Em là tôi, và tôi cũng là em
Tôi nhớ Giang Trang, trong bộ áo dài trắng ở nhạc Trịnh cách đây chừng 10 năm. Bé nhỏ, gầy guộc và hư hao.
Ngày đó tôi nghĩ, Trang sinh ra để hát nhạc Trịnh, giọng hát mộc, tự nhiên, vừa thực vừa hư ảo của Trang sinh ra để dành cho âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Nhưng Trang không chỉ dừng lại ở một người hát. Giang Trang hát Trịnh Công Sơn trong một tâm thế khác, của một người quan sát, tìm hiểu về văn hóa cá thể một nhạc sĩ. Trong mắt tôi, Trang là số ít người chơi nhạc có tư tưởng.
Bảy năm thử nghiệm với người âm nhạc Trịnh Công Sơn, hẳn Trang ngộ ra nhiều điều, về con người âm nhạc Trịnh Công Sơn, về đời sống. Và hiểu hơn về chính mình.
Chương trình "Nguyệt hạ 2" sẽ khép lại hành trình đó, bằng sự tối giản và tự do. Nhưng để đi tới hành trình tối giản, có mà như không ấy, Trang cũng đi qua nhiều hỷ, nộ, ái, ố của đời người.
Từ cô bé được nuôi dưỡng trong văn hóa của một gia đình trí thức Hà Nội, hít thở dưỡng khí của thơ ca nhạc họa, 14 tuổi đã nghe nát những cuộn băng về ban nhạc mình yêu thích, Pink Ploy, Beatle, Barbara…
Nhạc Trịnh cũng đi vào Trang một cách tự nhiên, từ "Sơn ca 7" của Khánh Ly. Nhưng ấn tượng hơn khi Trang gặp Trịnh Công Sơn ở sân khấu của Trường Đại học Ngoại ngữ Xuân Thủy vào năm 1994. Lúc đó Trang đang học lớp 7.
"Đời sống văn nghệ của Hà Nội lúc đó lạ lắm, hay lắm, vẫn còn không khí thời đi xem chiếu bóng, gần gũi. Tôi cứ nghĩ, một người nổi tiếng như thế, trong một chuyến ra Bắc chắc hẳn phải thế nào. Nhưng không, trong phòng không có gì ngoài băng rôn, bàn ghế lô xô. Ông Sơn đứng lên bàn, cầm cây ghi ta và hát "Tôi ơi đừng tuyệt vọng".
Khoảnh khắc đó tôi nhớ mãi, nó giống các ban nhạc quốc tế mình yêu quá. Ông có sự giản dị, bình thường và chính sự giản dị đó làm mình mê.
Người đàn ông trung niên 50 tuổi, hát như rơi ở đâu về, giọng ông không ăn nhập gì với tiếng đàn ghi ta nhưng làm cho tất cả mọi thứ trở nên thư giãn và trong trẻo, nó không u sầu, không trễ nải. Nó không mộng mị, không đẹp đến tận cùng như trong "Sơn ca 7" nhưng nó là Trịnh Công sơn mà tôi thích". Trang hoài niệm.
Khoảnh khắc đó, âm nhạc Trịnh Công Sơn đi vào đời sống của cô bé Giang Trang. Rồi những tháng ngày rong chơi, hát Trịnh ở nhạc Tranh. Không ý thức, không gọi tên.
Năm 2011, Trang từ bỏ công việc phân tích tài chính mỏi mệt, chị thu radio, làm thiết kế, mở quán và tìm cho mình một cái cớ để chơi với âm nhạc.
"Tôi nghĩ đến một mạch đi dài, mình sẽ là người quan sát, chứng kiến. Nếu đã chọn Trịnh Công Sơn, tôi cho rằng Trịnh Công Sơn là người viết nhạc amateur và chắc ông cũng cần một người hát amateur để cuối cùng xem âm nhạc của Sơn, những ca khúc ấy, sức sống của nó thế nào. Không bàn về bối cảnh lịch sử mà chỉ bàn về văn hóa cá thể Trịnh Công Sơn".
Giang Trang chọn khe cửa hẹp, bởi chị hiểu sẽ không có chỗ cho một Giang Trang đứng trên sân khấu với ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng các trung tâm văn hóa sẽ chìa tay cho một người nghiệp dư có tư tưởng. Dự án đầu tiên của Trang được Trung tâm Văn hóa Pháp chấp thuận chỉ trong vòng 24 giờ.
Trang bắt đầu hành trình của mình. Từ "Ngồi bên dòng sông", với ý niệm, Trang là người chứng kiến. Âm nhạc Trịnh Công Sơn như một dòng nước chảy qua cuộc đời và Trang chỉ là một người đến bên dòng sông, để chơi với dòng sông ấy thôi.
Nhưng đúng thời điểm tháng 11 năm đó, Trang ốm, có những lúc chính chị cũng phải trải nghiệm cả những lênh đênh của đời sống. Mọi ý tưởng không thể thực hiện.
Trang lang thang các quán Hà Nội, tìm ai có thể chơi nhạc với mình thời nhạc Tranh, mở mồm ra là hát, Trang gặp Hòa và Tú "xỉn". Và ra "Lênh đênh nhớ phố", mộc mạc, tự nhiên. (Trang đổi tên chương trình đầu tiên từ Ngồi bên dòng sông thành Lênh đênh nhớ phố).
7 năm, 5 concept - năm ban nhạc khác nhau. Trang quan niệm "Nếu âm nhạc Trịnh Công Sơn có tính Thiền, đẹp và tĩnh lặng, nó sẽ như dòng nước ấy, đựng bằng cốc, nó sẽ ra hình cốc, đựng bằng lọ hoa sẽ ra hình lọ hoa, đựng vào chậu sẽ ra hình cái chậu, nó không có hình, không có tướng.
Mỗi concept ấy, tôi luôn niệm trong đầu, cầu trời Phật cho con có đủ duyên để gặp nghệ sĩ có tạng tính phù hợp với concept đó".
Trang đã gặp họ, những người Bạn, những Kiên bass, nhạc sĩ Thanh Phương, nghệ sĩ sáo flute Lê Thư Hương, nghệ sĩ đàn tranh Vân Mai… cùng nhau tạo nên một không gian âm nhạc Trịnh Công Sơn riêng. Đó là không gian tự sự, không gian phố xá, là không gian của kỷ niệm, của hẹn hò, của tình yêu nam nữ.
Trừu tượng hơn một chút để nhìn Sơn từ góc nhìn đương đại từ "Hạ Huyền 1" (2012) và "Hạ Huyền 2" (2015). Ở đó, không còn ranh giới giữa Ca khúc da Vàng và tình ca nữa, đó chính là những bản tình ca thân phận đẹp và buồn (chữ Nguyễn Đình Toàn).
Còn Giang Trang cho rằng, đã là tình ca thì không buồn. "Cái buồn trong âm nhạc Trịnh Công Sơn là đi tìm sự lặng lẽ và bình yên. Tôi không cho ca khúc Sơn buồn mà nó như một thứ khói trời mênh mông, xa gần thôi, "Ta nhìn ta về giữa trời hư không/Có còn trong em một cây nến hồng". "Tên em là vết thương khô". Không chỉ chinh phục khán giả Hà Nội, Trang còn mang Hạ huyền 2 sang Đức, Pháp…
Đến "Nguyệt hạ 1" (2016) và "Nguyệt hạ 2" (2018), là sự tương tác của âm nhạc Trịnh Công Sơn với chính người hát Giang Trang. "Nguyệt Hạ 2" sẽ là cuộc đối thoại tiếng hát Giang Trang với guitar cổ điển, bộ gõ, contrabass trong không gian hoài niệm tình cảm và tối giản của Lê Thiết Cương để tìm điểm cân bằng giữa tiếng hát và nhạc cụ, khơi gợi một nhạc cảnh phi thời gian - bóng dáng xưa trong tâm cảnh hôm nay.
Đó chính là vẻ đẹp tĩnh lặng, dung dị của âm nhạc Trịnh Công Sơn mà Giang Trang hoài khám phá và mong muốn chia sẻ với đời sống đương đại. Ở đó, chị đạt đến trạng thái tự do, buông bỏ hết học thuật, trở về "ngây thơ cổ điển".
Trang tự hỏi, Sơn đã nghe gì để ra một thứ âm nhạc ấy. Sơn chịu ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Pháp, bởi lối sống Pháp và âm nhạc Pháp.
"Tinh thần tối giản của họa sĩ Lê Thiết Cương rất đúng với âm nhạc Trịnh Công Sơn, nó im và yên, nó như chẳng có cái gì cả. Nhưng để đến chặng chẳng có gì như thế trong âm nhạc là cả một hành trình.
Đến concept này tôi mới nhìn ra nhiều thứ mình quan sát về người âm nhạc Trịnh Công Sơn, tất cả những thứ liên quan đến con người âm nhạc ấy đều rất giản dị và tinh tế, quần áo Sơn mặc là thương hiệu có tên tuổi. Sơn chơi những thứ đồ mà bên ngoài như không có gì. Ông đã sống như một tác phẩm.
Dù thời cuộc có đổi thay, có biến động thì ông vẫn giữ con mắt nhìn đời trìu mến như vậy. Phố vẫn là dòng sông uốn quanh, người ra đi kẻ ở lại, niềm vui, nỗi buồn, sự được - mất, cuối cùng cũng vô nghĩa hết. Chỉ có mỗi tình người, chỉ có "Em là hoa hồng nhỏ", "Em còn nhớ hay em đã quên", "Vẫn có em bên đời".
Chỉ có tình yêu ở lại. Chỉ có tình người ở lại. Bởi Giang Trang quan niệm, ở đâu đó trong ý hiểu của chị về đời sống này, mọi thứ chỉ là ảo, chỉ có giây phút hiện tại này là có thật. Tôi là em và em cũng là tôi, chúng ta là một thế giới, giống như những mảnh ghép của cuộc đời.
Nỗi buồn đến rồi cũng sẽ qua nhanh, niềm vui cũng chẳng ở lại. Người nghệ sĩ ấy, sau hành trình với Trịnh Công Sơn, chị có thêm nhiều bè bạn thấu hiểu, sẻ chia, nhiều yêu thương của cuộc đời. Và chị, cũng đi qua cả những mất mát riêng tư. Âu cũng là lẽ thường tình của cuộc đời. Chị không trốn vào âm nhạc, bởi với Giang Trang, âm nhạc là một thế giới của cái đẹp, của sự cứu rỗi.
Bar 84 của Giang Trang, không gian của hoài niệm, của những đêm nhạc rock, jazz… Quán bar như một khu vườn yên tĩnh giữa phố xá ồn ào, một tụ điểm văn hóa của nghệ sĩ Hà Nội.
Có thể, sau Trịnh Công Sơn, Giang Trang lại rong ruổi với một cuộc chơi khác, để thỏa mãn những câu hỏi của chị về cuộc đời, phận người, về lịch sử âm nhạc Việt Nam. "Chơi thôi mà".
Lúc nào Trang cũng nói vậy. Nhưng người nghệ sĩ, phải đủ trải nghiệm, đủ văn hóa mới tới được chữ "chơi" nhẹ tênh đó. Trang ngại đám đông, không bao giờ gán cho mình một danh xưng, hay cố mang vác điều gì đó ngoài âm nhạc. Mọi thứ đến tự nhiên như đời sống, tự nhiên như tiếng hát của chị. Đó cũng là cách Giang Trang ghi dấu mình trong cõi đời mênh mông.
Cuộc đời không cho mình... "Tôi luôn dùng ý tưởng mặt trăng để ám chỉ rằng còn nhiều điều với âm nhạc Trịnh Công Sơn mà phải sống rất nhiều, trải nghiệm rất nhiều, còn phải lặp đi lặp lại nhiều câu hỏi mới hiểu tác giả và hiểu chính mình trên con đường dấn thân thử lênh đênh nhớ phố, thử trở thành nghệ sĩ. Tôi nhớ về giấc mơ năm 13 tuổi muốn trở thành nghệ sĩ chơi ghi ta cổ điển. Tôi có một giấc mơ chơi nhạc, tôi thích cổ điển và ghi ta. Nhưng cuộc đời không cho mình. Và tôi phải đi tìm một phần nghệ sĩ trong tôi và định hình lại thế nào là nghệ sĩ". |
(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)