Giuseppe Verdi, Ông lớn của âm nhạc thế giới

16/01/2015

Đã hơn một thế kỷ, kể từ ngày Giuseppe Verdi từ giã cuộc đời đến nay, có lẽ không năm nào tác phẩm của ông lại không được trình diễn ở nhiều nước trên thế giới trong những không gian khác nhau. Đó là điều vô cùng dễ hiểu, bởi ông là một thiên tài. Di sản âm nhạc mà ông để lại cho nhân loại, đặc biệt thể loại opera là vô cùng lớn lao và có ý nghĩa. Hơn 10 năm trước, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức cuộc trình diễn nhạc G.Verdi trong không gian vô cùng hoành tráng và sang trọng. Âm nhạc của G.Verdi, tất nhiên đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo, biểu diễn opera tại Việt Nam.

Vua không ngai của opera Ý

G.Verdi sinh ngày 10-10-1813 tại Le Roncole, một ngôi làng gần Busseto, thuộc Parma ngày nay. Cha ông là một chủ quán trọ. Ông đến với âm nhạc từ ca đoàn nhà thờ và đã học những bài học sáng tác đầu tiên ở giáo xứ nơi ông sinh sống. Năm 20 tuổi, G.Verdi đến Milan để học lên cao hơn nhưng do quá tuổi quy định, ông không được nhạc viện nhận vào học, từ đây ông bắt đầu quá trình học và tự học không ngừng nghỉ. Điều này có thể lý giải phần nào sự phá cách của ông trong nghệ thuật sáng tác opera.

Năm 1939, G.Verdi sáng tác vở opera đầu tiên Oberto, và vào năm 30 tuổi, ông thành công lớn với vở Nabucco (bản hợp xướng Va pensiero từ vở này từng được coi là quốc ca không chính thức của Italia) và I Lombardi. Nội dung của hai vở opera tràn đầy tinh thần yêu nước nồng nàn. Buổi công diễn vở Nabucco tại nhà hát opera danh tiếng La Scala (ở Milan) năm 1842 đã thành công rực rỡ, sự kiện này chính thức đánh dấu sự thống trị của G.Verdi với opera Italia.

Ngoài tác động xã hội và lịch sử, những biến động trong cuộc sống cá nhân cũng ảnh hưởng nhiều đến sáng tạo của G.Verdi. Cuộc hôn nhân không theo lễ giáo của ông với nữ ca sĩ Giuseppina Strepponi là nguồn cảm hứng lớn cho ông hoàn thiện vở opera kiệt xuất La Traviata. Vở opera này mang tính bước ngoặt, từ nội dung tư tưởng đến các kỹ thuật, thẩm mỹ... là minh chứng cụ thể nhất cho ưu thế của âm nhạc lãng mạn. G.Verdi đã làm cho opera gần gũi với cuộc sống hiện thực hơn, điều này lần đầu mới được thực hiện trên sân khấu. Sự thể hiện bằng âm nhạc và kịch tính nhân vật Violetta thậm chí còn huyền ảo hơn cả sự miêu tả của Dumas về Marguérite Gautier trong tiểu thuyết nổi tiếng của ông.

Ảnh hưởng chính trị cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của Italia đã tác động mạnh tới thế giới của G.Verdi, để từ đó ông tiếp tục cho ra đời các tác phẩm opera vĩ đại khác: La forza del Destino (Sức mạnh số phận), Rigoletto, OtelloAida. Trong các vở diễn ấy, nhân vật được đặt trong những xung đột xã hội và nội tâm dữ dội trước thời thế, giữa bổn phận và tình yêu. Về hình thức, chúng đã khác xa với opera TK XVIII, và sánh ngang với những thiên sử thi mà Richard Wagner đã sáng tác cho opera Đức.

Sau khi Italia thống nhất, vị thủ tướng đầu tiên đã mời G.Verdi làm đại diện cho chính quyền. Đây là thời gian sung sức nhất của G.Verdi, trung bình mỗi năm ông sáng tác 2 vở opera.

Những năm tháng cuối đời, khi đã ở đỉnh cao của danh vọng, G.Verdi còn gây bất ngờ cho người yêu nhạc, khi ông sáng tác vở opera hài hước Falstaff, một tác phẩm mẫu mực của opera hài, thành công rực rỡ không kém các tác phẩm bi kịch nổi tiếng của ông trước đây.

G.Verdi qua đời ngày 27-1-1901 tại Milan. Đám tang của ông được cử hành long trọng như một lễ quốc tang với sự tham gia của nhiều người dân và quan chức chính quyền.

Như vậy, có thể nhận định rằng: G.Verdi sinh ra, lớn lên và xuất hiện trong âm nhạc vào đúng thời điểm vàng, nhờ đó mà tài năng của ông thăng hoa, tên tuổi ông trở nên kiệt xuất.

Đầu TK XIX, khi G.Verdi ra đời (1813) âm nhạc cổ điển phương Tây chuyển sang thời lãng mạn. Nghệ thuật opera đã phát triển đến đỉnh cao và hoàn thiện về hình thức, lúc đó đang chờ những sự khám phá mới mẻ. Khi G.Verdi bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực âm nhạc (khoảng cuối những năm 30 TK XIX) thì đã có sự thay đổi lớn trong cách thức sáng tác âm nhạc cho giọng hát nói chung và cho opera ý nói riêng. Những thay đổi này có được là nhờ nỗ lực cách tân của các nhạc sĩ thế hệ trước đó, điển hình là Bellini và Donizetti. Vở Semiramide của Rossini có thể coi là tác phẩm opera cuối cùng theo trường phái Baroque còn tuân theo những nguyên tắc cơ bản của bel canto. Lối hát hoa mỹ là yêu cầu quan trọng của phong cách này, đòi hỏi những tiêu chuẩn cao nhất về nghệ thuật trình diễn.

Các nhạc sĩ thế hệ sau của Bellini, Donizetti, Rossini (thời gian hoạt động kéo dài khoảng một thế kỷ, tính từ những năm 20 TK XIX trở đi) đã đưa opera Italia sang thời lãng mạn, với đặc trưng cơ bản là khai thác triệt để tính hiện thực và những cảm xúc thật của con người được biểu lộ trực tiếp. Các bản aria sẽ gần gũi, chân thật hơn. Các kiểu giọng nam hoa mỹ gần như không còn chỗ đứng, và giọng alto nhường chỗ cho nữ cao kịch tính. Các ca sĩ phải sở hữu thể chất tốt, giọng hát khỏe, quãng rộng, lối diễn đạt mạnh mẽ và hát như thể tấn công thẳng vào cảm xúc của người nghe với âm lượng lớn hơn (vì họ ngày càng phải hát với những dàn nhạc đông người hơn). Như vậy, hát hay là chưa đủ, một nghệ sĩ opera phải sống với nhân vật của mình, đưa nhân vật lên sân khấu với đầy đủ cảm xúc chân thực.

Cùng lúc với sự hoàn thiện về hình thức, nội dung lẫn chiều sâu tư tưởng, opera Italia còn chịu ảnh hưởng từ những biến động chính trị, xã hội đương thời, đặc biệt là công cuộc giải phóng và thống nhất nước Italia. Trong bối cảnh đó, các vở opera của G.Verdi đã sự kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa lãng mạn và tinh thần yêu nước. Ông đã trở thành niềm kiêu hãnh của cả dân tộc Italia, và là một tượng đài của âm nhạc thế giới. Không chỉ âm nhạc, mà phong cách của ông còn ảnh hưởng mãi tới ngày hôm nay.

Nghệ thuật trong opera của G.Verdi và yêu cầu với ca sĩ

Năm 1942, khi vở Nabucco được giới thiệu trước công chúng Italia, người ta đã thấy những thay đổi kể trên trong cách ông sáng tác. Ông sáng tạo ra một trong những vai nữ dữ dội nhất của soprano trữ tình (lyric soprano) với những quãng dài, đòi hỏi âm lượng giọng hát phải lớn để thực hiện những nốt màu sắc chạy dồn dập.

Khi hát nhạc do G.Verdi sáng tác, các nghệ sĩ phải luôn nhớ khái niệm chuẩn mực về bel canto, đặc biệt trong cách phân nhịp. Điều này các ca sĩ thường hay sao nhãng, bởi thế trong các tổng phổ, ông thường ghi chú rất rõ những điều mà ca sĩ phải thực hiện ở từng đoạn. Những ghi chú ấy rất có ích trong việc tìm hiểu chiều sâu của âm nhạc và trình diễn trung thành nhất với tinh thần tác phẩm mà ông đã viết ra.

Để hát được nhạc của G.Verdi, ca sĩ phải có kỹ thuật lấy hơi hoàn hảo, cho phép kiểm soát và điều khiển được giọng như ý muốn trong toàn bộ tầm giọng của mình. Ngoài ra, ca sĩ phải có khả năng thể hiện nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau để hát tốt các đoạn legato một cách mềm mại nhất, kỹ thuật này đôi lúc phải bỏ qua, lướt qua một số phụ âm; và thể hiện chuẩn mực các đoạn staccato. Sắc thái giọng hát cũng rất quan trọng để thể hiện những thay đổi rất tinh thế trong âm nhạc của ông. Các kỹ thuật như rallentando (chậm), ritenuto (suy tư), accelerando (nhanh) rất cần thiết để thể hiện các hiệu ứng cảm xúc ngay trên sân khấu với các trạng thái như tức giận, buồn bã, say đắm, tình tứ...

Khi sáng tác, G.Verdi vừa dựa trên truyền thống bel canto của TK XVIII, đồng thời cũng tự phát triển một phong cách mới của riêng mình. Về bel canto, ông từ bỏ quy ước về cái đẹp phức tạp trong giọng hát, nhưng giữ lại yêu cầu về khả năng biểu diễn linh hoạt, phân nhịp tinh tế và phong phú. Phong cách riêng của ông là nhấn mạnh lối hát chân thực, gần với tình cảm cá nhân, nhằm thể hiện tốt nhất các hiệu ứng sân khấu hơn là phô diễn nội tâm hay kỹ thuật hát. Những đặc trưng và yêu cầu kể trên, sẽ giúp chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những chuẩn mực được đặt ra khi trình diễn các aria của G.Verdi.

Một số aria tiêu biểu cho giọng soprano

Giọng nữ cao chiếm vị trí quan trọng trong các tác phẩm của G.Verdi. Trong ngành băng đĩa nhạc và biểu diễn cũng như báo chí hiện đại có cụm từ Verdi Heroines để chỉ vai nữ trong các vở opera do G.Verdi sáng tác, không chỉ mang ý nghĩa định danh nhân vật, mà còn bao hàm luôn cả những đòi hỏi nghệ thuật của nghệ sĩ thể hiện các vai này. Ở đây, xin được giới thiệu về 3 aria nổi tiếng nhất của G.Verdi khá quen thuộc với khán giả, được các nghệ sĩ giọng soprano Việt Nam thường xuyên chọn biểu diễn, và các tác phẩm này cũng được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường âm nhạc Việt Nam.

Vở La Traviata được dựa trên vở kịch và tiểu thuyết cùng tên Trà hoa nữ (La Dame aux Camelias) của nhà văn Pháp Alexandre Dumas. Câu chuyện kể về sự thăng trầm cuộc đời của một người phụ nữ phóng túng, khi tìm được tình yêu đích thực thì đã quá muộn màng, lại phải chống chọi với bao định kiến xã hội, đẩy nàng tới bi kịch tột cùng. Mặc dù có nhiều vai diễn, nhưng trong La Traviata, đất diễn chính thuộc về giọng soprano. Có nhà phê bình nhận xét, một buổi biểu diễn La Traviata mà không có ca sĩ hạng nhất đóng vai chính, thì cũng ảm đạm ngang với viễn cảnh vở Hamlet mà không có một hoàng tử đẹp trai.

Bản recitative aria E’strano! Ah, fors'ố lui...Sempre libera ở màn 1 của vở diễn, bối cảnh là ngay sau bữa tiệc trong ngôi nhà của Violetta, khi những người khách đã về hết. Tại bữa tiệc, lần đầu tiên Violetta được gặp người đàn ông lịch lãm Alfredo, họ đã vui đùa, hát cùng nhau. Giờ đây, Violetta thấy trong lòng nhiều biến động, nhiều cảm xúc lạ lùng xuất hiện, cô tự hỏi rằng liệu mình có thể gặp được người sẽ yêu chân thực hay không (đoạn recitative E strano). Cô tưởng tượng tới một cuộc sống có đôi mà Alfredo chính là người sẽ ở bên cô (vào aria Ah, fors' è lui). Nhưng rồi sau đó, cô lại tự trách mình, cho đó là điều viển vông, điên rồ (recitative lần 2 Follie! follie). Cuối cùng cô tự nhủ rằng cuộc sống tự do vẫn là trên hết (Sempre libera).

Với diễn biến tâm lý phức tạp như vậy trong một trường đoạn vừa hát, vừa diễn khoảng 10 phút (có thêm phần hát vọng vào của vai Alfredo), với đủ các trạng thái lo âu, tự sự, bất cần... vai Violetta đòi hỏi một giọng nữ cao màu sắc nhiều kịch tính. Phần sau của vở, cũng vẫn giọng nữ này, lại chuyển dần về hát theo lối nữ cao trữ tình. Đó chính là những đặc trưng trong phong cách của G.Verdi. Trên thế giới, các giọng nữ cao đều mơ ước được trình diễn vai Violetta hoặc ít nhất là ghi âm aria này.

Vở Rigoletto được G.Verdi soạn dựa trên một vở kịch của đại văn hào Pháp Victor Hugo. Thông qua những cuộc phiêu lưu tình ái của một gã công tước đa tình, những mưu toan ám hại nhau trong cung đình một tiểu quốc trên bán đảo Italia khi đó, vở diễn muốn phản ánh bộ mặt nhiễu nhương của xã hội đương thời, nơi mà tình yêu trong trắng rất có thể phải trả giá bằng bi kịch. Aria nổi tiếng nhất cho giọng nữ cao của vở Rigoletto Caro nome do vai nữ chính Gilda đảm nhiệm.

Khi gã công tước giả dạng là một sinh viên nghèo và buông lời tỏ tình, Gilda đã tưởng mình tìm được hạnh phúc, cô cất tiếng hát ca ngợi tình yêu mới (Caro nome - cái tên ngọt ngào). Bài hát là sự khao khát của Gilda về tình yêu, bởi đây là mối tình đầu của cô. Cô gái trẻ hát lên những lời say đắm mơ mộng, rằng cô sẽ yêu chàng sinh viên tới hơi thở cuối cùng.

Bài Caro nome không dài nhưng là một mẫu mực cho giọng nữ cao trữ tình. Trong đó, hầu như mọi kỹ thuật mà G.Verdi đã phát triển ở các aria trước đều được đưa vào đây. Aria này đòi hỏi kỹ thuật hát legato tinh tế và staccato chuẩn xác cũng như thay đổi các trạng thái cảm xúc liên tục, vì Gilda là một cô gái còn ngây thơ, chưa biết cách kìm nén xúc cảm. Những đoạn vocalise (từ những lời hát được kéo dài) ở giữa và cuối bài luôn là thử thách cho các nghệ sĩ khi hát và trình diễn, đồng thời đem lại cho khán giả sự sảng khoái khi được thưởng thức vẻ đẹp lộng lẫy hiếm có của giọng hát.

Vở Sức mạnh số phận là một bi kịch lớn như một thiên tiểu thuyết đầy kịch tính, có tầm vóc vĩ đại được kể lại bằng ngôn ngữ của opera. Nàng Leonora vì quá say đắm với cuộc tình ngang trái mà trót vô tình gây ra cái chết của cha. Cả một đời cô sống trong đau khổ và ẩn dật trong tu viện. Đến phút chót, Leonora quyết định dùng cái chết để chấm dứt những khổ đau và oán thù mà nàng là trung tâm. Aria Pace, pace mio dio! là lời kêu gọi thống thiết đến chúa, mong người hãy đến để chấm dứt mọi đau khổ để nàng có thể tìm được sự bình yên trong cái chết. Aria khá dài (khoảng 7 phút) đòi hỏi đầu tiên là một giọng hát thật khỏe, với khả năng thể hiện cảm xúc mãnh liệt. Toàn bộ aria là lời xưng tội của Leonora với chúa trời về những lỗi lầm nàng đã mắc phải, dẫn đến bi kịch tan nát cả gia đình. Bao day dứt, dằn vặt, khổ đau... thể hiện qua từng câu hát và cả cử chỉ của người biểu diễn. Phong cách hiện thực của G.Verdi chưa khi nào thể hiện rõ như trong aria này. Người ca sĩ khi trình diễn không chỉ đòi hỏi về kỹ thuật, mà gần như phải nhập tâm vào nhân vật để có thể trình bày được hết những nỗi đau chất chứa trong lòng Leonora, như vậy mới hiệu quả.

Opera của G.Verddi với việc đào tạo thanh nhạc tại Việt Nam

Là một trong những ông lớn của âm nhạc thế giới, đồng thời cũng là người có ảnh hưởng nhất tới nền opera Italia, nên không có gì khó hiểu, khi tác phẩm của G.Verdi trở thành những mẫu mực cho việc đào tạo và trình diễn opera ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, năm 2002, qua chương trình biểu diễn tưởng niệm 100 năm ngày mất của G.Verdi, công chúng yêu nhạc cổ điển đã có được cái nhìn tương đối bao quát về ảnh hưởng của ông đối với âm nhạc hàn lâm Việt Nam ra sao. Trước đó, năm 1999, trong chương trình hòa nhạc Hennessy, các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam cũng đã trình diễn vở Rigoletto. Qua các chương trình này, công chúng có thể thấy các nghệ sĩ như Trung Kiên, Quang Thọ, Lan Anh, Phương Uyên... đã thể hiện tốt những kỹ thuật mà G.Verdi yêu cầu trong vở diễn. Kỹ thuật thanh nhạc mà G.Verdi đưa vào trong các tác phẩm cũng được giảng dạy rộng rãi tại các khoa thanh nhạc trong các nhạc viện, trường nghệ thuật ở Việt Nam. Giảng viên thanh nhạc có thể tìm thấy cơ sở cho việc giảng dạy kỹ thuật này từ giáo trình của GS Trung Kiên. Các kỹ thuật cơ bản như kiểm soát hơi thở, và đặc biệt là những kỹ thuật kinh điển, chuẩn mực như legato, staccato, passage cho giọng nữ cao, đều được ông trình bày khá chi tiết. Việc giảng dạy thanh nhạc với các tác phẩm của G.Verdi, theo trường phái mà ông theo đuổi, còn giúp người học không chỉ biểu diễn tốt các tác phẩm cổ điển, thính phòng, mà còn có thể áp dụng linh hoạt vào biểu diễn nhạc nhẹ và bán cổ điển.

Với âm nhạc của G.Verdi, mỗi nghệ sĩ biểu diễn hay giảng viên thanh nhạc đều có thể tìm được những điều quý giá trong đó để làm hành trang cho sự nghiệp của mình. Các tác phẩm của ông, dù đã trải qua gần hai thế kỷ, nhưng đến nay nó vẫn là những mẫu mực của nghệ thuật opera, và vẫn được nghệ sĩ các thế hệ tiếp tục kế thừa những kỹ thuật, những cách tân nghệ thuật mà ông đã sáng tạo ra.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 347, tháng 5-2013

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...