Dư âm Live show “Trên đỉnh phù vân”
Bạn của tôi là một nữ luật sư, có lẽ do tính chất nghề nghiệp mà cô luôn nghiêm nghị, ít nói, khi nói thường cân nhắc, thấu đáo. Cô ít giao tiếp, mỗi khi gặp đều thấy bận bịu, hoặc việc gia đình hoặc chuyện nghiên cứu luật pháp gì đó. Ấy vậy mà hôm đi xem “Trên đỉnh phù vân” của nhạc sĩ Phó Đức Phương về, gặp tôi, cô lại nói nhiều. Nào là, rất yêu âm nhạc nhưng không thích những live show nông choẹt, giá vé ngất ngưởng, nào là vẫn đang thèm, đang chờ điều gì đó chưa thấy ở những chương trình nặng về giải trí mà không có mấy cảm xúc thật sự và chiều sâu tác phẩm. Nhà đã có cả dàn máy cỡ “nhà hát trong nhà”, nghe nhạc bằng đĩa than… nhưng khi biết ông nhạc sĩ họ Phó, người nổi tiếng khó tính trong mọi phương diện lại mở live show, 50 năm mới làm một lần, vợ chồng cô quyết phải xem, xem xem âm nhạc của ông Phương ra sân khấu với dàn ca sĩ mới thì thế nào. Nhạc sĩ đôi khi chỉ sáng tác thì hay chứ làm show thì… thất bại. Tôi định tranh luận với cô một chút, nhưng cô đã nói tiếp: hát live khó lắm, nhiều ca sĩ chỉ thành công trong phòng thu thôi. Vả lại, mở show làm gì khi mà sức ép của đầu tư nghệ thuật, của “thị trường người tiêu dùng” chưa chắc đã mặn mà với âm nhạc của ông. Cái thị trường ấy không phải là thước đo nghệ thuật, dĩ nhiên rồi, nhưng làm show thì không thể tránh được sự chi phối của nó… Nghe cô kể, tôi hỏi trong 20 bài diễn đêm ấy, thích những bài nào? Cô bảo: là fan của ông ấy nên thấy bài nào cũng thích, nhưng đầu tiên phải kể đến sự độc đáo khi mở màn, rồi mới đến những bài: Trên đỉnh phù vân, Hồ trên núi, Về quê, Tửu ca… Nhưng thích nhất là bài Cũng một con đò, cả nhạc và lời, cả phần hòa âm phối khí và nhất là bởi chính ông ấy hát. Các ca sĩ trong chương trình người nào hát cũng hay cả, nhưng cảm xúc đầy, sâu, và tới nhất là của tác giả. Nghe mà rớt nước mắt, mà sởn gai ốc...
Tôi muốn đem lời của vợ chồng cô ấy đến kể lại cho ông Phương. Nhưng ông ấy là người bận rộn với cái việc bản quyền tác giả, nhiều khi rất khó có thời gian, vả lại khen hay chê đối với ông cũng không dễ, con người này có một ý chí khủng khiếp trước mọi va đập cuộc đời. Nhưng may mắn, sáng nay, nhân có thời gian rảnh rỗi, khi nghe câu chuyện của nữ luật sư, ông cởi mở, dốc bầu tâm sự:
“… Chỉ riêng quyết định phải làm chương trình “Trên đỉnh phù vân” đã là một cân nhắc khó khăn đối với tớ. Hầu hết các tác phẩm trong chương trình đều sẽ phải giành thời gian và tâm sức rất lớn, để tập tành, dàn dựng, bởi chúng đều có tải trọng vô cùng lớn, xét về nhiều mặt. Những vất vả đó trước hết là ở khâu làm việc với ca sĩ, để họ có thể đồng cảm, thấu hiểu và từ đó giành nhiều thời gian luyện tập cho tác phẩm. Đó là một quá trình lao động nghệ thuật thật sự nặng nhọc chuyên sâu giữa tác giả và ca sĩ, và hiển nhiên là sẽ tốn nhiều thời gian và tâm sức của tớ, mà tớ thì lúc nào cũng quá bận với việc bản quyền rồi… Nỗi vất vả đó cũng chuyển tải sang người đồng hành và sáng tạo kề cận, đó là nhạc sĩ phối khí. Làm thế nào để hóa thân vào tác phẩm, để có lựa chọn tốt nhất, phù hợp nhất, hiệu quả nhất, đến tai người nghe trong một mỹ cảm trọn vẹn nhất. Thương Đỗ Bảo vô cùng. Người bạn tài hoa này khổ sở suốt mấy tháng ròng với những ca khúc mà biết rằng phải trân trọng những diện mạo, tâm tính không hề bình thường chút nào, và đặc biệt là chúng rất khó tính. Rồi, biên đạo múa, thiết kế - dàn dựng sân khấu… họ cũng chịu nỗi thúc bách mọi mặt của kịch bản và ý tưởng nghệ thuật nặng trĩu những khát vọng khám phá và cống hiến… Nhưng, tớ thật may mắn, hạnh phúc bởi tất cả những người bạn đồng hành trong chương trình đều hết lòng chia sẻ. Toàn bộ ê kíp đã hòa quyện với nhau trong một cảm hứng sáng tạo tuyệt vời. Khi kết thúc đêm diễn tớ nghe được nhiều câu rất cảm động: “Âm nhạc hay quá” ; “ Biên đạo múa tuyệt vời”, “Sân khấu, trang phục quá đẹp”… Có mấy người chạy lên sân khấu nói với tớ: “Đúng là một bữa tiệc thịnh soạn”. Cậu biết rồi đấy, xưa nay, tớ có quan tâm khen chê gì đâu. Nhưng đổ bao công sức, lòng mình cũng có chút hồi hộp… Nghe thế, cũng thấy vui vui...”.
Ngừng một lát, như thể lạc vào những điều đã ấp ủ từ bấy lâu, ông say sưa nói thêm: “Nhưng, ngoài những điều thông thường mà khán giả chờ đợi ở một show ca nhạc, vỉa thứ hai - phía sau những tiết mục được dàn dựng với đầy cảm hứng sáng tạo là một thông điệp muốn gửi đến người nghe. Thông điệp đó không có tên như một tiết mục, nhưng nó thấm sâu vào cảm nhận chung của khán giả, tạo ra những suy ngẫm lắng đọng lâu dài trong lòng người xem… Thông điệp đó được gửi gắm trong phần mở đầu và kết thúc. Khi đèn tắt, khán giả im phắc đợi chờ. Trên màn hình led ở sân khấu, có cánh tay nghệ sĩ đưa những nét vẽ dọc-ngang-chéo như đang muốn khám phá dò tìm gì đó. Không gian vẳng tiếng thơ đầy cảm thán, từng giọt, từng giọt rơi xuống khán phòng: “Cõi nhân sinh dọc ngang, ngang dọc/ Chốn hồng trần vay trả, trả vay/ Nào ai đo thấu cao dày…”. Mệnh đề đầy tính suy ngẫm này chuẩn bị cho khán giả một tâm thế chờ đón và phán xét, để xem con người này (tác giả âm nhạc đồng thời là tác giả chương trình) đã vay những gì và trả những gì cho đời này. Những sản phẩm dâng hiến của ông ta trong đêm nay liệu sẽ thấu được đến đâu cái cao (của trời) và cái dày (của đất) trong cõi thế này?...”.
Rồi cái kết của chương trình, khi khán giả còn đang nín thở nhìn lên màn hình sân khấu, ở đó tái hiện những nét vẽ dọc ngang của một bàn tay với cây bút đang muốn khám phá cõi nhân sinh này, thì bài hát “Cũng một con đò” vang lên do chính giọng hát của tác giả: “ Nắng hạ, mưa đông, vòng đời quay/ Bánh xe vô cùng, con tạo xoay…/ Gánh nợ nhân gian nặng đầy vai/ Bánh xe lâm truần đâu chừa ai/ Một ngày một tháng một năm. Một đời hòn đất sủi tăm mặt hồ. Nắng soi cái tổ tò vò/ Dọc ngang cũng một con đò ấy thôi… Tềnh tang tếnh tếnh… tang tếnh…tềnh.”. Rồi cả dàn ca sĩ của chương trình, các solist, các sao hàng đầu… cùng cất lên trong câu hòa ca vang vọng, như thể khẳng định “Dọc ngang cũng một con đò ấy thôi” trong ánh sáng rực rỡ, miêu tả vòng quay của Thái dương hệ, của vũ trụ bao la… Rồi bàn tay người nghệ sĩ trên màn led vẫn tiếp tục, tự xóa tên mình, tự phủ định chính mình. Như thông điệp về nhân sinh quan, về cảm thái thân phận và sự sẵn sáng nhập vào cõi không, mênh mông an lạc…
Cậu biết đấy, 50 năm qua, nhiều người cứ thúc giục, nhưng tính tớ, nói thật, đã làm thì làm đến đáy của nó, nghệ thuật là không nửa vời… Làm xong, mới nhận thấy thêm một điều về bản thân: tớ đã đứa có máu liều, không biết sợ. Trực cảm nghệ thuật dẫn tớ đến đâu, tớ làm đến đó, bất chấp sự rủi ro rất có thể xảy ra. Nếu không có được khán giả đông như hôm ấy thì tớ… toi rồi. Mất chỗ ở như bỡn…”.
*
Làm việc với ông nhạc sĩ này, nhiều khi khó chịu, vì ông là người quá kỹ tính, quá khắt khe trong công việc, và lúc nào cũng bắt phải biết nhìn về phía trước, khó khăn không được lùi bước, ai nói gì không được lung lay, cứ công chính mà làm... nên cũng có lúc nản.
Nhưng cứ nghĩ đến âm nhạc của ông, và nghĩ đến live show “Trên đỉnh phù vân” vừa rồi, tôi lại thấy, con người của nghệ thuật là như vậy. Họ đã làm ra những sản phẩm xứng đáng cho đời. Nhờ cái phẩm chất chết cho nghệ thuật, cho lẽ phải mà ông đã làm nên tên tuổi của mình, để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí mọi người.