Hát Ghẹo trên đất Tổ Hùng Vương

07/04/2014

Vùng đất Tổ Hùng Vương xưa còn có hát Ghẹo, nó luôn song hành với hát Xoan bao đời nay.

Trong văn nghệ Dân gian thường có những cặp đôi như: Hò Lý Nam Bộ (điệu hò và điệu Lý), Ví Dặm Nghệ Tĩnh (hát Ví và hát Dặm), Đờn Ca tài tử (đàn và hát), Xoan Ghẹo Phú Thọ (hát Xoan và hát Ghẹo)… Riêng Xoan Ghẹo Phú Thọ, vài năm gần đây chỉ quen với chữ “Hát Xoan” mà quên mất vùng đất Tổ Hùng Vương xưa còn có “Hát Ghẹo”, bởi nó luôn song hành với hát Xoan bao đời nay.

Hát Ghẹo Phú Thọ vốn từ rất lâu đã là một sinh hoạt ca hát tự nhiên của nam và nữ, gắn bó chặt chẽ với tục “kết nghĩa” giữa các làng ở quanh vùng. Đó là sự kết nghĩa anh em giữa hai làng có những quan hệ thờ cúng (thường là thờ chung một vị thần) giúp đỡ tương trợ với nhau trong công việc làm ăn, trong cuộc sống đấu tranh với thiên nhiên và nhân dân hai làng gọi nhau là “nước nghĩa”. Do vậy mà nhân dân ở các xã trong hai huyện Tam Nông và Thanh Sơn thường tổ chức hát Ghẹo vào những ngày trong làng có hội hè tế lễ.


Hát Ghẹo luôn song hành cùng hát Xoan đã bao đời nay ở Phú Thọ (Ảnh: Báo Phú Thọ)

Tục kết nghĩa này ảnh hưởng rất lớn đến hát Ghẹo. Nhờ có tục kết nghĩa keo sơn mà hát Ghẹo được nhân dân ưu thích hơn, làn điệu, lời ca, lề lối hát cũng có thể nhờ đó mà trau chuốt hơn. Tuy phải trải qua nhiều cuộc chiến đấu chống đế quốc xâm lược nhưng nhân dân ở những làng có tục kết nghĩa vẫn còn nhiều người biết ca hát và giữ được nhiều làn điệu của nó.

Hát Ghẹo không tổ chức thành phường, bọn, họ, mà là sinh hoạt của tất cả mọi người. Hàng năm, cứ trước ngày tế lễ, các bô lão trong làng lại tổ chức một cuộc họp để hỏi ý kiến dân làng, gọi là “cầu hội diện”. Căn cứ vào ý kiến và sự đóng góp của toàn thể dân làng mà quyết định việc tổ chức tế lễ và ca hát.

Dân làng cũng lựa chọn một cụ bà và khoảng 8 đến 10 cô gái có thanh, có sắc để ôn luyện ca hát chuẩn bị đón tiếp trai làng nước nghĩa. Nước nghĩa được mời dự cũng cử một cụ ông và một số trai làng tương đương. Họ cũng luyện tập và ca hát với nhau trước để chờ ngày đi dự hội.

Tuy được tổ chức vào dịp tế lễ, nhưng nội dung ca hát không hoàn toàn liên quan gì đến việc tế lễ. Trong khi ca hát cũng như khi chuyện trò, đôi bên vẫn giữ lối xưng hô rất lễ phép, tôn kính theo phong tục của hai bên nước nghĩa. Cụ ông, cụ bà được mọi người gọi là “quan trùm”, các anh, các chị được gọi là “quan anh, quan chị”. Tất cả mọi người đều tự xung với người bên kia là “em” cho dù người đó ít tuổi hơn mình nhiều.


"Thuyền ai róc rách" - Hoàng Thanh

Mỗi cuộc hát bắt đầu từ lúc chập tối và kéo dài cho đến mờ sáng hôm sau. Họ thường hát đôi – đôi nam hoặc đôi nữ - đối đáp với nhau mỗi bên một câu hoặc một giọng.

Những giọng hát ghẹo ở đây đều có ước lệ và theo một thứ tự nhất định. Đầu tiên là hát giọng “ví đãi trầu”. Sau 1 vài câu chào hỏi thường lệ, cuộc hát bắt đầu bằng việc các chị đưa trầu mời các anh với câu hát ví: “Em thưa với các anh em: Miếng trầu để đĩa bưng ra/Xin anh nhận lấy để mà thở than, thưa anh”.

Tuy mời trầu một cách tôn trọng như vậy nhưng thường các anh không nhận trầu ngay. Cho nên các chị thường phải mời nhiều lần bằng những câu ví khác nhau: “Miếng trầu để đĩa bưng ra/Có cau có vỏ lòng đà có vôi/Hay là trầu héo cau ôi/Mà anh nỡ để trầu mời không ăn...”.

Trong những trường hợp các chị trách móc bóng gió như vậy, các anh thường trả lời: “Em thưa với các chị em: Miếng trầu ăn nặng bằng chì/Ăn thì ăn vậy biết lấy gì giả ơn, thưa chị”. Rồi các chị lại đả thông: “Miếng trầu ăn nhẹ như bông/Ăn thì ăn vậy nhưng không có gì....”.

Ví đãi trầu là một điệu ví nghe thì đơn giản về mặt âm nhạc, nhưng về mặt văn học thì lại là những đoạn thơ ứng tác rất nghệ thuật linh hoạt, thể hiện trình độ văn hóa của nhân dân địa phương. Các anh, các chị yêu mến và tôn trọng nhau chính là ở những đoạn mở đầu vừa tao nhã thanh lịch vừa chân tình cởi mở.

Khi đã nhận và đã cùng nhau ăn trầu, mọi người mới chuyển sang “hát sổng”. Giọng sổng là một nét nhạc nghe hay hơn ví. Người ta lồng vào đó những đoạn lời ca đã có sẵn từ lâu đời chứ không ứng khẩu mà đối đáp như ví. Mỗi đoạn trong giọng sổng đều có nhiều câu, có những câu riêng cho nam, hoặc nữ, nhưng cũng có những câu chung mà khi hát chỉ cần thay đổi cách xưng hô là được.

Ví dụ: “Vì anh (hoặc chị) nên mới tới đây/Bổng không chiếu trải mùng quầy giữa nhà”

Hay là: “Bối rối là con chỉ thâm/Những điều anh (hoặc chị) nói nhập tâm em rồi”

Toàn bộ lời ca hát ghẹo chủ yếu là trữ tình mặc dù các anh, các chị vẫn thường hay nhắc đến câu “đôi dân nước nghĩa tự cổ tòng lai” hay chữ “chị” chữ “em” một cách thiết tha nhưng còn dè dặt.

Phần tiếp theo giọng sổng là hát sang giọng (hay còn gọi hát Vặt là những làn điệu chủ yếu của hát ghẹo - về mặt âm nhạc). Lời ca của các làn điệu này được cô đọng trong một vài câu văn vần, thường ở thể lục bát đầy ví von: “Hoa thơm lan cả vườn hồng/Thơm cây thơm rễ người trồng cũng thơm”. Trong các bài “Hoa thơm”, “Trồng chuối”… hay như trong “Duyên phận phải chiều”: “Đôi chúng ta duyên phận phải chiều/Giây tơ hồng vấn vít, sợi chỉ điều bà Nguyệt khéo xe”.

Thường thì hát hết các làn điệu ở phần sang giọng thì trời cũng vừa sáng. Cuộc hát kết thúc, dân làng mời các anh các chị ăn cơm để chuẩn bị ra về. Khi tiễn chân nhau, các anh, các chị hát Ví tiễn.

Nội dung lời ca chứng tỏ họ rất mến nhau. Nhưng tất cả lời lẽ yêu thương thắm thiết đó chỉ có trong khi hát. Họ tuân theo tục lệ của hai bên nước nghĩa một cách “tự giác” cho nên mặc dù rất yêu quý nhau, họ cũng không bao giờ kết nghĩa vợ chồng. Bởi cuộc vui còn dang dở, họ tiễn nhau mà còn than thở: “Thà rằng chẳng biết cho xong/Biết ra như đấu mà đong lấy sầu". Nhiều khi các chị cũng ngậm ngùi bóng gió: “Anh về có chốn thở than/Em về ngồi tựa phòng loan một mình”.

Những lời thơ trên ghi mãi trong lòng họ. Những vật kỷ niệm đều được họ cất giữ lâu dài. Có cụ còn cho chúng tôi biết, trong mấy năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ còn giữ được chiếc khăn hồng, mãi về sau qua những trận càn ác liệt bị thất lạc. Nhưng dù có mất đi, các cụ không bao giờ quên được những tình cảm nồng nhiệt chân thành của thời thanh xuân đó, Phải chăng vì xưa kia họ đã trót hẹn hò: “Trăm năm gắn bó như niêm/Chữ tình tạc dạ chữ duyên ghi lòng”.

Hát ghẹo Phú Thọ là một kho tàng dân ca phong phú và có giá trị nhiều mặt không chỉ ở hai huyện Tam Nông, Thanh Sơn mà còn mở rộng ra cả tỉnh Phú Thọ vùng đất Tổ Hùng Vương. Những làn điệu dân ca đó vẫn được nhân dân hát và các đơn vị nghệ thuật dàn dựng thành những tiết mục. Nhiều nhạc sĩ sáng tác cũng đã hấp thu được những làn điệu đó mà sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc có giá trị. Đây là một loại dân ca quý trong kho tàng dân ca Việt Nam phong phú và rất đáng tự hào./.

(Nguồn: http://vov.vn)

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.