Học bổng Trần Văn Khê vì bảo tồn nhạc cổ truyền Việt Nam
Gần 20 năm theo bước giáo sư Trần Văn Khê để ghi được những khoảnh khắc riêng tư, đời thường mà người ngoài không có được, ngày 30/10/2016, đạo diễn Hồ Thủy Tiên đã cho ra mắt bộ phim tài liệu Trần Văn Khê, passeur de musique (tạm dịch : Trần Văn Khê, người đưa đò âm nhạc cổ truyền).
Phòng chiếu phim khoảng 100 chỗ của trung tâm Mandapa, quận 13, Paris, chật cứng khách mời. Họ từng là đồng nghiệp của giáo sư Trần Văn Khê, những người bạn cũ hay chỉ đơn thuần là những người hâm mộ. Đôi khi khán phòng bật cười vì những câu đùa của vị giáo sư hay lời dịch sang tiếng Pháp một vài chuyện cười hay điển tích Việt Nam.
Bước lên sân khấu cùng với giáo sư Trần Quang Hải, con trai của giáo sư Trần Văn Khê, để thảo luận với khán giả sau hơn một giờ chiếu phim, đạo diễn Hồ Thủy Tiên không cầm được nước mắt.
"Tôi rất xúc động vì mỗi lần nhìn thấy ông, một người thân, dù đã qua đời nhưng tôi thấy ông vẫn sống trên hình ảnh. Và vì tôi hoàn thành bộ phim chỉ một tháng sau khi ông qua đời, điều này cũng nhắc tôi nhớ rằng ông đã ra đi. Nhưng cũng nhờ bộ phim, tôi biết ông luôn sống trong lòng mình, đây là điều quan trọng với tôi".
Sự nghiệp của Trần Văn Khê với tư cách là một giáo sư, một nhà nghiên cứu, đã được đề cập trong nhiều phóng sự. Thế nhưng, một người cậu, một người cha, một người bạn lớn của nhiều văn nghệ sĩ, với những khoảnh khắc riêng tư vẫn còn chưa được biết đến. Vì vậy, chủ đề bộ phim và những thước phim dần dần được hình thành giữa đạo diễn Hồ Thủy Tiên và "Cậu Hai" ngay từ năm 1997 ở Việt Nam dù cả hai cùng rất bận rộn vì những chuyến công tác nước ngoài.
Đạo diễn Hồ Thủy Tiên giải thích với ban tiếng Việt, đài Phát thanh Quốc tế Pháp, RFI, rằng bà đã theo "Cậu Hai" trong nhiều chuyến công tác, lúc thu thập thông tin về âm nhạc và các nhạc cụ Việt Nam, hay những khoảnh khắc tri ân cùng công chúng, học trò và bạn bè...
Đạo diễn Hồ Thủy Tiên : Với tôi, Trần Văn Khê là "Cậu Hai". Tôi biết ông từ năm tôi sáu tuổi và giờ tôi đã 66 tuổi, có nghĩa là tôi biết ông rất rõ từ 60 năm nay. Và vì tôi là nhà làm phim, một hôm ông nói : "Con biết không, con gái, sẽ rất hay nếu con tự làm một bộ phim của riêng con. Vì con hiểu cậu quá rõ nên con có thể quay một cách khác, một cách riêng tư hơn và con dám đặt cho cậu những câu hỏi mà người khác không nghĩ đến vì họ không biết cậu". Đó chính là điều chúng tôi cùng làm.
Ví dụ, trong bộ phim, người ta thấy cảnh Trần Văn Khê trong chuyến tầu đi gặp một người bạn cũ ở vùng Bretagne (phía tây nước Pháp). Chính tôi là người tìm ra được người bạn này, ông François Le Bouteiller, vì Trần Văn Khê không nhớ gì hết ngoài chi tiết người bạn đó từng sống ở phố mang tên Le Bout du Monde (Tận cùng Thế giới). Thời kỳ đó chưa có internet, vì thế tôi tìm cuốn Bottin (niên giám) và tìm khắp thành phố. Cuối cùng, tôi cũng nói chuyện được với một người phụ nữ mang cùng họ và cha bà chính là François Le Bouteiller. Trần Văn Khê rất hạnh phúc được gặp lại người bạn xưa kia. Đó chính là những điều nhỏ nhặt trong cuộc đời ông mà ông đã kể lại cho tôi nghe.
Hay lần khác, ông đi thu âm cùng với nhạc sĩ Nguyên Lê và hỏi tôi có rảnh không đi cùng. Dĩ nhiên là tôi rảnh và chúng tôi cùng đến Strasbourg. Sau này ông nói : "Con biết không, khi bộ phim hoàn thành, mọi người sẽ khám phá ra một người mà họ chưa từng biết. Và đó chính là điều mà cậu muốn con truyền tải lại".
RFI : Tên của bộ phim là Trần Văn Khê, passeur de musique. Giờ giáo sư không còn nữa, liệu trong tương lai sẽ xuất hiện một thế hệ khác đóng vai trò "người lái đò chở nhạc" như nghệ sĩ Trần Văn Khê không ?
Hồ Thủy Tiên : Giống như ông thì tôi không tin. Ngay cả con trai của ông, Trần Quang Hải, với tất cả những kiến thức mà ông có, ông cũng không thể thay thế được cha mình. Trần Văn Khê không thể thay thế được vì giáo sư vừa có kiến thức, vừa biết chơi các nhạc cụ, trong khi Hải không biết chơi nhiều nhạc cụ như cha. Cậu Hai cũng biết hát. Hải cũng có thể hát nhưng không hay bằng cha. Tôi phải công nhận điều này dù Trần Quang Hải là em họ của tôi và tôi rất yêu cậu ấy.
Ngoài ra, còn phải kể đến cách Cậu Hai truyền tải, vừa là tình cảm ông có với khán giả, vừa mang phương pháp sư phạm. Mỗi người có cách truyền tải riêng. Hải sẽ truyền tải kiến thức mà cậu ấy có, tâm hồn và tất cả những gì mà cha cậu đã dạy cậu. Nhưng đáng tiếc, tôi nghĩ là tất cả những điều đó lụi tàn theo ông.
RFI : Nhưng vẫn có thể có một thế hệ mới ở Việt Nam theo chân giáo sư Trần Văn Khê ?
Hồ Thủy Tiên : Phía Việt Nam, tôi nghĩ là còn bi quan hơn. Vì như Cậu Hai nói trong phim, ông may mắn được làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học. Ông có cơ hội thực hành tại Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS) với những công cụ khoa học để đo đạc và phân tích mọi thứ. Không phải chỉ cần có một chiếc máy thu âm hay một chiếc máy ghi hình là người ta có thể làm được mọi việc. Cần phải biết sử dụng và sau đó là phân tích. Và cũng phải có khả năng phân tích mọi dữ liệu mà người ta thu thập được trên khắp thế giới. Đáng tiếc là sinh viên Việt Nam vẫn chưa có những khả năng này.
Đây cũng chính là mong muốn khi Trần Văn Khê quay về Việt Nam năm 2005. Ông nói : "Cậu muốn chuyển tải cho thanh niên kĩ năng, kiến thức và khả năng phân tích mọi thứ". Ông đã làm được một chút. Nhưng đáng tiếc là ông ra đi quá sớm, dù như tôi nói ở trong phim, là "tuổi 94 cũng đã thọ lắm rồi". Nhưng tôi nghĩ là Cậu Hai vẫn còn đầy năng lượng, còn quá nhiều điều cần truyền lại cho chúng ta. Tiếc là đã hết !
RFI : Đạo diễn có thể giải thích một chút về học bổng được trích từ lợi nhuận từ việc bán DVD Trần Văn Khê, passeur de musiques ?
Hồ Thủy Tiên : Mục đích là cấp một học bổng cho một nhà nghiên cứu hoặc một nhạc sĩ người Việt, nhưng người đó ở lại Việt Nam, chứ không phải sang Pháp vì còn vấn đề thị thực và phải nói rất tốt tiếng Pháp.
Với Cậu Hai, chúng tôi đã bàn với nhau về việc trao một học bổng như vậy, ông nói : "Âm nhạc truyền thống đang chết dần. Mọi người thích nhạc cụ phương Tây. Cần phải rất dũng cảm, nhiều nghị lực để có thể theo học loại âm nhạc cổ truyền này".
Cậu Hai có rất nhiều sinh viên học một loại nhạc cụ cổ truyền, nhưng đồng thời phải làm một nghề khác để kiếm sống. Họ chơi trong các phòng trà, các nhà hàng, nhưng khách hàng cứ tập trung ăn không buồn nghe nhạc. Những sinh viên này buộc phải làm thế để kiếm sống và có thể luyện tập thêm.
Trần Văn Khê nói : "Cậu muốn lập một học bổng để một thanh niên có thể hoàn toàn tập trung vào âm nhạc, tìm hiểu nhạc cụ hay làm nghiên cứu". Chúng tôi muốn trao một học bổng chừng 2.500 euro. Khoản tiền này sẽ giúp người đoạt giải có thể tập trung học và nghiên cứu trong vòng một năm hoặc một năm rưỡi.
Dự án sẽ nhanh chóng được tiến hành. Tôi bán DVD phim và tiếp tục bán, vì DVD mới ra mắt cách đây hai hôm (28/10/2016). Và tôi hy vọng có thể trở lại Việt Nam vào tháng 06/2017 để trao khoản tiền này, học bổng đầu tiên mang tên Trần Văn Khê cho một thanh niên xứng đáng mà ủy ban lựa chọn.
Đạo diễn Hồ Thủy Tiên cho biết một ủy ban do giáo sư Trần Văn Khê lập ra sẽ đảm nhiệm việc chọn người xứng đáng nhất. Ủy ban này gồm những người bạn cũ, đồng thời cũng là những trí thức, nhà nghiên cứu hay nhà thơ, nhạc sĩ mà ông luôn tin tưởng.
(Nguồn: http://vi.rfi.fr)