Festival quốc tế Âm nhạc Mới “Âu – Á” lần thứ XII tại Kazan
Festival quốc tế Âm nhạc Mới “Âu - Á" lần thứ XII được tổ chức tại Kazan từ 23 đến 25 tháng 9 năm 2015. Festival do Bộ Văn hóa và Hiệp hội các nhà soạn nhạc nước Cộng hòa Tatarstan sáng lập. Festival quốc tế Âm nhạc Mới "Âu - Á" là diễn đàn âm nhạc lớn được ghi nhận ở Nga và ở nước ngoài. Đây là Festival đầu tiên xuất hiện trong thời hậu Liên Xô (cũ) và đã khẳng định được tầm quan trọng của hoạt động văn hóa này. Trong hơn 20 năm tồn tại, các sáng tác của các nhà soạn nhạc hàng đầu từ 45 quốc gia trên thế giới đã được vang lên tại các buổi hòa nhạc. Hiện nay, các nghệ sĩ đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Bỉ, Hy Lạp, Nga và Kazakhstan đã trở thành khách mời của Festival.
Âm nhạc kết nối các châu lục
Bộ trưởng Văn hóa Tatarstan tiếp các nhạc sĩ các nước tham dự Festival
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và cộng đồng người Việt dự Khai mạc Festival
Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Tatarstan
Nữ nhạc trưởng Hy Lạp với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
Hoàng Anh Tú với Đối thoại tại Festival Á - Âu 2014 ở Hà Nội
Festival quốc tế Âm nhạc Mới “Âu - Á" lần thứ XII được tổ chức tại Kazan từ 23 đến 25 tháng 9 năm 2015. Festival do Bộ Văn hóa và Hiệp hội các nhà soạn nhạc nước Cộng hòa Tatarstan sáng lập. Festival quốc tế Âm nhạc Mới "Âu - Á" là diễn đàn âm nhạc lớn được ghi nhận ở Nga và ở nước ngoài. Đây là Festival đầu tiên xuất hiện trong thời hậu Liên Xô (cũ) và đã khẳng định được tầm quan trọng của hoạt động văn hóa này. Trong hơn 20 năm tồn tại, các sáng tác của các nhà soạn nhạc hàng đầu từ 45 quốc gia trên thế giới đã được vang lên tại các buổi hòa nhạc. Hiện nay, các nghệ sĩ đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Bỉ, Hy Lạp, Nga và Kazakhstan đã trở thành khách mời của Festival.
Festival Âm nhạc Mới “Âu - Á" lần này có 10 quốc gia tham dự, với 5 chương trình hòa nhạc thính phòng và các buổi dạ tiệc. Giám đốc nghệ thuật của Festival là nhà soạn nhạc Rashid Kalimullin - Nghệ sĩ nhân dân Nga, Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Liên bang Nga, Chủ tịch Hiệp hội các nhà soạn nhạc Tatarstan. Năm nay, TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và NSND Hoàng Anh Tú với cây đàn bầu đã tham dự Festival danh giá này.
Lễ khai mạc Festival quốc tế Âm nhạc Mới “Âu - Á" lần thứ XII đã diễn ra đêm 23 tháng 9, tại Phòng hòa nhạc lớn Salikh Saidashev. Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Tatarstan trình diễn tác phẩm của các nhà soạn nhạc đến từ Nhật Bản, Việt Nam, Mỹ và Nga. Khách mời ngôi sao là nữ nhạc trưởng Zoe Zeniodi (Hy Lạp) - Giám đốc nghệ thuật và âm nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Broward (Florida, Mỹ) và nhạc trưởng của Dàn nhạc giao hưởng Trẻ “Moysa” (Hy Lạp). Các nghệ sĩ độc tấu có nghệ sĩ piano Feodor Amirov (Nga) - người chiến thắng trong cuộc thi quốc tế Chopin cho nghệ sĩ piano trẻ (Matxcơva, 1996), NSND Hoàng Anh Tú (Việt Nam), NSND Raila Aznakaeva (nước Cộng hòa Bashkortostan) và các nghệ sĩ Tatarstan: Artur Mukhametshin (clarinet) và Maria Begovatova (saxophone)…
Tác phẩm “Dialogue” (Đối thoại) của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân được biểu diễn trong Lễ Khai mạc Festival với sự thể hiện của nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Anh Tú cùng Dàn nhạc giao hưởng Tatarstan đã gây xúc động và tạo dấu ấn trong lòng khán giả quốc tế. Đoàn Việt Nam đã chứng tỏ sự trưởng thành cũng như khả năng phát triển khi lựa chọn kết hợp nhạc cụ dân tộc cùng Dàn nhạc giao hưởng để tạo hướng đi riêng cho khí nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết:
“Đối thoại” là tác phẩm gồm nhiều khúc đoạn với những trạng thái âm nhạc khác nhau, có những đoạn sôi nổi, có những đoạn trữ tình, mang tính chất lễ hội dân gian. Giai điệu của tác phẩm như sợi dây nối bằng âm thanh của tiếng đàn bầu – một nhạc cụ dân tộc của Việt Nam. Ý tưởng của “Đối thoại” chính là sự đối thoại, giao hòa giữa âm hưởng của nhạc cụ dân tộc và dàn nhạc quốc tế, giữa nhạc cụ độc tấu với tập thể dàn nhạc, giữa giai điệu dân gian Việt Nam với những cấu trúc về âm nhạc, hòa thanh, tiết tấu của một dàn nhạc tiêu biểu phương Tây.
Qua tác phẩm này, tôi muốn vẽ nên một bức tranh phong phú về giai điệu, về màu sắc và có sự đối thoại. Trong tác phẩm cũng có nhiều giai điệu của các vùng miền như dân ca miền Trung, dân ca Bắc bộ, hát Xoan… tạo thành sự gắn kết giữa văn hóa và âm nhạc của các châu lục. Mặc dù cho đến nay, khí nhạc của Việt Nam vẫn còn rất non trẻ, song với một hướng đi mới, cùng kho tàng âm nhạc dân gian đồ sộ, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của nền khí nhạc Việt Nam”.
Lễ Bế mạc Festival và chương trình Gala diễn ra tại phòng hòa nhạc của Liên hiệp Hội Nhà văn nước Cộng hòa Tatarstan vào đêm 25 tháng 9, là buổi hòa nhạc của các nhà soạn nhạc của Tatarstan, Đoàn nghệ thuật đương đại Matxcơva, Đoàn nghệ thuật dân tộc Nizhnekamsk (Tatarstan), nghệ sĩ khách mời các nước: Việt Nam, Trung Quốc, nước cộng hòa Buryatia, Khakassia… Các nghệ sĩ biểu diễn những âm thanh độc đáo của nhạc cụ dân tộc truyền thống. Những nghệ sĩ tham gia buổi hòa nhạc sẽ là chủ nhân của Giải thưởng Lớn cuộc thi nhạc thính phòng quốc tế "New Music" do giám đốc nghệ thuật Anna Gulishambarova là nhạc trưởng.
*
NSND Hoàng Anh Tú, sinh năm 1962 tại tỉnh Yên Bái, anh bắt đầu học âm nhạc từ năm 1971 tại Nhạc viện của Hà Nội. Năm 1986, tốt nghiệp loại xuất sắc. Từ năm 1987 đến nay, Hoàng Anh Tú là nghệ sĩ solo tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long Hà Nội. Hoàng Anh Tú đã đoạt nhiều Huy chương Vàng, Bạc tại các cuộc Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Tại Liên hoan biểu diễn Nhạc cụ dân tộc toàn quốc (1988-1989), anh giành Huy chương Vàng độc tấu đàn bầu với tác phẩm “Cung đàn mùa xuân” (Tác giả: Xuân Khải); năm 1992, giành Huy chương Bạc độc tấu đàn bầu trong “Hội thi ca múa nhạc dân tộc” và giải thưởng “Lễ hội tình bạn mùa xuân tháng 4” tại Triều Tiên; năm 1995 giành Huy chương Bạc... Hoàng Anh Tú đã đi biểu diễn ở các nước như: Bắc Triều Tiên (1987); Nhật Bản (1989); Singapore (2006); và các nước khác, như: Nga, Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ; Canada, và các nước Đông Nam Á…
Năm 2010, Hoàng Anh Tú được nhà nước phong tặng Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, và năm 2015 là Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.