Hai ca khúc dựa thơ Truyện Kiều, viết riêng cho phim về Nguyễn Du

21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.

Ê-kíp phim 'Đại thi hào Nguyễn Du.' (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)

Ngày 23/9 và 25/9, bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du” được công chiếu tại Hà Tĩnh như một hoạt động nằm trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa thế giới. Nhân dịp này, đoàn làm phim đã giới thiệu hai ca khúc mở đầu và kết thúc của bộ phim có kinh phí lên tới 15 tỷ đồng.

Ca khúc mở đầu lấy tên giống tiêu đề của bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du” nhằm giới thiệu cho người xem về nhân vật chính. “Phiêu bồng trần gian” là ca khúc xuất hiện ở cuối phim, kết lại cuộc đời đầy phong trần của Nguyễn Du.

Cả hai đều là sáng tác của nữ ca sỹ, nhạc sỹ trẻ Đinh Khánh Ly, do nhạc sĩ Lương Duy Thắng phối khí. Khánh Ly là giọng hát đằng sau các ca khúc của nhiều sê-ri phim truyền hình nổi tiếng như “Hoa hồng mua chịu," "Hạt mưa sa," "Trái tim người mẹ," "Những người lính thầm lặng”... 

Trong tương lai, Đinh Khánh Ly và LeeDT Production sẽ kết hợp cùng ban nhạc Ngũ Cung trong các dự án khoác áo mới cho dân ca, hứa hẹn thu hút nhiều người trẻ vào các dòng nhạc dân gian.

(Từ trái sang) Nghệ sĩ Mạnh Hùng (sáo trúc), ca sỹ Đinh Khánh Ly (đàn tranh), nghệ sĩ Ngọc Hoàn (đàn nguyệt) và nhạc sỹ Lương Duy Thắng. (Ảnh: LEEDT Production)

Về câu từ, “Đại thi hào Nguyễn Du” và “Phiêu bồng trần gian” đều mượn một số lời thơ, hình ảnh có trong tác phẩm “Truyện Kiều,” mang đến sự thân quen và cảm xúc mới lạ, giống như “lẩy” Kiều trên nền nhạc trữ tình. Về âm hưởng, hai ca khúc mang hơi hướm dân gian ví dặm Nghệ Tĩnh, pha với chút vẻ hiện đại, thanh tịnh về khúc giữa để tạo độ cuốn hút cho bộ phim. 

Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa-nghiên cứu "Truyện Kiều," hai ca khúc gợi sự lắng đọng, da diết, mang đầy âm hưởng dân gian những cũng không kém phần hiện đại. 

Ngoài ra, ca từ sử dụng nhiều ý thơ của Nguyễn Du và thơ Kiều vốn đã giàu chất nhạc. Vì thế người nghe cảm giác dễ thẩm thấu, gần gũi. Có lẽ, nhóm soạn nhạc là một trong số những người tiên phong đưa thơ Kiều vào ca từ, mở ra một xu hướng mới trong sinh hoạt văn hoá Kiều.

Bộ phim“Đại thi hào Nguyễn Du” được xây dựng trên ý tưởng của tiến sỹ Phạm Xuân Mừng (Giám đốc Công ty cổ phần không gian Văn hoá Việt Media), nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Tuấn làm biên kịch, viết lời bình trong phim, đạo diễn Nguyễn Văn Đức (Hãng phim truyện 1) chỉ đạo diễn xuất. Tuyến nhân vật trong phim không chỉ có những người thân cận trong gia đình Nguyễn Du, bạn bè, tướng lĩnh thời ấy... mà còn có cả tuyến nhân vật hư cấu đi ra từ chính “Truyện Kiều” như hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều, Tú Bà, Thúc Sinh, Từ Hải…

Lắng nghe đoạn trích ca khúc "Phiêu bồng trần gian" tại đây:

Bắt đầu thu thập tư liệu từ năm 2017, đạo diễn Nguyễn Văn Đức cho biết nguồn đầu tư 15 tỷ đồng cho bộ phim đến từ chính tiến sỹ Phạm Xuân Mừng cùng với sự hỗ trợ về kinh phí, địa điểm... của các tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Thái Bình. Các địa phương này cũng lần lượt là quê cha, quê mẹ, quê vợ của đại thi hào. 

Đại diện đoàn làm phim cho biết, hiệu ứng âm thanh và âm nhạc tình huống trong phim sẽ luôn đong đầy, căng tràn nhựa sống của âm hưởng ví dặm đặc trưng. Có sự tư vấn, kết hợp của Tiến sỹ Phạm Xuân Mừng, Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng và nhóm của nhà nghiên cứu văn hóa-nghiên cứu “Truyện Kiều” Trần Đình Tuấn, nhóm nghệ sỹ và nhạc công của LEEDT Production hy vọng sẽ thêm yếu tố "đã tai" vào cảm xúc của người xem.

Phim“Đại thi hào Nguyễn Du” có tổng cộng 3 phần nối tiếp nhau, phần 1 kể về gia thế và tuổi thơ, phần 2 về khoảng thời gian Nguyễn Du bắt đầu nghiệp thơ ca, phần cuối nói về công cuộc hoàn tất “Truyện Kiều.” Mỗi phần có 2 tập, mỗi tập có độ dài khoảng 35-37 phút. Khởi quay từ 2019 và phải dựng lại nhiều phân cảnh lịch sử nên đến nay, ê-kíp mới hoàn thành phần 1 (tức tập 1 và tập 2) để kịp ngày khai mạc tuần lễ kỷ niệm ngày 23/9 và  25/9 tại Hà Tĩnh.

Sau khi hoàn thiện cả 3 phần, đoàn làm phim sẽ tiếp tục tính toán để mở rộng công chiếu cho khán giả cả nước./.

Tác giả: Minh Anh

(Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Màn 1. Mantua, vào thế kỉ 16. Tại cung điện của mình chàng công tước hào hứng kể với bạn bè mình về những chiến công tình yêu, trong đó có cả nữ bá tước Ceprano. Chàng công tước đa tình đã chinh phục Ceprano trong khi anh hề gù Rigoletto ...