'Thần đồng violon' Trần Lê Quang Tiến: Một tư chất lạ

21/06/2018

Một thành tích gây kinh ngạc bởi kể từ sau khi Bùi Công Duy đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ tại S.Peterbourg năm 1997, phải tới gần 20 năm sau, VN mới có một tài năng trẻ giành giải nhất tại cuộc thi violin quốc tế theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của châu Âu. 

Đó là trường hợp của cây vỹ cầm trẻ tài năng Trần Lê Quang Tiến - một “con nhà tông” chính hiệu, sinh ra trong gia đình “văn võ song toàn”.

“Không phải xuất sắc mà là quá xuất sắc !”

Lần đầu tiên tôi biết đến cái tên Trần Lê Quang Tiến là lúc cậu bé 12 tuổi ấy vừa giành giải nhất cuộc thi violon quốc tế mang tên Mozart, diễn ra tại Thái Lan. Vẫn còn nhớ giọng Bùi Công Duy - thầy giáo của em lúc đó - tràn ngập phấn chấn: “Không phải xuất sắc mà là quá xuất sắc! Vì trình độ chơi nhạc của Tiến có thể nói là ngang ngửa một bạn sinh viên nhạc viện hệ đại học, hay ít ra cũng là trung cấp, trong khi Tiến chỉ mới học đến sơ cấp. Và quả nhiên, em đã kịp rinh ngay về một giải thưởng quy mô khu vực, sau chỉ 2 năm tập luyện…”.

Cậu học trò cưng của cây vỹ cầm đẳng cấp quốc tế Bùi Công Duy dĩ nhiên cũng sẽ không chịu dừng tại đó. Chưa đầy 2 năm sau, ở tuổi 14, Tiến lại ngoạn mục giành tiếp giải Nhất cuộc thi violon quốc tế uy tín tại Kazakhstan. Một thành tích gây kinh ngạc. Bởi kể từ sau khi Bùi Công Duy đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ tại St. Peterbourg năm 1997, phải tới gần 20 năm sau, VN mới có một tài năng trẻ giành giải nhất tại cuộc thi violin quốc tế theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của châu Âu (cả về uy tín, bề dày của cuộc thi đến dàn giám khảo gồm toàn những tên tuổi danh tiếng...). Đặc biệt, đây là một tài năng trẻ được đào tạo hoàn toàn trong nước, trong thời gian ngắn kỷ lục (so với những em được học đàn bài bản, liền mạch từ năm 5-6 tuổi)…

Ngoài việc được may mắn kèm cặp bởi người thầy danh tiếng, Tiến còn là “con nhà tông” chính hiệu, “văn võ song toàn”: chắt ngoại của cố nhà văn Nguyễn Tuân - bố vợ của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (một trong “tứ trụ” của nền hội họa VN), và là cháu nội của thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (tên của Tiến cũng được đặt theo bí danh của ông nội hồi còn hoạt động bí mật trong thành: Bảy Tiến). Thế nhưng, hành trình đến với cây violon của Tiến lại khá kịch tính: từng học piano lúc 5 tuổi, rồi năm 6 tuổi lại chuyển qua violon, được nửa năm thì bỏ, lại quay sang học… vẽ và múa, rồi 4 năm sau lại bất ngờ quay lại với violon, khi đã bị cho là quá muộn để đầu quân vào nhạc viện. Nhưng chẳng thể nào là muộn với một cậu bé nhạy cảm, giàu tư chất, nhờ được hấp thu rất sớm trữ lượng văn hóa đáng kể từ nền tảng gia đình, cộng với vẻ ngoài nghệ sĩ: vóc dáng cao ráo, tay chân mềm mại, phong thái thong dong…

Quang Tiến và chị gái đang cùng học Piano tại Đức. ẢNH: NVCC

Khó mà tin được mấy năm trước, Tiến còn từng là nỗi lo của gia đình khi ít nhiều có biểu hiện của một trẻ tự kỷ. “Suốt những năm cháu học mẫu giáo, các cô giáo luôn mách với tôi, và ngay cả chính tôi cũng nhận thấy cháu khá nhút nhát, gần như không mấy chơi với các bạn mà có chơi thì cũng một mình một kiểu, chẳng giống ai. Phải nói là lúc đầu tôi cũng rất lo lắng nhưng rồi khi bình tâm trở lại, lên mạng tìm hiểu kỹ về chứng tự kỷ, và bằng cả linh cảm của một người mẹ, tôi tin con mình không thể là một trẻ tự kỷ. Vì mới 11-12 tháng tuổi, cháu đã bập bẹ tập nói, 15 tháng tuổi đã bắt đầu biết hát véo von, 3-4 tuổi đã biết vòng dây điện ra ngoài vườn để thắp đèn sưởi ấm cho các mầm cây hay say sưa lật giở các cuốn sách ảnh, tranh truyện để “nghiên cứu” về trái đất và các hành tinh… Có chăng, cháu chỉ là một cậu bé có tư chất khá đặc biệt. Chẳng hạn như khi chơi một quả bóng, cháu có kiểu chơi rất lạ: nhờ người lớn cắt đôi quả bóng, đoạn, đổ một đống bi đầy màu sắc vào đó rồi xoay vòng (đến giờ tôi vẫn còn giữ đoạn clip thú vị đó, năm cháu 2 tuổi). Về sau này, khi đưa cháu đi làm sinh trắc dấu vân tay, mới biết cháu thuộc kiểu… ông cụ non, già trước tuổi…”, chị Lê Thị Xuân Hà - mẹ Tiến - nhớ lại.

“Cá chuối đắm đuối vì con”

Tài năng trẻ violon Trần Lê Quang Tiến sinh năm 2002, học sinh hệ sơ cấp khoa Dây - Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội.

Giải nhất cuộc thi đàn dây quốc tế Mozart tại Thái Lan năm 2014.

Học bổng Toyota năm 2015.

Bằng khen của Thủ tướng cùng cúp Gương mặt trẻ VN tiêu biểu cho thành tích giải nhất cuộc thi violon quốc tế tại Kazakhstan, tháng 10.2016.

Tiến may mắn có một người mẹ đặc biệt, một “cá chuối đắm đuối vì con” điển hình - đúng như thầy Duy nhận xét. Tựa vẻ ngoài bặt thiệp duyên dáng, chị Xuân Hà sở hữu phong thái sống vừa truyền thống vừa hiện đại. Người phụ nữ “Hà Nội gốc” này vừa đích thị là một chân dung “nữ công gia chánh” đúng kiểu nếp xưa, cả trong cách vào bếp lẫn rèn con, nhưng một mặt cũng rất có ý thức cập nhật các kỹ năng sống hiện đại khác như lái xe, hay thậm chí là học làm các món đồ Tây để chiều khẩu vị lạ của hai cô cậu học trường Tây. Dù khá bận rộn vì phải chung tay trông coi hai bảo tàng của gia đình (Bảo tàng tranh Nguyễn Tư Nghiêm và Bảo tàng nhà văn Nguyễn Tuân) nhưng hàng ngày, chị vẫn đều đặn tự lái xe đưa đón con đi học. “Ngoài việc đảm bảo an toàn cho các con thì mỗi ngày, khoảnh khắc được đưa đón các con đi học thực sự luôn khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Chứng kiến bọn trẻ nhảy tót lên xe, sà vào ôm mẹ, ríu rít râm ran suốt dọc đường về, để kể về một ngày được-làm-trẻ-con của chúng, tôi luôn thấy mình trẻ lại, vui lây, như đang được trở về thời hoa niên vậy. Đủ để cười mỉm cả khi tắc đường. Tắc đường cũng kệ, vì các con ở cả đây rồi!”, người mẹ “đắm đuối vì con” chia sẻ.

Việc bọn trẻ may mắn được sinh ra trong cái gọi là “nhà có điều kiện” đôi lúc khiến các ông bố bà mẹ lúng túng, không biết có nên tìm cách giấu đi (vì sợ các “cậu ấm cô chiêu” ỷ lại, sinh hư) thì quan điểm của chị Hà là không. “Tất nhiên, nhà tôi cũng không giàu đến mức phải “giấu” các con nhưng quả thật cũng đã từng nghĩ đến việc đó. Cuối cùng tôi nghĩ là không nên nói dối bọn trẻ, bất luận điều gì. Cách tốt nhất vẫn là trao đổi rõ ràng, thẳng thắn về giá trị của đồng tiền, và cùng là cách ứng xử với nó. Cả nhà đều được biết rằng: chiếm già nửa quỹ chi tiêu của gia đình bao giờ cũng là tiền học của bọn trẻ, và thứ tự ưu tiên trong nhà lúc nào cũng sẽ là trẻ con - người già. Còn mọi thứ khác chỉ cần ở mức ổn thỏa, đủ để vận hành nguyên tắc đó. Theo học nhạc cổ điển, để mua được những nhạc cụ tốt, đòi hỏi khoản chi khá lớn. Một cách tự nhiên, môi trường ấy, văn hóa ấy đã dạy các con tôi hướng đến mơ ước đẹp: Nếu có tiền thì việc trước tiên sẽ để dành mua nhạc cụ. Hoặc có lần, sau những dịp đi cùng tôi đến thăm các trại trẻ mồ côi, cô con gái lớn đã nói: “Giá mà có thật nhiều tiền để cho được thật nhiều người, mẹ nhỉ?”, chị chia sẻ về những câu chuyện cùng các con…

Có không, áp lực “con nhà tông”, lại trong một gia cảnh “tam đại đồng đường”? Mẹ của cậu bé “thần đồng violon” cho biết: “Cũng lại một cách rất tự nhiên, trong bầu không khí rất đỗi chan hòa và ấm áp ấy, bọn trẻ hiển nhiên hiểu rằng chúng cần phải sống tốt. Nhạc cổ điển vốn dĩ đã phải vận dụng lý trí rất nhiều nên rất cần giữ cho bọn trẻ một bầu không khí trong lành để chúng được cân bằng và tái tạo. Để đề phòng áp lực, tôi luôn nói với bọn trẻ: Nếu có thể, hãy cố gắng hết sức nhưng một khi nào đó, nếu như không thể, do thiếu may mắn hoặc do sức người có hạn thì cũng nên tự cho phép mình được dừng nghỉ và hãy luôn coi gia đình là nơi để trở về. Đời thì có hay, có dở, có vui có buồn, khen hay chê là việc của mọi người, kệ họ. Còn nếu buồn thì về với bố mẹ”.

Cầm tinh con gà, chị Hà cười bảo có lẽ mình giống con gà ở cái nết bới bới nhặt nhặt, xòe cánh che chở cho con… “Có điều, tôi chăm con nhưng không chiều con - đó là hai khái niệm khác hẳn nhau. Đôi khi tôi thậm chí còn phải cố tình làm mờ vai trò của mình đi để bọn trẻ biết đường mà không quá trông chờ vào đó, và hơn hết, không đánh mất đi sự tự tin”.

Tiến thì lại cầm tinh con ngựa, nhưng trừ những lúc tự tin cầm đàn đứng trước khán phòng đông người hoặc những vị giám khảo khó tính, em lại thiên về hướng nội. “Cứ bảo ngựa là phải chạy, nhưng xem bức tranh cụ Nghiêm (danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - PV), vẽ năm Nhâm Ngọ, trông con ngựa của cụ lại hiền và thong dong lắm”, bà mẹ có đứa con tuổi ngựa cười bảo. Hỏi Tiến đã bao giờ đọc văn của cụ ngoại, cố nhà văn Nguyễn Tuân chưa, thì mẹ Tiến kể, có lần em chạy ra kêu với bà ngoại: “Bà ơi, bố của bà viết văn sợ cực!”. Ấy là lúc em đọc cuốn Chùa Đàn. Còn cô chị đọc đến tập Tùy bút Sông Đà thì kêu: “Khiếp, văn cụ ngoại đọc trẹo hết cả lưỡi!”. Nhưng chị Hà vẫn kiên nhẫn khuyến khích con đọc những cuốn sách “của nhà trồng được”, vì chị tin rằng lâu dần chúng sẽ ngấm ít một, như đã từng ngấm vào chị. Để có ngày chị nói được với các con cái điều lớn lao nhưng cũng vô cùng giản dị đó: “Hãy cố gắng sống cho đẹp!”.

(Nguồn: https://thanhnien.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...