Duy trì và phát triển cây đàn bầu Việt Nam

16/10/2015

CLB Đàn Bầu do NSND Thanh Tâm làm chủ nhiệm với sự hỗ trợ của lãnh đạo Học viện Âm nhạc quốc gia và Hội Nhạc sĩ VN, đã tổ chức tọa đàm “Duy trì và phát triển cây đàn bầu Việt Nam” vào sáng mùng 8/10/2015 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Đến dự buổi tọa đàm đại diện Học viện Âm nhạc quốc gia có ông Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc, NSUT Bùi Lệ Chi - Trưởng bộ môn đàn bầu, cùng các giáo sư, nhạc sĩ, nghệ sĩ…

Đàn bầu là một trong những nhạc cụ của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Buổi tọa đàm nhận rất nhiều những ý kiến đóng góp, mong muốn làm thế nào để có những tác phẩm tốt cho đàn bầu, tìm được những hạt giống có năng khiếu thực sự để ươm mầm bồi dưỡng đào tạo thành những nghệ sĩ đàn bầu tài năng cho ngành nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ dân tộc của đất nước.

Nhà nghiên cứu Xuân Tùng cho biết: “Muốn duy trì, bảo tồn cây đàn bầu phải có tác phẩm, phải đào tạo được nhạc sĩ viết cho đàn bầu, tìm được những nghệ sĩ có năng khiếu để đào tạo, đó là điều rất khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của Hội Nhạc sĩ VN đặt kế hoạch đầu tư tác phẩm, Học viện Âm nhạc quốc gia thành lập các CLB để các nhạc sĩ và các nghệ sĩ biểu diễn cùng tham gia,giao lưu. Muốn tìm hiểu về lịch sử cây đàn cần có tư liệu để nghiên cứu. Hiện Trung Quốc đang có hẳn một Viện nghiên cứu và sản xuất đàn bầu rất đồng bộ, họ thừa nhận đàn bầu có nguồn gốc từ Việt Nam. Tại Đông Hưng (Trung Quốc nơi rất gần nước ta) có khoảng hai mươi nghìn người gốc là cộng đồng người Việt từ xa xưa mang cây đàn bầu Việt Nam sang Trung Quốc, họ đã và đang bảo tồn, phát triển”.

Theo NSUT Bùi Lệ Chi, để tìm kiếm tài năng mong Hội Nhạc sĩ VN và Học viện quốc gia tổ chức những cuộc thi và có những buổi biểu diễn đàn bầu để cây đàn ngày càng thực sự có ý nghĩa,

NSUT Hoàng Anh Tú: “Rút kinh nghiệm từ bản thân qua hơn 30 năm gắn bó với cây đàn bầu những nghệ sĩ đàn bầu phải được đào tạo từ nhỏ, qua các cấphọc bài bản, lớn lên các em mới có thể đứng vững trên sân khấu biểu diễn được”.

PGS Tú Hương: “Cây đàn bầu có giá trị rất lớn trong nền âm nhạc dân tộc nước ta, đã có nhiều các nhà nghiên cứu tâm huyết với cây đàn. Cố GS - NS Nguyễn Xinh người rất đam mê nghiên cứu về đàn bầu, ông mất đột ngột cũng đang trong quá trình nghiên cứu dở dang cây đàn bầu cải tiến của NS Mác Tuyên. Đối với ngành đào tạo nên cho các em làm quen với các nhạc cụ dân tộc, ngành sáng tác nên bắt buộc có những tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc như đàn bầu nếu chúng ta muốn phát triển và muốn có tác phẩm tốt cho đàn bầu. Phải hết sức thận trọng trong việc cải tiến cây đàn nếu không sẽ tốn kém lãng phí và hỏng mất giá trị cây đàn của chúng ta”.

NS Nguyễn Quang Vinh cho rằng những tác phẩm viết cho đàn bầu rất hiếm, ta có thể dùng một số tác phẩm chuyển thể sang cho đàn bầu để biểu diễn, ông cũng mong muốn có giáo trình giảng dạy hoàn chỉnh, hệ thống, có sự đầu tư đúng mức cho khoa nhạc cụ dân tộc, mời chuyên gia giỏi soạn thảo giáo trình, phải trân trọng nguồn nhân lực đào tạo , những người thực sự có khả năng thích ứng để trở thành nghệ sĩ đàn bầu thực thụ…

Buổi tọa đàm khá sôi nổi với nhiều ý kiến của PGS Quỳnh Nga, nhạc sĩ Xuân Bắc (Trường ĐHVHNT Quân đội), GS-NSND Bùi Gia Tường, NSND Nguyễn Tiến, NSND Thanh Tâm…Tất cả đều mong muốn duy trì và phát triển cây đàn bầu Việt Nam với những tác phẩm, nghệ sĩ biểu diễn tốt nhất, mong ngành đào tạo nghệ thuật truyền thống trong đó có âm nhạc dân tộc được luôn có hướng đi đúng và vững chắc đóng góp cho nền âm nhạc của nước nhà. Cây đàn bầu thực sự là niềm tự hào của người dân Việt Nam

Trong ngành nghệ thuật dân tộc truyên thống đã có những NSND, NSUT và những nhà khoa học, giảng viên có học hàm, học vị trong đào tạo. Để lớp trẻ yêu quý, hướng tới cây đàn bầu CLB Đàn bầu rất cần sự giúp đỡ của Học viện Âm nhạc quốc gia, sự hỗ trợ của Hội nhạc sĩ VN để có thể tổ chức thường xuyên và có những phần thưởng dù nhỏ để động viên tinh thần các nghệ sĩ đạt giải trong mỗi cuộc thi hoặc xuất sắc trong các chương trình biểu diễn.

Và một điều mong muốn của CLB trong cuộc tọa đàm tiếp theo ban tổ chức sẽ mời được các nghệ nhân, những người đã sản xuất ra những cây đàn bầu cùng đến tham dự giao lưu tọa đàm với chúng ta.

Buổi tọa đàm kết thúc bằng một tiệc rượu nhỏ ấm áp, thân tình, dư âm về cây đàn bầu Việt Nam sẽ còn mãi trong tâm thức của mỗi người.

Tối cùng ngày tại phòng hòa nhạc Học viện quốc gia, CLB Đàn Bầu đã tổ chức biểu diễn 15 tiết mục đàn bầu với chủ đề “Về nguồn” rất độc đáo, chương trình nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả Thủ đô.

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.