Giai điệu mùa Thu trở thành festival

14/08/2013

Với hành trình 8 năm, Giai điệu mùa Thu (GĐMT) đã trở thành thương hiệu nghệ thuật hàn lâm tại TP.HCM. Vượt qua suy thoái kinh tế và nhất là sự thu hút khán giả của các chương trình truyền hình thực tế, năm 2013, GĐMT đã vươn mình trở thành Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa Thu (Arts Festival Autumn Melodie), một sự phát triển đáng nói về quy mô tổ chức và cả chất lượng nghệ thuật.

Bắt đầu từ năm 2005, chương trình GĐMT do Sở VH,TT&DL cùng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM khởi xướng, được tổ chức đều đặn hằng năm.

1. Chương trình có mục đích quy tụ các tài năng trẻ nghệ thuật hàn lâm ở hai lĩnh vực âm nhạc và múa đang học tập và làm việc ở các nước trên thế giới trở về với đất mẹ biểu diễn cùng các tài năng trẻ trong nước. Những năm đầu, GĐMT đã thật sự là ngày hội của công chúng và những nghệ sĩ chuyên ngành âm nhạc và múa hàn lâm. Tại nhiều đêm biểu diễn có chất lượng nghệ thuật cao với các loại hình như giao hưởng, hợp xướng, độc tấu nhạc cụ, hát thính phòng, ballet luôn có các tác phẩm cổ điển và đương đại nổi tiếng của thế giới và Việt Nam. GĐMT là chương trình đã đóng góp thiết thực vào nỗ lực cân bằng đời sống âm nhạc trong một thành phố có quá nhiều chương trình âm nhạc giải trí.

Vài năm sau, GĐMT còn mở rộng sự tham gia đến các tài năng trẻ có xuất thân từ Hà Nội và một số khá đông tài năng trẻ hàn lâm người nước ngoài. Ý định ban đầu của những người tổ chức là tạo điều kiện và thiết lập mối dây liên lạc để nhắc nhớ các tài năng trẻ hàn lâm, nếu có điều kiện thì quay về đất mẹ cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật của đất nước.


Một tiết mục múa đương đại trong GĐMT 2012

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong vài năm gần đây sự đòi hỏi về tầm mức nghệ thuật ngày càng cao và nhiều nghệ sĩ Việt Nam lẫn nước ngoài, tuy không còn là tài năng trẻ, vẫn muốn đến trình diễn tại GĐMT. Bởi đây là chương trình biểu diễn duy nhất và hằng năm được tổ chức khá bài bản và rầm rộ tại Việt Nam.

Trước thực tế TP.HCM chưa có một liên hoan âm nhạc lớn và có chiều sâu nghệ thuật, với sự đồng ý của UBND TP.HCM, Sở VH,TT&DL và Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch, TP.HCM đã quyết định biến GĐMT hằng năm trở thành Liên hoan Nghệ thuật GĐMT, dự kiến tổ chức 2 năm 1 lần, bắt đầu từ năm 2013.

Dù nghệ thuật hàn lâm chưa phải là chương trình được đông đảo công chúng thưởng thức trong bối cảnh cả nền âm nhạc đại chúng đang lao vào những chương trình truyền hình thực tế ca nhạc, sự ra đời của Liên hoan Nghệ thuật GĐMT cho thấy sự quan tâm, và định hướng tương lai của một sinh hoạt văn hóa có chiều sâu cho một thành phố được mệnh danh là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học hàng đầu của đất nước.

2. Do là năm đầu tiên của Liên hoan Nghệ thuật GĐMT, Sở và nhà hát không tránh khỏi những khó khăn, nhất là trong giai đoạn kinh tế chưa được sáng sủa như hiện nay. Mặc dù vậy, liên hoan đầu tiên này sẽ rất hoành tráng với khá nhiều hoạt động cơ bản. Có tổng cộng 7 đêm biểu diễn bao gồm các loại hình giao hưởng, hợp xướng, vũ kịch, recital (độc tấu nhạc cụ nguyên chương trình). Ngoài các nghệ sĩ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM còn có các nghệ sĩ đến từ Hà Nội, Nga, Na Uy, Đức.

Bên cạnh các chương trình biểu diễn, liên hoan còn tổ chức tọa đàm về nghệ thuật múa (10h ngày 14/8, tại Trường Múa TP.HCM); tọa đàm về âm nhạc (15h ngày 20/8 tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM) và tổ chức 2 lớp master class về chỉ huy dàn nhạc (14h ngày 23/8 tại Nhạc viện TP.HCM và 9h ngày 24/8 tại 360A Cách Mạng Tháng Tám, Q.3).

Ngoài chuỗi chương trình của Liên hoan Nghệ thuật GĐMT (7 đêm), còn có đêm trình diễn của chương trình Giai điệu trẻ, một chương trình của nhà hát trong thời gian qua được rất nhiều các bạn SV-HS nồng nhiệt hưởng ứng.

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM cho biết: “Với mong muốn xây dựng một festival nghệ thuật chuyên nghiệp cho TP.HCM, với sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế trong tương lai, liên hoan sẽ là cầu nối cho sự phát triển nghệ thuật hàn lâm TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Tôi rất vui mừng và phấn khởi trước sự quan tâm của UBND và Sở VH,TT&DL TP.HCM trong việc xây dựng festival thành một sự kiện văn hóa lớn có chiều sâu nghệ thuật cho thành phố”.

Chúng ta hy vọng bên cạnh việc xúc tiến xây dựng một nhà hát hiện đại cho TP.HCM, Liên hoan Nghệ thuật GĐMT sẽ là niềm tự hào về văn hóa của nhân dân thành phố…

Chương trình biểu diễn của liên hoan

 

Đêm 16/8: Đêm khai mạc - Hòa nhạc giao hưởng và hợp xướng.

 

Đêm 17/8: Chương trình biểu diễn của nghệ sĩ Bùi Công Duy và nhóm Hanoi Ensemble.

 

Đêm 18/8: Múa đương đại Chạm tay vào quá khứ.

 

Đêm 19/8: Hòa nhạc với các tài năng trẻ Nga.

 

Đêm 20/8: Vũ kịch Cô bé Lọ lem.

 

Đêm 21/8: Piano Recital (nghệ sĩ Hinrich Alpers)

 

Đêm 22/8: Hòa nhạc giao hưởng

 

Đêm 25/8: Chương trình Giai điệu trẻ.

 

Tất cả các chương trình đều diễn ra lúc 20h tại Nhà hát TP.HCM.

 (Nguồnhttp://thethaovanhoa.vn)

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.