“Già làng” Nhật Lai bậc hiền tài có một không hai
Chắc chắn rằng nhạc sĩ Nhật Lai là người có công đầu trong việc giới thiệu vốn âm nhạc dân gian của các dân tộc Tây Nguyên đến nhân dân miền Bắc từ 1954. Và anh là người đi đầu trong việc thâm nhập, kế thừa, phát huy cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân gian Tây Nguyên để gầy dựng các tác phẩm cho mình. Anh đã đưa âm nhạc Tây Nguyên lên sân khấu ca múa, cái hừng hực sôi động, cái trữ tình mượt mà đến khán thính giả trong thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Muốn được như vậy, Nhật Lai phải mất hết 6 năm (1949-1954) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, để tự biến mình thành “người Thượng”: đi chân đất, đóng khố, mang gùi, hút tẩu, uống rượu cần, nói thông thạo bốn thứ tiếng: Ê Đê, Gia Rai, Ba Na và Hơ Rê.
Nghe Đợi chờ, Chim kơtia, Chim Pông kơle, Chim lạc đàn, Suối đàn t’rưng, Mặt trời Ê Đê, Xuống chòi mau lên em, Tiếng hát Mơ Nông Tibri, Bên bờ Krông Pa, Vũ khúc Tây Nguyên… Người có đôi tai thành thạo sẽ phân biệt được những chất liệu bắt nguồn từ ngôn ngữ âm nhạc mang tính đặc thù của từng sắc tộc cư ngụ trên dải đất Tây Nguyên.
Tôi đã được Nhật Lai truyền ngón nghề một vài “chiêu” riêng biệt. Có lần tôi thử hỏi ý kiến Nhật Lai về các tác phẩm của tôi, anh nhận xét: “Chú mầy là thằng Nam bộ mà chịu khó viết về Tây Nguyên như vậy là khá lắm rồi, trước hết, không “Nguyên Tây” và cái đáng khen là không giống tao!”.
Sức làm việc của Nhật Lai rất bền, rất dẻo dai. Anh có thể ngồi lì trên chiếc ghế đẩu thấp lè tè mà viết nhạc, thường quên ăn, quên ngủ, chỉ uống trà đặc. Khi nhập hồn vào sáng tác, anh ít khi sử dụng piano mà có thói quen huýt sáo khe khẽ…
Năm 1965, Nhật Lai, Văn Ký, Văn Lưu, Quốc Hương và tôi đi thực tế vào Khu Bốn cũ, giữa lúc máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Chúng tôi đến thăm các thương binh hải quân đánh tàu chiến Mỹ xâm phạm lãnh hải Việt Nam, gặp bà mẹ Suốt chèo chống đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ dưới làn bom lửa đạn. Khi về đến Hà Nội vài ngày thì Nhật Lai “chìa” ra khoe Bài ca sông Nhật Lệ. Tôi nghĩ bụng, cha này tài thật, viết nhanh hơn gió. Hễ có cái gì dính đến “Lệ” thì ổng đốp ngay. Chẳng là vợ anh - một cô gái Khmer xinh đẹp, quê Sóc Trăng, là diễn viên múa của Đoàn Ca múa miền Nam, tên Châu Ngọc Lệ.
Đợt đi ấy, nhạc sĩ Văn Lưu với Nữ dân quân miền biển được phổ biến sôi động một thời, còn tôi có Hàng em mang tới chiến hào.
Nhật Lai thường rủ tôi đi săn chim chóc ở các vùng ngoại thành Hà Nội, có khi đến Bến Đục, Quốc Oai, Thạch Thất. Tôi chưa sắm được súng hơi nên đành theo anh để thọ giáo, đi nhặt mồi. Nhớ một ngày, trời rét đậm, chúng tôi bò sát đất nhằm tiếp cận con quốc đang đi ăn bên kia bờ ao lúc ẩn lúc hiện trong đám dứa dại. Nhật Lai nhắm và bắn một phát rất nhanh. Con quốc trúng đạn lông bay tung tóe. Nó lặn xuống nước và biến mất trong hang.
Vũ! Bắt “tù binh” mau lên!
Tôi nhanh như cắt, phóng bừa xuống ao, mò tìm miệng hang và lôi ra một con quốc mập ú. Lên bờ, cởi áo bông ra vắt nước, tôi rét run tê tái. Vì ham con mồi, suýt nữa bị sưng phổi. Nhật Lai “phục” tôi lắm, trầm trồ tôi giống chàng Đông Ki Sốt mạo hiểm. Những chuyến đi săn dã ngoại như vậy khiến tâm hồn chúng tôi thư thái và sảng khoái. Và những địa danh như Đan Phượng, Khu Cháy, Suối Hai, Cầu Giẽ… được Nhật Lai “hô thâu” vào hầu bao Hà Tây quê lụa của anh một cách tài tình.
Một buổi tối, tại căn nhà lá khu Văn công Cầu Giấy, Nhật Lai vừa hát vừa đệm đàn piano bài hát ấy đặng chiêu đãi Quốc Hương, nhạc sĩ Văn Cận và tôi. Anh hát rất truyền cảm, nhưng phải nói giọng Phú Yên pha Hà Nội chưa chuẩn lắm. Và nghệ sĩ Quốc Hương “xí phần” bài hát này. Khi Hà Tây quê lụa nổi lên qua giọng hát Quốc Hương rồi thì khó có ai diễn đạt bằng.
Tôi nhớ, sau khi thu tiếng ở Đài Tiếng nói Việt Nam về, Nhật Lai và Quốc Hương “cãi” nhau một trận. Số là ở đoạn điệp khúc, lời gốc là:
Hà Tây! Cửa ngõ thủ đô
Áo giáp chở che ngàn năm bền vững
Ngăn bầy giặc Mỹ vẩn đục bầu trời…
Chẳng hiểu sao, Quốc Hương lại hát: áo giáp chớ chê(!). Và cho rằng Hà Tây là cái áo giáp không chê vào đâu được.
Tôi làm trọng tài, đành xử hai ông huề! Ai có dịp nghe lại băng tiếng phát trên làn sóng chắc khó phân biệt được giữa chở che và chớ chê! Hồi ấy bé Chung Ly - con gái Nhật Lai mới hơn 3 tuổi - đã biết bập bẹ: “Anh phi công đàng hoàng (bàng hoàng) ngỡ mình bay trên gấm vóc”. Nghe con gái “rượu” hát trại bàng hoàng thành đàng hoàng, Nhật Lai càng tỏ ra khoái cái ý ngộ nghĩnh ngây ngô ấy.
Giữa năm 1986, tôi ra Hà Nội họp. Trưa thông tầm, tôi đãi Nhật Lai món xủi cảo gần rạp Tháng Tám. Anh tâm sự dạo này túng quá, giá như một số người đặt hàng ở các đoàn ca múa mà trả sòng phẳng thì đỡ khổ biết bao. Rồi anh than phiền sức khỏe sa sút, khác những năm trước, hễ ngồi viết thức quá 12 giờ khuya cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi.
Vài tháng sau, anh và nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đi Liên Xô trong chương trình trao đổi tác phẩm giữa hai Hội Nhạc sĩ. Trong bản giao hưởng Đất lửa có một chương với tiêu đề “Nước mắt của viên ngọc”. Anh gởi gắm bao cảm xúc, bao ký ức, bao nỗi niềm nhớ nhung người vợ quá cố Châu Ngọc Lệ. Chính hiệu quả âm nhạc của chương này do dàn nhạc giao hưởng tấu lên, khiến anh không kềm được nước mắt…
Anh từ xứ lạnh nước Nga về, người bơ phờ, mắt sâu và hơi vàng, mặt sưng và đỏ gay… Để rồi rạng sáng ngày 5-1-1987, anh ra đi đột ngột, mới được 57 tuổi đời.
Nhật Lai đã hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp sáng tác, góp một vị trí xứng đáng trong nền âm nhạc Việt Nam. Anh là một “Già làng Tây Nguyên” với ý nghĩa cao quý và đáng trân trọng.
***
Tên khai sinh của anh là Nguyễn Tuân, bí danh: Vân, sinh ngày 12 tháng 5 năm 1931, quê quán tại xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, từ 1945 đến 1947 học hết trung học bình dân tại Liên Khu V. Năm 1949, được cử vào hoạt động văn nghệ tỉnh Đắk Lắk, cho đến ngày tập kết ra miền Bắc, phụ trách Đoàn Văn công Tây Nguyên. Năm 1961 là Trưởng Đoàn Ca múa miền Nam. Từ 1964 trở về sau là nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Nhật Lai là nhạc sĩ đầu tiên kế thừa và phát triển tinh hoa dân ca Tây Nguyên. Đây là dòng chảy mạnh nhất trong sự nghiệp sáng tác của anh. Nhiều ca khúc đáng nhớ như: Xuống chòi mau lên em! Đợi chờ, Suối đàn t’rưng, Chim lạc đàn, Chim Pông Kơle, Bản mường trong nắng mới, Tiếng hát Mơ Nông Tibri, Đan lưới, Bài ca sông Nhật Lệ, Bài ca anh Hồ Giáo, Hà Tây quê lụa, Mặt trời Ê-Đê.
Trong lĩnh vực nhạc múa, anh đã để lại những tác phẩm có giá trị như Vũ khúc Tây Nguyên, Đâm trâu, Giã gạo và kịch múa: Thạch Sanh, Nỏ thần. Đặc biệt là vở nhạc kịch Bên bờ Krông Pa, bản Giao hưởng số 1 (Đất lửa).
Anh đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I năm 2001. Đã được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
12-5-1997