Giọng ca vàng thuở ấy... bây giờ: Lệ Quyên với nỗi niềm ly hương

15/03/2016

Ca sĩ Lệ Quyên là một trong những người mở đầu cho dòng nhạc nhẹ VN thập niên 1980, từng được mệnh danh là nữ hoàng nhạc nhẹ VN.


Danh ca Lệ Quyên trình diễn tại Trung tâm văn hóa VN tại Paris năm 2014 - Ảnh: N.S.C.C

Thừa kế máu nghệ thuật từ gia đình

Lệ Quyên sinh ra trong gia đình có truyền thống về cải lương. Bố của bà là soạn giả cải lương nổi tiếng Sĩ Tiến, người có công đem cải lương từ Nam ra Bắc trau chuốt, đưa dã sử lên sân khấu cải lương, có nhiều nghiên cứu giá trị về sân khấu cổ truyền dân tộc.

Ông được trao tặng danh hiệu NSND trong đợt đầu tiên xét tặng, nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật 2012, giải thưởng Đào Tấn 2015. Ông có anh trai là kép Hoa Ngân, thường được gọi là Tướng Quảng Lạc và em trai là NSƯT Sĩ Hùng, nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương T.Ư. Mẹ của Lệ Quyên là NSƯT Khánh Hợi, nổi tiếng với những vai nam như Phạm Lãi, Phạm Ngũ Lão, Trọng Thủy... Bà cũng là nghệ sĩ cải lương cao tuổi nhất hiện nay, 93 tuổi.

Có lẽ Lệ Quyên đã nối nghiệp cải lương của gia đình nếu như không có lần Nhạc viện Hà Nội (sau này là Học viện Âm nhạc quốc gia VN) tổ chức tuyển sinh từ Hà Nội vào Đà Nẵng; ban ngày là các buổi chấm thi, đến tối là chương trình biểu diễn doanh thu. Khi ấy, Lệ Quyên chỉ tham gia ngâm thơ và hát tốp ca trong phần đầu và cuối chương trình, nhưng cũng đủ để GS Bích Ngọc, thầy Trần Minh, Lô Thanh, Hoàng Dương phát hiện ra giọng hát đẹp. Sau lần đó, bà đỗ vào khoa thanh nhạc.

Bà kể, vì luôn giành được điểm thi cao khi hát opera nên bà muốn đi theo con đường này. Nhưng khi Lệ Quyên còn chưa tốt nghiệp nhạc viện, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, lúc đó là Giám đốc Nhạc viện kiêm Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc T.Ư (nơi đã nhận Lệ Quyên vào làm việc), nhận thấy: “Lệ Quyên không thể đi theo opera. Lệ Quyên có “máu” nhạc nhẹ. Tôi rất mong chờ Lệ Quyên là một trong những người đầu tiên tạo nên nền nhạc nhẹ chính thống của VN”.

Đầu năm 1980, Lệ Quyên là một trong 4 ca sĩ VN được nhà nước cử đi học về nhạc nhẹ tại Ba Lan và Tiệp Khắc cùng nghệ sĩ Mạnh Hà, Vũ Dậu, Quang Huy và dàn nhạc gồm 15 người. Vào cuối thập niên 1970, đầu 1980, Lệ Quyên đã đưa nhiều ca khúc nước ngoài đến với công chúng trong nước như Besame Mucho, Que Sera Sera... và đưa những bài hát của ABBA, Whitney Houston, Scorpions lên sân khấu và luôn khiến khán giả thích thú với phần trình diễn sôi động, vừa hát vừa nhảy.

Bà nhớ lại, đầu năm 1984, có một hôm nhạc sĩ Nguyễn Cường ghé qua nhà đưa cho bản nhạc Hơi thở mùa xuân và nói: “Bài này của Dương Thụ và anh cùng viết”. “Dương Thụ là ai, em chưa nghe tên bao giờ?”, Lệ Quyên hỏi. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cười bảo: “Thằng này nó giỏi lắm em ơi, còn giỏi hơn cả anh”. Ca sĩ Lệ Quyên mang bản nhạc đến đưa cho nhạc sĩ Quang Vinh, xem xong ông thốt lên: “Bài này hay quá, tôi sẽ phối cho bà”. Khi nghe Lệ Quyên hát Hơi thở mùa xuân, nhạc sĩ Dương Thụ bị chinh phục và sau đó đã viết tặng riêng nữ danh ca nhiều ca khúc như Tiếng sóng biển, Bay vào ngày xanh, Họa mi hát trong mưa...

Buộc nghỉ việc vì kết hôn với người nước ngoài

Cuối năm 1987, Lệ Quyên kết hôn với nhân viên Tổng lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM. “Trước khi làm đám cưới, tôi có nói với anh rằng: em sẽ không đi đâu rời xa Hà Nội. Và chúng tôi coi đó là lời hứa với nhau”, ca sĩ Lệ Quyên nhớ lại.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, chồng Lệ Quyên về nước để tham gia nghĩa vụ quân sự theo quy định của nhà nước Pháp. Bất ngờ là ngay sau đó, bà nhận được quyết định buộc thôi việc của Bộ Văn hóa với lý do “kết hôn với người nước ngoài”. “Tôi cảm thấy như bị sét đánh ngang tai, gần như bất tỉnh”, Lệ Quyên nói. Nữ danh ca bảo đó là khoảng thời gian buồn đến vô cùng, một bước ngoặt lớn của cuộc đời: “Tôi đành dứt áo ra đi, bỏ lại Hà Nội thân thương, nơi tôi sinh ra, lớn lên và thành công”. Có người tự hỏi vì sao bà lại bỏ cuộc chơi nhưng với bà, đó không phải là cuộc chơi. “Đó là cả sự nghiệp của tôi, của gia đình tôi. Trong gia đình chỉ mỗi mình tôi nối nghiệp nghệ thuật. Bởi vậy cha mẹ mong chờ vào tương lai của tôi rất nhiều”, bà bật khóc trong điện thoại. Cuộc trò chuyện giữa hai đầu Hà Nội - Paris của chúng tôi trầm hẳn xuống.

Danh ca Lệ Quyên đang sống cùng chồng và các con tại ngoại ô Paris, Pháp. Hằng ngày, bà phụ giúp chồng công việc tại đại lý bán ô tô và vẫn thường tham gia các chương trình nghệ thuật tại Paris. Tháng 4 tới, bà được mời sang Ba Lan biểu diễn nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Năm 2004, bà về nước thực hiện live show. Trong chuyến đi ấy, bà thu âm ca khúc Hướng về Hà Nội. Hôm ấy, nhạc sĩ Hoàng Dương đã đến tận phòng thu. Ông xúc động khi cảm nhận được tiếng hát như chính nỗi lòng của bà: “Lệ Quyên không phải hát mà như thổn thức. Tiếng hát ấy mang nặng nỗi niềm ly hương”.

(Nguồn: http://thanhnien.vn)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...