Festival Quốc tế Âm nhạc Giao hưởng Uzbekistan lần thứ V

27/12/2018

Festival quốc tế Âm nhạc Giao hưởng Uzbekistan lần thứ V do Hiệp hội các nhà soạn nhạc Uzbekistan phối hợp với Bộ Văn hóa, Đài phát thanh truyền hình quốc gia, Học viện Âm nhạc quốc gia Uzbekistan tổ chức, đã diễn ra từ ngày 5 đến 10 tháng 11 năm 2018, tại thủ đô Tashkent, nước Cộng hòa Uzbekistan.

Gặp mặt các đại biểu và sinh viên

Các đại biểu tham dự Festival

Mục đích của Festival quốc tế Âm nhạc Giao hưởng để tích cực thúc đẩy các nhà soạn nhạc Uzbekistan và các quốc gia khác sáng tạo, kích thích sự phát triển thể loại nhạc giao hưởng, cũng như việc mở rộng quan hệ quốc tế trong lĩnh vực âm nhạc. Đối tượng tham gia Festival là những nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nghệ sĩ biểu diễn, nhà lý luận âm nhạc, nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà xuất bản…

Lần đầu tiên, Festival được tổ chức vào năm 1998, với hơn 30 tác phẩm âm nhạc giao hưởng của các nhà soạn nhạc Uzbekistan và các nhà soạn nhạc các nước đã được thực hiện. Với mỗi Festival tiếp theo là sự mở rộng tới các quốc gia khác với nhiều thể loại giao hưởng được trình bày kết hợp, pha trộn nhiều âm sắc của các loại nhạc cụ làm cho dàn nhạc ngày càng thêm phong phú. Người nghe có thể thưởng thức sự phong phú muôn màu, muôn vẻ của các tác phẩm nhạc giao hưởng: Liên khúc giao hưởng, tổ khúc giao hưởng, concerto, ouverture, thơ giao hưởng, những khúc rhapsodie và fantaisie giao hưởng, và cả những tác phẩm âm nhạc thính phòng…

Gặp mặt sinh viên của Học viện âm nhạc Uzbeskistan

Tham dự Festival lần này có gần 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ từ nhiều quốc gia, các dàn nhạc hàng đầu của Uzbekistan như: Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia, Dàn nhạc dân gian dân tộc; các dàn nhạc thính phòng, các nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ nổi tiếng của Uzbekistan và quốc tế.

Chương trình Festival bao gồm: Lễ khai mạc và chương trình hòa nhạc Giao hưởng, 18 giờ 30, ngày 6 tháng 11/2018, tại Học viện Âm nhạc Uzbekistan; Chương trình hòa nhạc các nhạc sĩ trẻ vào 10 giờ 30 ngày 7/11, tại Học viện Âm nhạc quốc gia Uzbekistan; Chương trình gặp mặt và tọa đàm với sinh viên tại Học viện Âm nhạc quốc gia Uzbekistan vào 15 giờ ngày 7/11; Chương trình hòa nhạc của nhóm "Omnibus” vào 18 giờ 30 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Uzbekistan; Chương trình hòa nhạc thính phòng vào 11 giờ ngày 8/11 tại Hội trường của Hiệp hội các nhà soạn nhạc Uzbekistan; Hòa nhạc của dàn nhạc thính phòng dân tộc "Sogdiana" vào 15 giờ 30 ngày 8/11 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Uzbekistan; Chương trình hòa nhạc giao hưởng vào 18 giờ 30 ngày 8/11 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Uzbekistan; Chương trình hòa nhạc thính phòng vào 15 giờ ngày 9/11 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Uzbekistan; Chương trình hòa nhạc giao hưởng và Lễ Bế mạc vào 18 giờ 30 ngày 9/11 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Uzbekistan; Chương trình dã ngoại tại thành phố Samarkand, gặp mặt và tọa đàm với sinh viên tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Samarkand vào ngày 10/11.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tại buổi tọa đàm với sinh viên Học viện âm nhạc Uzbekistan

Tại buổi gặp mặt với sinh viên Trường cao đẳng nghệ thuật Samarkand

Tại buổi họp báo và ký kết hợp tác

Tại buổi ký kết hợp tác âm nhạc

Với nhạc sĩ Rustam Abdullaev - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Uzbekistan 

Dâng hoa tại Đài tưởng niệm A.Navoi để tưởng nhớ những nạn nhân bị đàn áp

GS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tham dự Festival Âm nhạc đặc biệt này với tác phẩm “Trổ Một” được biểu diễn tại chương trình hòa nhạc Giao hưởng khai mạc của Festival. Nhạc sĩ Đỗ Hồng quân cho biết: Trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam – Chèo là hình thức Opera dân tộc – kết hợp hát, múa, nói và tốp nhạc Dân tộc đệm. Trong “Chèo” có nhiều đoạn, gọi là “Trổ”. “Trổ Một” là Trổ đầu tiên khi các nhân vật ra chào khán giả, cũng như tạo không khí vui tươi, có phần trào phúng, hài hước cho vở diễn. Xuất phát từ chất liệu Chèo, tác giả khai thác ở đây có sử dụng thủ pháp Poly Rhitm và Poly Tonal kết hợp với các giai điệu Dân ca Việt Nam. Năm 2015 “Trổ Một” được biểu diễn tại Phòng hòa nhạc Lớn của Nhạc viện Tchaikovsky Matxcơva nhân dịp 100 năm ngày sinh GS A. Leman, Dàn nhạc Giao hưởng Bộ Quốc phòng Nga thực hiện dưới sự chỉ huy của tác giả Đỗ Hồng Quân.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tại buổi hòa nhạc

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chụp ảnh với các đồng nghiệp

Tại buổi Họp báo được tổ chức vào 11 giờ ngày 6/11 tại trụ sở Hiệp hội các nhà soạn nhạc Uzbekistan, các bản ghi nhớ hợp tác lẫn nhau với các Hiệp hội các nhà soạn nhạc của Nga, Việt Nam, Úc, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan đã được ký kết.

Một cuộc Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Nghệ thuật âm nhạc thế kỷ XXI -  Các vấn đề và giải pháp” đã được tổ chức tại Học viện Âm nhạc quốc gia Uzbekistan vào sáng ngày 5 tháng 11, thành phần tham gia là các nhà nghiên cứu, giảng viên âm nhạc, các nhạc sĩ sáng tác, các nhà quản lý… Mục đích chính của hội thảo là để xác định các vấn đề thực tế nghệ thuật âm nhạc của thế kỷ XXI, đưa ra các vấn đề và giải pháp; xác định các khả năng trí tuệ và sáng tạo của các nhà khoa học trẻ, ứng viên độc lập và sinh viên đại học, thể hiện kết quả khoa học, thông báo và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, thu thập các kỹ năng chuyên môn cũng như các đề xuất khoa học, bao gồm các lĩnh vực như: Sáng tác âm nhạc thế kỷ XXI -  vấn đề và giải pháp; Câu hỏi về nghệ thuật biểu diễn: lịch sử, lý thuyết và thực hành; Công nghệ âm nhạc - sư phạm và phương pháp sáng tác; Âm nhạc dân gian dân tộc và sáng tác chuyên nghiệp; Các câu hỏi về lịch sử âm nhạc và lý thuyết…

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại cuộc Hội thảo này, đại diện của lĩnh vực âm nhạc đã hướng dẫn hình thành thị hiếu âm nhạc đúng đắn trong giới trẻ, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật cao, hoàn hảo theo phong cách hiện đại đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của người nghe, tiếp tục thúc đẩy hoạt động sáng tạo âm nhạc của các nhạc sĩ, tăng cường hợp tác quốc tế.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã tham dự Hội thảo với bài tham luận “Quá trình tiếp thu hệ thống âm nhạc phương Tây trong lịch sử phát triển nền âm nhạc mới Việt Nam”.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận bằng chứng nhận tham dự Festival

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.