Dương cầm có lạnh?

24/05/2020

Năm ngoái cũng tầm này chính ở nơi đây tôi đã chia tay một người anh. Hôm nay không ngờ lại quay lại chốn đây lại để thăm một người anh lớn là anh Quang đang nằm thiêm thiếp. Tôi biết chuyện anh mệt nặng qua bài rất dài và rất hay của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nên nhờ bác sỹ dẫn vào lúc giờ không có người thăm nuôi, chỉ có những bệnh nhân khoa hồi sức đều nằm bất động như anh, im lặng tuyệt đối. Tôi đến bên anh, chỉ nhìn anh giữa đống máy móc xung quanh, khẽ gọi thầm tên anh chứ không muốn phá cơn mơ của anh. Thương anh, thương Hà Nội…

Nói tới Phú Quang người ta nghĩ ngay tới các ca khúc về Hà Nội, cũng phải thôi và anh xứng đáng là nhạc sỹ tiêu biểu nhất của Hà Nội và bài hát về thủ đô, mặc dù anh có hàng trăm bài hát khác cũng hay. Mỗi người chúng ta đều có riêng một bài hát “Hà Nội nhất”, yêu thích nhất của Phú Quang, tôi cũng vậy, mặc dù cái bài hát này chẳng có một chữ Hà Nội nào. Đó là “Dương cầm lạnh” – thơ của bác Dương Tường, do Thùy Dung hát:

"Chờ em đường dương cầm xanh
Chúm chím nụ dương cầm biếc
Chờ em đường dương cầm đêm
Ôi đêm lặng im sâu thẳm
Chờ em đường dương cầm trăng
Dậy thì nõn dương cầm phố
Chờ em đường dương cầm mưa
Giọt giọt lá buồn dạ khúc
Chờ em đường dương cầm khuya
Anh về lối dương cầm lạnh"

Dù không có từ Hà Nội tôi vẫn hình dung ra một Hà Nội đêm đông thuở trước, chậm chạp nhưng đầy bí ẩn, nỗi buồn nhưng phải là cái buồn rất đẹp của lịch lãm, kiêu sa. Còn “Phú Quang nhất” thì hẳn rồi, vì nói đến tài năng của anh theo tôi đó là khả năng trải lòng mình qua những phím đàn dương cầm. Anh xuất thân vốn là dân kèn, nhưng tôi ít thấy ai chơi piano ngẫu hứng hay và đúng tâm trạng như anh, mà có lẽ hay nhất ở tại nhà anh, “ra đê” như anh vẫn đùa, hay tại bởi gần với sông Hồng bây giờ đã chả còn đầy ắp phù sa đỏ nữa?

Anh đúng nghĩa là “ông anh xã hội” của tôi, vì tôi có phải dân nghệ thuật gì đâu, thế nào lại cứ có cơ duyên gặp gỡ với anh. Từ cà phê Catina trong Sài Gòn, ra đến Trần Quốc Toản ngoài này, Jazz café ở Đặng Thái Thân, rồi sang đến Đức, đến Nga… “Thằng em xã hội” như tôi thì anh có nhiều lắm, đi đâu cũng có, nhưng ít người dám nói chuyện nhạc với hát với anh, đơn giản là dân trong nghề thì họ ngại anh, đời nào trao đổi làm gì, còn dân ngoài ngành thì biết gì mà nói… Thế nhưng tôi vẫn “chém” bừa đi, có lẽ vì thé mà anh quý chăng, có những lúc vào hàng quán thấy quanh anh cả đám anh hùng hảo hán với sắc nước hương trời tôi cũng định lờ đi nhưng lần nào cũng bị anh gọi cổ tới, rồi giới thiệu rất hào hùng: “Thằng Nam Béo, Nam Liên Xô, em anh…!”. Với anh chuyện trước kia không được đi Liên Xô học mặc dù chuyên môn giỏi vấn chưa nguôi ngoai, nhưng tôi và có lẽ tất cả các bạn yêu nhạc Phú Quang phải thầm cám ơn mấy lão “tổ chức cán bộ” thời bao cấp, có thế chúng ta mới có nhạc Phú Quang và “Em ơi Hà Nội phố”…

Cách đây 6 năm tôi có viết trên FB bài “Tại sao ta nghe nhạc tây, mà tây không nghe nhạc ta”… Mới viết được phần 1 là “ta nghe tây” thôi, chứ chưa kịp viết “tây không nghe ta” thì gặp anh. Anh tranh luận sôi nổi lắm, còn tôi thì bướng… Anh bảo “tớ đánh đàn tây nghe ầm ầm, cả tây Pháp cả tây Liên Xô”, còn tôi thì bướng, bảo “có lẽ anh không phải là "ta"”?! Chưa ngã ngũ, thế nên tôi vẫn “để dành” đã viết được phần 2 đâu. Rồi sau đó tôi có kịp tặng anh một quyển Kinh Pháp của Đức Phật, với một lời đề nghị: “Em biết anh có tài, chỉ cần với một tứ văn thơ, vài ba từ ngữ, hình ảnh là anh viết được cả một bài ca, bản nhạc hay, vậy trong quyển Bộ Pháp Ngàn Thu này anh về đọc, chắc viết được cả trăm bài…”. Từ đó tới nay tôi chưa hỏi lại được anh, anh có viết được bài hát nào nữa không…

Hà Nội sẽ buồn lắm nếu thiếu anh. Rồi người ta lại lũ lượt đem Hồ Gươm đi mất thôi, thiếu tiếng dương cầm của anh phố vắng đêm sẽ lạnh đôi tay, bạn bè anh ra cà phê Lý Thường Kiệt sẽ thiếu chất “phố”, không được đâu! Phải cố thôi, anh Quang, cả Hà Nội bên anh, gia đình rồi anh em khắp nơi vẫn bên anh. Hà Nội chỉ cần một "điều giản dị" vậy thôi, cố nhé, ông anh của em!

 

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...