Hoài niệm về một nhạc sĩ thương binh…

13/12/2016

Lê Đăng Khoa (1950-2011), là một chiến sĩ, một thương binh, Hội viên Hội Nhạc sĩ  Việt Nam. Trong những năm qua, nhiều bài hát của ông đã gây được tiếng vang ở diễn đàn tổng kết hội thi bài hát Việt, do Đài Tiếng nói và Đài Truyền hình Việt Nam phát động, như ca khúc: Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ, Hương lan rừng, Biển lụi, Tiếng nấc, Chung tay hồ Cửa Đạt, Khúc dâng mùa hè…là những bài hát gần gũi với người yêu âm nhạc.

Những năm trước đây, tại  “Sao Mai điểm hẹn”, ca khúc Trống Mái -  một sự tích huyền thoại ở Sầm Sơn, Thanh Hóa - ông đã tìm tòi sáng tạo cả về ca từ cho đến giai điệu, tiết tấu và được ca sĩ trẻ thí sinh làm rung động người xem, về một tình yêu lứa đôi hóa đá, để rồi mãi mãi bên nhau. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập cái nhìn, cái tâm trong ca khúc của Lê Đăng Khoa: một triết lý cuộc đời khá nhạy bén, sâu sắc và nhân văn trong cuộc sống, xã hội mà nhiều ca khúc ông viết khá thành công.


Cố nhạc sĩ Lê Đăng Khoa – Tranh sơn dầu của Hoàng Hoa Mai

Là một thương binh 4/4, đã chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, rồi Phó Bí thư Huyện ủy,  Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, Giám đốc ngành kinh tế cấp tỉnh, nên ca khúc của ông có chất lãng mạn xen chất thép, nhiều bài hát được phổ biến là những ca khúc trữ tình, dí dỏm, trẻ trung như một thời đôi mươi mà tác giả đã trải qua. Cóc kiện trời, Hết quan toàn dân, Ghen là những ca khúc có cá tính rõ rệt, ngôn từ sâu sắc, giàu hình tượng, giai điệu luyến láy gợi mở, với tiết tấu lúc nhặt, khoan, lúc trầm bổng, nhanh, mạnh…cũng đã “gãi nhẹ” vào những vị quan muốn không bị đơn khiếu kiện, thì phải làm quan cho chính trực, tạo được lòng tin trong công chúng để rồi dân gần quan, tôn trọng quan. Tất cả những gì trong ca khúc Cóc kiện trời của ông, cũng gợi lại một điều gì đó nhắc nhở những ai làm quan phải trong sáng, minh bạch thì dân mới yên lòng. Hết quan hoàn dân cũng cảnh tỉnh những ai đã được làm quan là phải tu dưỡng đạo lý làm người lấy dân làm gốc, gốc có chắc thì cây mới vững. Ghen, một ca khúc triết lý khá tinh tế nhưng rất dí dỏm với ca từ đơn giản nhưng “nói đó cho cạy lòng đây”. Có lẽ trong Lê Đăng Khoa, “văn là nhân” tình yêu lứa đôi trong ca khúc của ông cũng đã nói đến điều đó, những chặng đường rất yêu và cũng rất ghen như là một quy luật của cuộc đời. Vì thế, Ghen, một bài hát có ca từ nảy ra từ trong sâu thăm tâm thức của ông.

Hơn mười năm sáng tác, Lê Đăng Khoa đã để lại cho khán giả xem truyền hình, nghe đài phát thanh và tiếp cận nhiều album VCD với hơn 300 bài hát ở nhiều thể loại, phản ánh sức lao động sáng tạo miệt mài của ông trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc.

Nhiều ca khúc của Lê Đăng Khoa đã được các ca sĩ tên tuổi thể hiện rất thành công như Trời vào đêm (Quỳnh Hoa), Hương lan rừng (Mai Trang), Đêm đông vắng em (Trọng Tấn), Đừng làm khổ nhau (Sao Mai), Biển lụi (Mỹ Dung), Ghen (Thanh Thanh Hiền)Lê Đăng Khoa đã nhiều lần cũng với các nhạc sĩ quen thuộc như Nguyễn Cường, Tân Huyền, Doãn Nho… trao đổi kinh nghiệm sáng tác kể cả về việc đi thực tế tìm giai điệu, khai thác chất liệu dân ca ở Thanh Hóa và những trăn trở trong đời sống đương đại, vì thế mà những bài hát của ông dễ dàng tiếp cận với công chúng, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.

Lê Đăng Khoa đã nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen trong các kỳ thi, hội diễn ở Trung ương và địa phương, phát trên truyền hình, truyền thanh, báo chí…Song điều đáng mừng đối với ông ở gần tuổi 60 là khán giả yêu âm nhạc đến với ông ngày càng nhiều và mong muốn ông sáng tác nhiều ca khúc giàu tính nhân văn sâu sắc như ước nguyện một thời đã qua, mà Tiếng nấc đã là một ký ức để hôm nay trở thành sự nghiệp sáng tác âm nhạc đáng trân trọng một thời. Tuy nhiên, thật là đáng tiếc. Đúng vào thời kỳ đang sáng tác sung sức nhất, Lê Đăng Khoa đã lặng lẽ qua đời vào năm 2011. Để lại trong lòng công chúng yêu âm nhạc xứ Thanh niềm nuối tiếc khôn nguôi…

Năm nay, kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Sầm Sơn, đúng vào thời điểm tỉnh nhà thực hiện sự kiện năm “Du lịch quốc gia tại Thanh Hóa”, bài hát Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ của ông sẽ là một trong những ca khúc cùng hòa chung vào niềm vui của âm nhạc xứ Thanh. Từ những thành công viết ca khúc mà Lê Đăng Khoa đã được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam, và cũng trong thời điểm đó, ông đã nhận phần thưởng về ca khúc Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ, một điểm nhấn trong chùm ca khúc hay của nhạc sĩ về đề tài Bác Hồ kính yêu. Đây là bài hát được cảm hứng từ bức tranh Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ của họa sĩ Hoàng Hoa Mai mà tác giả đã khai thác được. Qua đường nét, màu sắc để tạo ra những âm hưởng tôn vinh, tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu khi người về thăm và làm việc với nhân dân Sầm Sơn năm 1960.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...