Đọc “Rừng hát” của nhạc sĩ Trương Minh Phương: Tiếng lòng chan chứa tình người
Tuyển tập tác phẩm “Rừng hát” cho thấy một chân dung đồ sộ của tác giả - nhạc sĩ Trương Minh Phương. Một đời gắn bó với dải đất Bình Trị Thiên khói lửa, mỗi nốt nhạc, lời văn ông viết ra đều chan chứa tình người, tình đất đai đồng ruộng.
“Tặng em Phương…”
Tuyển tập tác phẩm “Rừng hát” của nhạc sĩ Trương Minh Phương được Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 1.2015 gây ngạc nhiên cho người đọc trước tiên bởi sự đồ sộ của sức sáng tạo người nghệ sĩ. Hơn 1.300 trang giấy khổ 19x27cm là quá trình cống hiến không mệt mỏi của nhạc sĩ Trương Minh Phương từ những ngày đầu tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến khi ông qua đời năm 2011.
Nhạc sĩ Trương Minh Phương và Tuyển tập “Rừng hát”. T.L
Cậu bé thiếu sinh quân Trương Minh Phương đã từng làm liên lạc của Ủy ban lâm thời Mặt trận Việt Minh tỉnh Lâm Đồng, chi đội 2 Giải phóng quân Nha Trang, rồi do có khiếu âm nhạc, được điều về Đoàn tuyên truyền lưu động Trung Bộ. Tháng 9.1948, Thượng tướng Trần Văn Trà gặp Trương Minh Phương khi đó mới 17 tuổi đầu, ấn tượng của ông còn lưu lại trong dòng thủ bút: “Kỷ niệm ngày gặp gỡ đồng bào Khu IV trong đó có em Phương kháu khỉnh, lanh lợi, dạn dĩ, có lẽ sẽ là một cán bộ tương lai của đất nước”.
Trương Minh Phương đã có một bước khởi đầu thuận lợi như thế, ai gặp cũng yêu mến. Năm 1948, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã xúc động ghi lại mấy dòng: “Tặng em Phương và tất cả những em Phương trên đất nước Việt Nam. Nước Việt Nam với 4.000 năm lịch sử đã trẻ lại với các em. Rồi nước Việt Nam cũng sẽ lớn lên với các em, và sẽ theo các em trên những bước đường rộng lớn”.
Sự kỳ vọng của một nhà thơ lớn đã không lầm, “em Phương” hồi nào đã trưởng thành, gắn bó cả đời với dải đất Bình Trị Thiên và có những cống hiến lớn cho sự nghiệp văn học nghệ thuật của khu vực miền Trung từ những ngày đầu giải phóng. Nhạc sĩ đã đi hầu khắp Trường Sơn để hiểu hơn về tình đất, tình rừng, tình người nơi đây và lấy đó làm đề tài chính trong những sáng tác của ông. Năm 1949, ông từng làm Trưởng đoàn Tuyên truyền xung phong tỉnh Quảng Bình rồi về công tác tại Ty Thông tin Quảng Bình, giữ chức vụ Phó Giám đốc Nhà văn hóa Bình Trị Thiên. Ngoài ra, nhạc sĩ Trương Minh Phương còn có một thời gian dài làm chuyên gia văn hóa tại Savanakhet (Lào). 30 giải thưởng lớn nhỏ trên các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, những huân huy chương trong suốt cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật chắc chắn là những minh chứng cụ thể nhất cho tài năng và sức sáng tạo không biết mệt mỏi của ông.
TS nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức- Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế hồi tưởng: “Nhạc sĩ Trương Minh Phương là người đi nhiều, viết nhanh, cấu tứ đề tài và giai điệu trong các ca khúc của anh rất gần gũi với quần chúng, dễ hát, dễ phổ cập. Với tác phong nhanh nhẹn, giản gị, cách nói chuyện dí dỏm, hài hước, anh luôn sống hòa đồng với những người xung quanh. Cho đến bây giờ, hình ảnh anh với nụ cười hóm hỉnh vẫn lưu giữ đậm nét trong tình cảm của thế hệ nhạc sĩ chúng tôi, những người em, người học trò của anh”.
Tấm lòng son lưu lại
Ngoài những tác phẩm âm nhạc như “Nhắn Cuội đêm trăng”, “Đắp lại đường xưa”, “Tổ khúc sông Gianh”, ca cảnh “Chuyến xe đêm”, tập ca khúc “Nhớ rừng”… đoạt các giải thưởng cao trong các cuộc vận động sáng tác âm nhạc toàn quốc và giải của Hội Nhạc sĩ, nhạc sĩ Trương Minh Phương còn là cây viết sân khấu cự phách. Ông viết nhiều đề tài, thể loại, kịch ngắn-dài, ca kịch, kịch thiếu nhi, kịch tuyên truyền cổ động… và ở lĩnh vực nào cũng để lại những dấu ấn sâu đậm.
Đọc kịch của ông trong tuyển tập “Rừng hát”, có thể nhận ra ngay nhân cách, trí tuệ và đạo đức cao đẹp của người nghệ sĩ chân chính. Người nghệ sĩ ấy luôn đau đáu với đời, xót xa vì những mảng xấu, hết lòng vun xới để cái tốt, cái đẹp được rực rỡ khoe sắc, tỏa hương. Vở kịch ngắn “Ngược chiều” đã đoạt giải Nhì về tuyên truyền pháp luật của Bộ Văn hóa Thông tin cho thấy tấm lòng son của ông dành cho cuộc đời và thế hệ trẻ. Thông qua câu chuyện của cô giáo trẻ đi vào đường ngược chiều, gặp đúng vị phụ huynh học sinh của mình là cảnh sát giao thông ở đó, người cảnh sát theo lời năn nỉ của con gái muốn tha cho cô giáo khỏi bị phạt. Tuy nhiên, cô giáo đã có một ứng xử vô cùng bất ngờ khi nhất quyết xin người cảnh sát cứ ghi vé biên lai phạt mình, bởi cô không muốn “chỉ vì 50.000 đồng mà đánh mất cái quý giá, sự trong trắng của tâm hồn trẻ”.
Lời thoại của cô giáo trong vở kịch khiến bất cứ ai có lương tri đều phải suy ngẫm: “Chúng ta phải tạo cho trẻ em có cơ hội nhận thức được sự giá trị của bản thân trong môi trường mà các em cảm thấy là nơi nương tựa an toàn. Phải giáo dục, chuẩn bị cho các em có thể sống một cuộc sống có trách nhiệm với xã hội”. Hoàn cảnh xã hội hôm nay khiến chúng ta càng thấy thấm thía hơn điều này, không thể đòi hỏi một lớp trẻ lớn lên với tâm hồn trong trắng, không vụ lợi, thượng tôn pháp luật, sống vì lẽ phải nếu người lớn lãng quên trách nhiệm “làm gương”.
Có thể học được từ những vở kịch, truyện ngắn và đặc biệt là những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhạc sĩ Trương Minh Phương rất nhiều những điều tuyệt vời như vậy. Ngôn ngữ dùng để chuyển tải tư tưởng của ông rất giản dị, dễ hiểu, mộc mạc và chân phương, thế nhưng sức nặng và giá trị nhân bản đem đến cho độc giả là vô cùng ấn tượng. Bài học về luân lý ở đời, lối sống, cư xử nhân nghĩa giữa người với người thông qua các vở kịch như “Hoa hướng dương”, “Ngôi sao xuống thấp”, “Tiếng chim giữa mùa đông”, “Trái đắng, trái ngọt”… sẽ còn mãi những giá trị tốt đẹp.
Cho dù ông đã kết thúc hành trình của mình trên cõi thế, nhưng những tác phẩm nhạc sĩ Trương Minh Phương để lại cho đời vẫn tiếp tục sứ mệnh cao cả của nó. Sẽ còn mãi những giai điệu hàn gắn những vết thương, xoa dịu những nỗi đau, ngợi ca cuộc sống. Sẽ còn mãi những lời văn như luồng nước trong trẻo để rửa đi những bụi bặm, nhem nhuốc ở đời.
Văn là người, nhạc là người, từ văn, từ nhạc của nhạc sĩ Trương Minh Phương, có thể hình dung ra chân dung một con người có tấm lòng đôn hậu, thanh cao, một nhân cách tử tế và hết sức có trách nhiệm với đời sống, xã hội. |
(Nguồn: http://danviet.vn)