chuyến đi và các cuộc phiêu lưu.
Về đề tài này, cha thường nói về tôi một cách chí lý: “Nó biết tên từng đảo của quần đảo Sandwich, quần đảo Maluku, quần đảo Philippine; nó biết eo biển Torrès, Timor, Java và Bornéo và chỉ không thể nói ra số tỉnh của nước Pháp mà thôi”. Sự ham hiểu biết về các miền đất xa xôi, nhất là các miền đất ở bên kia bán cầu, còn được kích thích thêm nhờ sự ham đọc tất cả các sách viết về những hành trình từ cổ chí kim có trong thư viện của cha tôi; và không nghi ngờ gì rằng nếu nơi chôn rau cắt rốn của tôi là một cảng biển thì một ngày nào đó tôi đã trốn lên một con tầu, có hoặc không có sự ưng thuận của cha mẹ, để trở thành thủy thủ. Con trai tôi đã bộc lộ những bản năng tương tự từ rất sớm. Hiện nay nó đang ở trên một con tàu nhà nước và tôi hi vọng rằng nó sẽ vinh dự đi khắp nơi bằng đường hàng hải, điều mà nó đã nung nấu và chọn lựa trước cả khi nhìn thấy biển.
Khi đã nghiền ngẫm La Fontaine và Virgile được vài lần thì cảm xúc trước cái đẹp thăng hoa từ thi ca đã ùa tới làm nguôi ngoai những giấc mộng đại dương này. Sớm hơn nhiều so với tác giả ngụ ngôn Pháp, thi sĩ Latin là người mà trẻ em nói chung không thể cảm nhận được chiều sâu ẩn giấu dưới vỏ ngây thơ và văn phong tài tình được che phủ bằng vẻ tự nhiên thật diệu kỳ và hiếm có, còn tôi thì cho rằng thi sĩ Latin, bằng cách nói với tôi về những đam mê kỳ lạ mà tôi tiên cảm, là người đầu tiên tìm thấy con đường dẫn tới trái tim tôi và kích động trí tưởng tưởng sơ khởi của tôi. Trong lúc giải nghĩa quyển Énéide thứ tư trước mặt cha, biết bao lần tôi đã cảm thấy lồng ngực mình căng tràn còn giọng mình thì lạc đi và ngắt quãng!... Một ngày nọ, đã luống cuống ngay từ lúc bắt đầu dịch miệng ở câu:
"At regina gravi jamdudum saucia cura,"[1]
tôi đã đến gần bước ngoặt của vở kịch; nhưng khi tôi dịch tới cảnh Didon chết trên dàn thiêu, bao quanh nàng là những tặng phẩm cùng vũ khí của kẻ phụ tình Énée, và dòng máu uất hận của nàng đổ xuống chiếc giường – “chiếc giường than ôi đầy kỉ niệm”; khi buộc phải diễn tả lại nỗi tuyệt vọng của người hấp hối, ba lần chống khuỷu tay và ba lần gục xuống, để miêu tả vết thương và tình yêu chết người làm nàng chấn động tận đáy lòng, và những tiếng khóc than của em gái nàng, của người vú nuôi, của những người đàn bà điên loạn và cảnh hấp hối này đau thương đến nỗi ngay cả các vị thần cũng xúc động và gửi Iris xuống chấm dứt cảnh đó, môi tôi run run và buột ra những lời lẽ lầm bầm khó hiểu; kết thúc bằng câu:
"Quaesivit coelo lucem ingemuitque reperta."
ở hình ảnh uy nghi này của Didon, người ngước lên trời tìm ánh sáng và rên rỉ khi tìm thấy, tôi bất chợt rùng mình, không thể tiếp tục và ngừng ngay lại.
Đó là một trong những lần tôi nhận thấy rõ nhất lòng nhân từ khó tả của cha. Khi thấy tôi lúng túng và ngượng ngùng xiết bao bởi một cảm xúc như thế, ông đã giả đò không hề nhận ra và đột ngột đứng lên, vừa gấp sách lại vừa bảo: “Đủ rồi con ạ, cha mệt rồi!” Và tôi chạy đi, khuất mắt mọi người, phó mặc bản thân cho nỗi sầu khổ của Virgile.
[1] “Nữ hoàng hiện tại từng day dứt nỗi day dứt ái tình.” (Énéide,IV,1)
(Nguồn: https://sites.google.com)
(Còn nữa)