Dòng chảy nốt nhạc Trịnh Công Sơn

01/04/2015

Trịnh công Sơn (28/02/1938-1/4/2001), quê ở Làng Minh Lương, Tổng Vĩnh Tri, Huyện Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của tân nhạc Việt Nam, trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình ông đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam trên 600 tác phẩm hầu hết là những bản tình ca nhẹ nhàng sâu lắng cô đọng đi sâu vào lòng người, mà nhạc sĩ Thanh Tùng từng gọi Trịnh Công Sơn “người Việt viết tình ca hay nhất thế kỉ”.

Ngoài ra, ông không chỉ được biết đến với danh xưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà ông còn là một nhà thơ, một họa sĩ với nhiều tác phẩm để đời.

Tôi còn nhớ Trịnh Công Sơn có một câu viết nổi tiếng là “khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang hát về cuộc tình của mình, hãy hát đi đừng e ngại, dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn” câu viết ấy nhạc sĩ không chỉ viết ra để trao gửi đến mọi người mà trước tiên là trao gửi cho chính ông, bởi lẽ chính sự chân thành trong từng nốt nhạc của mình mà ông đã mang được cái hồn của bản nhạc đến với người nghe và ca sĩ thể hiện thành công nhất những tác phẩm đó không ai khác là ca sĩ Khánh Ly cũng góp phần làm cho nhạc Trịnh bay cao bay xa vượt qua cả biên giới để đến với thế giới. Những ai tiếp xúc với nhạc Trịnh đều có ý kiến cho rằng” những ai thực sự trải đời, thực sự hiểu được những thăng trầm của cuộc sống thì mới cảm nhận được thực sự cái hồn của nhạc Trịnh” còn với tôi, cô gái 19 tuổi vẫn còn quá trẻ để đến và cảm nhận cái hồn nơi những bài hát ấy, nếu có tìm đến thì cũng do sự tò mò và hiếu kì muốn nghe và cũng muốn cảm nhận như những con người yêu nhạc của ông. Nhạc của tác giả họ Trịnh đó đã chạm tới biết bao nhiêu trái tim của người nghe làm tan chảy theo dòng hoài niêm, thực tại của quá khứ mang tên dòng đời, tôi thường vào quán cafe nào đó để thưởng thức vài bản nhạc Trịnh để đắm mình vào những giai điệu ru dương đến lạ kì. Mỗi lần nghe nhạc của ông tôi lại một lần tự đặt ra câu hỏi cho chính mình “phải chăng chính quê hương mảnh đất Huế trầm tư cùng dòng sông Hương thơ mộng như níu chân người lữ khách đã phả vào tâm hồn ông những giai điệu sâu lắng, trữ tình, để rồi người lữ khách phương xa ấy buộc phải thốt ra một tiếng thở dài” và giờ đây khi ai đã đến với nhạc của ông thì cũng như bị níu chân cùng những tiếng thở dài khó hiểu. Bài hát “ướt mi” là một trong những bài làm nên tên tuổi và để thính giả nhớ tới nhạc Trịnh ngay từ những năm đầu viết nhạc.

Trong hàng trăm bài hát ấy, có một bài hát mà Trịnh Công Sơn đã hát trong xúc động, trong niềm hân hoan chiến thắng của dân tộc, đó là bài hát “nối vòng tay lớn” được Trịnh Công Sơn hát vào giờ khắc cả nước ăn mừng chiến thắng đó là ngày giải phóng Sài Gòn - Gia Định ắt hẳn khoảnh khắc đó chẳng thể nào quên. Bài hát sáng tác vào những năm 60 của thế kỉ XX, đó là những năm tháng mà hai miềm Nam, Bắc theo hai chế độ chính trị khác nhau, miền Nam theo chế độ Việt Nam Cộng Hòa còn miền Bắc đang trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa, bài hát ra đời như một công cụ vũ khí tinh thần hữu hiệu cho mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, trải dài bài hát là nhịp điệu chắc, tiết tấu nhanh như mang một dáng vẻ hiên ngang oai hùng, ông đã mang vào bài hát không chỉ là sức mạnh đoàn kết, tinh thần chiến đấu cao để cổ vũ nhân dân miền Nam anh hùng mà ông còn mang vào bài hát những hình ảnh về cảnh vật như “ rừng, núi, mặt đất, bão, cát, gió, thác, biển” những hình ảnh gắn bó với bước chân của anh bộ đội cụ Hồ trong cuộc chiến đấu, như hát vang bài ca về sự quyết tâm tinh thần không sợ gian khó để chờ đến ngày thống nhất hai miền Bắc Nam. Tôi thấy nơi đâu trong bài hát dòng máu dân tộc cũng đang sôi sục như thúc giục tình yêu dành cho quê hương cho anh em miền Nam đang ngày đêm chiến đấu “bàn tay ta nắm nối tròn một vòng tử sinh…từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay…nắm tay nối liền” hình ảnh bàn tay nắm bàn tay sao thiêng liêng và ấm áp đến thế, có lẽ chính tình yêu, tình đoàn kết đã tạo nên sức mạnh lớn lao của dân tộc trước những khó khăn chồng chất khó khăn. Tôi đã từng đọc bao nhiêu bài thơ, học bao nhiêu văn bản, và nghe biết bao nhiêu bài hát về thời kì oai hùng ấy nhưng khi đến với nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn mà biết bao nhiêu thế hệ học sinh, sinh viên đã cất cao tiếng hát thì trong lòng tôi như được sống lại với dòng lịch sử của dân tộc và càng hiểu hơn vì sao một đất nước nhỏ bé có thể kiên cường đấu tranh không bao giờ lùi bước để giành lại độc lập, thống nhất đất nước, ắt hẳn không thể chối cãi rằng đất nước ta tuy nhỏ bé về diện tích nhưng tinh thần dân tộc thì lan tỏa đến cả thế giới để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.

Cảm ơn người nhạc sĩ tài hoa ấy đã mang đến cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung và những người biết yêu và thưởng thức nhạc Trịnh nói riêng những bài hát ý nghĩa, còn với tôi nhạc Trịnh như một con đường xưa cũ để khi muốn tìm lại điều gì tôi sẽ trở về suy ngẫm với những phút giây yên bình đến kì lạ và có lẽ bởi vậy mà nhạc Trịnh trong tôi đang ngày càng ăn sâu vào những dòng suy nghĩ, dòng suy nghĩ dài và thấm đẫm sự đời như chính nhạc Trịnh vậy. Bởi vậy mà Lê Bá Duy đã viết bài thơ “nhớ Trịnh Công Sơn”, như một cách để ca ngợi người nhạc sĩ tài hoa ấy :

“Biết bao ca khúc để đời
Mêng mang một nỗi đất trời cưu mang
Tà dương lặn xuống địa đàng
Trở về cát bụi hóa vàng thiên thu”.

(Nguồn: http://motthegioi.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...