Etude Chopin - Cuộc cách mạng trong đào tạo piano chuyên nghiệp ở Việt Nam
Với những khả năng biểu cảm đa dạng và phong phú, piano đã được các nhạc sĩ lựa chọn để thể hiện các tác phẩm - những đứa con tinh thần của họ, vì vậy mà nó sở hữu một số lượng lớn các tác phẩm với nhiều thể loại và phong cách âm nhạc khác nhau. Bên cạnh đó, piano là loại nhạc cụ đòi hỏi nhiều yếu tố kỹ thuật cao, để có thể nắm vững và làm chủ cây đàn đòi hỏi người chơi phải trải qua một quá trình dày công khổ luyện và không ngừng khám phá những kỹ thuật biểu diễn mới, điêu luyện và đặc sắc. Qua đó, người nghệ sĩ mới có thể tự tin thể hiện các tác phẩm âm nhạc có kỹ thuật riêng biệt của từng tác giả khác nhau.
Chúng ta có thể thấy những cống hiến của Chopin đối với nghệ thuật âm nhạc vô cùng to lớn, nhờ Chopin mà nghệ thuật piano đã đạt tới thời kỳ phát triển rực rỡ. Đó là etude Chopin mà trong âm nhạc được hiểu là một đoạn khí nhạc thường có một độ khó nào đó về kỹ thuật diễn tấu, dành cho một loại nhạc cụ với mục đích khai thác và hoàn thiện một mặt nào đó của kỹ thuật biểu diễn nhưng vẫn có được sự hấp dẫn về âm nhạc. Vì vậy, etude của Chopin không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đào tạo piano chuyên nghiệp mà còn được sử dụng phổ biến trong nhiều mục đích khác nhau.
*ETUDE CHOPIN - CHẤT LƯỢNG LÀ NGUYÊN TẮC VÀNG
Thể loại etude được ra đời từ cuối thế kỷ XVIII với các sáng tác của J.Bach, F. Durante, D. Scarllati, phần nhiều các bài này giống các bài phức điệu đối âm, Toccata, Air, Prelude… Những bản etude ra đời đầu tiên thiên về kỹ thuật, giúp các nghệ sĩ hoàn thiện một kỹ thuật nào đó. Tiền thân của các bản etude là các đoạn luyện tập ngắn. Phải đến đầu thế kỷ XIX, cùng với các sáng tác của J.Cramer, C. Zerny, M.Mokowsky... etude mới hình thành một thể loại đặc trưng với những mục đích và hình thức riêng biệt. Các nhạc sĩ đã có xu hướng sáng tác các bản etude không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn có tính giai điệu, đề cao tính âm nhạc và cấu trúc, hình thức ngày càng phức tạp. Nhiều bản đã có tiêu đề gắn với hình tượng cụ thể trong cuộc sống, chính vì thế các bản etude này có thể trình diễn độc lập giống như các tác phẩm của các thể loại khác.
Etude Chopin ra đời đã hình thành nền tảng cho một phong cách chơi mang tính cách mạng cho piano. Có thể nói tuyển tập Etude Chopin là tuyển tập etude đầu tiên giữ một vị trí vững chắc trong các tiết mục biểu diễn, đến ngày hôm nay vẫn được coi là một trong những bài etude có giá trị nhất. Trong cuộc đời ông đã cho xuất bản tất cả 27 etude và những kỹ thuật khó chưa từng xuất hiện ở thời kỳ đó, góp phần xây dựng hình tượng âm nhạc đặc trưng trong mỗi bản etude.
Với phong cách và bản tính riêng cùng khả năng thiên tài Chopin đã thổi hồn vào tác phẩm, làm cho những tác phẩm có hình thức nhỏ hơn vẫn mang được nội dung, ý nghĩa thực sự. Kể từ đó, khi bàn về những ý tưởng trong sáng tác các etude thì cái tên Chopin luôn được thốt lên như một lẽ hiển nhiên. Ở đây cũng không phủ nhận công lao của các nhạc sĩ khác như Cramer, Clementi, Moscheles, Liszt… và cũng không thể quên không kể đến John. Seb. Bach.
“Tôi đặt những etudes của Chopin lên trên tất cả các thể loại khác của ông bởi chứa đựng trong các etude thể hiện sự tập trung hầu hết toàn bộ trình độ kỹ thuật piano của ông”.
(Dịch từ bản tiếng Đức sang tiếng Anh của Albert Ross Parsons)
Những bước tiến mang tính cách mạng trong etude của Chopin được thể hiện rõ ràng qua hình thức, nội dung hình tượng nghệ thuật cũng như những phát minh táo bạo trong kỹ thuật chơi piano chưa từng được biết đến ở thời kỳ trước đó. etude Chopin đã tạo nên một hiện tượng mới trong giới chuyên môn cũng như sự công nhận của các thế hệ nghệ sĩ biểu diễn piano từ trước cho đến bây giờ mà chưa một ai phủ nhận.
Nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới Vladimir Horowitz đã có những ý kiến gần như đồng tình với phương pháp của Chopin nói rằng: “Kỹ thuật nảy sinh từ tư duy âm nhạc. Mỗi nhà soạn nhạc đều có một kỹ thuật đặc biệt như: J.Bach, L.V.Beethoven, J.Brahms, F.Chopin… Mỗi người đều có kỹ thuật của riêng mình, ta phải tìm ra kỹ thuật này bằng các ngón tay mình, phải cảm thấy nó”.
Chopin đã dựa trên nền tảng sáng tác etude ở các thời kỳ trước đó, qua quá trình luyện tập thực hành, giảng dạy của chính bản thân mà nghiên cứu, phân tích, nảy sinh những nhận định để phát triển ra thể loại etude nghệ thuật như bây giờ. Ông nghiên cứu không ngừng, vận động để giữ lại những ưu điểm của phương pháp sư phạm thời kỳ trước (giữ lại bản chất của etude là luyện tập một kỹ năng, một kỹ thuật ngón nào đó...), ông tìm ra cái hạn chế và có bước phát triển thay đổi về nội dung, tính chất bằng cách tạo hình tượng cho giai điệu, thổi hồn vào giai điệu, để các etude không chỉ đơn thuần là giai điệu cơ học, luyện ngón cơ học biến những giai điệu cơ học trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Đây chính là sự sáng tạo, tư duy mới đúng đắn mà các thế hệ nghệ sĩ piano thời kỳ sau này được thừa kế trong ngành sư phạm biểu diễn âm nhạc.
Sự đột phá của Chopin không chỉ về cách thức ông chạm phím đàn, mà hơn tất cả là sự kết hợp sự tập trung cả về tinh thần lẫn thể chất. Nói cách khác, tiếp cận của Chopin trong lối chơi kỹ thuật, ưu tiên trong lối chơi là chất lượng hơn số lượng mang đến lợi ích gấp đôi. Với ưu tiên này, không chỉ những giá trị của sự sắp xếp tự nhiên trong hoạt động nghệ thuật được coi trọng, mà người ta cũng sẽ chắc chắn rằng những yếu tố kỹ thuật trợ giúp tốt hơn cho việc rèn luyện tiêu chí về chất lượng mà nó được quy định. Do đó, chất lượng mới là nguyên tắc vàng của Chopin. Các dạng kỹ thuật piano cơ bản trong tập etude Chopin vẫn dựa trên mục tiêu về sư phạm nhằm rèn luyện nâng cao kỹ thuật cho người học piano chuyên nghiệp. Đây là những dạng kỹ thuật cơ bản nhưng rất đa dạng, phong phú và sáng tạo, có nhiều dạng khác nhau từ dễ tới khó.
* ETUDE CHOPIN - MỘT TƯ DUY MỚI TRONG ĐÀO TẠO
Các sáng tác của Chopin, cụ thể là những etude đã đóng một vai trò lớn trong việc giảng dạy và biểu diễn. Nhưng điều quan trọng là etude Chopin đã làm thay đổi tư duy trong cơ chế chơi đàn, tư duy về kỹ thuật đã thoát khỏi lề lối cũ, giải phóng cơ thể con người, giúp họ chơi đàn thoải mái hơn, phóng khoáng hơn, thể hiện được cảm xúc, cái riêng của mỗi người.
Trong một hội nghị về Chopin Geneva năm 1999, Ives Gerard đã trình bày vai trò của âm nhạc Chopin - đặc biệt là etude ở Nhạc viện Paris chủ yếu từ những năm 1840 cho đến cuối thế kỷ XX. etude đã xuất hiện trong các kỳ kiểm tra, các cuộc thi và trong phương pháp chơi đàn của Zimmerman, Marmontel, Mathias… Chopin là biểu tượng cho kỹ thuật và tính âm nhạc.
Để chơi được etude Chopin, theo nhà nghiên cứu A. Whiteside người học cần phải hình ảnh nghe chính xác; nhịp điệu cơ bản, được hiểu vừa là “những hoạt động liên tục ở cánh tay và thân mình - cái điều khiển toàn bộ khung cơ thể như một người biểu diễn tác phẩm” và đồng hồ đo nhịp. Cơ thể và cánh tay hoàn toàn phối hợp điều khiển khoảng cách - theo chiều ngang, dọc, trong và ngoài (sự khác nhau trong khoảng cách giữa phím đen và trắng từ cơ thể). Cơ thể và cách tay phối hợp hoàn toàn cho việc sử dụng lực.
Ở Việt Nam, tất cả các cơ sở đào tạo piano chuyên nghiệp như: Học viện Âm nhạc Quốc gia, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh thì etude Chopin luôn giữ một vị trí quan trọng hàng đầu không thể thiếu trong nội dung chương trình, giáo trình giảng dạy chuyên ngành piano.
Bởi vì, ngoài mục đích phát triển kỹ thuật biểu diễn của cây đàn piano, etude Chopin còn giúp người học nâng cao tư duy, thẩm mỹ trong âm nhạc từ đó nâng cao khả năng xử lý các tác phẩm âm nhạc tốt hơn. Trước kia, ở nước ta thường có suy nghĩ rằng, những em học sinh cuối trung cấp (hệ 9 năm) chuẩn bị lên đại học mới có thể học etude Chopin. Trên thực tế, với tốc độ phát triển kỹ thuật của học sinh ngày càng nhanh và vững vàng nên một số em học sinh trung học ngay khi mới ở năm thứ 4-5 đã có thể luyện tập và biểu diễn một số etude Chopin thành công.
Việc giảng dạy etude phù hợp sẽ giúp học sinh phát triển kỹ thuật, phát huy hiệu quả học tập tốt hơn. Đối với hệ trung cấp, việc cho các em tiếp xúc càng sớm với etude Chopin khi đủ trình độ sẽ rất thuận lợi trong việc phát triển kỹ thuật sau này. Các em có thể học các etude Chopin ở yêu cầu cơ bản làm tiền đề cho việc học, hoàn thiện các etude ở mức độ cao hơn.
Một lần nữa, chúng ta thấy được ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của etude Chopin trong đào tạo piano chuyên nghiệp. Chopin đã thành công khi xây dựng hình tượng trong các bài tập etude. Ông đã phát triển các etude với hình thức hoàn chỉnh hơn, tính tư duy về câu nhạc, đoạn nhạc mang tính nghệ thuật cao hơn. Chopin đã thoát ra khỏi lối tư duy sáng tác của thời kỳ trước với bố cục cấu trúc rõ ràng. Ở một số etude còn được bổ sung phần mở đầu ngắn, các phần nối, các phần kết, thậm chí một số etude có phần tương tự cadenza thu nhỏ. Với quy mô lớn hơn rất nhiều về số ô nhịp, một etude có thể lên đến 94 ô nhịp nhưng Chopin vẫn tập trung vào việc rèn luyện kỹ thuật, phản xạ, tính độc lập giống như mục đích sư phạm của thời kỳ trước đó.
Ở Việt Nam, học sinh, sinh viên khi học etude cũng có những thuận lợi như âm nhạc của Chopin có sự đồng điệu với con người Việt Nam, giàu chất thơ, trữ tình, ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, giai điệu mang âm hưởng dân ca, dễ gần dễ tiếp cận… Mặc dù vậy, học sinh Việt Nam cũng gặp một số khó khăn khi học etude, vì bàn tay nhỏ và ngắn hơn người châu Âu. Trong khi đó, etude Chopin lại luôn yêu cầu cao về tốc độ, hòa thanh phong phú nhiều giọng, nhiều bè… Đó cũng là cái khó cho học sinh sinh viên khi học và tiếp cận etude chopin.
Để học sinh, sinh viên thuận lợi khi học và tiếp cận etude, nguyên tắc của Chopin thay vì tập 7-8 tiếng một ngày, học sinh chỉ cần tập 2 tiếng nhưng phải có sự tập trung cao độ, sự tỉnh táo, chú tâm. Quan trọng nhất là người học phải có sự suy nghĩ, tránh tập đàn quá nhiều, tập một cách máy móc, thiếu suy nghĩ sẽ gây ra buồn chán, mệt mỏi, làm mất đi sự say sưa và cảm xúc trong âm nhạc.
Etude Chopin đã thay đổi về tư duy trong cơ chế chơi đàn, tư duy về kỹ thuật đã thoát ra khỏi lề lối cũ và đi theo lối tự nhiên của cơ thể khi người chơi đàn được sử dụng lực của tất cả các phần trên từ bàn tay, cách tay, khuỷu tay, cổ tay… tạo ra sự giải phóng cơ thể nguyên tắc tự nhiên giúp cho người chơi đàn được tự do, không bị gò bó, không còn chơi đàn theo lối kỹ thuật máy móc nữa.
Một điều quan trọng sẽ giúp cho việc thực hiện tốt etude Chopin đó là người giáo viên cần có bước hướng dẫn học sinh sinh viên tự phân tích cấu trúc, bố cục của tác phẩm như phân câu, phân đoạn hay phân biệt các phần mở đầu, thân bài và phần kết thúc… Việc làm này sẽ giúp cho người chơi có tư duy đúng trong cấu trúc của bài etude, dẫn đến việc họ sẽ thể hiện hay nói cách khác họ sẽ trình bày tác phẩm tốt hơn. Thêm vào đó như đã nói ở phần trên etude Chopin không chỉ đơn thuần là những bài tập cơ học đơn thuần mà là một dạng bài luyện kỹ thuật có kết hợp nội dung, hình tượng âm nhạc của mỗi bài, nên người chơi cần có sự liên tưởng đến một hình tượng và tìm ra được chìa khóa của bài etude đó.
Hai yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật luôn song hành và tác động hỗ trợ nhau trong etude Chopin nhưng không ít học sinh sinh viên gặp phải vướng mắc này khi chỉ chú tâm đến yếu tố kỹ thuật thì tính nghệ thuật bị đặt nhẹ hoặc ngược lại. Vậy nên việc học sinh, sinh viên nắm vững được hoàn cảnh lịch sử của tác giả, tác phẩm cũng như nguồn gốc cùng với những vấn đề liên quan đến tác phẩm đó là vô cùng quan trọng.
Đây là một trong những chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu nằm trong lĩnh vực piano rộng lớn. Hy vọng chuyên đề sẽ là nhân tố bổ sung tăng cường hiểu biết về thể loại etude của nhạc sĩ Chopin nói riêng và góp phần phát triển toàn diện về nội dung sao cho phù hợp với từng cấp học trong quá trình giảng dạy và biểu diễn piano chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Chuyên đề khẳng định vai trò, tầm quan trọng của etude Chopin đối với quá trình đào tạo, giảng dạy, rèn luyện và phát triển tài năng âm nhạc ở Việt Nam, góp phần nâng cao công tác đào tạo chuyên môn và nghiên cứu lịch sử piano nước nhà.