Hoàng Hà và những bài ca đi cùng năm tháng

06/09/2013

NTT và nhạc sĩ Hoàng Hà (phải)

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Tôi được tin nhạc sĩ Hoàng Hà qua đời do nhà thơ Lê Huy Mậu và các bạn từ Vũng Tàu điện báo. Dù không bất ngờ vì biết tin ông bệnh nặng đã lâu, nhưng vẫn thần người ra tiếc nhớ một người nhạc sĩ già nhân hậu đã cống hiến cả đời mình cho âm nhạc. Lại lấy làm tiếc là tại sao người ta lại chưa trao “Giải thưởng Hồ Chí Minh” cho ông khi còn sống.

Nhạc sĩ Hoàng Hà sinh năm 1929, tại Hà Nội và đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 16h ngày 4/9/2013 tại Vũng Tàu, hưởng thọ 84 tuổi. Lễ viếng nhạc sĩ Hoàng Hà bắt đầu từ 9h sáng ngày 5/9 tại tư gia trên đường Lê Quý Đôn. Lễ truy điệu lúc 9h sáng ngày 7/9 tại nhà tang lễ Vietsovpetro (số 2, đường Pasteur, P7, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). An táng tại nghĩa trang Long Hương (BRVT).

Tôi đã viết kịch bản và lời bình phim chân dung Hoàng Hà cho VTV và cũng đã viết báo về ông. Xin gửi tới bạn đọc bài viết sau một lần thăm ông tại nhà riêng:

*

Nhạc sỹ Hoàng Hà và những bài ca đi cùng năm tháng

Đất nước trọn niềm vui

Đầu tháng Tư, tôi cùng nhà thơ Lê Huy Mậu và nhà báo Lưu Trọng Phú ghé thăm nhạc sĩ Hoàng Hà tại nhà riêng của ông trên đường Lê Quý Đôn (Vũng Tàu) bởi tháng Tư làm tôi nhớ đến bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của ông viết trước ngày đất nước thống nhất một tuần. Khi viết bài hát này, ông đang làm ở ban Văn nghệ đài Tiếng nói Việt Nam. Người của “nhà đài” nên các tin tức chiến sự lúc bấy giờ luôn được cập nhật sớm. Sáng ngày 26/4, khi biết chiến dịch giải phóng “thần tốc” mang tên Hồ Chí Minh, ông rất xúc động dự cảm ngày chiến thắng đang tới, và ngay tối hôm đó ông đã viết ra bài hát này. Bài hát là một tiếng reo đến vỡ giọng của ông, của cả một dân tộc mừng vui chiến thắng: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây. Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng. Ta nghe vang như tiếng Bác Hồ dậy từ non sông! Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân. Thành Đồng ơi! Sắt son đã vang khải hoàn. Ôi! hạnh phúc vô biên! Hát nữa đi em, những lời yêu thương…”

Mới đó mà đã 35 năm.

Có lẽ cũng vì tiếng reo ca tuyệt vời đó mà mười năm sau, mảnh đất phương Nam đầy nắng gió đã đón gia đình ông về sinh sống và làm việc tại Vũng Tàu. Ông nói, ông không ngờ rằng, nhiều đồng chí lãnh đạo ở đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo hồi đó thuộc bài hát “Đất nước trọn niềm vui”, và đã hát cho ông nghe. Cũng từ lòng yêu mến đó, họ đã có lời mời và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ông về Vũng Tàu.

Căn nhà hai tầng của nhạc sĩ Hoàng Hà nằm sâu trong ngõ nhỏ. Tầng dưới là một xưởng sửa chữa cơ khí của người con trai, la liệt những sắt thép và dây điện. Tầng trên chỉ có 2 phòng nhỏ như cái chuồng cu, nó gợi nhớ những căn gác xép thời bao cấp ở Hà Nội. Mươi năm trước tôi đến đây, thấy có cả chiếc điếu cày dài và những bó đóm rất cầu kỳ do chính tay ông chẻ ra từ những khúc tre ngâm. Giờ thì ông đã cai thuốc lào, cái điếu cày và những bó đóm không còn nữa. Thay vào đó là giàn máy tính và chiếc đàn organ điện tử dùng cho việc sáng tác âm nhạc. Đã hơn 80 tuổi, ông sử dụng máy tính khá sành điệu. Không chỉ viết nhạc trên máy, ông còn “biên tập” và in nhạc ra đĩa CD với những nhãn mác trình bày khá đẹp. Nghe nói, trước đây ông còn hướng dẫn cho con cháu ở Hà Nội sử dụng thư điện thử và Yahoo Massenger để “trò chuyện” với nhau như những tay máy trẻ. Quả thật, nụ cười của ông luôn luôn trẻ. Nụ cười thật hiền và sáng. Còn trí nhớ của ông thì luôn tốt khi nói về những câu chuyện “ngày xưa”…

Ông nói: Trước khi đặt bút viết “Đất nước trọn niềm vui”, tôi bỗng nhớ đến điệu hò Đồng Tháp do nghệ sĩ Bích Hường hát đã từng làm tôi gai người. Điệu hò ấy cứ lảng vảng trong đầu tôi cho đến khi bật ra câu hát: Hò ơ…ớ hò…ớ hò…ớ hò…. Hội toàn thắng náo nức đất nước, Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang, Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam,Tổ quốc anh hùng! Có thể nói, đó là âm nhạc của đáy lòng, nó kết đọng tình yêu và khát vọng của ông về ngày thống nhất non sông. Ôi quê hương dẫu bao lần giặc phá điêu tàn mà vẫn ngoan cường, Giành một ngày toàn thắng. Đẹp quá! Đời rực sáng những ánh mắt lấp lánh, Ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương, Ta muốn ca vang bước chân những người chiến sĩ giải phóng kiên cường! Và ông tưởng tượng ra một đêm hoa đăng mừng toàn thắng trọn vẹn cho dân tộc Việt Nam: Đêm hoa đăng, những môi cười là bó hoa đời tươi thắm tuyệt vời, Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ Quốc muôn đời, Trọn vẹn cả non sông thống nhất. Rạng rỡ Việt Nam! Sáng hôm sau, ông đem bài hát đến Đài báo cáo. Ông kể: “Nhạc sĩ Nguyễn An lúc đó là Tổ trưởng tổ Biên tập nhạc đọc và duyệt, rồi giao ngay cho nhà hát Giao hưởng. Anh Trung Kiên nhận bài xem ngay tại chỗ, còn anh Đỗ Dũng thì kê tập giấy nhạc lên mặt trống Tem-ban phối khí ngay trong phòng thu, các anh chị trong tốp nhạc xúm lại chép liền. Tôi dự buổi thu thanh, nghe mà cảm phục anh Trung Kiên sao lại có sự đồng cảm đến thế. Giọng hát của anh đã thực sự chắp cánh cho bài hát của tôi bay lên, hoàn toàn như tôi đã tưởng tượng một ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đất nước thống nhất”…

Những bài hát gửi đời

Nhưng nhạc sĩ Hoàng Hà không chỉ có bài hát ấy. Sau cách mạng tháng 8/1945 ông rời Hà Nội đi kháng chiến, làm phụ trách thiếu nhi huyện Yên Lãng rồi về làm thợ viết đá in li-tô cho tỉnh bộ Việt Minh Phúc Yên. Từ đó ông sáng tác ca khúc đầu tiên khi 18 tuổi với bút danh Hoàng Hà. (Theo ông kể thì tên ông là Hoàng Phi Hồng, nhưng từ khi ngôi nhà của bố mẹ ông ở Hà Nội có treo bức hoành phi 4 chữ HOÀNG HÀ CHI THỦY bị giặc đốt thành tro, ông đã lấy hai chữ Hoàng Hà làm bút danh để ghi nhớ và luôn tự nhắc nhở mình về trách nhiệm với gia đình và quê hương). Những ca khúc đầu tay của ông được gửi cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, và đã được người thầy chú ý. Lưu Hữu Phước đã thụ giáo cho ông những kiến thức sáng tác bằng những bài hướng dẫn qua thư. Đến năm 1951 ông được dự lớp bồi dưỡng Văn nghệ Liên khu Việt Bắc sau khi được cử làm trưởng đoàn Văn công tỉnh Vĩnh Phúc. Ở đây ông đã sáng tác nhiều ca khúc cho đoàn Văn công phục vụ nhân dân vùng tự do và vùng mới giải phóng. Nhưng phải đến năm 1955, khi bài hát “Ánh đèn trên cầu Việt Trì” ra đời, ông mới thực sự được biết đến như một nhạc sĩ sáng tác.

Đó là thời điểm ông chuẩn bị rời đoàn Văn công nhận nhiệm vụ mới. Trong cái đêm nhận được tin đó, ông bồi hồi và đi dạo ra ngã ba sông. Chiếc cầu Việt Trì đang được xây dựng, và ánh điện soi chiếu hình ảnh những người thợ cầu làm việc ca đêm khiến ông xúc động. Đó là thời kỳ miền Bắc bắt đầu công cuộc kiến thiết lại đất nước sau 9 năm kháng chiến chống Pháp. Những ngày “lao động cộng sản” vừa được phát động mở ra một khí thế mới trên miền Bắc. Và những câu hò của công nhân đã gợi mở cho ông một viễn cảnh huy hoàng của đất nước. Thế là những câu hát rộn ràng với nhịp điệu lao động khẩn trương tự nhiên vang lên trong đầu người nhạc sĩ: “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì – Trong đêm khuya vẫn còn dọi về – Nghe tim đập ngày đêm thiết tha… Hỡi người khuya sớm bắc cầu – Bắc qua một dải sông sâu sá gì“. Thời ấy còn nhỏ, tôi đã nghe các anh chị thanh niên ở làng tôi hát bài hát này, và bọn trẻ con chúng tôi hát theo, thậm chí còn nghịch ngợm “xuyên tạc” đặt lời mới để đùa chọc nhau: “Ông ăn Tết trên cầu Việt Trì – Đêm ba mươi đánh điện về nhà…”. Bài hát ấy được phát liên tục trên sóng của đài TNVN như một bài hát điển hình của những ngày đầu hòa bình kiến thiết đất nước.

Sau bài hát đó một thời gian, nhạc sĩ Hoàng Hà được mời dự đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957) với tư cách những nhạc sĩ sáng lập. Và tấm thẻ hội viên hội Nhạc sĩ của ông tình cờ mang số hiệu 01. Theo ông thì chắc người ta ưu tiên cho người ở xa về nên đã phát cho ông tấm thẻ đầu tiên. Mấy năm sau ông được điều về Hà Nội và được vào học khóa đại học đầu tiên của trường Âm nhạc VN, rồi về công tác tại đài TNVN. Ở đây ông đã sáng tác những ca khúc khá nổi tiếng như “Tiếng hát trên công trường thủy lợi”, “Con mèo ra bờ sông” (nhạc mẫu giáo)… và đặc biệt là bài “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”. Theo ông kể, năm 1970 ông được Đài biệt phái giúp đài phát thanh Pathet Lào xây dựng Ban biên tập văn nghệ. Trong dịp này, ông được gặp một số nhạc sĩ quân đội Lào. Xong nhiệm vụ, chia tay nhau thật lưu luyến, khiến ông ám ảnh mãi về tình hữu nghị anh em, mà hình ảnh nổi bật nhất là về người lính Việt và người lính Lào. Trở về Hà Nội, ông đã viết nên bài hát trữ tình mà hoành tráng này. Với hình ảnh “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, bài hát đã khái quát được tình hữu nghị cùng chiến đấu chống xâm lược giữa hai dân tộc là không thể cắt rời. Chất liệu âm nhạc Việt-Lào hòa quyện chính là chất nhựa đã làm nên một ngôn ngữ độc đáo để xây bức tượng đài thật hùng vĩ: “Trường sơn bao la cao như quyết tâm ta diệt thù, Việt Lào một lòng như sắt đá. Quê hương như vẫy gọi từ hai miền vách núi, Việt Lào chung đường tiến tới, ấm lửa đoàn kết càng yêu đời…”. Bài hát được nghệ sĩ Trung Kiên hát vang vọng suốt dọc dài chiến trận, và sau này là Quang Thọ, Đăng Dương tiếp tục làm nao lòng người nghe về một thời kháng chiến: “Muôn dặm Trường Sơn, ta lại chia tuyến đường đi đánh Mỹ, đi giải phóng quê nhà, tới chiến trường xa. mỗi bước tôi đi, lòng càng nhớ bao đồng chí. Những người chiến sỹ yêu nước Lào. Gặp nhau trên đỉnh trường sơn”…Cũng từ thực tế này, Hoàng Hà đã viết được một số bài hát neo vào lòng người như “Mang hình ảnh Bác quân ta đi”, “Gửi bạn chiến đấu Lào” (1970), “Cùng hành quân giữa mùa xuân” (1971) với bút danh Cẩm La. Cẩm La là tên một làng quê mà Hoàng Hà đã hút chết ở đó trong một trận càn của giặc Pháp. Ông bị sập hầm ngạt thở, may được du kích kịp thời cứu lên. Bút danh Cẩm La như là cuộc sống thứ hai của ông, để nhớ ơn những người dân làng Cẩm La đã cứu mình. Bút danh này ông dùng cho những ca khúc viết cho Đài phát thanh Giải Phóng những năm chống Mỹ. Thời đó ai cũng tưởng Cẩm La là một nhạc sĩ trẻ của miền Nam bởi chất âm nhạc trẻ trung, phơi phới. Để có được điều đó, ông đã trăn trở rất nhiều trong bút pháp và tư duy sáng tác. Ông nói: “Hoàng Hà là người con của miền Bắc XHCN. Cẩm La phải là người con của miền Nam trực diện nơi chiến trường nên phải viết với tình cảm khẩn trương, quyết liệt, quyết thắng nhưng lạc quan. Có lẽ bút pháp khẩn trương sôi sục của bối cảnh chiến đấu với tình cảm thật đẹp đối với miền Nam đã giúp tôi trẻ lại trong những ca khúc viết cho Đài Giải Phóng”. Đúng vậy, với những giai điệu mượt mà rạo rực và tiết tấu rộn rịp, âm nhạc Cẩm La thật dễ cuốn vào lòng những người lính trẻ: “Trên núi sông mến yêu đây của ta, Mà khi bóng giặc còn đó chưa rời xa, Thì em có nghe tiếng mùa xuân về, Lời thôi thúc phải đánh tan giặc kia. A! Ta chào mùa xuân hành quân giành chiến thắng. A! Ta chào mùa xuân sục sôi triều cách mạng. Xuân thắm tươi là trên nơi tiền tuyến. Cùng hành quân đi giữa mùa xuân”.

Viết cho miền đất hứa


Vợ chồng ns Hoàng Hà

Từ ngày vào sống và sáng tác ở Vũng Tàu, bên cạnh những tác phẩm viết về tình yêu và cuộc sống mới ở đây, Hoàng Hà ấp ủ một tác phẩm lớn về Côn Đảo. Là một nhạc kịch nối tiếp Brunehilda mà nhạc sĩ thiên tài Camille Saint Saens đã viết những chương cuối ở đây, hay một tổ khúc giao hưởng nhiều chương? Và viết xong thì tiền đâu để dàn dựng tác phẩm? Cuối cùng, năm 1998 ông đã quyết định soạn bản giao hưởng – hợp xướng 4 chương mang tên “Côn Đảo” với sự giúp đỡ kinh phí của tỉnh cấp cho một “công trình khoa học”. Giao hưởng – Hợp xướng Côn Đảo ra đời với sự cộng tác của nhạc sĩ Hoàng Lương – con trai cả của ông, gồm 4 chương: Côn Đảo một thời xưa, Ngục Côn Lôn, Người tù nổi dậy, Tiếng hát. Đây là một tác phẩm viết theo hình thức kinh điển phương Tây nhưng được “Việt hóa” bởi những chất liệu âm nhạc Việt như Vỉa, Giáo trò, Hò lao động, Ngâm thơ cổ… nên dễ vào lòng người nghe. Cuối năm 1999, “Côn Đảo” đã được trình diễn tại rạp Duy Tân và huyện Côn Đảo. Nói về sự thành công của tác phẩm này, ông khiêm tốn: “Đó là một cố gắng vì tình yêu vùng đất mới của tôi và sự biết ơn vô hạn đối với những anh hùng liệt sĩ và những người chiến sĩ đã giải phóng Côn Đảo giải phóng đất nước”.

Khi chúng tôi ra về, Hoàng Hà và người vợ thua ông 6 tuổi với mái đầu bạc phơ đã tiễn chúng tôi ra tận cổng. Ông chỉ vào bà nói thêm rằng, đây là nhân vật chính của bài tình ca đầu tiên của tôi, bài hát “Hoa Huệ” viết từ khi mới bắt đầu yêu. Giờ vẫn đi trọn cùng tôi đến miền đất hứa này… ./.

Vũng Tàu 2.4.2010

(Nguồnhttp://nguyentrongtao.info)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...