Hoàng Thi Thơ - người khơi dòng Việt hóa bolero

15/01/2018

 

Nếu đờn ca tài tử đủ sức "Nam Bộ hóa" cây guitar Tây Ban Nha thì Hoàng Thi Thơ và các đồng nghiệp của ông thời sau Hiệp định Genève đã có đóng góp là "Việt hóa" tiết điệu boléro cũng là điệu nhảy dân gian của Tây Ban Nha.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh tháng 7 năm Mậu Thìn 1928 trong gia tộc họ Hoàng ở làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

"Việt hóa" boléro từ nhạc ngũ cung

Cách mạng Tháng Tám, ông gia nhập Đoàn Văn nghệ Quảng Trị do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết làm trưởng đoàn. Toàn quốc kháng chiến, sau khi vỡ mặt trận Huế, ông cùng nhạc sĩ đồng niên Trần Hoàn ra Vinh, rồi làm báo Cứu Quốc Liên khu 4. Vừa làm vừa học, Hoàng Thi Thơ sau khi đậu tú tài thì vào dự bị đại học tại Hậu Hiền - Thanh Hóa. Đấy cũng là những năm tháng mà mối tình đầu của ông với ca sĩ Tân Nhân đồng hương Quảng Trị nảy nở. Cuối năm 1952, trong chuyến về ghé thăm nhà, ông bị Tây bắt ở tù một thời gian. Khi ra tù, ông vào sinh sống ở Sài Gòn, để lại một mối tình dang dở và một cậu con trai mãi đến khi ông sắp mất mới có dịp gặp mặt.

Ở Sài Gòn, Hoàng Thi Thơ dạy tiếng Anh - Pháp tại các trường tư thục và tiếp tục con đường sáng tạo âm nhạc mà ông đã theo đuổi từ thuở đôi mươi. Sống tại miền Nam, Hoàng Thi Thơ thường xuyên đi biểu diễn ở miền Tây Nam Bộ và đắm chìm trong đờn ca tài tử của từng làng xóm. Đờn ca tài tử với sức cuốn hút mạnh mẽ của nó đã khiến các nghệ nhân đủ tài hoa "Nam Bộ hóa" cây guitar Tây Ban Nha bằng cách khoét lõm phím đàn để các nốt nhạc khi bấm vào dây có thể nhấn nhá được và bỏ hết cách lên 6 dây mì - là - rề - sol - si - mi bằng việc lắp 5 dây theo ngũ cung: Hò - xừ - xang - cống - lưu. Cây guitar được "Nam Bộ hóa" đã tham gia thật đắc lực vào dàn nhạc với đờn kìm, cò, tranh. Càng thấm vào đời sống châu thổ Cửu Long, Hoàng Thi Thơ càng thấy cần phải có nhiều nhạc phẩm bình dân ca ngợi cuộc sống của người dân bình thường để họ cũng có mặt trong nghệ thuật như mọi thành phần khác. Những nhạc phẩm như thế thường được gọi là "dân nhạc" mà Hoàng Thi Thơ như một người khởi xướng. Ông đã có đóng góp "Việt hóa" tiết điệu boléro để âm nhạc Việt Nam có dòng nhạc boléro phát triển rộng khắp sau này.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ Ảnh: tư liệu

"Việt hóa" boléro là công việc làm ngược lại với các nhạc sĩ châu Âu nổi tiếng là "khí nhạc hóa" boléro mà ta thường nghe qua các tác phẩm như "Boléro cho piano của F. Chopin", những bản nhạc romance của I. Delibes, C.Cui... đều có tên là "Boléro". Trong bản "Boléro" nổi tiếng của M. Ravel, tiết tấu và tốc độ của điệu nhảy được xử lý gần với hành khúc với thủ pháp loang dần của dàn nhạc. Còn gặp boléro trong các opéra và ballete như dạng một điệu múa riêng lẻ. Ở boléro đã được "Việt hóa", giai điệu và tiết tấu cùng nhau kể ra những câu chuyện làng quê của đôi lứa bằng giọng điệu mộc mạc, dễ nghe, dễ hát, dễ đi vào lòng người. Hoàng Thi Thơ đã từ sự "Việt hóa" đó mà viết ra bao nhạc phẩm âm vang mãi trong các làng quê miền Nam suốt từ sau Hiệp định Genève cho đến tháng 4-1975 và sau đó là cả làng quê miền Bắc cho đến hôm nay. Càng ngày, boléro càng thấm vào và càng nở rộ. Boléro làm cho người nước ngoài nhận ra đó là nhạc Việt.

Vừa dân dã vừa lãng mạn

Giai điệu dễ nghe, lời ca dung dị, dân nhạc của Hoàng Thi Thơ thấm vào từng tâm hồn người dân thường với những số phận khác nhau. Người vợ mất chồng trong chiến tranh chống Pháp đã khóc khi nghe: "Đêm hôm qua anh trở về - Về bến sông - Sông mờ mờ - Mắt ngước nhìn - Nhà ta chìm trong khói súng thù - Đêm hôm nao - lòng biết lòng - Nghe tin chồng về bên sông - Lòng biết lòng - nhưng mong gì thấy đôi mắt chồng..." ("Tình sầu biên giới"). Bài "Gạo trắng trăng thanh" dễ thương đến mức như dân ca: "Trong đêm trăng - Tiếng chày khua - Ta hát vang trong đêm trường mênh mang - Vô đây em - Dù trời khuya - anh nhớ đưa em về…" thì làm sao những trai thanh, gái sắc không mê mẩn cho được. Mà Hoàng Thi Thơ thật dồi dào trong sáng tạo này khi đưa tới đời sống làng quê Việt Nam những nhạc phẩm vừa dân dã vừa lãng mạn như "Rước tình về với quê hương", "Rong chơi cuối trời quên lãng", "Đường xưa lối cũ", "Tà áo cưới", "Trăng rụng xuống cầu", "Đám cưới trên đường quê", "Duyên quê"... Hồi sau thống nhất, tôi rất thích bài "Thôn trang mở hội trăng tròn" của Hoàng Thi Thơ. Bản dân nhạc này được Tinh Hoa ấn hành năm 1957 - vào năm Hoàng Thi Thơ bắt đầu tổ chức những đại nhạc hội lớn tại rạp Thống Nhất, Sài Gòn. Tôi chắc khi viết nhạc phẩm này, Hoàng Thi Thơ có muốn chia sẻ với Phạm Duy vì ông cũng gọi các thanh nữ là "một đàn con gái" như Phạm Duy đã viết: "Trăng lên sáng ngời - treo trên đỉnh đồi - Một đàn một đàn con trai - Như đàn con gái ra ngồi nhìn trăng...". Còn Hoàng Thi Thơ thì viết: "Quê tôi có đàn một đàn con gái xinh như là bóng trăng ca mừng trăng bóng tròn - tang tính tang tình tang...". Cái tiếng đàn buồn khổ của chàng Thạch Sanh khi xưa: "Đàn kêu tích tịch tình tang" đã được hóa giải nhẹ nhàng bởi đời sống thanh bình của làng quê: "Nhìn vầng trăng - xinh quá xinh - mừng thôn trang - Tan chiến chinh - trời ngát hương - hương thanh bình…". Sau "tang tính tình tang" thì đến "lơ hò lơ hó lơ" thật rộn rã, thật làng quê Việt Nam.

Nếu ở ngoài miền Bắc khi đó có "Mời anh đến thăm quê tôi" của Nguyễn Đức Toàn cũng mang không khí thanh bình như thế thì ở miền Nam có "Thôn trang mở hội trăng rằm" của Hoàng Thi Thơ. Cả 2 bài ca của 2 nhạc sĩ đồng niên đều mang hơi hướng một bài hát Nga sau chiến tranh vệ quốc mang tên: "Giờ này anh về đâu". Có lẽ các ông đều biết đến bài hát này vì cũng đã ở cùng kháng chiến gần một thập kỷ. Song cả 2 đều "Việt hóa" cái tứ đó thành công. Hoàng Thi Thơ còn thành công là đưa vào cả sự "Việt hóa" với boléro bằng lời ca chan chứa tình người: "Quê tôi có người mẹ già - Ra ngắm thôn trang mừng trăng hát ca - Vui niềm vui thái hòa - Đem nồi khoai sắn nhà - Ra tặng ai chút quà!".

Khởi xướng của Hoàng Thi Thơ đã được thế hệ nhạc sĩ đầu tiên viết nhạc ở Sài Gòn vào giữa thập niên 1950 như Hoàng Nguyên, Minh Kỳ, Tuấn Khanh, Lan Phương, Y Vân, Duy Khánh... hưởng ứng cùng các bạn bè của ông như Châu Kỳ, Lê Trọng Nguyễn...

Năm 1993, ông có về thăm quê hương với nhiều lưu luyến. Sau biến cố "Trân Châu cảng trong lòng nước Mỹ" 11-9-2001, Hoàng Thi Thơ đã thanh thản từ trần vào sáng chủ nhật 23-9-2001 tại nhà riêng ở Glendale (Nam California). Ông có lời trăn trối trước khi ra đi là tất cả tiền phúng điếu dành tặng gia đình các nạn nhân vụ 11-9. Lại nhớ đến một đoạn trong "Tạ tình": "Đời anh ngỡ chết theo ngày buồn - Buồn le lói - thấy đâu niềm vui - Niềm vui đó xót xa đợi chờ - Giờ đã tới với tình em cho…". Tình yêu đã theo ông vào cõi thiên thu. 

Nhạc sĩ duy nhất của miền Nam viết nhạc kịch

Ngoài đóng góp khởi xướng dòng dân nhạc, "Việt hóa" boléro, đóng góp việc tổ chức ra Đoàn Văn nghệ Việt Nam lưu diễn nhiều nơi, những công trình nghiên cứu về vũ cùng các vũ sư Trịnh Toàn, Lưu Hồng như: Múa trống, Lên đồng, Múa xòe, Múa Koho…, ông còn viết nhạc, viết thoại cho phim và đặc biệt là nhạc sĩ duy nhất của miền Nam viết nhạc kịch. Các vở nhạc kịch: "Từ Thức lạc lối Bích Đào" (1963), "Dương Quý Phi" (1964), "Cô gái điên" (1966), "Ả đào say" (1968)… là những đóng góp đáng kể của Hoàng Thi Thơ với tư cách là một nhạc sĩ của tân nhạc Việt Nam thời chống Pháp.

(Nguồn: http://nld.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...