Gặp gỡ “Kỳ tài” với cây đàn “10 trong 1” độc đáo
Với nhiều người đam mê đờn ca tài tử ở miền Tây Nam Bộ, chế tạo ra một loại nhạc cụ để chơi, góp vui với bà con và bạn bè không phải chuyện gì quá lớn lao. Thế nhưng, để chế tạo ra một cây đàn mà tích hợp 10 loại nhạc cụ khác nhau như cây “Thập liên cầm” của “kỳ tài” Nguyễn Hồng Phước (69 tuổi, ngụ thị trấn Chợ Vàm, Phú Tân) thì khá hiếm, thậm chí là “độc nhất, vô nhị”.
“Kỳ tài” Nguyễn Hồng Phước với cây “Thập liên cầm”
Ông Phước xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, có cha là một họa sĩ tài hoa lại làm bầu của một gánh hát bội. Ông Nguyễn Hồng Phước nhớ lại: “Năm tôi 12 tuổi, do hoạt động nuôi chứa cách mạng bị phát hiện nên cha tôi không còn duy trì gánh hát bội ở Chợ Vàm nữa, mà phải chạy sang cù lao Giêng ẩn náo. Từ đó, tôi được cha chỉ dạy cả về hội họa lẫn nhạc họa”. Từ nhỏ, ông Phước đã rất nhạy bén về các loại nhạc cụ, nên không những ông được cha truyền dạy mà còn được học nhiều ngón nghề độc đáo của những người bạn của cha mỗi khi đến chơi nhà. Với năng khiếu bẩm sinh và niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng, dù mới 16 tuổi nhưng ông Nguyễn Hồng Phước đã trở thành một tài năng nghệ thuật. Không chỉ là một họa sĩ trẻ tài hoa, ông còn là kép chính của đoàn hát “Trung ban” thời đó.
Không ít lần gặp phải sự cố khi biểu diễn nên ông nghĩ ra ý định sáng chế cây đàn tích hợp nhiều loại nhạc cụ. Là một họa sĩ và cũng là một nghệ sĩ nên ông Phước có nhiều thuận lợi trong quá trình phác thảo bản vẽ và nghiên cứu về âm sắc để sáng chế ra cây đàn độc đáo, từ “2 trong 1”, “3 trong 1”, “4 trong 1”, rồi dần dần là “10 trong 1”. “Nói “10 trong 1” để tiện gọi cái tên “Thập liên cầm” theo tiếng Hán Việt, chứ thực chất cây đàn của tôi sáng chế tích hợp đến 12 loại nhạc cụ khác nhau, gồm: Organ, Guitar, Violon, Bass, hạ uy di, tranh, độc huyền, sến, kìm, cò, gáo, sáo. Đó là chưa kể đến việc sử dụng kỹ thuật chỉnh các gờ biến tấu” - ông Phước cho biết.
Theo ông Phước, điều khó khăn nhất khi ghép nhiều loại đàn với nhau là kỹ thuật chỉnh âm thanh. Bởi, đàn là loại nhạc cụ rất tinh tế, chỉ sai lệch chút xíu, dây hay vị trí khuông là âm thanh phát ra đã khác nhau rất nhiều. Vì thế, để có thể tích hợp nhiều loại đàn mà không ảnh hưởng tới từng loại khi chơi cần kiến thức âm nhạc lẫn khoa học và cả sự kỳ công, tỉ mỉ và kiên nhẫn. “Thời gian thiết kế, chế tạo hoàn thiện cho đến khi hoàn thành cây “Thập liên cầm”, tôi mất thời gian hơn 20 năm nghiên cứu. Chỉ cần tính toán sai 1 dây, 1 phím, có 1 tiếng đàn không giống là xem như thất bại, phải làm lại từ đầu” - ông Phước chia sẻ.
Dù đã được nghe nhiều nhưng khi được “mục sở thị” cây đàn “thập liên cầm” độc đáo của ông Phước, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Nó đơn giản đến bất ngờ. Gần như không khác biệt nhiều so với những cây đàn khác nếu không nói là có phần thô kệch nhưng ẩn chứa bên trong gồm nhiều dây, phím được sắp xếp rất khoa học, thuận tiện để có thể chuyển từ loại đàn này sang loại đàn khác chỉ trong tích tắc. Thoạt nhìn cây đàn như một khúc gỗ khá thô, nhưng đây là cây đàn mà ông Phước hài lòng nhất trong gần 20 cây đàn đã được sáng chế. Theo ông Phước, nó không thừa cũng không thiếu một chút nào, từ dây đàn, gỗ cho đến vị trí lắp đặt các thiết bị bổ trợ khác. Trên cây đàn, dây sắt thì có guitar, đàn tranh, đàn hạ uy di, độc huyền. Bên dây gân thì có đàn sến, đàn kìm. Bên dây kéo có đàn cò, đàn gáo, violon, sáo. Nói chung, tân nhạc hay cổ nhạc gì đều đàn được hết trên 1 cây đàn do chính ông sáng chế.
Ông Phước chia sẻ: “Bạn bè, người quen cũng có mượn cây “Thập liên cầm” chơi thử nhưng trả lại ngay vì không chơi được, do thao tác của nó rất khác với các nhạc cụ thông thường. Để chơi thành thạo, cần phải tập luyện ít nhất vài tháng, thậm chí là lâu hơn. Bởi, ngoài việc biết rõ từng bộ phận, vị trí các dây, phím trên cây đàn, còn phải có kỹ năng chơi đàn nhanh và điêu luyện trong việc chuyển từ loại đàn này sang đàn khác. Đó là một thách thức lớn đối với nhiều người, kể cả những nhạc sĩ chuyên nghiệp”.
Có một cuộc sống đời thường khó khăn và vất vả, công việc thường nhật của ông Phước là một họa sĩ miệt vườn. Thế nhưng, niềm đam mê nhất của ông là nghệ thuật cải lương, là những cây đàn. Vì thế, mỗi khi rảnh rỗi, ông thường tìm tới những nơi nhiều người đam mê đờn ca tài tử để trao đổi, chơi đàn và truyền thụ những kiến thức âm nhạc mình có. Với niềm đam mê bất tận, ông đang ấp ủ ý tưởng bổ sung thêm trống vào “Thập liên cầm”.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng khi tiếp xúc với ông Phước, chúng tôi rất dễ nhận thấy trong con người ông luôn có nguồn năng lượng tích cực, sáng tạo, yêu nghệ thuật chân chính, bằng chính trái tim, niềm đam mê của mình.
(Nguồn: https://baoangiang.com.vn/)