Đời vắng bóng tri âm
Ông là người con duy nhất của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn theo nghiệp đàn của bố, chơi ghi ta Hawaii. Coi cây đàn như một cuộc chơi, một cuộc chơi mang lại cho ông nhiều hạnh phúc và cả những nỗi buồn, những lặng lẽ. Nhưng đến bây giờ ở tuổi 60, nghệ sĩ Đoàn Đính nói, ông không ân hận vì đã chọn ghi ta Hawaii.
Nghệ sĩ Đoàn Đính đang sống trong những hoài niệm. Hoài niệm về người cha thân yêu. Về không gian xưa cũ mà ông từng sống. Về mối tình lớn trong cuộc đời ông với cây đàn ghi ta Hawaii. Tất cả vẫn còn vẹn nguyên trong tâm tưởng ông. Trong những ngày đầu thu, Hà Nội trở gió heo may, khiến tâm trạng người nghệ sĩ càng lạ lùng.
Lâu lắm rồi, ông mới trở lại sân khấu, và sẽ chơi những bản nhạc của bố trong đêm “Thu về trên phố” ở Hà Nội. Trong đó, có bản nhạc, mà trước khi mất, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn muốn được nghe lại. Bài Vĩnh biệt, do ca sĩ Ánh Tuyết hát. Bản nhạc ấy cũng được làm nhạc tang đưa tiễn ông về cõi thiên thu. Lần này, Đoàn Đính sẽ chơi trên cây đàn của bố để lại. 70 năm. Cây đàn đã cũ. Nhưng hồn cốt của nó thì vẫn vẹn nguyên. Cầm cây đàn mà bố đã từng dùng nó để viết nên những bản tình ca bất hủ, giọng ông rưng rưng: “Đây là cây đàn bố tôi đã từng chơi, (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn được đánh giá là một trong những cây ghi ta Hawaii nổi tiếng của Việt Nam).
Ông mua từ bên Pháp về. Sau này hãng nhạc Sơn lấy làm mẫu và sản xuất ra các loại ghi ta Hawaii cho nghệ sĩ Việt Nam chơi. 70 năm rồi, gỗ đã khô lại nhưng không hề cong vênh. Tôi có hơn chục cây đàn, nhưng cây đàn này lạ lắm, chỉ cần chạm vào gỗ, độ rung ngân đã vang lên, sâu lắm. Tôi có cảm tưởng như hồn bố nhập vào cây đàn, như một người nào đó chơi đàn chứ không phải tôi nữa, tiếng đàn day dứt lắm”.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và vợ con.
Nghệ sĩ Đoàn Đính có rất nhiều cây đàn, thậm chí có cả những cây đàn đắt tiền. Nhưng không hiểu sao, tiếng ghi ta Hawaii 70 tuổi này luôn làm ông xúc động. Bởi, dường như cây đàn cũng có linh hồn. Nói rồi, ông mở cho tôi nghe đĩa nhạc Đoàn Chuẩn mà ông chơi bằng cây đàn của bố. Trong buổi sáng Hà Nội đầu thu se lạnh và mưa phùn ấy, tiếng đàn ông càng day dứt nỗi buồn
Và cũng bắt đầu từ những hoài niệm, khi ở cái tuổi không còn trẻ nữa, ông sẽ mở một quán nhạc xưa. Nơi bạn bè ông tụ bạ, chơi đàn cho nhau nghe. Nơi mọi người có thể đến và hát về những bản tình ca của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, của Văn Cao, của Nguyễn Văn Thương. Nơi lưu giữ lại những ký ức xưa. Và nơi đó, Đoàn Đính hàng đêm sẽ chơi ghi ta Hawaii. “Càng ngày, cây đàn này càng vắng bóng trong đời sống, những người trẻ gần như không biết cây đàn ghi ta Hawaii. Tôi sợ một lúc nào đó, không còn ai nhớ và biết đến nó nữa”.
Ông dự định mở một lớp học dành cho những người trẻ, khi nỗi lo về thế hệ kế cận gần như vắng bóng. Tôi thắc mắc vì sao ông mở quán nhạc trong thời điểm khó khăn này, ông cười: “Mở để lỗ thì dễ mà, nhưng cái lãi lớn nhất là được mọi người biết đến cây đàn ghi ta Hawaii gần như đang bị quên lãng. Tôi thấy đã muộn quá rồi nếu mình không bắt đầu”.
Rồi Đoàn Đính nói say sưa về cây đàn mà ông đã dành cả đời mình gắn bó. Từ khi sinh ra, mỗi buổi sáng thức dậy, ngôi nhà của ông ở Hải Phòng và sau này chuyển lên Hàng Cót, Hà Nội luôn ngập tràn âm thanh ám ảnh đó. Thế rồi, tiếng đàn đi vào thế giới của ông, mang theo những giấc mơ. Năm lên 9 tuổi, ông đã biểu diễn ghi ta Hawaii cho bạn bè nghe.
Ông kể: “Ký ức của tôi là mỗi sớm mai thức dậy, nghe tiếng đàn của bố, đôi lúc không hiểu nó phát ra từ đĩa than hay từ đôi tay điêu luyện của bố tôi nữa. Ngày nào ông cũng luyện tập. Ông chơi đàn tay trái cũng điêu luyện như tay phải. Thời đó, tôi còn nhớ, chính bố tôi đã góp phần xóa nhòa định kiến cho rằng, cây đàn ghi ta Hawaii rất nghèo nàn”. Thời đấy, ông được bố trực tiếp dạy đàn. Ký ức là những buổi lẽo đẽo theo bố đi hết Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn.
Những chuyến rong chơi, biểu diễn, tụ bạ bạn bè của bố đã trở thành ký ức tuổi thơ đẹp của ông Đoàn Đính. Ngày đó, gia đình cụ Đoàn Chuẩn mở rạp Đại Đồng, một địa điểm để mọi người có thể đến và chơi nhạc. Ông lớn lên trong không gian âm nhạc đó. Thế rồi, âm nhạc thấm vào máu ông, đến nỗi, ông bảo: “Thế giới của tôi được lấp đầy bằng âm thanh của những nốt nhạc, nên không thể học thêm được ngoại ngữ hay bất cứ một thứ gì khác ngoài âm nhạc”.
Ghi ta Hawaii là cây đàn khó học. Thời nhỏ, ông thường bị bố đánh đòn, nhiều lúc toét cả tay vì chơi lạc nốt, phô và chênh. Những trận đòn đáng nhớ đã giúp Đoàn Đính đứng lên và tìm cho mình một con đường riêng. Cũng giai điệu buồn ấy, nhưng khi Đoàn Đính cất lên tiếng đàn, nó sẽ ám ảnh, day dứt hơn. Bởi ông đã từng được sống trong thế giới của những bản tình ca đó, hiểu và cảm nhận được nó theo cách của mình. Bởi may mắn, vì ông là con của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.
Nếu không có sự dày công của bố, và niềm đam mê của bố truyền cho mình, thì có lẽ, ông sẽ không đi được đến cùng với ghi ta Hawaii. Ông nói, đó là may mắn của cuộc đời mình. Tất cả các sáng tác của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đều trên cây ghi ta Hawaii này. “Chơi ghi ta Hawaii đòi hỏi sự kiên trì và niềm đam mê vô tận. Bởi nó chỉ là những phím ảo, đòi hỏi khả năng thẩm âm tuyệt vời. Đó là sự rung ngân của sóng biển, của những hàng dừa xanh, của không gian mênh mang trải dài trên bờ cát. Có cái mênh mang của cát và gió. Nhưng nó cũng có cái sâu thẳm của đại dương”.
Đoàn Đính quan niệm, ông chơi đàn phải làm sao gần với tiếng hát nhất và cảm nhận thật sâu ca từ của bản nhạc, để nhập hồn vào bài hát. Thế nên, cùng một bản nhạc, nhưng ca từ thay đổi, thì tiếng đàn của ông cũng sẽ thay đổi theo. Như cách ông chơi bài Bến xuân của nhạc sĩ Phạm Duy và Văn Cao cũng sẽ khác với bài Đàn chim Việt sau này nhạc sĩ Văn Cao sửa lại lời.
Dù cùng chung một bản nhạc. Tâm hồn người nghệ sĩ phải thực sự cảm nhận được những cung bậc tình cảm, buồn vui, hạnh phúc hay đau khổ. Và khi tiếng đàn ngân rung, nó còn là tâm hồn của ông gửi gắm trong từng bản nhạc. Thế nên, có những bản nhạc, đánh hàng ngàn lần, mới ngấm được hồn cốt của nó.
Tiếng đàn của nghệ sĩ Đoàn Đính lặng lẽ đi vào đời sống của những người yêu nhạc. Những đêm diễn ở các phòng trà Sài Gòn, Hà Nội, rồi sau này, là những chuyến ra nước ngoài, sang Mỹ, sang Canada… Nhưng, ông luôn chơi đàn với tâm thế là một cuộc chơi mà tâm hồn nghệ sĩ như ông trót mang nặng đam mê. Ông không thể kiếm sống bằng cây đàn. Sau này, ông trở thành huấn luyện viên bi-a và có cơ hội đi nhiều nơi trên thế giới. Những chuyến đi đã cho ông cơ hội mang tiếng đàn vượt qua biên giới một quốc gia.
Một người bạn của ông nói rằng, một nghệ sĩ với tiếng đàn điêu luyện như Đoàn Đính, ở nước ngoài, hay đơn giản, ở Sài Gòn thôi, ông sẽ sống tốt bằng nghề. Đã có nhiều lời mời gọi. Nhưng ông chẳng mấy bận tâm. Ông chọn ở lại Hà Nội, nơi có mùa thu, và những ký ức tuổi thơ. Nơi đó, vẫn có một góc riêng, dù rất nhỏ dành cho ông và những bản tình ca buồn. Bởi ông chọn, không phải là ánh hào quang sân khấu mà là sự lặng lẽ, phía sau ánh đèn. “Chơi nhạc trước hết cho chính mình, để thỏa mãn niềm đam mê. Và nếu mọi người cùng đồng cảm, chia sẻ thì tôi rất hạnh phúc”.
Giản đơn vậy thôi. Đoàn Đính thích biểu diễn trong những khán phòng nhỏ, chỉ dăm ba người nghe và hiểu tiếng đàn hơn là trên sân khấu lớn mà chỉ là những ồn ào, xô bồ. Bởi ở đó, ông được trân trọng. “Tiếng đàn cần có tri âm. Giữa đời sống này, tìm được tri âm khó lắm. Tôi thích thú chơi miễn phí cho những người yêu và hiểu tiếng đàn còn hơn là có người bỏ tiền ra thuê mà chỉ nhận lại những lời nói ồn ào, vô cảm. Điều đó rất phổ biến trong đời sống hiện nay khiến nghệ sĩ chúng tôi chạnh lòng”.
Những người chơi ghi ta Hawaii giờ đã xấp xỉ tuổi 70. Người chơi thực sự có hồn, cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi sự khổ luyện, nhọc nhằn. Giới trẻ giờ chỉ chọn ghi ta, dễ học và dễ hiểu, còn ghi ta Hawaii, đòi hỏi người chơi phải nhọc lòng, nặng nợ với cả những giai điệu của nó. Ngay cả gia đình ông, các con cũng không đi theo nghề của bố, cái nghề vất vả, long đong và cơ cực. Đoàn Đính buồn bã thở dài: “Không biết rồi mai đây, tiếng đàn ghi ta Hawaii có còn trong đời sống quá bận rộn và xô bồ này nữa không. Bọn trẻ bây giờ sống quá nhanh và gấp, nên không đủ tĩnh tại để học và nghe. Bởi, nếu ai đã hiểu và yêu thì sẽ mê đắm với nó, chứ không hời hợt được”.
Ai đã từng nghe tiếng ghi ta của Đoàn Đính, có lẽ sẽ bị ám ảnh bởi những giai điệu buồn bã, da diết ấy. Bởi nỗi buồn thường sống lâu hơn là niềm vui. Nhưng cuộc sống, rất cần nỗi buồn, để con người sống nhân văn hơn. Đoàn Đính tin như vậy. Và ông tin, niềm đam mê bền bỉ của ông về cây đàn ghi ta Hawaii cũng sẽ tìm được những tri âm
(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)