Hòa nhạc thính phòng 19/6

17/06/2013

Nhạc thính phòng từ lâu đã trở thành một trong những nhu cầu thưởng thức thường xuyên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi năm có khoảng gần 20 chương trình hòa nhạc thính phòng được tổ chức tại thành phố, riêng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Tp HCM cũng có khoảng 10 chương trình trong một mùa diễn.

 

Tuy không có được âm thanh hoành tráng, rầm rộ như những chương trình giao hưởng, nhưng những chương trình thính phòng nổi bật với những tác phẩm xúc cảm tinh tế, lắng đọng, thời lượng không quá dài, dễ thưởng thức và có nhiều màu sắc phong phú. Đặc biệt để trình diễn những tác phẩm thính phòng, đòi hỏi những nghệ sĩ phải có trình độ ở một đẳng cấp nhất định, nhiều nghệ sĩ có khả năng biểu diễn độc tấu.

Chương trình HÒA NHẠC THÍNH PHÒNG ngày 19/6/2013 tại Nhà hát Thành phố của Nhà hát GHNVK TP. HCM hội tụ những nghệ sĩ xuất sắc nhất của Nhà hát, những nghệ sĩ được đào tạo từ những môi trường đào tạo âm nhạc nổi tiếng trên thế giới: Nga, Trung Quốc, Australia …và mang về nhiều giải thưởng quốc tế danh giá như: nghệ sĩ kèn clarinet Đào Nhật Quang, nghệ sĩ viola Bùi Anh Sơn, nghệ sĩ soprano Cho Hae Ryong, NSƯT. Nguyễn Tấn Anh, nghệ sĩ piano Lý Giai Hoa và nghệ sĩ piano khách mời từ Nhạc viện Tp HCM Joo Eun Young.

Chương trình sẽ giới thiệu những tác phẩm mang gia điệu tuyệt đẹp của hai trong số những đại diện nổi bật nhất của trường phái âm nhạc Lãng mạn: Sergei Rachmaninov và Edvard Grieg, bện cạnh đó là những tác phẩm đã rất nổi tiếng của Mozart, Sergei Vasilenko và Manuel de Falla.

Với sự tham gia của nhiều gương mặt nghệ sĩ nổi bật trong lĩnh vực âm nhạc đỉnh cao, hy vọng chương trình hòa nhạc thính phòng sẽ mang lại những trải nghiệm nghệ thuật thú vị.

Vé được bán tại:

Phòng bán vé Nhà Hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch, số 7 Công Trường Lam Sơn, Q.1,Tp HCM.

Đặt và giao vé: 08 3823 7419; Ms.Hương: 0989874517

Email: info@hbso.org.vn; website: http://www.hbso.org.vn

Giá vé: 400.000 - 350.000 - 200.000 - 80.000(vé sinh viên)VNĐ

CHƯƠNG TRÌNH:

Phần I:

Sergei Vasilenko
“ Eastern Dance” cho kèn clarinet và piano
Clarinet: Đào Nhật Quang
Piano: Joo Eun Young

Sergei Rachmaninov
“These Summer Nights””Vocalise” cho soprano và piano
Soprano: Cho Hae Ryong
Piano: Joo Eun Young

Edvard Grieg
Suite No.1 ”Peer Gynt” cho ngũ tấu kèn gỗ.
Flute: Nguyễn Nhất Chi Lan
Oboe: Phạm Khánh Toàn
Clarinet: Võ Minh Đông
Horn: Trần Trung Hiếu
Bassoon: A Tách

Phần II:

Manuel de Falla
“Ritual Fire Dance” cho đàn piano
Piano: Joo Eun Young

Wolfgang Amadeus Mozart
Tứ tấu cho piano với đàn dây cung Sol thứ, K478.
Violin: Nguyễn Trúc Thuyên
Viola: Bùi Anh Sơn
Cello: NSƯT. Nguyễn Tấn Anh
Piano: Lý Giai Hoa

GIỚI THIỆU NGHỆ SĨ:



Cho Hae Ryong - Soprano

Đoạt giải nhất Concours nhạc trữ tình Hàn Quốc năm 2007 và được bằng khen tại Concours Thanh Nhạc quốc tế mang tên Obraztsova tại Nga năm 2000, Cho Hae Ryong đã biểu diễn cùng nhiều dàn nhạc quốc tế như dàn nhạc Nhà hát Opera Novosibirsk Nga, dàn nhạc quốc gia Kazakhstan, và các dàn nhạc của Hàn Quốc như dàn nhạc thành phố Busan, Dàn nhạc Seoul, Dàn nhạc Chang won. Cô tham gia chương trình “Cho Hae Ryong - Đào Nhật Quang duo concerto” nhân kỷ niệm 33 năm thống nhất đất nước Việt Nam do Hội Hữu Nghị Việt - Hàn tổ chức tại Khách sạn Deawoo Hà Nội. Cô từng được mời biểu diễn tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập nhạc viện Glinka Novosibirsk (CHLB Nga). Repertoire kinh điển của Cho Hae Ryong bao gồm Oratorio Sáng Thế (The Creation) của Haydn, Messa và Requiem của Mozart, Opera Bastien and Bastienne của Mozart. Năm 2000, cô là trợ giảng cho Giáo sư Z. Didenko tại nhạc viện Glinka Novosibirsk (CHLB Nga). Cô đã từng giảng dạy tại trường Đại học Ewha - Seoul, và Đại học quốc gia Busan. Năm 2013 cô tham gia cùng Dàn nhạc Giao hưởng Busan trong đêm khai mạc Lễ hội âm Âm nhạc Quốc Tế Busan Korea.

Hiện nay, Cho Hae Ryong là soliste kiêm vai trò hướng dẫn thanh nhạc cho Đoàn Nhạc Kịch – Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Đào Nhật Quang - Clarinet

Sinh ngày 19/06/1969 trong gia đình âm nhạc, Ba của anh là ông là Đào Quang Tiến là giảng viên Nhạc Viện Hà Nội. Năm 1977 anh học Sơ cấp Khoa Kèn hơi – Chuyên ngành Clarinet dưới sự hướng dẫn của giang viên Nguyễn Lâm và năm 1980 là giảng viên Vũ Đình Thạch. 

Năm 1982 anh sang Liên Xô học tại trường Trung Cấp Âm Nhạc trực thuộc Nhạc Viện Tchaikovsky lớp Giáo sư Petrov – người đã từng đào tạo rất nhiều Clarinetist nổi tiếng tại Nga và Thế Giới. 

 Năm 1992, Đào Nhật Quang tốt nghiệp loại Xuất sắc tại Nhạc Viện Tchaikovsky. Năm 1999 học Nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Minasian V.M, Giáo sư Nghệ sĩ ưu tú Nga Jankovskii...

Năm 2000 tham gia biểu diễn tại Armenian Festival tại Novosibirsk và bảo vệ xuất sắc luận án “Lịch sử quá trình hình thành nhạc thính phòng dành cho kèn hơi Việt Nam”. 

Anh đã từng tham gia biểu diễn cùng Dàn nhạc Nhà Hát Vũ Kịch Hà Nội, Dàn nhạc Thành Phố Pusan – Hàn Quốc. Anh là thành viên Dàn nhạc Thành Phố Yangsan từ năm 2004 – 2007.

 Tháng 11 năm 2007 anh đoạt Giải thưởng Văn Hóa Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc.

 Từ năm 2003 – năm 2008 anh là giảng viên trường Cao Đẳng Nghệ Thuật Pusan – Hàn Quốc. Từ năm 2006 – năm 2008 là giảng viên Đại học Inje và Đại học quốc gia Kyongnam.

 Anh hiện là nghệ sĩ solist kèn clarinet của dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM.

 

NSƯT. Nguyễn Tấn Anh - Cello

Năm 1988, Nguyễn Tấn Anh tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành biểu diễn và giảng dạy âm nhạc tại Trường Đại học Âm nhạc mang tên Gnesin (nay là Học viện Âm nhạc Gnesin) - Moscow (CHLB Nga), lớp của Giáo sư A. Georgian và L. Evgrafov. Anh đã biểu diễn thành công nhiều chương trình solo, hòa tấu thính phòng và hòa nhạc giao hưởng tại CHLB Nga, Thái Lan, Lào, Nhật Bản, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác của Việt Nam. Anh thường xuyên cộng tác với các Đài truyền hình. Tháng 5 năm 2009 anh cùng nhóm ngũ tấu đàn dây HBSO của Nhà hát Giao Hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM biểu diễn nhiều buổi hòa nhạc tại các trường học và phòng hòa nhạc tại thành phố Kanazawa (Nhật Bản)... Hiện nay anh là nghệ sĩ độc tấu Violoncelle, trưởng bè Violoncelle và là Trưởng Đoàn Giao Hưởng của Nhà Hát Giao Hưởng Nhạc Vũ Kịch TP. Hồ Chí Minh. 

Anh được phong danh hiệu “Nghệ Sĩ Ưu Tú” năm 2007.

 

  

Lý Giai Hoa - Piano

Lý Giai Hoa tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Piano tại Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh năm 1992. Năm 1998, cô tốt nghiệp Cử nhân về Chỉ huy dàn nhạc và lấy bằng Thạc sĩ về Biểu diễn Piano, sau đó sang chuyên tu Sau Cao học tại Nhạc Viện Thượng Hải-Trung Quốc. Cô đã được học với những người thầy nổi tiếng như Ông Nghiêm Phú Phi, Bà Nguyễn Thị Cúc Xuân, GS Nguyễn Hữu Tuấn, GS Ngô Nghinh (Trung Quốc), Brian Ganz (USA), GS Minh Cầm (về Chỉ huy).

Cô đã tham gia các chương trình của Nhà Hát Giao Hưởng Nhạc Vũ Kịch ngay từ những ngày đầu thành lập, đồng thời tham gia rất nhiều chương trình biểu diễn tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thượng Hải, HongKong, USA. Cô cũng thường độc tấu với Dàn nhạc Giao hưởng Nhà Hát dưới sự chỉ huy của GS Minh Cầm, NSƯT Trần Vương Thạch, Trương Hiểu Đông (Trung Quốc), Jean Deroyer (Pháp), Franz Rasmussen (Đan Mạch), Colin Metters (Anh Quốc)… Hiện nay cô là Trưởng Đoàn Nhạc Kịch Nhà Hát Giao Hưởng Nhạc Vũ Kịch TP. Hồ Chí Minh.

  

Joo Eun Young - piano

Năm 2000, cô tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại Nhạc viện Vienna và tốt nghiệp cao học loại xuất sắc tại Học viện Sư phạm Âm nhạc Gnessin (Mátxcơva) năm 2007.

Cô từng đoạt giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Vienne như “Erika chary Foerder preis” năm 2000 hay cuộc thi “Allegro Vivo” năm 2001. Cô cũng từng tham gia biểu diễn cùng Dàn nhạc thính phòng Vivaldi (Mátxcơva), Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Nga (Mátxcơva), Dàn nhạc thính phòng của Học viện âm nhạc Vienna, Dàn nhạc thính phòng Seoul, đồng thời cô cũng xuất hiện trong các buổi hòa nhạc độc tấu tại Seoul, Vienne, Việt Nam... đặc biệt là trong các buổi hòa nhạc từ thiện của tổ chức KFE dành cho các nạn nhân chiến tranh tại Việt Nam.

Tháng 9 năm 2008, cô phát hành CD album đầu tay, được ghi âm tại phòng thu Abbey Road, London. Hiện nay, cô là giảng viên piano hệ sau đại học tại Nhạc viện TP.HCM.

 

Bùi Anh Sơn - Viola

Sinh năm 1968, Bùi Anh Sơn bắt đầu học violin cùng với cha của mình năm 10 tuổi và sau đó học tại nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1982. Anh được học với rất nhiều nghệ sĩ violin nổi tiếng tại Việt Nam như Trần Lộc, Hoàng Cương và Bùi Công Thành. Năm 1991 anh tốt nghiệp nhạc viện và nhận được học bổng toàn phần tại đại học Tasmania và đại học Melbourne chuyên ngành viola với Josephine St Leon.

Bùi Anh Sơn là một nhạc công giàu kinh nghiệm trong dàn nhạc giao hưởng và đã biểu diễn với vai trò là trưởng bè viola của dàn nhạc thính phòng ASIA Chamber music, dàn nhạc ASEAN Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng nổi tiếng người Nhật Bản Yoshikazu Fukumura từ năm 2009. Anh cũng là thành viên của Singapore Festival Orchestra (SFO) từ năm 2007 đến năm 2010 và là thành viên của Australian International Summer Orchestra Institute (AISOI).

Bùi Anh Sơn hiện tại đang là trưởng bè viola của dàn nhạc giao hưởng nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) và là nghệ sĩ violin của nhóm tứ tấu Saigon String Quartet từ năm 2000. Tại Châu Âu, anh tham gia vào rất nhiều lớp học master class với các giảng viên và các nghệ sĩ nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt trong vai trò là nghệ sĩ violin và nghệ sĩ viola.

TÁC GIẢ:

Edvard Grieg – Nhạc sĩ

Edvard Grieg (1843-1907) là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mà đất nước Na Uy có được. Khi nhìn lại người ta có thể tự hỏi làm thế nào một quốc gia mà nền tự chủ chưa phải là lâu dài, cũng không phải là đất nước có truyền thống nghệ thuật âm nhạc lâu đời lại có thể tạo ra một thiên tài như vậy.

Mục tiêu của Edvard Grieg là tạo ra một loại hình âm nhạc mang bản sắc riêng của người dân Na Uy, và từ khía cạnh này ông trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà soạn nhạc khác.
Nhưng sự vĩ đại của tác phẩm của ông không chỉ nằm trong việc này, trong thực tế ông đã thực sự thành công trong việc thể hiện những suy nghĩ và cảm xúc, giá trị đó được công nhận và ngưỡng mộ ở khắp mọi nơi. Âm nhạc của Grieg vượt qua cả phạm vi quốc gia.

Tài năng lỗi lạc của Grieg đã được minh chứng khi Henrik Ibsen đề nghị ông viết nhạc cho vở kịch “Peer Gynt”. Đây là một thử thách khá lớn đối với Grieg, nhưng âm nhạc ông viết đã trở thành một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của những năm 1870. Trong sự nghiệp của Grieg, âm nhạc cho vở "Peer Gynt" đã mang lại những thành công quốc tế lẫy lừng, đặc biệt, sau khi được chuyển soạn thành hai Tổ khúc “Peer Gynt” cho dàn nhạc giao hưởng.

Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791)

Có lẽ Wolfgang Amadeus Mozart là nhạc sĩ thiên tài vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc phương Tây. Ông sinh ở Salzburg, Áo, vào ngày 27/1/1756. Mozart xuất sắc trong mọi thể loại âm nhạc ông sáng tác.

Người đương thời luôn thấy sự mâu thuẫn và cảm xúc phức tạp trong âm nhạc của ông thật khó hiểu. Tuy nhiên, cùng với Josef Haydn, Mozart đã hoàn thiện hầu hết các thể loại âm nhạc lớn nhất như giao hưởng, nhạc kịch, tứ tấu bộ dây, công xéc tô điển hình của thời kỳ ầm nhạc cổ điển.

Piano Quartet số 1 cung Sol thứ , K. 478 của Mozart được xem là một tác phẩm lớn đầu tiên sáng tác cho tứ tấu đàn piano và đàn dây trong các tiết mục âm nhạc thính phòng.

Sergei Rachmaninoff

Sergei Rachmaninoff (1873 -1943) là một nhà soạn nhạc gốc Nga, một nghệ sĩ dương cầm, và nhà chỉ huy. Rachmaninoff được coi là một trong những nghệ sĩ piano tài ba nhất trong thời của ông, một nhà soạn nhạc, một trong những đại diện lớn nhất của chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc cổ điển Nga. Piano là đặc trưng nổi bật trong các tác phẩm của Rachmaninoff. Ông đã tạo được điểm nhấn đặc biệt từ việc sử dụng các kỹ năng tuyệt vời của mình trong vai trò nghệ sĩ biểu diễn để khám phá, khai thác triệt để những khả năng biểu cảm của cây đàn piano.

Những bài hát của Rachmaninov cho giọng hát và đàn piano được coi là những xúc cảm chân thành và đẹp đẽ nhất trong các tác phẩm của ông, “These Summer Nights” và “Vocalise” là nằm trong số đó.

Manuel Falla Matheu

Manuel Falla Matheu (1876 - 1946) là một nhà soạn nhạc Tây Ban Nha. Cùng với Isaac Albéniz và Enrique Granados, ông là một trong những nhạc sĩ quan trọng nhất của Tây Ban Nha trong nửa đầu của thế kỷ 20.

Bản Ritual Fire Dance là một chương của vở ballet “Love the magician”, được Manuel de Falla viết năm 1915. Nó được biết đến và yêu thích khắp nơi khi chính tác giả chuyển soạn thành tác phẩm cho piano.Tác phẩm có thời lượng khoảng từ 3 đến 4 phút, có ảnh hưởng từ khúc Flight of the Bumblebee trong vở ba lê The Tale of Tsar Saltan của Rimsky-Korsakov bởi tốc độ nhanh, lặp đi lặp lại âm láy và những nét hoa mỹ của nó. Nó cũng mang phong cách của một điệu nhảy lửa theo nghi lễ tôn giáo truyền thống.

Sergei Vasilenko

Sergei Vasilenko (1872 - 1956) là một nhà soạn nhạc và giáo viên âm nhạc người Nga, tác phẩm của ông cho thấy một xu hướng mạnh mẽ đối với chủ nghĩa thần bí.

Vasilenko được sinh ra tại Moscow và ban đầu được học ngành Luật tại Đại học Moscow, nhưng sau đó đổi hướng và học tại Nhạc viện Moscow từ năm 1896-1901, dưới sự hướng dẫn của Sergei Taneyev và Mikhail Ippolitov-Ivanov. Từ 1903-1904 ông là người dẫn của một nhà hát tư nhân ở Moscow. Sau đó ông trở thành một giáo sư tại Nhạc viện Moscow, nơi có những sinh viên tên tuổi lấy lừng: Aram Khachaturian, Nikolai Roslavets, Nikolai Rakov và Aarre Merikanto.

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.