Hòa nhạc Giao hưởng với nhạc trưởng Daniel Gazon
Chương trình hòa nhạc ngày 9/3/2013 của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch tp HCM (HBSO) tại Nhà hát Thành Phố HCM là sự trở lại của nhạc trưởng lừng danh, có nhiều thành công tại châu Âu: Daniel Gazon. Ông được học tập với những nhạc trưởng nổi tiếng thê giới: Seiji Ozawa, Kurt Masur, Joseph Silverstein, Sergiu Celibidache … Ông có được vị thế trên trường quốc tế bởi những thành công trong việc dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm âm nhạc thế kỷ 20. Daniel Gazon thường xuyên là khách mời của những liên hoan âm nhạc đương đại như ISCM, Melos-Ethos, Ars Musica, Düsseldorf Kontrapunkt, Gaida và liên hoan âm nhạc quốc tế mùa thu Warsaw.
Chương trình hòa nhạc lần này, nhạc trưởng Daniel Gazon và các nghệ sĩ của HBSO sẽ mang đến cho khán giả Thành phố những trải nghiệm về một thành tựu rực rỡ của nền âm nhạc kinh điển thế giới: Những tác phẩm âm nhạc in đậm dấu ấn dân tộc riêng biệt.
Thế kỷ 18, âm nhạc cổ điển phương Tây đã đạt được những thành tựu sáng chói với sự phát triển và hoàn thiện hầu hết những thể loại và hình thức âm nhạc quan trọng nhất và mãi trở thành những tượng đài nghệ thuật muôn đời với các tên tuổi: Mozart, Haydn, Beethoven … Ngay thời kỳ này những điệu dân ca, dân vũ châu Âu đã được khai thác và có mặt chính thức trong một số cấu trúc âm nhạc.
Từ những thành tựu này, bước sang thế kỷ 19, âm nhạc tiếp tục phát triển mạnh mẽ sang các nước Châu Âu với những xu hướng sáng tạo mới mẻ và đặc biệt đã kết hợp với đặc trưng riêng mỗi dân tộc tạo nên những thành tựu âm nhạc hết sức phong phú, mang âm điệu độc đáo. Nổi bật nhất là âm nhạc các nước: Nga, Ba lan, Cộng hòa Séc, Na uy, Hungari … và các nhạc sĩ Pháp còn khai thác cả những chất liệu của âm nhạc Phương Đông huyền bí.
Bức tranh đa màu sắc của chương trình hòa nhạc với nhạc trưởng Daniel Gazon bao gồm một số đại diện âm nhạc tiêu biểu: Glinka, nhạc sĩ Nga đầu tiên được thế giới công nhận và âm nhạc mang đậm phong cách Nga; Dvorak, người cùng với Smetana đã làm cho cả thế giới biết đến âm nhạc của người Czech qua những tác phẩm: Slavonic Dances, Slavonic Rhapsodies, Czech Suite … và ông được người Mỹ mời làm giám đốc nhạc viện đầu tiên của đất nươc này; bên cạnh đó là những nhạc sĩ tên tuổi như: Haydn, Lully, Dukas với những tác phẩm mang âm điệu những điệu múa cổ của Pháp và Châu Âu: menuets, sarabandes …
Với những màu sắc âm nhạc độc đáo và đa dạng, hy vọng chương trình sẽ mang lại cho khán giả những trải nghiệm nghệ thuật thú vị.
Phần I:
Paul Dukas Fanfare pour précéder La péri
Joseph Haydn Giao hưởng số 82 “Con Gấu” cung Đô trưởng/ Symphony No. 82 “The Bear” in C major
1. Vivace assai
2. Allegretto
3. Menuet & Trio
4. Finale: Vivace
Jean-Baptiste Lully “Tổ khúc múa” chuyển soạn bởi Felix Mottl/ “Ballet Suite” redacted by Felix Mottl
1. Le temple de la paix
2. Le triomphe de l’Amour
3. Le temple de la paix
4. Alceste / Thesée
Phần II:
Mikhail Glinka Kamarinskaya
Antonin Dvorak Tổ khúc Czech cung Rê trưởng/ Czech Suite in D major, op. 39/
1. Prelude: Allegro moderato
2. Polka: Allegretto grazioso
3. Minuetto: Allegro giusto
4. Romance: Andante con moto
5. Finale: Presto
20h00 ngày 9/ 4/ 2013 tại Nhà Hát Thành Phố, 7 Công Trường Lam Sơn, Q.1, Tp HCM
Giá vé: 400.000 - 350.000 - 200.000 - 80.000(vé sinh viên)VNĐ
Vé được bán tại: Phòng bán vé Nhà Hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch, số 7 Công Trường Lam Sơn, Tp HCM.
Đặt và giao vé: 08 3823 7419
Thông tin chi tiết:
Daniel Gazon – Nhạc trưởng
Nhạc trưởng Daniel Gazon sinh năm 1955 tại Bỉ, ông học kèn trumpet và đàn contrabass tại Nhạc viện Hoàng gia của thành phố Liege, và tốt nghiệp xuất sắc vào năm 1977. Ông bắt đầu học chỉ huy dàn nhạc vào năm 1978 với hai nhạc trưởng nổi tiếng thế giới Igor Markevitch và Max Deutsch.
Sau khi tốt nghiệp các khóa tu nghiệp về chỉ huy dàn nhạc tại Weimar (Đức) và trung tâm Mozarteum tại Salzburg (Áo), ông được nhạc trưởng nổi tiếng người Nhật Bản Seiji Ozawa mời tham dự khóa học tại Trung tâm âm nhạc Berkshire tại Tanglewood (Mỹ), và tại đây ông làm việc cùng với các nhạc trưởng lừng danh thế giới như Seiji Ozawa, Kurt Masur và Joseph Silverstein. Bên cạnh đó, ông còn theo học chỉ huy dàn nhạc và hiện tượng học với nhạc trưởng Sergiu Celibidache từ năm 1986 dến 1989 và chịu nhiều ảnh hưởng lớn đến phong cách chỉ huy của mình.
Từ năm 1985, ông làm việc thường xuyên với các dàn nhạc uy tín của Bỉ, bên cạnh đó là các dàn nhạc giao hưởng châu Âu như Dàn nhạc Đài phát thanh Ba Lan, dàn nhạc Đài phát thanh Slovakia và dàn nhạc giao hưởng của các thành phố thuộc Ba Lan như Cracow, Gdansk, Poznan, Wroclaw, Lodz, Jena. Ngoài ra Daniel Gazon còn làm việc với những dàn nhạc thính phòng hàng đầu châu Âu như: The St. Christophorus Chamber orchestra of Vilnius, The Gaida Ensemble, Ensembles Musiques Nouvelles, Champ d’Action và The Beethoven Academy.
Daniel Gazon chỉ huy rất nhiều tác phẩm và rất đa dạng về thể loại từ giao hưởng cho đến các vở opera, và ông được xem là một trong những nhạc trưởng có kinh nghiệm chuyên dàn dựng những tác phẩm hiện đại của thế kỷ 20. Các tác phẩm mới của các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới như L. de Pablo, Lindberg, Gerhard, Goeyvaerts, Vivier, Tiensuu, Nuyts, Van Hove, Kutavicius và Francesconi đều được công diễn lần đầu dưới sự chỉ huy của Daniel Gazon và ông thường xuyên là khách mời của những liên hoan âm nhạc đương đại như ISCM, Melos-Ethos, Ars Musica, Düsseldorf Kontrapunkt, Gaida và liên hoan âm nhạc quốc tế mùa thu Warsaw.
Ông không những rất thành công trong lĩnh vực biểu diễn mà còn cả trong sự nghiệp sư phạm với nhiều năm giảng dạy các khóa học nâng cao về chỉ huy dàn nhạc và làm việc tại các nhạc viện của Bỉ, Slovakia, Thụy Điển và Italy.
Ông dạy chỉ huy tại Nhạc Viện Hoàng gia Bỉ tại Mons, một trong số rất ít những nơi kinh viện còn truyền dạy những kỹ năng và tinh thần của Sergiu Celibidache, nhà soạn nhạc, nhà chỉ huy và nhà giáo nổi tiếng người Romania.
Antonin Dvorak (1841-1904) – Nhạc sĩ
Là một trong những nhà soạn nhạc sau cùng của thời kỳ lãng mạn, tiếp bước Smetana, Dvorak đã đóng góp cho thế giới văn hóa âm nhạc nhiều giai điệu, tác phẩm mang vẻ đẹp của đất nước Tiệp Khắc. Những sáng tác của ông đầy sự tươi mát, phóng khoáng, chân thành thể hiện sức sống của nền âm nhạc dân gian Czech, đồng thời vẽ lên những bức tranh thiên nhiên thơ mộng, hình ảnh một dân tộc anh hùng đầy sức sống, lạc quan.
Tổ khúc “The Czech” cung Rê trưởng Op. 39 được Dvořák sáng tác vào năm 1879. Adolf Cech là người chỉ huy buổi công diễn của tác phẩm vào tháng 5, năm 1879 tại Prague.
Đặc trưng âm nhạc Czech trong phong cách lãng mạn, quả thực không có tác phẩm nào nổi bật hơn Tổ khúc “The Czech” của Dvorak. Tác phẩm gồm 5 chương cho dàn nhạc, mặc dù bị án ngữ dưới bóng của những tác phẩm nổi tiếng hơn của Dvorak, nhưng nó đã đặc tả mạnh mẽ được một tính cách dân tộc với nhiều tình cảm đẹp.
Mikhail Ivanovich Glinka – Nhạc sĩ
Mikhail Ivanovich Glinka (1804 - 1857) là nhà soạn nhạc Nga đầu tiên đạt được sự tôn vinh rộng khắp trong quốc gia của mình, và thường được coi là người đặt nền móng cho âm nhạc cổ điển Nga. Tác phẩm của Glinka có ảnh hưởng lớn đến các nhà soạn nhạc Nga trong tương lai, đặc biệt là các nhạc sĩ nổi tiếng trong nhóm “The Five”.
Kamarinskaya là một điệu múa dân gian truyền thống của người Nga, ngày nay được biết luôn gắn liền với tên tuổi của nhà soạn nhạc Nga Mikhail Glinka. Glinka viết Kamarinskaya vào năm 1848 dựa trên một bài hát dân ca. Nó đã trở thành một chuẩn mực cho thế hệ các nhạc sĩ Nga về sau, từ những người định hướng phương Tây như Pyotr Ilyich Tchaikovsky hay nhóm dân tộc chủ nghĩa như “The Five”. Tác phẩm cũng được ca ngợi từ nước ngoài, đáng chú ý nhất là nhà soạn nhạc Pháp Hector Berlioz.
Joseph Haydn – Nhạc sĩ
(Franz) Joseph Haydn (1732 -1809) là nhạc sĩ người Áo. Ông là một trong những nhà soạn nhạc lỗi lạc của thời kỳ âm nhạc cổ điển và được coi là “Cha đẻ” của hai thể loại âm nhạc quan trọng: giao hưởng và tứ tấu đàn dây.
Bản giao hưởng số 82 “Con Gấu” là một trong loạt sáu bản giao hưởng được đăt vào năm 1786 bởi Concerts de la Loge Olympique, một chương trinh hòa nhạc thường kỳ nổi tiếng ở Paris. Cũng giống như các bản giao hưởng Paris khác, "Con Gấu" đã được viết cho dàn nhạc lớn nhất mà Haydn đã từng viết cho đến thời gian đó, bao gồm dàn kèn gỗ và dàn nhạc dây lớn.
Tác phẩm được công diễn lần đầu tiên vào năm 1787 tại Paris de Concert la Loge Olympique, dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ nổi tiếng da màu, Joseph Boulogne, Chevalier de Saint-Georges.
Jean-Baptiste Lully – Nhạc sĩ
Jean-Baptiste Lully (1632 – 1687) là một nhà soạn nhạc người Pháp gốc Ý, ông cống hiến toàn bộ sự nghiệp của mình cho cung điện của vua Louis XIV. Jean-Baptiste Lully được tôn vinh là người có ảnh hưởng cao nhất trong thời kỳ âm nhạc baroque Pháp. Lully không hưởng ứng những ảnh hưởng của âm nhạc Ý trong âm nhạc Pháp thời kỳ đó. Ông trở thành công dân của Pháp vào năm 1661.
Sự ảnh hưởng của âm nhạc Lully tạo ra một cuộc cách mạng triệt để trong phong cách của nghệ thuật múa. Trong lãnh địa của phong cách âm nhạc chậm dãi và mang tính nghi lễ thời kỳ đó, Lully đã giới thiệu những vở ballet sống động, nhịp điệu nhanh, thường dựa trên các điệu nhảy nổi tiếng như gavottes, menuets, rigaudons và sarabandes.
Paul Dukas – Nhạc sĩ
Paul Dukas (1865 - 1935) là một nhà soạn nhạc người Pháp, ông cũng là nhà phê bình, học giả và giáo viên. Tại thời điểm các nhạc sĩ Pháp chia thành hai phe bảo thủ và tiến bộ, Dukas không gia nhập nhóm nào nhưng vẫn tôn trọng cả hai. Sáng tác của ông chịu ảnh hưởng của cả Beethoven, Berlioz, Franck, d'Indy và Debussy
Những tác phẩm nổi tiếng nhất được biết đến của ông là “The Sorcerer's Apprentice” cho dàn nhạc, opera Ariane et Barbe-bleue, một bản giao hưởng, hai tác phẩm cho piano solo, và vở ba lê “La Peri”.
La Peri (The Peri) được Paul Dukas viết năm 1912, công diễn lần đầu tại Paris. Tác phẩm về hành trình tìm kiếm sự bất tử của một người đàn ông và gặp cuộc gặp bất ngờ với nhân vật thần thoại Peri.
Âm nhạc của vở ba lê được đánh giá là thành công nhất trong việc kết hợp giữa hòa âm có điệu tính của thời kỳ lãng mạn và nghệ thuật phối khí dàn nhạc của trường phái ấn tượng, mang đậm màu sắc âm nhạc Pháp. Vở ba lê được mở màn bởi khúc nhạc hiệu lệnh (Fanfare) rền vang do dàn kèn đồng diễn tấu, khúc nhạc rất nổi tiếng và thường được biểu diễn như một tác phẩm độc lập.