Furtwängler: Bậc thầy của khoảnh khắc

25/04/2019

Ở Furtwängler, người ta thấy tồn tại mâu thuẫn: một mặt, với vai trò giám đốc âm nhạc của Berlin Philharmonic, ông thuộc về tổ chức này nhưng về mặt âm nhạc, ông đã bị coi là một người ngoài cuộc ngay từ khi mới bắt đầu đảm nhiệm vị trí này vào năm 1922. Những người cùng thời với ông như các nhạc trưởng Arturo Toscanini và Bruno Walter đều có cách lựa chọn rời châu Âu để tới Mỹ trong khi dù đối đầu Hittler nhưng ông vẫn tìm cách ở lại Đức.

Tranh chân dung nhạc trưởng Wilhelm Furtwängler treo tại bảo tàng Oldenburg. Nguồn: oldenburg-museum.de.

Mặc dù “kỷ lục” là nhạc trưởng trẻ nhất trong lịch sử chỉ huy Berlin Philharmonic bị Gustavo Dudamel “tước lấy” vào năm 2008 nhưng Wilhelm Furtwängler vẫn là một trường hợp đặc biệt trong thế giới âm nhạc. Năm 17 tuổi, ông bắt đầu sáng tác và ba năm sau bước lên bục chỉ huy để trình tấu với dàn nhạc Kaim Orchestra, phần Largo từ bản giao hưởng đầu tiên của mình, overture Die Weihe des Hauses của Beethoven và bản giao hưởng số 9 của Bruckner. Những thành công bước đầu đã đủ sức đưa Furtwängler vào vị trí giám đốc âm nhạc nhiều dàn nhạc ở Lübeck, Mannheim, Frankfurt, Vienna năm 1911 và 1921. Ở tuổi 35, tài năng của ông bắt đầu nở rộ, trở thành nhạc trưởng hai dàn nhạc lớn Berlin Philharmonic và Leipzig Gewandhaus Orchestra, sau đó là vị trí giám đốc âm nhạc của Vienna Philharmonic.
Khi Hitler lên nắm chính quyền vào năm 1933, bất chấp niềm tự hào về di sản Đức của mình, Furtwängler trở thành người đối đầu chính quyền Đức quốc xã và từ chối mọi lời chào mời, ngay cả từ chính Hitler. Năm 1933, ông viết một bức thư công khai tới Goebbels, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của Đức quốc xã, để phản đối chính sách bài Do Thái. Năm 1934, khi Mathis de Maler của Hindemith bị cấm diễn, Furtwängler đã đơn phương từ chối các hợp đồng biểu diễn, hỗ trợ các nhạc công Do Thái bị chính quyền bức hại, không tham gia các buổi hòa nhạc trong khu vực bị Đức quốc xã xâm chiếm.

Tuy nhiên, những đánh giá về thái độ chính trị của Furtwängler rất trái chiều, thậm chí có nhiều người kết tội ông là người đồng cảm với Đức quốc xã thông qua một số hoạt động của ông dưới thời Hitler. Sau chiến tranh, Khối Liên minh đã phải xóa tội danh này cho ông. Năm 1949, dàn nhạc Chicago Symphony Orchestra định mời Furtwängler nhưng ban giám đốc đã nhanh chóng rút lại lời mời sau sự phản đối của nhạc công.

Từ đó đến cuối đời, ông chỉ biểu diễn tại châu Âu và qua đời tại Baden-Baden năm 1954. Theo lời kể của vợ ông, Furtwängler chết trong u sầu và phiền muộn giữa những nỗi giằng xé về di sản văn hóa Đức.

Khó có thể hiểu cặn kẽ những suy nghĩ nội tâm của ông, chỉ biết rằng nhìn từ bên ngoài, ông là người có phạm vi hoạt động rộng, không chỉ bó hẹp trong những vùng đất của Đế chế ba. Ông bay trong những chiếc máy bay cánh quạt gió lùa tới Nam Mỹ, bất cứ khi nào có một lời đề nghị hấp dẫn cuốn ông tới đó (trong những năm đầu thập niên 1920, số lượng hành khách còn ít đến mức ngày nay chúng ta có thể coi ông “đi máy bay riêng”). Khi tiếp quản vị trí giám đốc Berlin Philharmonic vào năm 1922, ông vẫn hoạt động ở Gewandhaus của Leipzig và ở Vienna. Xem lại các tờ chương trình những năm đó khiến chúng ta rút ra chỉ một kết luận: người đàn ông này hẳn phải dành phần lớn thời gian của mình để sống trên những chuyến tàu đêm. 

Khi còn nhỏ tôi đã biết Furtwängler là ai. Tôi đã được nghe ông chỉ huy St. Matthew Passion của Johann Sebatien Bach tại Buenos Aires, và do đó, việc tôi được giới thiệu với ông vào mùa hè năm 1954 là điều gì đó rất đặc biệt. Dù ngày ấy, tôi chỉ thấy một vầng hào quang quanh người đàn ông đó nhưng ngày nay, tôi có thể tưởng tượng rằng Furtwängler hẳn cũng rất dễ sợ hãi, dễ bị tổn thương như một con người bình thường. Và cũng rất Đức nữa. Furtwängler cần ngôi nhà âm nhạc của mình. Có lẽ đây là lý do tại sao ông không bao giờ chấp nhận sự kết thúc của điệu thức (tonality), vốn bị coi là “lỗi thời” kể từ khi Schönberg phát triển kỹ thuật 12 âm vào những năm 1920. 

Là một nhà soạn nhạc, Furtwängler chủ yếu giỏi tạo ra những nấc thang kịch tính dị thường. Nếu các tác phẩm của ông không được viết ra vào nửa đầu thế kỉ 20 mà vào khoảng năm 1870 thì thế giới hẳn sẽ hết sức ngạc nhiên trước những kiệt tác này. Về mặt tài khéo thì âm nhạc của ông tuyệt đối hoàn hảo nhưng không ai có thể coi âm nhạc của ông là “mới”, “nổi bật” hay “mang tính cách mạng” mà chỉ có thể gọi đó là “đẹp”, “du dương” hay “lãng mạn” bởi các tác phẩm của ông gần gũi với truyền thống của J Brahms và Franz Schmidt hơn là những đồng nghiệp đương thời. 

Có thể vin vào lý do đó mà người ta luôn cho rằng Furtwängler bảo thủ. Nhưng điều đó không thật đúng, đặc biệt ngay từ khi còn trẻ, Furtwängler đã chỉ huy Le Sacre du Printemps (Lễ bái xuân) của Igor Stravinsky và muộn hơn là Các biến tấu cho dàn nhạc của Schönberg. Furtwängler luôn có một niềm tin vững chắc là âm nhạc cũng cần có tiến triển bởi về bản chất, âm nhạc là thứ âm thanh phải được biến đổi. Theo cách hiểu này, các tác phẩm âm nhạc ông trình tấu luôn luôn ẩn chứa cái mới mẻ, không bao giờ chỉ để ‘ghi danh” cho kịch mục biểu diễn. Do vậy khi Furtwängler chỉ huy, một bản giao hưởng của Beethoven có nhiều nét mới mẻ và sống động y như một tác phẩm mới được sáng tác ngày hôm qua. 

Furtwängler quả là độc đáo. Nếu với trường hợp Herbert von Karajan, nhạc trưởng kế vị ông chẳng hạn, các nhạc công luôn hiểu khá nhanh điều nhạc trưởng muốn và lập tức thực hiện nó. Còn trong trường hợp Furtwängler, mọi thứ luôn khác: người ta không thể đoán trước ông sẽ làm gì, do đó phải tuân theo yêu cầu nội tại của chính ông. Ông nắm bắt được tính tự do và tự nhiên trong âm nhạc không phải bởi sở thích cá nhân nào đó của mình mà vì cảm nhận được điều đó từ các cấu trúc âm nhạc. Không bao giờ suy tính việc “làm thế nào” trong một tổng phổ Furtwängler cho rằng thực hiện điều quan trọng đó “ở chỗ nào”. Ông tự nhủ rằng ở đây phải có phách nhấn và ở kia không thể nào có phách nhấn. Thiếu bộ khung này và sự phân tích này, ông không bao giờ đạt được sự tự do được như thế trong trình tấu âm nhạc. Đây là lý do khiến Furtwängler còn vượt xa hơn nhiều so cả danh hiệu “bậc thầy của khoảnh khắc” mà ông thường được mệnh danh. Đó chính là điều tôi thấy ấn tượng nhất về ông: dù giữ trọn bổn phận nhưng ông vẫn có được một sự tự do phi thường. 

Vì đủ may mắn được bắt đầu sự nghiệp âm nhạc từ sớm, tôi đã có thể gặp gỡ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng với tư cách cá nhân, đôi khi có vẻ như tôi là người cuối cùng có dịp tiếp kiến những con người xuất sắc đó theo kiểu tới thăm lần chót “một viện bảo tàng nghệ thuật thời tiền sử” trước khi nó bị đóng cửa mãi mãi. Có một điều tôi nhận thấy là những nhân vật lớn đều tìm thấy vấn đề của riêng mình qua năm tháng, một ý tưởng mà rút cục họ phụ thuộc hoàn toàn: nghệ sĩ cello Pablo Casals đã khám phá ra rằng các nốt nhỏ không được nghe đầy đủ. Vì thế ông hầu như không tập trung vào cái gì khác nữa, cuối cùng trở thành cái gì đó trong bức tranh biếm họa chính mình. Nghệ sĩ violin Isaac Stern đánh dấu luyến âm bằng tay vĩ phải với hiệu quả tương tự. Nhưng trong trường hợp Furtwängler, không có gì giống như vậy cả. Đối với ông luôn luôn tồn tại điều bí ẩn diệu kỳ. 

Tầm vóc huyền thoại của Furtwängler chỉ thực sự bắt đầu thành hình vào cuối những năm 1960. Các nhạc trưởng thế hệ sau như chúng tôi đều cảm thấy ảnh hưởng của Furtwängler lên phong cách của mình: Claudio Abbado, Zubin Mehta và tôi. Dù các công ty thu âm đều không đặc biệt thích ông nhưng chúng tôi giờ đây phát hiện ra các bản thu âm mà chúng tôi thấy tốt hơn so với chính tác phẩm trên thực tế: bản thu âm Giao hưởng thứ tư của Schumann do Furtwängler chỉ huy là một ví dụ tốt cho điều này. Hoặc bản thu âm vở Tristan und Isolde với Kirsten Flagstad và Ludwig Suthaus do ông chỉ huy. Bạn không thể bắt chước nổi cách trình tấu như thế: những điều bạn có thể làm chỉ là cố gắng tìm hiểu lý do tại sao tác phẩm được trình tấu theo cách đó nhưng đến khi làm theo thì tác phẩm lại theo một cách hoàn toàn khác. Âm thanh tạo ra không thể sánh được với âm thanh của Furtwängler mà chỉ là na ná như Furtwängler. 

Nhiều nghệ sĩ làm âm nhạc giống như cách họ sống cuộc sống của họ. Furtwängler cũng vậy, ông luôn cố gắng sống cuộc sống của mình giống như cách ông làm âm nhạc. 

(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...