GS. Trần Văn Khê muốn tiền phúng điếu tang lễ của mình được dùng lập quỹ học bổng
Trước khi rơi vào tình trạng nguy kịch, Giáo sư Trần Văn Khê đã lập bản di nguyện (gồm mười hai mục) nêu rõ ràng mong ước về các nghi lễ an táng và vấn đề hậu sự khi ông ra đi.
Theo tin tức trên VnExpress, Giáo sư Trần Quang Hải (con trai trưởng của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê) cho biết, chiều ngày 5/6, tại Phòng hồi sức của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM, theo yêu cầu của Giáo sư Khê, bà Lư Ngọc Thu (thuộc Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Tân) tiến hành lập vi bằng việc ông trao lại cho con gái út của mình là bà Trần Thị Thủy Ngọc bản di nguyện cuối đời cùng bản kiểm kê các tài sản, hiện vật, tư liệu... tại nhà của ông.
Trong di nguyện của mình, giáo sư nêu rõ, khi ông vĩnh viễn ra đi, căn nhà ở đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP HCM, nơi ông ở hiện tại được dùng làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê.
Điều này được thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa giáo sư và bà Trương Ngọc Thủy, Nguyễn Thế Thanh (nguyên Giám đốc và phó giám đốc Sở Văn Hóa - Thông tin TP HCM trước đây). Tất cả những hiện vật liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của ông từ Pháp mang về Việt Nam như: sách vở, báo chí, đĩa hát các loại, phim ảnh, nhạc khí, máy ghi hình, máy ghi âm, tranh, hình ảnh... được giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm này.
GS.TS. Trần Văn Khê đã dành nhiều tâm huyết cho âm nhạc dân tộc
Ông cũng nhấn mạnh mong muốn sự nghiệp tinh thần, các hiện vật, tài liệu, vật dụng của mình để lại được dùng vào việc bảo tồn và phổ biến văn hóa truyền thống Việt Nam đúng với nguyện vọng và hoài bão của ông.
"Tôi ao ước các thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu. Lưu ý những tư liệu này chỉ dùng vào công việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa, không được dùng vào việc thương mại" - Giáo sư Khê ghi trong di nguyện.
Trước đó, theo tin tức trên Dân trí, Giáo sư Trần Văn Khê nhập viện ngày 27/5 vì suy tim và viêm phổi nặng. Ông bị suy hô hấp khiến không thể tự thở và tim bị rối loạn nhịp chậm.
Trước tình huống nguy kịch, ông được các bác sĩ đặt nội khí quản cho thở máy và tiến hành đặt máy tạo nhịp tim. Tin ông bệnh nặng lan truyền nhanh chóng trong và ngoài nước. Nhiều khán giả đang lo lắng, cầu mong cho vị giáo sư 94 tuổi có thể vượt qua được lần nhập viện này.
Việc giáo sư Khê đổ bệnh nặng được chính quyền thành phố và Sở Y tế TP HCM đặc biệt quan tâm. Ông Võ Văn Thưởng - Phó bí thư thường trực Thành ủy - cho biết Thành ủy đã chỉ đạo về việc chăm sóc sức khỏe cho Giáo sư Khê, toàn bộ chi phí chữa trị cho giáo sư do thành phố chịu trách nhiệm.
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quang Hải cho biết thêm, ba ông đã từng bị lao, thận có sạn từ thời trẻ và phải mổ ruột từ khi trên 30 tuổi. Khi Giáo sư – tiến sĩ Trần Văn Khê về sống tại Việt Nam từ năm 2004 thì ông đã ngồi xe lăn và mỗi tháng đều phải uống rất nhiều thuốc. Ông bị tiểu đường gần 50 năm, ngoài ra còn bệnh tê thấp, khớp, những ngón tay bị cong khó có thể đàn được như lúc còn trẻ.
Những di chứng của bệnh tiểu đường đã khiến đôi mắt của Giáo sư không còn khả năng nhìn rõ và tai cũng không nghe rõ. Trong thời gian gần đây, ông không thể đàn và hát được như ý muốn. Tuy nhiên trí óc ông còn rất minh mẫn nên nhớ được rất nhiều thứ.
Việc Giáo sư- Tiến sĩ Trần Văn Khê đã bị bệnh từ thời trẻ nhưng hàng ngày, ông vẫn luôn chống chọi với bệnh tật. Ông vẫn miệt mài để truyền bá, giảng dạy, “đốt lửa” và “nung nấu” tinh thần cho giới trẻ để họ thức tỉnh, hiểu hơn, yêu hơn nền âm nhạc của dân tộc. Mỗi lần Giáo sư – Tiến sĩ nói chuyện thì nói cả giờ không biết mệt mặc dù cơ thể đã bị suy yếu từ năm 2004. Điều kiện sức khỏe khó khăn nhưng, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê vẫn tham gia giảng dạy, diễn thuyết, để đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đi vào bản đồ âm nhạc thế giới.
GS.TS Trần Văn Khê là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. Ông sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). 6 tuổi ông đã biết đàn kìm, 8 tuổi biết đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc.
Sau khi sang Pháp du học (năm 1949), ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ khoa Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông nguyên là giáo sư Trường đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc - UNESCO |
(Nguồn: http://www.tinmoi.vn)