Hoàng Hiệp - "Ông Hoàng" của những "tình khúc đỏ"

16/01/2019

Hoàng Hiệp (1931-2013) tự hào là một nhạc sĩ của cách mạng. Ông thường nói: kháng chiến, cách mạng đã đưa ông đến với âm nhạc và ông sáng tác nhạc là để phụng sự cho cách mạng, cho kháng chiến.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

Các tác phẩm của Hoàng Hiệp, nhất là các ca khúc, đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc kháng chiến, của sự nghiệp cách mạng. “Hành khúc Giải phóng”, “Ngọn đèn đứng gác” (thơ Chính Hữu), “Đất quê ta mênh mông” (thơ Bùi Minh Quốc), “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” (thơ Phạm Tiến Duật), “Cô gái vót chông” (thơ Mô-lô Y-Cla-vi), “Lá đỏ” (thơ Nguyễn Đình Thi)… nằm trong số những ca khúc hay nhất, được phổ biến rộng rãi nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Viếng lăng Bác” (thơ Viễn Phương) là một trong những ca khúc xuất sắc nhất về tình cảm của nhân dân ta với Bác Hồ kính yêu. “Em vẫn đợi anh về” (thơ Lê Giang), “Khúc thơ tình của người lính biển” (thơ Trần Đăng Khoa), “Đồng đội”, “Mùa chim én bay”, “Con đường có lá me bay” (thơ Diệp Minh Tuyền), “Nơi anh gặp em”, “Nhớ về Hà Nội”, “Trở về dòng sông tuổi thơ”, “Đất mũi Cà Mau”… cũng nằm trong số những ca khúc được yêu thích nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước thống nhất sau năm 1975.

Nhưng Hoàng Hiệp cũng tự hào là một nhạc sĩ của tình yêu. Hoàng Hiệp hằng muốn đem đến cho sự nghiệp cách mạng những tình khúc, cái mà theo ông cách mạng đang thiếu và đang cần ở âm nhạc. Chính vì thế, âm nhạc của Hoàng Hiệp đã là cái cầu nối tuyệt đẹp giữa nhạc đỏ và tình ca và ông đáng được coi là “Ông hoàng của những tình khúc đỏ”.

Vợ chồng Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và hai con.

Sáng tác nổi tiếng đầu tiên của Hoàng Hiệp là ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, bản tình ca của những lứa đôi yêu nhau trong nỗi đau đất nước chia cắt. Đó là khi chàng trai miền Nam tập kết Lưu Trần Nghiệp đang học ở Trường Âm nhạc Việt Nam, được đưa đi thực tế sáng tác tại khu giới tuyến Vĩnh Linh, thấm thía sâu sắc nỗi đau chia cắt của những lứa đôi đôi bờ con sông nhỏ được lấy làm giới tuyến. Thế là, từ một bài thơ lục bát ngắn, có phần xưa cũ của người bạn đồng hương Nam Bộ Đằng Giao, Hoàng Hiệp đã thổi vào đấy những âm ba mới mẻ nóng bỏng kỳ lạ, làm nên một tình khúc có sức lay động sâu xa. Không hào sảng như “Tình ca” (Hoàng Việt), không chói sáng như “Bài ca hy vọng” (Văn Ký), không trong trẻo như “Giữ trọn tình quê” (Văn Cận), với giai điệu đặc chất dân ca Nam Bộ, trầm buồn, những thủ thỉ mộc mạc ẩn chứa khát vọng mãnh liệt “Rẽ mây cho sáng trăng vàng/Khai sông nối bến cho nàng về anh” đã làm cho tác phẩm phổ thơ đầu đời còn khá đơn sơ về kỹ thuật này của Hoàng Hiệp trở thành một tình khúc bất hủ, có sức sống vượt thời gian.

Đầu những năm 1970, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vào hồi căng thăng nhất, ca khúc “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” (phổ thơ Phạm Tiến Duật) ra đời. Có thể nói, cho đến lúc đó, các thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/mà lòng phơi phới dậy tương lai” vẫn đang chờ đợi một tình ca cho thế hệ mình như nắng hạn mong mưa rào. Điều đó lý giải vì sao “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” lại được yêu thích đến thế trong những tháng năm này. Cho dù vì trổ nhạc cho đoạn thơ “Anh lên xe, trời đổ cơn mưa/cái gạt nước xua đi nỗi nhớ/em xuống núi, nắng về rực rỡ/cái nhành cây gạt mối riêng tư” mà ca khúc này bị một số người phê phán là mang yếu tố nhạc “vàng” và đòi cấm phổ biến, nhưng “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” vẫn là bái hát nằm lòng của những đoàn quân ra trận cho đến ngày đại thắng và sau này được mặc nhiên coi là một trong những tình khúc hay nhất thời chống Mỹ.

Ca khúc “Em vẫn đợi anh về” (thơ Lê Giang) xuất hiện những năm 1979-1980. Đó là khi trên hai đầu biên giới đất nước, bọn xâm lược mới đã xuất hiện, gây hấn. Ngay trong ngày đầu tiên kẻ thù tràn qua biên giới, ngày 17 tháng 2 năm 1979, từ thủ đô Hà Nội, Phạm Tuyên có ngay hành khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” kêu gọi chiến đầu chống “quân xâm lược bành trướng dã man”. Ngay sau đó, từ TPHCM, Diệp Minh Tuyền có “Bài ca tạm biệt” nói về những cuộc chia ly mới: “Chưa yên vui cho trọn ngày, áo linh lại khoác vào ngay/chưa xây xong bao lâu đài, súng thép lại ấm bàn tay”. Chậm hơn một chút, Hoàng Hiệp có “Em vẫn đợi anh về”. Như thường lệ, theo cách của mình, ông lại phục vụ rất kịp thời cho cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc không phải bằng một hành khúc mà bằng một tình khúc. Có thể coi “Em vẫn đợi anh về” là khúc hát của những nàng Vọng phu hiện đại “Năm tháng gội mưa rừng/Ngày đêm vùi sương núi/Em vẫn chờ vẫn đợi/Vẫn đợi anh về”. Ca khúc sâu thẳm nỗi đau đất nước vừa qua những tháng năm trường kỳ binh lửa lại phải bước vào một cuộc binh lửa mới, hạnh phúc bình thường mà những lứa đôi lẽ ra phải được hướng lại trở thành những mong đợi xa vời: “Chờ phút giây bình yên/Đợi đạn bom ráo tạnh/Để được ngồi bên anh/Để được ghen để được hờn, để được thương để được giận, để thành chồng thành vợ và để cùng hôn con”. Chưa bao giờ tình khúc Hoàng Hiệp lại tích tụ và bùng nổ những dằn xé, kịch tính nhức nhối đến thế để vạch trần sự vô đạo của chiến tranh trước khát vọng sống, khát vọng yêu thương của con người : “Em vẫn đợi anh về/Như buồm căng đợi gió/Như trời xanh đợi chim/Như lòng em khát anh/Như đời khát hoà bình”.

Như để nói rõ thêm đầy đủ hơn cái vĩnh cửu của tình yêu trước mọi biến động của thiên nhiên, thời cuộc, ngay sau “Em vẫn đợi anh về” thật dữ dội, quyết liệt, Hoàng Hiệp đã có “Mùa chim én bay” rất dịu nhẹ, tinh tế. Có lẽ chưa bao giờ trong các ca khúc của Hoàng Hiệp, tình yêu đôi lứa lại hiện ra trong một khung cảnh thanh bình thư thái thơ ngây như vậy: “Khi gió đồng ngát hương rợp trời chim én lượn/Cây nẩy đầy chồi xanh, mây trắng bay yên lành/Em chợt đến bên anh dịu dàng như cơn gió nhẹ/Và lòng anh để ngỏ cho tình em mơn man”. Đó là giây phút hạnh phúc tuyệt diệu khi các đôi lứa được bình tâm vô tư tận hưởng cái hương vị ngọt ngào bất tận của tình yêu không bị vướng bận các nỗi lo thường nhật: “Em là cách én mỏng chao xuống giữa đời anh/Cho lòng anh xao động thành mùa xuân ngọt ngào/Én về én lại xa mùa xuân không ở lại/Bên em anh gần mãi… nên đời vẫn xuân trào”. Với “Mùa chim én bay”, Hoàng Hiệp dường như muốn đưa ra một thông điệp: tình khúc đỏ không chỉ là các tình khúc về tình yêu đôi lứa trong chiến đấu, trong tranh đấu mà trong tất cả mọi hoàn cảnh, trong mọi biểu hiện phong phú của nó miễn đó là tình cảm hướng con người đến cái đẹp, cái thiện. Tôi còn nhớ, tình khúc này được Hoàng Hiệp viết trong những ngày được mời ra thành phố chim én Nha Trang sáng tác về sự kiện phát hiện bộ đàn đá Khánh Sơn. Những ngày ấy, Hoàng Hiệp ở khách sạn Thắng Lợi và ở đó cô tiếp tân đẹp như Đức mẹ đồng trinh của khách sạn tên là Lài rất quấn quít ông. Cảnh đẹp, người đẹp như thế, Hoàng Hiệp không thể không có tình ca hay.

Nói đến các tình khúc đỏ của Hoàng Hiệp, không thể không nhắc đến “Nhớ về Hà Nội”, một trong những ca khúc bất hủ về thủ đô đất nước. Đây không chỉ là một tụng ca thông thường, nó thực sự là một tình khúc. Bài hát được viết vào năm 1984, sau gần 9 năm Hoàng Hiệp xa Hà Nội trở về sinh sống tại TPHCM. Sau một buổi trò chuyện với người vợ, vốn là một nghệ sĩ sân khấu Hà Nội, ký ức về 20 năm sống giữa thủ đô chợt bất ngờ bừng dậy quay quắt. Hoàng Hiệp nhớ cái trường nhạc mái tranh vách đất trên đường đê La Thành, nơi ông bắt đầu sự nghiệp âm nhạc, nhớ đường Nguyễn Du rợp bóng cổ thụ, nơi có ngôi nhà của gia đình vợ, nơi bắt đầu những đêm hẹn hò giữa chàng nhạc sĩ trẻ miền Nam tập kết và cô thiếu nữ Hà Nội xinh đẹp, hiền thục trong mùi hoa sữa nồng nàn, nhớ phố Khâm Thiên tang thương sau trận bom B52 mùa đông năm 1972… Người nhạc sĩ được coi là “vua phổ thơ” của giới nhạc Việt không cần những vần thơ của ai đó gợi thức hình tượng âm nhạc. Từ sâu thẳm ký ức, lời thơ hiện ra thật tự nhiên và cũng thật tự nhiên, giai điệu vang ngân. Âm hình chủ đạo, đoạn ca từ mở đầu và kết thúc là lời bày tỏ của những người đã đi xa:

Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom, một thời hòa bình

Tiếp đó là nỗi nhớ nhung rất chung mà rất riêng về những ngày sống, yêu đương, dựng xây và chiến đấu giữa thủ đô văn hiến và anh hùng:

Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây
Tiếng ve ru những trưa hè
Và nhớ những công viên vừa mới xây
Bước chân em chưa mòn lối
Ôi nhớ Hồ Gươm xanh thắm
Nơi Tháp Rùa nghiêng soi bóng…

Nhớ những cơn mưa dài cuối đông
Áo chăn chưa ấm thân mình
Và nhớ lúc bom rơi thời chiến tranh
Đất rung ngói tan gạch nát
Em vẫn đạp xe ra phố
Anh vẫn tìm âm thanh mới…

Trái với thông lệ, chưa bao giờ ca khúc Hoàng Hiệp, kể cả trước đó và sau này, lại “nhiều lời” đến vậy. Đoạn nhạc chính của bài hát “gánh” tới 4 đoạn lời. Cảnh vật, âm thanh, hương sắc, quá khứ và hiện tại, nỗi đau và niềm tin, tình yêu và những kỷ niệm không bao giờ mờ phai, cùng lúc ập đến, tất cả đều xao xuyến, đều sâu nặng thiêng liêng, không cho phép nhạc sĩ kiệm lời:

Nhớ những con đê thành lối xe
Bước chân năm tháng đi về
Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya
Hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy
Ôi nhớ Thủ đô năm ấy
Ta đánh giặc trên mâm pháo…

Nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du
Những đêm hoa sữa thơm nồng
Và nhớ, nhớ bao khuôn mặt mến thân
Đã quen bước chân giọng nói
Ôi nhớ chiều ba mươi Tết
Chen giữa đào hoa tươi thắm
Đường phố đông vui chờ đón tân niên
Là phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người
Hà Nội ơi!

Những ai từng sổng ở Hà Nội những năm 1955 – 1975, một thời gian khó và tự hào,“một thời đạn bom, một thời hòa bình” như cách nói của Hoàng Hiệp, dù đã xa Hà Nội hay đang sống giữa Hà Nội, có lẽ đều không cầm được nước mắt khi nghe, khi hát “Nhớ về Hà Nội”.

Còn nhớ, những năm cuối đời, Hoàng Hiệp từng có lúc buồn bã tâm sự với bạn bè rằng hình như âm nhạc của ông đã lạc lõng đã lỗi thời giữa thị trường âm nhạc đương đại. Hoàng Hiệp không sai. Âm nhạc của ông khó mà hòa hợp với dòng nhạc vụ lợi bát nháo vừa đinh tai nhức óc vừa ỉ eo than khóc vô bổ của một số nhạc sĩ thời thượng hôm nay. Nhưng xin Hoàng Hiệp yên lòng, trong khi dòng nhạc bạo phát bạo tàn này đã nhanh chóng chết yểu, không lưu lại dấu vết, thì các tình khúc đỏ của ông cùng các giá trị âm nhạc chân chính khác mãi đồng hành cũng các thế hệ Việt Nam trong hôm nay và cả tương lai…

Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, còn có bút danh là Lưu Nguyễn, sinh ngày 1/10/1931 ở Cù lao Giềng, Mỹ Hiệp, Chợ Mới, An Giang. Ông tham gia cách mạng năm 1945, năm mới 14 tuổi, trong Đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên. Năm 1955, Hoàng Hiệp tập kết ra Bắc, vào học Trường Âm nhạc Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp sáng tác âm nhạc. Sau hơn nửa thế kỷ lao động sáng tạo, Hoàng Hiệp đã có một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ với hơn 400 ca khúc, tác giả âm nhạc của hàng chục tác phẩm sân khấu và hàng chục phim truyện, phim tài liệu. Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Sau ngày đất nước thống nhất, Hoàng Hiệp về sống tại TPHCM và mất ngày 9 tháng 1 năm 2013.

(Nguồn: http://vanhien.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...