Học Bác từ những điều nhỏ nhất

04/09/2014

Lần nào gặp nhạc sĩ Dân Huyền cũng thấy ông cười nói rổn rang. Dường như ở ông Chủ nhiệm CLB Đàn và hát dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam (ĐTNVN), tuổi tác không phải là mối bận tâm bởi tinh thần văn hóa văn nghệ đã ngấm sâu vào máu thịt.

Gần 80 tuổi, nhưng ông vẫn miệt mài với những công trình nghiên cứu về dân ca các vùng miền để mỗi sáng Chủ nhật, lại giúp khán thính giả tìm về cội nguồn của văn hóa đất nước.

Năm 1967, khi chưa đầy 30 tuổi, ông đã về công tác ở ĐTNVN. Nghe nói ông đã phải trải qua một cuộc "sát hạch" rất căng?

- Mới đó mà đã 55 năm tôi có vinh dự là một công dân Hà Nội. Khi mới về ĐTNVN, dù đã là cán bộ tuyên truyền thi đua văn hóa, văn nghệ của Nhà máy ô tô 1/5 nhưng tôi vẫn không khỏi bồi hồi, lo lắng. Biết tôi từng là nhạc công của Đoàn Văn công khu 4 nên trong cuộc trò chuyện, nhạc sĩ Lưu Bách Thụ (tác giả của "Biết ơn cụ Hồ") và nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Thường (tác giả của bài hát "Phố núi") đã thử thách tôi viết câu nhạc kèm theo lời là "Đế quốc Mỹ điên cuồng lồng lộn" bảo tôi nghiên cứu và sửa lại. Sau khi suy nghĩ, tôi đã quyết định thay hai chữ "lồng lộn" bằng "tàn bạo". Hai nhạc sĩ cùng xem rồi gật gù và thế là từ đó, gần 40 năm tôi đã gắn bó cùng ĐTNVN.


Hàng ngày, nhạc sĩ Dân Huyền vẫn sáng tác nhạc trên máy vi tính. Ảnh: Nguyễn Thế

Nghe nói hồi ấy, để được làm việc ở Đài, các ứng viên phải đáp ứng được nhiều yếu tố như: hát được, sáng tác được và phải tổng kết được?

- Lúc đầu, tôi cũng nghĩ yêu cầu đó họ chỉ là nói vui thôi, nhưng cứ soi vào các biên tập viên khác đều thấy họ đáp ứng được những yêu cầu đó, nên tôi cũng cố gắng phấn đấu. "Phải tổng kết được" là một yêu cầu nghiêm túc bởi thời nào cũng vậy, ai cũng vậy, phải biết tổng kết, rút ra được bài học cho mình và cho tập thể mới mong trưởng thành. Tôi tổng kết lại thấy anh chị làm văn nghệ tuy không nhiều nhưng không khác gì người điều khiển bếp lửa, làm thế nào để nước mau sôi mà không bị trào ra ngoài làm tắt lửa là việc khó. Qua một vài lần, tôi đã rút ra được kinh nghiệm nhờ biết tổng kết.

Dù có rất nhiều chương trình âm nhạc lên sóng phát thanh, truyền hình, nhưng "Đàn và hát dân ca" mà ông làm Chủ nhiệm nhiều năm vẫn có một chỗ đứng rất riêng trong lòng công chúng?

- Hà Nội hiện có tới hơn 20 dân tộc anh em cùng chung sống, nên nhờ dạy dân ca các dân tộc thiểu số, các chương trình của CLB luôn thu hút nhiều người quan tâm theo dõi, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh lân cận vào sáng Chủ nhật hàng tuần.

Trong thời khắc cả nước chào đón Tết Độc lập và kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi bỗng nhớ đến bài hát "Bên Lăng Bác Hồ". Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi viết bài hát này?

- Là người xứ Nghệ, lại được trực tiếp gặp Bác khi Người về thăm Nhà máy ô tô 1/5, tôi có viết một số bài hát về Bác. Khi bắt đầu xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã cùng với một số văn nghệ sĩ ở ĐTNVN đi thăm công trình xây dựng ấy. Vào cuối năm 1974, tôi hình dung sẽ có một Lăng Chủ tịch uy nghi giữa lòng Hà Nội và đón bà con miền Nam ra thăm Lăng Bác sau ngày đất nước thống nhất. Với chất liệu dân ca Nam bộ, tôi đã cố gắng viết xong bài hát "Bên Lăng Bác Hồ" trong một tuần, sau đó hát cho nhiều người nghe để góp ý sửa chữa. Trong chương trình ca nhạc ngày 19/5/1975, ĐTNVN đã phát bài hát qua giọng ca của nghệ sĩ Kiều Hưng. Trong ngày khánh thành Lăng, bài hát này cùng với các bài hát viết về Bác được vang lên giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đã tròn 40 năm bài hát "Bên Lăng Bác Hồ" ra đời, tôi xin cảm ơn các báo, đài và các anh chị em đồng nghiệp, đã tạo điều kiện để bài hát được phổ biến rộng rãi.

Ngoài "Bên Lăng Bác Hồ" thì tác phẩm "Cánh cụt cánh què" cũng có một hoàn cảnh ra đời vô cùng đặc biệt. Xin ông chia sẻ thêm về bài hát này?

- Trong những ngày diễn ra "Điện Biên Phủ trên không", tôi được Ban Văn nghệ ĐTNVN phân công trực làn sóng ở Hà Nội cùng với hai nhạc sĩ Phạm Tuyên và Nguyễn An. Để phục vụ yêu cầu tuyên truyền, tôi sáng tác bài hát châm biếm không lực Mỹ khi máy bay F111 bị tự vệ nhà máy xay Lương Yên thuộc lực lượng tự vệ Sông Hồng bắn cháy bằng súng đạn tầm thấp, "cánh cụt với lại cánh què/ bị đạn đầu thấp ta ghè hàng xâu/ Mỹ khoe Mỹ mạnh Mỹ giàu/ cả cánh lẫn đầu xuống tận bùn đen". Sau khi bài hát được phát trên sóng, mọi người gửi thư về động viên, khuyến khích tôi viết tiếp những tác phẩm như thế này.

Mỗi năm chúng ta đều duy trì phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Với một người có nhiều năm kinh nghiệm ở vị trí quản lý, lại sáng tác nhiều về Bác, ông nhìn nhận về phong trào này như thế nào?

- Tôi chỉ muốn nói về học tập tấm gương của Bác Hồ ở một góc độ rất nhỏ thôi. Bác của chúng ta biết 7 ngoại ngữ, nói và viết thành thạo 4 ngoại ngữ, nhưng trong suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, Bác không sử dụng tiếng nước ngoài với Nhân dân và cán bộ, Bác cũng rất chú trọng trong việc sử dụng tiếng nước ngoài ở nhiều hoàn cảnh. Bây giờ thì dùng loạn tiếng nước ngoài mà không có một ai chịu trách nhiệm. Tôi ví dụ các chương trình chúng ta đang phát sóng trên truyền hình, tại sao không nói là "chương trình" mà lại nói là "show" hoặc các trò chơi thì gọi là "gameshow", hay như "Người dẫn chương trình" thì gọi là "MC"… Nếu ta có phong trào "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" thì tại sao chúng ta lại không chú trọng vào phong trào "Người Việt Nam nói tiếng Việt Nam"? Với cá nhân tôi, việc yêu thích và tôn trọng tiếng Việt cũng là một cách học tập tấm gương của Người. Tôi nghĩ rằng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác không cần phải là những việc làm đao to búa lớn mà đôi khi chỉ cần những việc rất nhỏ thôi.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

(Nguồn: http://www.ktdt.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...