“Đừng sợ. Ông Gould đang ở đây”[1].
"Tại các buổi công diễn tôi cảm thấy mình bị hạ thấp như một anh kép hát”.
Glenn Gould
Lời giới thiệu của người dịch:
Buổi công diễnconcerto cung Ré thứ của Brahms do Glenn Gould chơi cùng dàn nhạc giao hưởng NewYork do nhạc trường Leonard Bernstein chỉ huy ngày 6.4.1962 tại Carnegie Hall được coi là cuộc biểu diễn gây tranh cãi nhất trong lịch sử dàn nhạc này. Cho đến gần giờ diễn người ta còn không biết Glenn Gould có tới không. Dưới đây là phát biểu của Leonard Bernstein tại buổi công diễn ngay trước khi Glenn Gould bước ra sân khấu.
Leonard Bernstein (trái) và Glenn Gould.
Đừng sợ. Ông Gould đang ở đây. Ông sẽ xuất hiện trong giây lát. Như quý vị biết, tôi vốn không quen nói tại bất cứ buổi công diễn nào trừ tối Thứ Năm hôm qua, nhưng một tình huống kỳ thú đã xảy ra khiến đáng được nói đôi lời. Quý vị sắp được nghe một trình diễn concerto cung Ré thứ của Brahms phải nói là khá phi chính thống, một trình diễn khác hẳn bất cứ những gì tôi đã từng nghe, thậm chí từng mơ tưởng tới, với các nhịp độ (tempo) rất khoáng đạt và thường xuyên xa rời các chỉ dẫn của Brahms về cường độ. Tôi không thể nói rằng tôi hoàn toàn đồng ý với quan niệm của ông Gould và điều này nêu ra câu hỏi: “Vậy tôi làm cái gì khi quyết định chỉ huy dàn nhạc đệm?” Tôi chỉ huy vì ông Gould là một nghệ sĩ thật sáng giá và nghiêm túc đến nỗi tôi phải chấp nhận một cách nghiêm túc những gì ông nhận thức một cách xác tín và quan niệm của ông đủ hấp dẫn khiến tôi nghĩ các vị cũng cần nghe.
Nhưng câu hỏi xưa vẫn còn: “Trong trình diễn một concerto thì ai là ông chủ, nhạc trưởng hay nghệ sĩ độc tấu?”Câu trả lời là, tất nhiên, có lúc thì người này, có lúc thì người kia, tùy theo từng trường hợp. Nhưng hầu như lúc nào cũng vậy, hai người đều thu xếp được bằng thuyết phục hoặc bằng sự quyến rũ, thậm chí bằng cả sự đe dọa để đạt được một trình diễn hợp nhất. Trong đời tôi, chỉ có một lần duy nhất tôi phải phục tùng một quan điểm hoàn toàn mới và xung khắc của nghệ sĩ độc tấu - đó là lần cuối cùng tôi chỉ huy đệm cho ông Gould (tối thứ Năm hôm qua) [Khán giả cười rộ]. Nhưng lần này, quan điểm của tôi và ông Gould khác xa nhau đến nỗi tôi thấy mình cần phải phát biểu lời chối bỏ trách nhiệm ở đây.
Thế thì, nhắc lại câu hỏi, tại sao tôi lại chỉ huy dàn nhạc đệm cho ông Gould? Tại sao tôi không làm một xì-căng-đan nhỏ như thay nghệ sĩ độc tấu hoặc cho trợ lý chỉ huy thay mình? Bởi vì tôi bị mê hoặc, vì tôi sung sướng được dịp có một cách nhìn mới mẻ lên nhạc phẩm từng được nhiều người chơi nát. Còn nữa, bởi vì trong cách trình diễn của ông Gould nổi lên những khoảnh khắc tươi mới và thuyết phục lạ lùng. Ba là, bởi vì tất cả chúng ta luôn có thể học được một cái gì đó từ người nghệ sĩ khác thường này, một nghệ sĩ biểu diễn có tư duy, và cuối cùng trong âm nhạc có cái mà Dmitri Mitropoulos [2] gọi là “yếu tố đùa cợt”, nhân tố của sự tò mò, phiêu lưu mạo hiểm, thể nghiệm, và tôi quả quyết với quý vị rằng hợp tác với ông Gould tuần này quả là một cuộc phiêu lưu đối với tôi và trong tinh thần phiêu lưu đó chúng tôi trình diễn với quý vị.
Glenn Gould chơi 32 variations cung Do thứ của Beethoven.
Chú giải:
[1] Leonard Bernstein (1918 – 1990) - nhạc trưởng, nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Do Thái, người được coi là một trong nhưng nhạc sĩ kỳ tài và thành công nhất trong toàn bộ lịch sử âm nhạc Hoa Kỳ.
[2] Dmitri Mitropoulos (1896 - 1960) - nhạc trưởng, nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc Hy Lạp.
Nghe phát biếu của Bernstein sau đó là toàn bộ concerto của Brahms do Glenn Gould chơi cùng DNGH New York do Bernstein chỉ huy tại Carnegie Hall đêm 6.4.1962