Hòa nhạc thính phòng Maryvonne Le Dizès

04/03/2013

Chương trình hòa nhạc thính phòng với nghệ sĩ người Pháp Maryvonne Le Dizès tại Nhà hát Thành phố HCM ngày 9/3/2013 khá đặc biệt với các đại diện âm nhạc rất khác biệt của hai dòng nhạc khác nhau.

Đó là dòng âm nhạc cổ điển với vẻ đẹp cân đối, mẫu mực, vĩnh cửu qua âm nhạc của Mozart và Francesco Geminiani, và dòng âm nhạc thế kỷ 20 với những xúc cảm thăng hoa, mãnh liệt, sáng tạo mới mẻ trong âm nhạc của nhà soạn nhạc người Anh: Benjamin Britten, người thành công trong mọi lĩnh vực âm nhạc từ nhạc phim đến nhạc kịch. Âm nhạc của Astor Piazzolla mang phong cách âm nhạc của thế kỷ 20, sự sáng tạo, phá cách tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ từ những xu hướng cuối thời kỳ lãng mạn. Piazzolla là người trình diễn và sáng tác âm nhạc truyền thống của người Achentina đã rất thành công, sau khi nghiên cứu âm nhạc cổ điển ông đã hòa trộn tuyệt vời giữa nhạc La Tinh, nhạc jazz và nhạc hàn lâm để có một phong cách âm nhạc vô cùng độc đáo, phóng khoáng, say mê, đầy xúc cảm ấn tượng, sự hòa trộn của âm nhạc tiêt tấu và âm nhạc học thuật đa tầng, đa diện.

Trong chương trình sẽ xuất hiện âm nhạc của một nhạc sĩ có thể không được nhiều người biết tới: nhạc sĩ người Bỉ Guillaume Lekeu, một tài năng âm nhạc ra đi khi còn quá trẻ, khi ông mới 24 tuổi. Cùng nằm trong trường phái âm nhạc cổ điển nhưng tác phẩm của Guillaume Lekeu có lẽ sẽ mang lại một mảng màu sắc khác biệt với những tác phẩm khác trong chương trình, một nốt trầm sâu thẳm. Đây là một khúc bi ca vô cùng nhân ái, rất tinh tế với những phong cách phức điệu đặc trưng của thời kỳ tiền cổ điển và đặc biệt sâu lắng với kỹ thuật khai thác âm vực đẹp của đàn cello và violin. Năm 2004, tác phẩm được truyền đi khắp Châu Âu trong lễ tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa đánh bom tại Madrid trước đó.

Với tài năng và hơn 23 năm kinh nghiệm trong dàn nhạc thính phòng InterContemporain của nghệ sĩ người Pháp Maryvonne Le Dizès, cùng với sự dàn dựng và chỉ huy của nhạc trưởng Trần Vương Thạch, dàn nhạc thính phòng gồm những nghệ sĩ uy tín và ưu tú nhất của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Tp HCM sẽ cống hiến một đêm diễn nhiều giá trị âm nhạc xúc cảm.

Chỉ huy: Maryvonne Le Dizès
NSƯT / Mer. A. Trần Vương Thạch
Violin: Maryvonne Le Dizès
Dàn nhạc Thính phòng

Chương trình:
Phần I:
Francesco Geminiani La Folia
Benjamin Britten Simple Symphony, op.4 for string orchestra
I. Boisterous Bourrée 3'
II. Playful Pizzicato 3'
III. Sentimental Sarabande 9'
IV. Frolicsome Finale 3'15"
Chỉ huy: Maryvonne Le Dizès

Phần II:
Wolfgang Amadeus Mozart Symphony No.25 in G Minor, K183
I. Allegro con brio
II. Andante
III. Menuetto & Trio
IV. Allegro

Chỉ huy: NSƯT Trần Vương Thạch
Guillaume Lekeu “Molto Adagio” cho Dàn nhạc dây
Astor Piazzolla “Tango” trích Tango Ballet cho Dàn nhạc dây

20h00 ngày 9/ 3/ 2012 tại Nhà Hát Thành Phố, 7 Công Trường Lam Sơn, Q.1, Tp HCM

Giá vé: 400.000 - 350.000 - 200.000 - 80.000(vé sinh viên)VNĐ
Vé được bán tại:
Phòng bán vé Nhà Hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch, số 7 Công Trường Lam Sơn, Tp HCM.
Đặt và giao vé: 08 3823 7419

Thông tin chi tiết

Nghệ sĩ violin – chỉ huy: Maryvonne Le Dizès
Le Dizes đã đoạt được giải nhất dành cho nghệ sĩ violon và nhạc thính phòng của Nhạc viện quốc gia Supérieur Pháp. Sau đó bà được khán giả ở Châu Âu, Hoa Kỳ, Việt Nam và Nhật Bản biết đến qua các tác phẩm âm nhạc cổ điển và đương đại. Bà là người phụ nữ đầu tiên nhận giải thưởng Paganini Prize of Genoa ngay sau khi bà nhận được học bổng Fondation de la Vocation.

Năm 1977, Le Dizes được bổ nhiệm làm giáo viên ở Nhạc viện Boulogne-Billancourt. Một năm sau đó, bà được nhận vào Ensemble InterContemporain dưới sự dẫn dắt của Pierre Boulez.

Năm 1983, Le Dizes đã giành được giải nhất cuộc thi quốc tế âm nhạc Mỹ. Sau đó bà đoạt giải thưởng Grand Prix SACEM dành cho tác phẩm đương đại biểu diễn xuất sắc nhất. Bà rời khỏi Ensemble InterContemporain sau 23 năm là một thành viên ưu tú. Nhờ đó, Bà dành nhiều thời gian hơn cho công việc giảng dạy âm nhạc đương đại.

Một số lượng lớn các nhạc sĩ đương đại từng làm việc với bà: Gilbert Amy, Joël- François Durand, Jean-Baptiste Devillers, Peter Eotvos, Philippe Fénelon, Jacques Lenot, Nguyen Thien Dao, Philippe Schoeller, Eric Tanguy, Isabelle Fraisse.

Bà có công thành lập nhóm hòa tấu Trio de EIC, Cappa Quartet và Schoenberg Sextet. Le Dizes còn là giáo viên danh dự của Nhạc viện Boulogne.

Các nhà xuất bản Lemoine đã từng mời bà tham gia xuất bản một số sách giáo dục 20/21, bà đã vui lòng đồng ý và đã mang lại cho bà giải thưởng Prix SACEM năm 2008.

Chỉ huy: NSƯT. Trần Vương Thạch
Nghệ sĩ Trần Vương Thạch sinh ngày 5 tháng 7 năm 1961 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là Chỉ huy Dàn nhạc và là Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh. Ông được phong danh hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú năm 2007.

Bắt đầu học đàn violon từ năm 10 tuổi, ông đã tốt nghiệp violon bậc Đại học tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh năm 1984 và được giữ lại làm giảng viên môn violon tại khoa Giao hưởng Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1986 đến 1990 là thành viên Dàn nhạc Thính phòng Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia phối khí và dàn dựng cho dàn nhạc này.

Cũng thời gian này ông theo học bậc Đại học tại chức môn Chỉ huy dàn nhạc với giáo sư Quang Hải. Từ năm 1990 đến 1996, ông du học tại Nhạc viện Hoàng Gia Thành phố Liège (Bỉ) và Nhạc viện Thành phố Maastricht (Hà Lan) dưới sự hướng dẫn của các Giáo sư: D. Gazon, J. Stulen, G. List, H. Pousseur, F. Rzewski, J.P. Rieu, P. Eotvos…Cùng thời gian này, là Chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ “Jean-Noel Hamal” tại Thành phố Liège đã biểu diễn tại Bruxelles, Huy, Malmedy, Maastricht…và cùng với Dàn nhạc đi biểu diễn ở nhiều nước như Đức, Italia, Tây Ban Nha, Scotland, Hà Lan. Ông đã tham gia Concours các Chỉ huy trẻ tại Thành phố Besancon (Pháp).

Từ 1996 đến nay, ông là Chỉ huy Dàn nhạc tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, đã biểu diễn nhiều chương trình giao hưởng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, ĐồngTháp, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Nha Trang… Năm 2008, ông là Nhạc trưởng khách mời của Dàn nhạc giao hưởng thành phố Nis – Serbia, Dàn nhạc New Prime của Pusan – Hàn Quốc và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Tháng 10 năm 2008, ông chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh tham gia biểu diễn tại Liên hoan các Dàn nhạc Châu Á tại Tokyo – Nhật Bản.

Hiện ông là Giảng viên Thỉnh giảng tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh môn Hòa tấu dàn nhạc và môn Tính năng nhạc cụ. Ông còn tham gia phối khí và dàn dựng cho các Đài Truyền Hình và các hãng băng đĩa như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Thành Audio, Sài Gòn Audio, … và các Đoàn Nghệ thuật Bông Sen, Nhà hát Hòa Bình, Đoàn Trần Hữu Trang, Đoàn Quân khu 7…Ông là nhạc sĩ hòa âm phim “Đất phương Nam” (1997), sáng tác ca khúc “Lá bàng” âm nhạc cho phim truyền hình “Viên ngọc Côn Sơn” (1998), viết nhạc cho 2 vở cải lương quảng trường là “Kim Vân Kiều” (2006) và “Chiếc áo thiên nga” (2007).

Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791)
Có lẽ Wolfgang Amadeus Mozart là nhạc sĩ thiên tài vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc phương Tây. Ông sinh ở Salzburg, Áo, vào ngày 27/1/1756. Mozart xuất sắc trong mọi thể loại âm nhạc ông sáng tác.
Người đương thời luôn thấy sự mâu thuẫn và cảm xúc phức tạp trong âm nhạc của ông thật khó hiểu. Tuy nhiên, cùng với Josef Haydn, Mozart hoàn thiện các thể loại âm nhạc lớn nhất như giao hưởng, nhạc kịch, tứ tấu bộ dây, công xéc tô điển hình của thời kỳ ầm nhạc cổ điển.

Sự lỗi lạc của tác phẩm Mozart còn mãi sau này, mặc dù có những chủ đề u ám, đau xót và sự cô lập nhiều hơn ở thời kỳ sau, nhưng các tác phẩm của ông vẫn là sự say mê, quyến rũ đối với các nhạc sĩ và người yêu nhạc.

Bản giao hưởng số 25 cung Sol thứ được Mozart viết vào năm 1773, rất nhanh từ sau thành công của một chuỗi vỡ diễn Lucio Silla opera của ông. Chương đầu tiên được biết đến rộng rãi khi được dùng làm phần mở đầu cho bộ phim Amadeus của Miloš Forman .
Với những bước nhảy quãng xa đột ngột trong tuyến giai điệu của các chủ đề, bản giao hưởng số 25 đặc trưng cho phong cách nổi loạn của trào lưu văn học nghệ thuật lãng mạn Đức cuối thế kỷ 18.

Francesco Geminiani (1687-1762)
Ở thời đại của mình, Franceso Geminiani được được coi trọng ngang hàng với Handel và Corelli. Geminiani học tập khá muộn, những năm 1704 đến 1706 và đảm nhiệm giới thiệu âm nhạc của người thầy của mình tại London, nơi ông định cư vào năm 1714. Geminiani không hoàn toàn chỉ biểu diễn âm nhạc của Corelli, nhưng ông đã chuyển soạn thành công rất nhiều những bản sonata sang cho dàn nhạc dây. Những tác phẩm chuyển soạn và hoạt động biểu diễn đã củng cố thêm danh tiếng vốn có của ông.

Geminiani chuyển soạn bản sonata số 12(The Folia), op.5 của Corelli năm 1729, cũng là thời gian ông chuyển soạn bản cuối cùng trong bộ 6 sonata nổi tiếng của Corelli. The Folia là một điệu nhảy có nguồn gốc Bồ Đào Nha từ thế kỷ 15, là nguồn chất liệu cảm hứng cho bản sonata của Corelli, một tập hợp các biến tấu phong phú.

Geminiani nắm bắt được những tinh hoa độc đáo của nghệ thuật độc tấu đàn violin và continuo, rồi chuyển soạn sang cho dàn nhạc dây lúc thì chơi nhóm diễn tấu giai điệu, lúc thì toàn bộ dàn nhạc hòa tấu tăng thêm tính tương phản giữa các khúc biến tấu.

Edward Benjamin Britten (1913 – 1976)
Edward Benjamin Britten là nhà soạn nhạc, nhạc trưởng và ông còn là một nghệ sĩ piano tài năng người Anh. Ông nằm trong số những nhân vật nổi bật nhất của nền âm nhạc hàn lâm Anh quốc thế kỷ 20. Sáng tác của Britten rất đa dạng và phong phú về thể loại, từ nhạc phim cho đến nhạc kịch kinh điển.

Ông sáng tác hầu hết những thể loại âm nhạc quan trọng cho dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, solo thanh nhạc (phần lớn cho giọng nam cao nổi tiếng Peter Pears), hòa tấu, độc tấu nhạc cụ và nhạc film. Britten còn có niềm hứng thú lớn đối với việc viết nhạc cho trẻ em và những biểu diễn nghiệp dư, ngoài ra ông rất nổi tiếng trong vai trò nghệ sĩ piano và chỉ huy dàn nhạc. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông phải kể đến nhạc kịch “Peter Grimes” và musical “The Young Person's Guide to the Orchestra”.

Bản giao hưởng Simple, Op. 4 cho dàn nhạc dây hoặc tứ tấu dây được Benjamin Britten viết vào khoảng từ 1933 đến 1934 ở Lowestoft, dựa trên tổng phổ piano mà ông viết cho thanh thiếu niên từ những năm 1923 đến 1926. Tác phẩm được dành tặng Audrey Alston (Mrs Lincolne Sutton), giáo viên đàn viola của Britten thời thơ ấu của mình. Lần đầu tiên tác phẩm được biểu diễn vào năm 1934 tại Stuart Hall, Norwich, với sự chỉ huy của Britten.

Tác phẩm dựa trên 8 chủ đề âm nhạc mà Britten đã viết trong suốt thời thơ ấu của mình (mỗi chương hai chủ đề) và đã dành được sự yêu mến đặc biệt của khán giả thời đó. Bản phác thảo cuối cùng của tác phẩm này được hoàn thành khi ông hai mươi tuổi.

Toàn bộ tác phẩm dài khoảng 20 phút. Chương hai nổi tiếng với màu sắc đàn mandolin của đoạn nhạc pizzicato. Chủ đề này được xuất hiện trong phim Moonrise Kingdom của Wes Anderson (2012). Năm 1944, bản giao hưởng Simple được dùng làm nhạc nền cho vở ba lê Rambert. Nhiều chủ đề của bản giao hưởng cũng được dùng để làm nhạc phim cho bộ phim Bad blood (1986) của Leos Carax.

Astor Piazzolla ( 1921- 1992)
Astor Piazzolla sinh ra tại Ac-hen-ti-na năm 1921 là một nhạc sĩ tango và chơi đàn bandoneón. Ông là một trong những nhạc sĩ cổ điển hàng đầu của đất nước Ac-hen-ti-na . Ông đã làm một cuộc cách mạng chuyển điệu tango truyền thống thành một kiểu tango mới gọi là Nuevo tango, pha trộn những tinh túy nhất của nhạc jazz và nhạc cổ điển. Là một thiên tài đàn bandoneón, ông thường xuyên biểu diễn các tác phẩm của mình với nhiều nhóm nhạc khác nhau.

Kho tàng tác phẩm của ông gồm hơn 1000 tác phẩm, một sự nghiệp điển hình mang đậm sắc thái văn hoá Ac-hen-ti-na và có ảnh hưởng sâu sắc đến các nghệ sĩ hàng đầu trên thế giới thuộc mọi thế hệ như nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Gidon Kremer, nghệ sĩ cello Yo-Yo-Ma, nhóm tứ tấu Kronos, các nghệ sĩ piano Emanuel Ax và Arthur Moreira Lima, nghệ sĩ ghita huyền thoại Al Di Meola, anh em nhà Assad, cũng như nhiều dàn nhạc thính phòng và giao hưởng khác.

Hầu hết những tác phẩm của ông viết mang đặc trưng phong cách của thế kỉ 20 và thường đòi hỏi phong cách biểu diễn bậc thầy. Ông được người đương thời gọi là “El Gran Ástor” (Ngài Ástor vĩ đại). Ông đã qua đời vào ngày 4 tháng 7 năm 1992.

Piazzola sáng tác bản Tango ballet năm 1956, một tổ khúc âm nhạc được dựng thành tác phẩm cho dàn nhạc cũng như tứ tấu dây. Tác phẩm có màu sắc rất phong phú, sự luân chuyển liên tục giữa sự rung động và những nét mạnh mẽ, sống động khiến cho ta liên tưởng đến 'The Rite of Spring' của Stravinsky. Âm nhạc gợi lên tính sâu sắc đặc thù của Tango thể hiện lần lượt qua sáu phiên khúc của tác phẩm.

Guillaume Lekeu (1870 – 1894)
Guillaume Lekeu sinh ngày 20/ 1/ 1870 tại Bỉ và mất đột ngột ở tuổi 24 bởi bệnh thương hàn. Năm 1889, Lekeu tới thăm Bayreuth và được tiếp cận với kiệt tác "Tristan và Isolde" của Wagner, một tác phẩm đã ảnh hưởng đến toàn bộ sự nghiệp sáng tác sau này của Lekeu. Ông bắt đầu học sáng tác dưới sự dẫn dắt của nhà soạn nhạc người Pháp César Franck, sau đó là Vincent d'Indy. Năm 1891, ông đoạt giải nhì của giải thưởng Belgian Prix de Rome với bản cantata Andromède. Lekeu sáng tác khoảng 50 tác phẩm và đều đã được thu âm, một số tác phẩm được thu âm nhiều lần.

Molto Adagio không phải là tác phẩm nổi tiếng nhất của Lekeu. Ông viết tác phẩm này ở tuổi 16, ảnh hưởng bởi lời của Chúa trong khu vườn Gethsemane:”Linh hồn ta quá đau khổ, thậm chí đến lúc chết”. Mở đầu tác phẩm là một dải âm điệu u buồn của đàn cello trên nhịp 5/4 kết hợp với những âm trì tục ở bè violin và viola cũng hết sức bi thương. Tác phẩm bùng lên trong tiếng nức nở của bè vilon 1. Nhịp được thay đổi liên tục từ: 3/4, 4/4, 6/4, duy trì tác phẩm một xúc cảm mong manh, không ổn định.

Molto Adagio đã đóng vai trò quan trọng trong một thời khắc bi thương trong thời đại của chúng ta. Ngày16 tháng 3 năm 2004, Đài phát thanh của Pháp tiến hành tưởng niệm những nạn nhân cuộc đánh bom ở Madrid năm ngày trước đó, bản Molto Adagio đã được truyền đi tất cả các hệ thống phát thanh của Châu Âu.
 

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.