Gặp chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ CAND

28/10/2013

Chi hội Nhạc sĩ CAND vừa tròn một tháng tuổi, đánh dấu bước phát triển mới trong đời sống âm nhạc của lực lượng Công an nhân dân (CAND). Sau đây là trò chuyện với Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường - Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ CAND.

- Thưa Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường, trước hết, xin chúc mừng ông vừa trở thành Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ CAND. Là người dành nhiều tâm huyết, công sức cho những hoạt động âm nhạc trong lực lượng CAND, xin ông cho biết tình hình hoạt động âm nhạc của lực lượng trong thời gian qua?

+ Có thể nói, xét cả lĩnh vực sáng tác và lĩnh vực biểu diễn, âm nhạc trong lực lượng CAND đều có một bề dày truyền thống đáng tự hào. Trong lĩnh vực biểu diễn, từ những năm 60 của thế kỷ trước, hoạt động văn nghệ quần chúng trong lực lượng CAND luôn được chú ý và duy trì đẩy mạnh, góp một phần quan trọng trong hoạt động âm nhạc quần chúng trên phạm vi cả nước. Có những tác phẩm đã trở thành truyền thống tiêu biểu cho các đơn vị, ngành nghề và Công an các địa phương, có sức lan tỏa sâu rộng trong và ngoài lực lượng CAND như "Người Công an thân yêu" (Văn Cao), "Từ một ngã tư đường phố" (Phạm Tuyên), "Chúng ta là chiến sĩ Công an" (Trọng Bằng), "Giữ trọn lời thề" (nhạc: Trương Hùng; lời: Phan Gia Liên), "Chúng con canh giấc ngủ của Người" (Đăng Nước)… Gần đây nhất, tại Hội diễn Công đoàn toàn quốc, các tiết mục "Nữ chiến sĩ Cảnh sát giao thông", "Cảnh sát 141"… đã đạt Huy chương vàng. Nhiều đơn vị có phong trào văn nghệ rất mạnh như Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Tổng cục An ninh, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Công an Hải Phòng, Công an Đà Nẵng, Công an Tuyên Quang… đã thành lập những nhóm văn nghệ xung kích không chỉ phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng mà còn phục vụ đông đảo bà con. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã có những đổi mới và chú trọng phát triển hoạt động của Đoàn Nghệ thuật CAND và mới đây, Bộ đã thành lập thêm Đoàn Nghệ thuật Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động để phục vụ nhiệm vụ chính trị và hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp. Cả hai đoàn nghệ thuật nói trên đều có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp âm nhạc quốc gia. Ngoài việc biểu diễn trong nước, Bộ Công an đã chú ý hoạt động giao lưu quốc tế, đã tổ chức nhiều chuyến lưu diễn của Đoàn Nghệ thuật CAND tại các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Trong lĩnh vực sáng tác, chúng ta đã tổ chức tốt nhiều đợt thâm nhập thực tế cho các nhạc sĩ trong và ngoài lực lượng tìm hiểu cuộc sống sôi động, đa dạng, phong phú của các chiến sĩ CAND trên các mặt trận. Phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức các trại sáng tác âm nhạc về đề tài CAND cho các nhạc sĩ định kỳ 2 năm một lần. Tổ chức các cuộc thi và xét giải thưởng cho các tác phẩm âm nhạc về đề tài CAND thời kỳ đổi mới… Từ đó, hàng trăm tác phẩm có chất lượng tốt, nội dung sâu sắc ca ngợi truyền thống, những tấm gương hy sinh dũng cảm trong đấu tranh chống tội phạm… ra đời. Từ năm 2003 đến 2010, chúng ta đã phối hợp với Nhà xuất bản Âm nhạc phát hành hàng chục CD và ấn phẩm sách ca nh ạc giới thiệu hàng trăm ca khúc của các nhạc sĩ trong và ngoài lực lượng, phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền.


Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an;
Trung tướng Bùi Quang Bền, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân chúc mừng BCH Chi hội Nhạc sĩ CAND.

- Thời gian vừa qua, nhắc tới hoạt động văn học nghệ thuật trong lực lượng Công an, khán giả biết tới nhiều hơn cả là những hoạt động trong các lĩnh vực như văn học, sân khấu. Vậy theo ông, đâu là lý do khiến cho các hoạt động âm nhạc chưa có được vị trí đúng như vai trò quan trọng của nó?

+ Mặc dù âm nhạc là một lĩnh vực rất quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ nhưng lâu nay, do chưa có tổ chức chi hội nhạc sĩ hoạt động mang tính chuyên sâu nên mối liên hệ giữa các nhạc sĩ trong lực lượng còn hạn chế, chưa phát huy được hết sức mạnh tổng hợp của một tập thể sáng tạo. Cơ chế chính sách đầu tư cho hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm mới của nhạc sĩ CAND còn bất cập. Nhiều đơn vị quản lý chưa thật sự quan tâm đến lực lượng sáng tác dẫn đến chưa có sự động viên, coi trọng kịp thời ở cấp cơ sở. Nhiều khi các sáng tác ra đời nếu không có sự giúp đỡ của các đơn vị để hòa âm, phối khí hay mời ca sĩ thể hiện, tác phẩm sẽ không thể đến được với công chúng.

Những hoạt động mang tính tổng kết lý luận về mảng đề tài CAND trong lĩnh vực âm nhạc gần như chưa có. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý biểu diễn nghệ thuật, các phương tiện truyền thông trong và ngoài lực lượng chưa hiệu quả khiến cho hoạt động âm nhạc trong lực lượng Công an chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

- Phát biểu tại Đại hội Chi hội Nhạc sĩ CAND lần thứ nhất, các nhạc sĩ như Trọng Bằng, Cát Vận, Đỗ Hồng Quân… đều đánh giá cao sự trưởng thành, lớn mạnh và đoàn kết của các nhạc sĩ trong lực lượng Công an. Ông nhận xét thế nào về những cây bút sáng tác âm nhạc trong lực lượng Công an hiện nay?

+ Bên cạnh mảng sáng tác của các nhạc sĩ tên tuổi viết tặng lực lượng Công an thì có một số lượng không nhỏ các tác phẩm do các nhạc sĩ trong ngành sáng tác. Điều đáng mừng là chúng ta có một số cây bút là hội viên chi hội được đào tạo chính quy tại nhạc viện như nhạc sĩ Trương Hùng, nhạc sĩ Việt Linh... Số còn lại hầu hết đều có năng khiếu nghệ thuật, tự học qua các lớp âm nhạc ở các môi trường khác nhau và trưởng thành từ các lĩnh vực âm nhạc như nhạc công hoạt động trong các nhóm "Ca khúc chính trị" trước đây. Các anh tuy công tác từ những đơn vị khác nhau nhưng đều có kiến thức sâu rộng về âm nhạc. Những sáng tác của những cây bút này luôn ngập tràn cảm xúc và ăm ắp chất liệu đời sống. Điều đó đã làm nên những ca khúc nổi tiếng như "Giữ trọn lời thề" (nhạc: Trương Hùng; lời: Phan Gia Liên), "Khúc ca người chiến sĩ an ninh" (Đức Tuyết), "Đêm tuần tra" (Minh Sơn)… Với lao động không mệt mỏi, nhiều cây bút đã trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam hay đoạt giải tại các hội diễn toàn quốc, các cuộc thi sáng tác của quốc gia như Đăng Huân (Công an Hà Nội), Hoàng Thọ (Công an Quảng Bình), Dương Năm (Công an Tiền Giang)… Ngay ở lĩnh vực biểu diễn cũng vậy, lực lượng Công an có rất nhiều nhân tài. Chúng ta từng tự hào về ban nhạc của Công an thành phố Hải Phòng, những giọng hát hay như Quốc Huy (Công an Hà Nam), Hoàng Thành (Công an Quảng Ninh), Mai Trực (Công an TP Hồ Chí Minh), Xuân Lục (Công an Bà Rịa - Vũng Tàu), Thu Hà (Tổng cục V), Văn Tuấn (Công an Hà Nội)… Chi hội Nhạc sĩ CAND ra đời không chỉ là một tổ chức để định hướng, động viên anh em mà qua đó, các đơn vị quản lý anh em thấy được đó là những tài năng cần được tạo điều kiện phát huy.

- Được biết, chủ đề chính của Đại hội Chi hội Nhạc sĩ CAND lần thứ nhất là "Tận tâm, sáng tạo vì một đời sống âm nhạc về đề tài CAND hội nhập và phát triển trong thời kỳ mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ An ninh Tổ quốc", trước mắt với 15 hội viên, Chi hội sẽ có kế hoạch gì để thực hiện được những điều này, thưa nhạc sĩ?

+ Việc thành lập Chi hội Nhạc sĩ CAND có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là cầu nối giữa hoạt động nghệ thuật của lực lượng Công an với Hội Nhạc sĩ Việt Nam mà quan trọng hơn, đây sẽ là một trong những cầu nối giữa lực lượng Công an với quần chúng nhân dân. Dù còn rất non trẻ nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện để các nhạc sĩ trong lực lượng có thể thoải mái sáng tác cho ngành, cho đất nước. Điều mà đời sống âm nhạc của CAND đang thiếu là những ca khúc mang hơi thở thời đại với giai điệu vui tươi, rộn ràng, đề cập đến những chủ đề thật gần gũi. Chúng tôi đang tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác cho các nhạc sĩ ở Tuyên Quang - Hà Giang. Sau này có thể sẽ 6 tháng tụ họp anh em nhạc sĩ một lần để trao đổi kinh nghiệm sáng tác…

- Là tác giả của những ca khúc về lực lượng CAND được khán giả yêu mến như "Chúng tôi là Chiến sĩ Công an Việt Nam", "Nỗi nhớ Hà Nội" và gần đây là "Nữ chiến sĩ Cảnh sát giao thông"… xin nhạc sĩ chia sẻ bí quyết gì khi sáng tác những tác phẩm về đề tài này?

+ Tôi thường nghe và học tập cách viết ca khúc của các nhạc sĩ tên tuổi đi trước. Nghe nhiều, tôi nghiệm ra rằng, để có được một tác phẩm âm nhạc hay, phải có giai điệu hay, lời ca giản dị, gần gũi với đời thường của người chiến sĩ Công an và quan trọng nhất là phải viết bằng cảm xúc, bằng sự xúc động chân thành của một người lính như một lời tâm sự, sẻ chia với đồng chí, đồng đội mình. Tôi đã viết những ca khúc theo những trải nghiệm ấy và rất vui được cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng đón nhận nồng nhiệt. Ca khúc "Chúng tôi là Chiến sĩ Công an Việt Nam" không chỉ trở thành bài hát có sức lan truyền sâu rộng trong ngành, đoạt giải nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2005 mà tác phẩm còn được Đài Tiếng nói Việt Nam lựa chọn là "Bài ca đi cùng năm tháng". Tôi quan niệm, đừng viết những gì quá cao siêu, hãy viết những gì giản dị gần gũi xung quanh mình bằng những cảm xúc chân thực nhất.

- Xin cảm ơn Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường!

 Nguồn: báo CAND

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...